Người đầu tiên tôi thường hay nhớ đến là cụ Phạm Thọ Tầng, nguyên Viện trưởng Viện Điều dưỡng, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ Tầng ở gần nhà tôi, cả cuộc đời gắn bó với nghề thầy thuốc. Hơn 30 năm kể từ khi nghỉ hưu, cụ Tầng gần như dành trọn thời gian và tiền bạc của mình để làm việc thiện, từ chữa bệnh dạ dày miễn phí giúp người nghèo đến tiên phong trong công tác khuyến học của địa phương, dành tiền lương hưu hỗ trợ các gia đình khốn khó và trao học bổng cho các cháu học giỏi… Nói về cụ Tầng, người dân phường Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội) thường tôn kính gọi là “Tiên ông”, bởi cụ không chỉ tận tình giúp đỡ mọi người mà tuy đã gần 95 xuân, nhưng cụ rất khỏe mạnh, tinh anh; mỗi khi gặp người quen xuống xe khách ở điểm đỗ cạnh nhà là cụ chủ động phóng xe gắn máy ra đèo về giúp, để họ đỡ tốn tiền đi xe ôm, tắc-xi…

 

Lương y Phạm Thọ Tầng chuyên chữa bệnh miễn phí giúp người nghèo. Ảnh: MINH HUY. 

Người thứ hai tôi thường nghĩ tới là Thượng tá Lê Đức Đoàn, với gần 40 năm làm cảnh sát giao thông và đã được bình chọn là Công dân ưu tú Thủ đô năm 2012. Ai biết về Thượng tá Đoàn cũng quý mến anh. Các “cư dân mạng” còn lập hẳn một trang web “Những người yêu mến Thượng tá Lê Đức Đoàn”, họ thường gọi anh là “bố Đoàn”, hoặc là “Tiên ông cảnh sát giao thông”, bởi “ông” cảnh sát ấy không chỉ xử lý những người vi phạm Luật Giao thông đường bộ bằng nụ cười là chính, mà còn tận tình hướng dẫn, thuyết phục họ có ý thức tự giác thực hiện văn hóa giao thông. Thượng tá Đoàn còn không quản hiểm nguy nhiều lần truy bắt cướp, ngay cả lúc chúng sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt khiến anh bị thương. Đặc biệt, “ông” đã trực tiếp cứu hàng chục người định nhảy xuống sông Hồng tự vẫn, rồi sau đó chân tình phân tích, động viên, giúp đỡ họ vượt qua cùng cực khốn khó, quyết tâm làm lại cuộc đời…

Nhiều nhất trong những tấm gương sống đẹp mà tôi được biết là Bộ đội Cụ Hồ, hoặc đã từng là bộ đội như “Tiên ông” Phạm Thọ Tầng.

Lần ra huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) công tác, được gặp nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi vô cùng xúc động, ngưỡng mộ và khi vào bờ đã viết được loạt bài “Sống đẹp giữa trùng khơi”, mỗi lần đọc lại là tự rơi nước mắt. Lên vùng biên giới Cao Bằng, gặp Trung tá Lê Văn Sơn (cán bộ Đồn Biên phòng Thị Hoa, được bầu là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang) đang mướt mải mồ hôi lội ruộng hướng dẫn dân bản cách trồng mía, tôi phần nào thấm thía sự vất vả hy sinh của người lính biên phòng này, khi biết đã hơn 20 năm nay anh luôn bám dân, bám bản vùng biên, góp phần biến xã Thị Hoa trở thành “điểm sáng” về xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Đồng đội của anh Sơn cho tôi biết, vì trách nhiệm với công việc nên rất hiếm khi anh nghỉ phép về nhà, và hầu như đêm nào ánh đèn trong phòng Bí thư Đảng ủy xã cũng sáng rất khuya, nhất là những đêm anh lặn lội xuống bản dự họp với các chi bộ thì lúc về ánh đèn càng thêm thao thức. Ở các vùng biên cương, hải đảo Tổ quốc, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ biết hy sinh lợi ích cá nhân vì nhân dân, đất nước như vậy.

Mới đây, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX và trước đó là Đại hội Thi đua yêu nước của các bộ, ngành, địa phương đã tuyên dương hàng vạn tấm gương hết lòng vì nước, vì dân. Mỗi tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến ấy đã lập những chiến công, thành tích trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung nhất là nỗ lực phấn đấu vì cộng đồng và quyết tâm “sống đẹp”. Hằng ngày, xem chương trình “Việc tử tế” phát sóng trên VTV1 và đọc chuyên mục “Người tốt-Việc tốt” trên các báo, chúng ta cũng được “gặp” bao tấm gương sống đẹp, để rồi mỗi người tự nhen lên trong mình niềm vui sống có ích cho gia đình, xã hội. Ngay xung quanh mỗi chúng ta có biết bao người tốt mà mỗi lần nhắc đến họ là chúng ta thêm yêu quý, mến phục; những lúc họ gặp hoạn nạn, khó khăn thì rất nhiều người hỏi thăm, giúp đỡ…


 Thượng tá Lê Đức Đoàn, một cán bộ Cảnh sát giao thông mẫu mực (nay đã nghỉ hưu). Ảnh: CTV. 

Cổ nhân đã dạy “Nhân nào quả ấy”, “Có phúc có phần”… điều đó thật đúng và chúng ta thường thấy rất rõ mỗi khi Tết đến, Xuân về! Dịp lễ Tết, có những người nghỉ hưu đã lâu, nhưng người quen và anh em cơ quan cũ dù ở xa vẫn rủ nhau đến nhà thăm hỏi, chúc Tết rất đông vui. Song cũng có ông khi đang chức trọng quyền cao thì bao người đến khúm núm xum xoe, nhưng lúc “hết thời” thì đành “chơi một mình”, bởi cứ nhắc đến ông là mọi người lắc đầu ngao ngán vì lúc đương chức ông chỉ toan tính tham lam... Thử hỏi, người “làm to”, giàu to mà “sống chán” như vậy thì có thấy thanh thản, hạnh phúc?

Tôi vô cùng tâm đắc với lời tâm sự của cụ Phạm Thọ Tầng, người đã sống gần trọn một thế kỷ: “Tớ ngẫm cả cuộc đời rồi. Làm được gì giúp cho mọi người là mình nên cố gắng làm thôi. Cuộc đời mỗi người giống như cơn gió. Mình có là làn gió ấm áp, mát lành thì bàn dân thiên hạ và cả con cháu mình mới quý mến, mới cần đến mình. Ngược lại, ai quá ham phú quý giàu sang mà bàng quan, vô cảm, không chịu làm điều thiện thì chẳng những xã hội cười chê, mà con cháu cũng khó bề quý mến. Chưa kể mẹ cha mà không mẫu mực thì con cháu rất dễ hư hỏng, đến lúc về già mới ngộ ra thì đã muộn rồi”.

Cuộc đời vốn dĩ là thế! Mùa xuân và nụ cười sẽ luôn nở trên môi với mỗi người “sống đẹp” và mỗi khi chúng ta làm việc tốt, như người xưa đã đúc rút: “Hạnh phúc là khi ta biết cho đi”, bởi “cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đến với trái tim”.

HUY QUANG