Thời tuổi trẻ xưa, chúng tôi đọc thơ “Lửa đèn”, “Nhớ”, đọc Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay của Phạm Tiến Duật; đọc “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi” với những áng thơ đẹp hùng tráng: Đường dài đi giữa Trường Sơn/Nghe vọng bài ca đất nước… Ta làm bão làm giông/Ta lay chuyển trời đất của Nam Hà… đến mức thôi thúc, giục giã trong lòng mà ra trận. Chúng tôi thần tượng Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi… và cả những người anh hùng nơi chiến trường khói lửa như Lê Mã Lương, chị Út Tịch.


Chiến sĩ trẻ với mùa xuân. Ảnh: HỒNG SÁNG 

Thời đó, từng có một thế hệ sinh viên xếp bút nghiên “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, dù ác liệt hy sinh, nhưng trong ba lô vẫn có những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng: “Anna Karenina”, “Chiến tranh và hòa bình”, hoặc “Giamilia-Truyện núi đồi và thảo nguyên”. Chiến tranh kết thúc, anh nào cũng tai tái xanh một màu da sốt rét từ chiến trường trở về giảng đường, nhưng trong lòng đầy ắp hoài bão, lý tưởng phơi phới niềm vui được học tập, được cống hiến. Chúng tôi kể về những người từng đi qua chiến tranh, về với thời bình với niềm tự hào đã không sống hoài phí một ngày!

Bây giờ, thời đại đã khác. Người trẻ được gọi là công dân @, sống giữa thời kinh tế thị trường sôi động, hội nhập toàn cầu. Dù tình hình biển, đảo có lúc “sôi lên sùng sục”, nhưng những câu chuyện chiến tranh với không ít bạn trẻ dường như đã đi vào “cổ tích”. Thời gian đọc sách không còn là chủ yếu nữa, mà đã bị “chia” theo “thị phần” xem tạp chí thời trang, phim nước ngoài trên kênh HBO, hoặc đến vũ trường, quán bar, vào facebook… Nhiều người trẻ vẫn kính phục và lấy tấm gương của các vị anh hùng giữ nước để noi theo, nhưng cũng không ít người thần tượng Bill Gates, Steven Jops, hoặc Angelina Jolie, Brad Pitt, Bi Rain… thì cũng chẳng có gì khó hiểu. Có người lớn tuổi than thở với tôi rằng: Người trẻ hiện nay sống thụ động, bị văn minh khoa học và công nghệ chi phối, tác động vào tình cảm tâm hồn, nên cái tính trữ tình lãng mạn đang bị mài mòn, có nguy cơ biến mất. Người trẻ hiện nay cũng chịu nhiều áp lực về học hành, thành đạt, nhu cầu có nhiều tiền và sống tốt…

Mỗi thời của người trẻ có những thành công và cả những sai lầm. Thời chiến tranh có nhiều anh hùng, dũng sĩ, nhưng cũng có kẻ ham sống sợ chết, đào ngũ về làng, phải đi lao động cải tạo. Thời nay, có người trẻ “lỉnh” nghĩa vụ quân sự, song vẫn có nhiều thanh niên tình nguyện nhập ngũ, sẵn sàng đến với biển, đảo Trường Sa, nơi tuyến đầu biên cương Tổ quốc... Thời trước, chúng tôi hát “Triệu triệu bông hồng”, “Chiếc gậy Trường Sơn” thì bây giờ người trẻ cũng hát “Tổ quốc gọi tên mình”, “Thương lắm Trường Sa”. Dù hát ở giọng nào thì cũng vẫn chứa chan, nồng nàn tình yêu Tổ quốc.

Mỗi thời có một cách đi. Thời nay, có những cậu bé, cô bé “xách ba lô lên… rồi đi”, một mình du lịch trải nghiệm qua các quốc gia, một mình đi máy bay sang tận trời Tây, cách nửa vòng Trái Đất để học phổ thông, đại học; vừa học vừa làm, tự bươn chải kiếm thêm tiền đóng học phí, đỡ phần cho bố mẹ. Họ cũng bản lĩnh và nghị lực lắm chứ! Anh bạn tôi là nhà văn, có con trai đầu tốt nghiệp đại học. Anh vội nghĩ đến chuyện cậy nhờ xin việc, thì cậu con trai nửa đùa nửa nghiêm túc: “Thưa bố, việc của bố là uống chè đặc và viết văn cho hay, còn xin việc là chuyện của con!”. Rồi cậu ta tự làm hồ sơ, tự đi thi tuyển. Làm nghề được vài năm, rồi lại vào mạng tìm trường đại học ở nước ngoài có ngành học phù hợp, thi đỗ đi học tiến sĩ với học bổng toàn phần và hiện giờ đang du học ở Nhật Bản. Hóa ra, quả đất bây giờ cũng trở thành chật hẹp với người trẻ. Tiếng Anh trôi chảy, vi tính thành thạo, chuyên môn tinh thông, kỹ năng sống tốt để vào đời và thành đạt, thì địa cầu cũng chỉ... “trong lòng bàn tay”.

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “… Thanh niên là rường cột của nước nhà” và “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Hiện nay, ai là lực lượng chủ yếu canh giữ biên cương, biển, đảo Trường Sa? - Lính trẻ! Ai giành những huy chương vàng, bạc trong các kỳ thi Toán, Lý, Hóa... quốc tế? - Thanh niên. Ai là những người thực hiện các chương trình: Đền ơn đáp nghĩa; tiếp sức mùa thi; bảo vệ môi trường; chăm sóc, giáo dục thiếu niên (với các hoạt động: Học kỳ quân đội, Cháu tập làm chiến sĩ, Ánh sáng văn hóa hè); hiến máu tình nguyện; khám bệnh, chữa bệnh miễn phí; xây dựng nông thôn mới? - Thanh niên!

Có người khắt khe khi nhìn nhận, đánh giá giới trẻ hiện nay. Nếu chỉ thấy một số hiện tượng người trẻ ăn chơi, “đập đá”, “đầu xanh, đầu đỏ”, “thuê” bạn gái đi chơi đêm…, đã vội kết luận về một thế hệ bị… hư hỏng, thì đó là cực đoan. Tôi bỗng nhớ đến Cuộc thi “Nét đẹp văn hóa”, do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh và Tổng công ty Đầu tư liên kết Việt tổ chức mới đây. Hàng vạn bài thi của người trẻ ở mọi miền đất nước gửi về với những phát hiện rất độc đáo. Người ngợi ca “Sự hy sinh thầm lặng” của chị lao công đêm đêm quét rác cho thành phố xanh-sạch-đẹp; người giới thiệu “Bữa cơm yêu thương” cho người nghèo, người cô đơn, bệnh nhân ung thư; người viết về vẻ đẹp của hành động hiến máu cứu người; đề xuất xây dựng văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa thầy trò… Thật lạ, người trẻ nhìn nét đẹp văn hóa ngày thường bình dị bằng cái nhìn rất nhân bản.

Mỗi thời của người trẻ có những giá trị riêng. Mỗi thời của họ có cách kể câu chuyện bằng tư duy, cách nhìn và việc làm thành công của thế hệ mình. Hãy lắng nghe,  tin tưởng và hy vọng!

Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH