Không chuẩn bị tốt thì có thể thua thiệt trong hội nhập

- Đề nghị Đại sứ cho biết ưu tiên của Việt Nam tại LHQ-diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới, trong thời gian tới?

- Đối với Việt Nam, LHQ luôn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Năm 2015 chứng kiến bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giữa Việt Nam và LHQ với thành công của những sự kiện hết sức quan trọng: Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) thăm Việt Nam và khai trương Ngôi nhà xanh LHQ tại Việt Nam, công trình đầu tiên trên thế giới theo phương thức hoạt động thí điểm “Thống nhất hành động” của LHQ; lần đầu tiên một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, thăm trụ sở LHQ; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Hội nghị thượng đỉnh của LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới và tiếp xúc với các nhà lãnh đạo LHQ… Đặc biệt, Việt Nam đã được các nước thành viên tín nhiệm bầu vào Hội đồng Kinh tế xã hội của LHQ (ECOSOC) với số phiếu cao. LHQ cũng hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Năm 2016 là năm đầu tiên LHQ triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Đây là một chương trình rất chiến lược, có tính chuyển đổi sâu sắc với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều điểm không thuận. Chính vì vậy, ưu tiên của Việt Nam tại LHQ trong thời gian tới chính là nỗ lực đóng góp sức mình, chung tay cùng cộng đồng quốc tế xử lý các thách thức chung, góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

- Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Vậy theo Đại sứ, đối ngoại Việt Nam thời gian tới cần phải làm gì để thích nghi và tận dụng được những lợi ích từ việc hội nhập?

- Chúng ta đã và đang triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế với những thành công bước đầu rất quan trọng. Đã có bước phát triển rất quan trọng trong nhận thức về hội nhập quốc tế ở các cơ quan bộ, ngành và các địa phương của ta. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế là một sân chơi rộng lớn, nhiều bên, đa chiều, với lợi ích rất đa dạng, mâu thuẫn, cạnh tranh gay gắt, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì không dễ dàng để có thể tận dụng cơ hội của hội nhập, chưa nói đến việc có thể bị thua thiệt. Làm sao để hội nhập quốc tế thuận lợi, mang lại tối đa lợi ích cho đất nước là trăn trở của mỗi cán bộ ngoại giao. Tôi chỉ xin chia sẻ một số suy nghĩ từ trải nghiệm trong thời gian qua tại LHQ.

Thứ nhất, cần phải nâng cao hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong hội nhập. Từng lĩnh vực, từng địa phương cần xác định được thế mạnh của mình để từ đó chủ động đề xuất sáng kiến, kết nối, tìm đối tác. Chú trọng, chủ động tham gia sâu, có trách nhiệm ngay trong quá trình đàm phán, soạn thảo luật chơi. Trong năm 2016 có nhiều hoạt động đa phương quan trọng và sự tham gia tích cực của các bộ, ngành chức năng của ta trong các hoạt động này là rất cần thiết.

Thứ hai, hiểu rõ bài toán lợi ích. Bảo đảm lợi ích của ta, nhưng phải tính tới lợi ích của đối tác, lợi ích chung của cộng đồng. Không thể có quan hệ đối tác bền vững với tư duy ăn xổi, trục lợi. Lựa chọn, thúc đẩy lĩnh vực hợp tác vừa bảo đảm song trùng lợi ích trong quan hệ với các đối tác, vừa góp phần vào nỗ lực giải quyết các vấn đề chung của thế giới, tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước.

Thứ ba, trong khi đẩy mạnh hợp tác song phương, cần tăng cường hợp tác đa phương, cấp độ khu vực, liên khu vực. Hiện nay Việt Nam đã bước vào nhóm có thu nhập trung bình. Đó là kết quả tăng trưởng kinh tế nước ta được quốc tế ghi nhận, song đồng thời cũng gây khó khăn cho chúng ta trong huy động nguồn vốn từ bên ngoài khi không còn được hưởng các ưu đãi dành cho nước nghèo. Các dự án phát triển khu vực, liên khu vực có thuận lợi nhất định trong thu hút nguồn vốn, công nghệ.

Thứ tư, chú trọng kết nối cả ở trong nước với nước ngoài. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương ở trong nước và với các cơ quan đại diện của nước ta ở nước ngoài. Cần gây dựng mạng lưới đối tác, trân trọng giữ gìn để có được các quan hệ đối tác bền chặt.

