Chiến thắng Ấp Bắc vang dội của quân và dân miền Nam đã làm đồng bào thêm tin tưởng vào khả năng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đánh dấu sự chuyển biến về chất của chiến tranh và bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng. Hòng cứu vãn tình thế, địch đẩy mạnh chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tiến hành bình định miền Nam bằng hệ thống “ấp chiến lược”. Để đối phó với tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân khu 5 mở cuộc họp khẩn cấp trong những ngày giáp Tết Quý Mão 1963.


 Thiếu tướng Đoàn Y Thanh kể về kỷ niệm đêm Giao thừa Tết Quý Mão. Ảnh: TIẾN DŨNG. 

Thời điểm này, tôi là Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Ngãi. Thành phần tham dự cuộc họp của Tỉnh đội Quảng Ngãi gồm có tôi, anh Ba Châu (Tỉnh đội trưởng) và anh Huỳnh Phương Bá (Trưởng ban Tổ chức). Từ căn cứ Nước Lác (huyện Sơn Hà ngày nay), chúng tôi bắt  đầu hành quân bộ (từ ngày 21 tháng Chạp). Trong 7 ngày liên tục, đoàn công tác hành quân ngược lên phía tây Quảng Ngãi, sau đó đến Măng Xin (Kon Tum). Ngày đi, đêm nghỉ, chúng tôi xuyên rừng trong điều kiện mang, gùi lương thực, quân tư trang, vũ khí. Cứ âm thầm, lặng lẽ hành quân trong ì oàng pháo địch. Cuối cùng chúng tôi đến địa điểm quân khu tổ chức hội nghị vào đúng chiều 29 Tết (năm ấy không có ngày 30 nên Giao thừa vào đêm 29).

Giai đoạn này, địch lấn sâu vào vùng giải phóng, chúng tăng cường lùng sục, vây ráp, vì vậy công tác tiếp tế lương thực rất khó khăn. Tuy là hội nghị cấp quân khu, nhưng khan hiếm gạo, bộ đội chủ yếu ăn khoai, sắn. Vậy mà bộ đội vẫn lạc quan, yêu đời: “Tuy là khoai, sắn “cõng” gạo, nhưng vẫn không bị đứt bữa”.

Đêm 29 Tết Quý Mão, gió rít từng cơn, núi rừng lạnh giá, mọi người chụm đầu bàn bạc lên phương án “mở tiệc” đón Giao thừa. Ngặt nỗi, giữa núi rừng hoang vu, xa hậu cứ, mọi thứ đều thiếu thốn, biết lấy gì đây để làm cỗ bây giờ? Suy đi tính lại cuối cùng tôi thống nhất phương án “quyên góp gạo, đường nấu cháo chè”. Theo phương án, mỗi người góp một nhúm gạo và ít đường dự trữ của cá nhân cho vào hăng-gô, treo lên bếp lửa.

Giữa rừng sâu thăm thẳm, lửa hồng reo tí tách, mùi cháo chè tỏa hương dịu ngọt, ai nấy đều thòm thèm, muốn ăn ngay. Nhưng tôi động viên anh em phải cố gắng chờ đến Giao thừa. Kim đồng hồ chậm rãi nhích từng tí. Rồi giây phút Giao thừa cũng tới. Chúng tôi lặng im nghe lời chúc Tết của Bác Hồ qua chiếc ra-đi-ô của anh Ba Châu. Chúng tôi lắng nghe, ai cũng thấy xúc động… Ai cũng mong chiến tranh sớm kết thúc để được đón Bác Hồ vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt.

Giao thừa năm ấy, chúng tôi thưởng thức bát cháo chè tuy hơi nhạt vì ít đường, song ai cũng thấy ngọt ngào, ấm cúng, bởi tình đồng chí, đồng đội…

Sau này, tôi cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt, giữa sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc, nhiều đêm nhịn đói giữa chiến hào, những lúc như vậy tôi lại nghĩ về bát cháo chè đêm Giao thừa Tết Quý Mão để nguôi cơn đói trong lòng. Đã 52 năm trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên kỷ niệm về bát cháo chè Giao thừa năm ấy…

TÙNG LÂM (ghi)