Theo báo cáo “Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019” vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018. Sự thăng hạng này là kết quả góp sức của nhiều ngành, nhưng trong đó có sự góp sức đặc biệt của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Theo đó, chỉ số thành phần ứng dụng CNTT của Việt Nam đã tăng 54 bậc, vươn lên thứ 41 thế giới. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã tăng 50 bậc về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu so với kỳ xếp hạng trước của ITU (Liên minh Viễn thông quốc tế), từ thứ 100 lên 50/175 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 |
Chuyên viên đánh giá bảo mật làm việc tại Trung tâm Điều hành an ninh mạng CMC NextGen SOC. Ảnh: THÙY LINH |
Theo ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2019, một số báo cáo của các tổ chức uy tín trên thế giới đã ghi nhận công tác bảo đảm an toàn thông tin của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể là sự phát triển sản phẩm bảo mật của các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng, vai trò của cơ quan nhà nước trong công tác bảo đảm an toàn thông tin, nhận thức và trách nhiệm chung của người dùng cũng như các doanh nghiệp hoạt động trên môi trường internet đã tăng lên. Dẫu vậy, ông Trần Quang Hưng nhấn mạnh, những con số báo cáo không thể phản ánh toàn bộ thực trạng an ninh mạng tại Việt Nam. Vì vậy, mọi đơn vị, tổ chức phải luôn tăng cường cảnh giác, bảo đảm công tác an toàn thông tin ngày một tốt hơn, không được chủ quan.
Dự báo về hình thức tấn công mạng trong thời gian tới, ông Hưng chia sẻ, kỹ thuật công nghệ mới kết hợp với nhóm tin tặc có trình độ tinh vi được tài trợ bởi các nhóm khủng bố hoặc thế lực thù địch sẽ khiến các cuộc tấn công mạng diễn ra nguy hiểm hơn. Những cuộc tấn công này không đơn thuần chỉ nhắm vào các tổ chức đơn lẻ mà tập trung vào các hệ thống điều khiển trọng yếu liên quan đến chính phủ điện tử, tổ chức tài chính, thành phố thông minh… để lấy cắp dữ liệu và phá hủy hệ thống. Theo đó, để tiếp tục giữ thứ hạng tốt và cải thiện chỉ số an toàn thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi tư duy. Nếu trước đây chỉ đẩy mạnh triển khai ứng dụng và phát triển CNTT thì giờ đây ứng dụng và phát triển CNTT phải song hành cùng an ninh mạng. Trong mọi dự án, CNTT đều phải có cấu phần an toàn, an ninh mạng như một cấu phần bắt buộc. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạng tối thiểu 10% tổng kinh phí chi cho CNTT. Bên cạnh đó, ý thức của mỗi cá nhân về vấn đề an ninh thông tin cần phải thay đổi. An toàn, an ninh mạng liên quan trực tiếp đến từng cá nhân, doanh nghiệp, không đơn thuần là việc của riêng Chính phủ, cơ quan chuyên ngành hay các chuyên gia. Nếu mỗi người tự thay đổi thói quen của mình sẽ nâng lên đáng kể việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, Việt Nam phải làm chủ công nghệ bảo đảm an ninh mạng. Cơ quan nhà nước phòng, chống tấn công mạng cần ưu tiên, sử dụng các sản phẩm “Make in Vietnam”. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp tiên phong nhằm phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Hệ sinh thái là một mô hình tổng thể, toàn diện và đầy đủ giải pháp. Doanh nghiệp có thế mạnh về giải pháp nào sẽ được giao để tập trung phát triển chuyên sâu, chuyên nghiệp về giải pháp đó, được ưu tiên và khuyến nghị sử dụng.
Theo ông Trần Quang Hưng: Tin tặc luôn ẩn danh và có thể tấn công mạng bất cứ lúc nào. Do đó, các tổ chức, đơn vị cần chủ động phản công, phản công không phải tấn công lại mà khiến quá trình tấn công mạng của tin tặc gặp khó khăn hơn. Ông Hưng phân tích: “Khi chúng ta đầu tư hệ thống bảo vệ, tin tặc cũng phải đầu tư công cụ và con người để đối phó, phát triển những mã độc đặc thù dành riêng cho hệ thống của chúng ta. Nếu chúng ta làm giảm tỷ lệ thành công của các cuộc tấn công mạng trong khi chúng cũng cần dành nhiều nguồn lực hơn để thực hiện mưu đồ đó sẽ khiến tin tặc buộc phải cân nhắc”.
TRÀ MY