QĐND - HLV Trần Công Minh: Hai bên đều khớp
Trận đấu thoạt nhìn tưởng rất thường vì hai bên đá chậm nhưng thực chất, đó là cuộc đọ sức của hai cao thủ. Họ ra chiêu chậm, người thường ai cũng nhìn thấy, rồi kêu: Sao chẳng biến hóa gì cả, sao không đá nhanh, tốc độ? Ấy là vì hai đội quá hiểu nhau, đều chọn lối chơi thận trọng, phá lối đá sở trường của nhau. Nếu là CĐV của Đức hay Ác-hen-ti-na, tôi tin xem trận này sẽ hại rất nhiều nơ-ron thần kinh vì căng thẳng, kịch tính. Cái sự căng thẳng nằm trong mỗi đường lên bóng chậm rãi, nhưng chỉ cần một sai lầm nhỏ thôi là đi cả cúp vô địch. Cầu thủ hai bên bị khớp nhưng cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về đội chơi tốt hơn, có cầu thủ dự bị chơi hay hơn. Cầu thủ vào sân thay người Pa-la-xi-ô đối mặt Noi-ơ nhưng lại hất bóng ra ngoài khung thành; trong khi Gốt-dơ đã ghi bàn thắng đẹp mắt vào lưới Rô-mê-rô. Nếu Pa-la-xi-ô làm tốt nhiệm vụ thì người Đức đã ôm hận.
Ông Phan Anh Tú (Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Hà Nội): Đức đã chuẩn bị rất tốt cho World Cup này
Tôi không bàn đến chiến thuật ở trận chung kết. Tôi muốn nói đến yếu tố thể lực, thì Đức hơn hẳn Ác-hen-ti-na. Nhờ thể lực tốt mà Đức đủ sức phong tỏa các đường lên bóng của đối thủ, kiểm soát hoàn toàn trận đấu. Nếu hai đội tận dụng tốt cơ hội thì tỷ số trận chung kết còn cao hơn. Dẫu sao, đây là trận chung kết xem được. Tôi muốn lưu ý là đội Đức đã chuẩn bị rất kỹ cho World Cup này, từ cách kế thừa lối chơi, nhân lực cho đến việc tập huấn chu đáo, kỹ càng. Cách đội Đức cho cầu thủ ở xa trung tâm, cầu thủ ở chung 5 phòng lớn cũng thật đặc biệt, giúp cầu thủ hiểu nhau hơn, đoàn kết, giải tỏa những ức chế, khúc mắc bấy lâu nay để đồng lòng, chung sức làm nên việc lớn.
Nhà báo Vũ Công Lập: Chiến thắng của sự lao động bền bỉ
 |
Đội tuyển Đức đã hóa giải "lời nguyền" suốt 80 năm qua là cúp vàng luôn ở lại Nam Mỹ mỗi khi World Cup tổ chức tại đây. Ảnh: FIFA |
Đội Đức đã trải qua một quá trình lao động bền bỉ, gian khổ, kéo dài 10 năm để có ngày "hái quả ngọt". Họ kiên trì xây dựng con người, xây dựng lối chơi và quan trọng không kém, biết cách vượt qua sức ép bên ngoài. Không ít lần dư luận Đức đòi “trảm” Klin-xman, H. Lớp… Áp lực đè lên Liên đoàn Bóng đá Đức và đội tuyển Đức lớn đến nỗi, Thủ tướng Méc-ken phải động viên ban huấn luyện đội tuyển Đức hãy vững tay chèo. Chức vô địch World Cup 2014 là kết quả của sự lao động bền bỉ từ thời Klin-xman, được kế thừa và phát huy dưới triều đại H. Lớp. Bóng đá Đức thành công còn ở khâu đào tạo trẻ, cầu thủ phải khỏe, bền bỉ và có khả năng chuyên môn tốt. Còn một yếu tố nữa tôi muốn nói đến ở đây là công nghệ hiện đại đã giúp đội Đức mạnh lên. Đó là công nghệ về y học, điều trị chấn thương, công nghệ tính toán các thông số chiến thuật, sức mạnh của cầu thủ đối phương… Đã có lúc, người ta bảo cần gì công nghệ, hay công nghệ không cần thiết nhưng rõ ràng, đội Đức đã chiến thắng một phần nhờ mạnh hơn đối thủ về khả năng làm chủ và vận dụng công nghệ.
Chuyên gia Đặng Gia Mẫn: Bàn thắng của Gốt-dơ đã cứu trận chung kết
Với tôi, trận chung kết này không có nhiều điều để nói. Hai đội chơi quá thận trọng. Về mặt chiến thuật thì Sa-bê-la và H. Lớp đều tỏ ra cao tay với cách bố trí đội hình, nhân sự hợp lý. Bàn thắng của Gốt-dơ đã cứu trận chung kết. Đó là pha làm bàn cực kỳ đẳng cấp, thể hiện đúng hình ảnh của đội Đức tại World Cup 2014. Chiến thắng của đội Đức là chiến thắng của lô-gích, là cái kết có hậu cho World Cup 2014.
CĐV Đỗ Thị Phương Thảo (Thái Nguyên): Đức bản lĩnh hơn
Cộng đồng mạng và CĐV Việt Nam đều cổ vũ cuồng nhiệt cho Đức lẫn Ác-hen-ti-na. Trận chung kết cho thấy hai đội quá hiểu nhau. Mét-xi thể lực không tốt nhưng việc anh ở trên sân cũng khiến hàng thủ Đức đau đầu. Hàng công đôi bên đều chơi dưới sức, phối hợp hay nhưng đến khâu dứt điểm thì tâm lý quá, thậm chí “sướng” quá nên hỏng ăn. Nếu Hi-gua-in ghi bàn từ sai lầm của Krốt, tôi tin Đức khó có cơ hội lật ngược thế cờ. Nhưng xét toàn cục, Đức bản lĩnh hơn và việc họ lên ngôi vô địch là xứng đáng.
ĐÌNH HÙNG-MINH MINH (ghi)