Thứ năm, con người là yếu tố then chốt. Muốn hội nhập tốt, phải đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập, đặc biệt về ngoại ngữ, pháp lý, kỹ năng thương thuyết. Có chế độ, chính sách ưu đãi, khuyến khích cán bộ công tác trong các cơ quan, tổ chức quốc tế để tích lũy kinh nghiệm quốc tế, gây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương có trình độ ngang tầm khu vực và thế giới.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga và Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki - moon). Nguồn: Internet 


Không cảm thấy áp lực do là nữ Đại sứ

- Được biết, khối lượng công việc mà Đại sứ cũng như các thành viên phái đoàn phải giải quyết hằng ngày có thể nói là đồ sộ, nhất là năm 2015 khi trong 3 tháng liên tiếp, phái đoàn đón 3 đoàn lãnh đạo cấp cao. Đại sứ có thể chia sẻ một vài kỷ niệm trong giải quyết công việc?

- Các phái đoàn thường trực tại LHQ lúc nào cũng rất bận rộn vì LHQ có nhiều hoạt động trên các lĩnh vực rất đa dạng trong suốt cả năm, đặc biệt là vào dịp các khóa họp hằng năm của Đại hội đồng. Năm 2015 đúng là một năm “lịch sử”, bởi cùng với rất nhiều hoạt động đặc biệt kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ, số lượng các đoàn Việt Nam sang Niu Y-oóc có lẽ là kỷ lục, đặc biệt là có 3 đoàn lãnh đạo cấp cao.

Kinh nghiệm mà tôi sẽ nhớ mãi là việc thu xếp chương trình hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Phải làm sao để đáp ứng được tất cả các yêu cầu tiếp xúc đa phương, song phương, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam... trong bối cảnh thời gian eo hẹp, lãnh đạo phía bạn lại có chương trình công tác nước ngoài rất kín. Rất may mắn cho chúng tôi là nhờ có sự phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan trong nước, với Đại sứ quán ta tại Oa-sinh-tơn và sự hợp tác rất nhiệt tình của phía bạn, cuối cùng mọi việc đều diễn ra suôn sẻ.

-  Là nữ Đại sứ đầu tiên của Việt Nam ở LHQ, mong Đại sứ chia sẻ đôi chút về những áp lực mà mình đã gặp phải? Một câu hỏi hơi riêng tư một chút, Đại sứ sắp xếp thế nào để có thể cân bằng một cách hài hòa hai vai trò là Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ và là người phụ nữ trong gia đình?

- Làm Đại sứ, đại diện quốc gia là một công việc chịu nhiều áp lực. Tại LHQ, nơi tập trung 193 quốc gia thành viên và nhiều tổ chức quốc tế, xử lý lượng thông tin rất lớn hằng ngày về nhiều vấn đề cấp thiết của thế giới, áp lực đó lại càng lớn. Chính vì vậy mà đa số các đại sứ tại LHQ là những người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động ngoại giao đa phương và đã nhiều năm làm việc tại LHQ. Đây là lần đầu tiên tôi được đảm nhiệm nhiệm vụ người đứng đầu cơ quan đại diện, lại tại LHQ, nên áp lực chính đối với tôi là phải cố gắng học hỏi, xác định được ưu tiên và nhanh chóng bắt nhịp với guồng quay của các hoạt động của LHQ cũng như các nước thành viên.

Trước kia, có rất ít đại sứ, trưởng phái đoàn thường trực tại LHQ là phụ nữ. Tuy nhiên những năm gần đây, số lượng trưởng phái đoàn thường trực của các nước là nữ ngày càng tăng, hiện nay đã có gần 40 chị. Đây cũng là một tiến bộ về bình đẳng giới. Các đại sứ tại LHQ thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các nữ đại sứ cũng rất gắn bó, và tôi không cảm thấy áp lực khi là nữ đại sứ. Cũng có thể là do từ trước tới nay, trong công việc tôi cũng không mấy khi nghĩ về việc mình không phải là nam giới.

Gia đình và công việc đều là niềm vui và động lực cho cuộc sống của tôi. Tôi có may mắn lớn là luôn nhận được sự thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ của chồng, con, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, giúp tôi cân bằng cuộc sống và làm được cả hai nhiệm vụ ở cơ quan và gia đình.

- Chúng ta đang chuẩn bị đón Tết Bính Thân. Xin Đại sứ “bật mí” một chút về việc “ăn Tết Việt” bên Mỹ của các thành viên phái đoàn?

- Là người Việt Nam thì ở đâu cũng hướng về quê hương, đất nước, nhất là dịp Tết đến, Xuân về. Đối với thành viên phái đoàn chúng tôi, “ăn Tết Việt” trước hết là tổ chức thành công một cái Tết cộng đồng thật vui, ấm cúng, với sự tham dự của đông đảo bà con người Việt và bạn bè quốc tế, để những người con xa Tổ quốc được sống trong không khí ấm tình quê hương, cùng nhau sum vầy, đoàn tụ mừng đất nước, mừng Xuân mới. Hiện nay, phái đoàn đã xây dựng kế hoạch và triển khai phân công chuẩn bị đón Tết, chắc chắn sẽ có bánh chưng xanh cùng các món ăn truyền thống của Việt Nam và một chương trình thú vị, hấp dẫn.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

THU TRANG (thực hiện)