QĐND - Nếu như Ác-hen-ti-na - Hà Lan là một hình thái bán kết quen thuộc với sự thận trọng của cả đôi bên thì trận bán kết Bra-xin - Đức là một trận pháp lạ lùng, mạo hiểm chưa từng có từ phía HLV Xcô-la-ri và đội quân của ông.

Thật là liều lĩnh và hão huyền khi cả hàng thủ, hàng công đều mất người chủ chốt mà ông Xcô-la-ri dám tung quân hòng đánh đòn phủ đầu trước quân Đức được tổ chức chặt chẽ, kinh nghiệm dạn dày. Sau đòn trừng phạt thứ nhất của Đức từ tình huống bóng chết, hàng thủ Bra-xin đã bộc lộ sự rối loạn, phân tâm, vị tướng già mắc tiếp sai lầm khi không kịp thời tổ chức lại trận địa phòng ngự. Với cú đà đao đơn giản, quân Đức đã hạ sát dễ dàng đối thủ. Bra-xin vỡ trận.

Thảm họa nào cũng có nguyên nhân trực tiếp của nó. Ở đây chính là cách lựa chọn đấu pháp hoàn toàn sai lầm của Xcô-la-ri. Ông ngộ nhận về năng lực của đội bóng? Ông muốn gây bất ngờ? Có cả. Nhưng quan trọng hơn, ông sợ đội Đức, đánh bài phiêu lưu. Quân Bra-xin không mạnh so với đối phương ở cả ba tuyến, thế trận cầu may sớm thất bại, sự hoảng loạn tất yếu đã đến và vô phương gượng dậy.

Đằng thẳng ra, nếu chấp nhận chơi "cửa dưới" tổ chức thế trận phòng ngự số đông, chặt chẽ, Bra-xin vẫn có thể trì hoãn thế công mạnh của Đức và dù có thua nhưng khó có thể thua tan nát đến 1-7. Cảm thông cho vị tướng già trước sức ép "chủ nhà" quá kinh khủng đã lựa chọn sự liều mạng còn hơn giơ ngực chịu đấm.

Nguyên nhân trực tiếp của trận thua đậm lịch sử là vậy nhưng sâu xa, bóng đá Bra-xin những năm tháng này không còn là chính họ, không còn là vùng đất màu mỡ sản sinh ra hàng loạt ngôi sao hàng đầu thế giới. Phải chăng, định hướng Âu hóa đã làm phai mờ bản năng, bản sắc samba kỹ thuật và ngẫu hứng trong các lứa trẻ Bra-xin? Phải chăng, ước mơ đổi đời của những đứa trẻ ở các khu ổ chuột là phải đến châu Âu và các nước giàu có đã trở thành nền tảng cho định hướng đó?

Khó có cơ sở để chê trách Xcô-la-ri khi không triệu tập những "nhà kỹ thuật" như Ka-ka, Rô-bin-nhô... hay ai đó vào đội tuyển. Họ hoặc đã quá lứa lỡ thì hoặc còn non yểu, vô danh. Điểm lại, sân cỏ cả Âu lẫn Nam Mỹ bây giờ trừ Nây-ma, không có cầu thủ Bra-xin nào sánh được với những siêu sao từ các nước láng giềng như: Mét-xi, Đi Ma-ri-a, Hi-gua-in, L'Xoa-rét, Ca-va-ni, Phan-cao, G.Rô-đri-ghết... Ngay cả cỡ Vi-đan, Xan-chét, Gua-rin... cũng khó so đọ. Hàng công tuyển Bra-xin năm nay có ai được điểm mặt nhớ tên ở các CLB lớn châu Âu đâu. Bóng đá Bra-xin đang tụt hậu về tài năng và khủng hoảng, mất phương hướng phát triển. Theo dõi những cuộc thay ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia càng thấy rõ sự khủng hoảng này. Đun-ga dở dang trên con đường thực dụng. Mê-nê-dét không vực dậy nổi bản sắc truyền thống. Xcô-la-ri trở lại kiểu Đun-ga rồi cũng nửa vời.

Người ta lại nhắc đến cái "thiệt thòi" của chủ nhà khi không phải tham dự vòng đấu loại. Đúng đấy, cơ hội đá thật, kiểm chứng, sàng lọc tuyển thủ, lối chơi không có làm sao biết được thực chất sức mạnh của đội bóng. Hai lần vô địch Confed Cup tại Nam Phi (2009) và Bra-xin (2013) chẳng nói lên điều gì. Thử nghiệm và giao hữu chỉ là thử nghiệm, giao hữu mà thôi.

Một cuộc tự sát tập thể, một cuộc đốt đền nhưng không đốt tiền đã xảy ra. Tiền đã về FIFA và Liên đoàn Bóng đá Bra-xin. FIFA World Cup Bra-xin thu bộn tiền còn thu hoạch cho bóng đá đất nước chủ nhà thì không. Người ta sẽ còn mổ xẻ nhiều, nhưng rõ ràng để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh khủng này phải là cuộc đại cách mạng tìm lại bản sắc, phải là cuộc đổi thay từ thượng tầng đến những bãi bóng đường phố.

Từ thảm họa Maracana 1950, bóng đá Bra-xin đã đứng dậy trở thành người khổng lồ bá chủ thế giới. Thảm họa Mineirao ở thành phố "chân trời tươi đẹp" Belo Horizonte hy vọng sẽ là động lực để bóng đá samba mở ra bầu trời mới. Có thể chăng, hai năm nữa, bắt đầu từ lứa trẻ Olympic Rio de Janeiro 2016.

NGUYỄN MẠNH