QĐND - Tôi còn nhớ cuộc họp Ban biên tập Báo Phụ nữ trên Việt Bắc năm 1948, chị Hoàng Ngân, lúc ấy làm phụ trách báo, sau khi nộp bài xã luận được phân công còn đưa thêm một bài có đầu đề “Truyện ngắn b-Chiếc áo len trong tù”. Chị Hoàng Ngân viết truyện ngắn ư? Mọi người rất ngạc nhiên. Bình thường, mỗi số báo, chị được phân công viết một bài xã luận. Chưa bao giờ chúng tôi thấy chị viết truyện ngắn. Chị Hoàng Ngân bình thường quyết đoán nay ngập ngừng: “Mình có viết một truyện ngắn xem báo có đăng được không?”. Mặt chị thoáng ửng đỏ.
 |
Chân dung đồng chí Hoàng Ngân. Ảnh tư liệu. |
Chị Bội Hoàn-Tổng biên tập đọc trước. Chị lặng thinh đặt xuống không nói gì. Bọn trẻ chúng tôi lần lượt đọc. Tôi nhớ truyện kể về một người con gái tháo áo cũ của mình đan chiếc áo len gửi cho người bạn trai trong nhà tù Pháp. Tôi đoán, chị Hoàng Ngân gửi gắm tình cảm cho anh Hoàng Văn Thụ trong truyện ngắn ấy. Chúng tôi bàn nhau: “Không đăng được đâu, bài chị Hoàng Ngân viết tình cảm thật nhưng nếu đăng lên báo người ta sẽ bảo lãnh đạo mình tiểu tư sản quá”. Các anh bên Trung ương có người vẫn nói “Các chị bên phụ nữ là tiểu tư sản đấy sao?”. Không biết cái từ “tiểu tư sản” ấy có từ bao giờ nhưng học sinh đi theo cách mạng chúng tôi ghét cay ghét đắng cái từ ấy nên không muốn lãnh đạo mình bị gọi “tiểu tư sản”.
Chị Hoàng Ngân rất buồn khi bài báo không được đăng. Sau khi anh Thụ bị Pháp tử hình, chị Hoàng Ngân đã thức nhiều đêm. Không phải nhà văn nhưng chị đã dũng cảm viết một truyện ngắn nói lên tình cảm của mình. Tôi biết, anh Thụ vừa là người lãnh đạo, người anh và cũng là tình yêu của chị.
Không xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng nhưng chị Hoàng Ngân tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. 13 tuổi, chị được chị Chu Thị Kim, tức Kim Sơn, công nhân Nhà máy tơ Hải Phòng giác ngộ cách mạng. Chị Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả. Nhà chị có mười mấy chiếc thuyền đánh cá cho dân nghèo thuê. Bố chị, ông Cai Long, có 4 vợ. Vân là con cả, được bố rất cưng chiều. Ông dạy chị đánh cờ tướng và cũng rất thích đánh cờ với chị. Cửa hàng cá của mẹ chị vừa bán buôn vừa bán lẻ. Vân giúp mẹ trông nom sổ sách, thu tiền. Đến cửa hàng, Vân hay chít khăn đen, đi guốc, mặc quần lụa đen, áo dài chéo vạt, để lộ áo cánh trắng bên trong. Chị nhỏ nhắn, hai má đầy đặn như thiếu nữ nhưng vẫn còn nét trẻ con. Lúc rảnh rỗi, Vân đọc Báo Bạn dân. Phong trào cách mạng lúc đó đã bước vào giai đoạn công khai. Để tiện hoạt động, Vân xin bố mẹ mở cửa hàng gạo để làm cơ sở cách mạng. Lúc đầu, Vân làm liên lạc cho các đồng chí từ chợ Sắt, nhà máy tơ đến các khu lao động ngoại thành. Ba năm sau, chị đi Hà Nội, Hải Dương, vận động nhân dân tham gia cách mạng, chống sưu cao thuế nặng. Sau cuộc biểu tình Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1938) ở Hà Nội, chị bị bắt. Sau nhiều ngày tra khảo nhưng không có bằng chứng, Pháp phải thả chị. Các đồng chí Xứ ủy rút chị thoát ly, làm công tác phụ nữ, vận động chị em thành lập Hội Phụ nữ dân chủ. Chị được anh Hoàng Văn Thụ, Xứ ủy Bắc Kỳ, giao thêm công tác binh vận. Năm 1939, chị trở thành Xứ ủy viên Bắc Kỳ. Thời gian dài làm việc cùng anh Thụ, chị Hoàng Ngân ảnh hưởng nhiều quan niệm, tư tưởng, phong cách làm việc của anh.
 |
Chân dung đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ảnh tư liệu. |
Đối với chị Hoàng Ngân, anh Thụ là thần tượng. Anh hơn chị 15 tuổi. Tài năng của anh đã chinh phục trái tim chị. Anh sinh ra trong một gia đình khá giả ở vùng nông thôn (xã Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Trước khi đi học trường Pháp Việt, anh đã học Nho học. Hết chương trình sơ học Pháp Việt ở huyện, anh ra thị xã học tiểu học. Thời gian ấy, bão táp cách mạng rầm rộ khắp nơi, thời kỳ được mệnh danh là phong trào “xuất dương”. Cuốn vào cách mạng, anh xin bố mẹ tiền, nói là ra Hà Nội “thi ký ga” nhưng anh dùng số tiền đó vượt biên sang Quảng Châu, Trung Quốc tìm cách mạng. Lúc đó, anh Thụ tròn 22 tuổi. Qua nhiều khó khăn, thử thách, anh liên lạc được với tổ chức cách mạng của ta ở Trung Quốc. Anh rất tâm đắc câu thơ: “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành” và coi đó là phương châm sống. Anh trẻ trung, tuấn tú nên nhiều cô gái để ý. Có đồng chí trêu đùa, hỏi anh chuyện tình cảm, anh cười:
- Tôi đã va phải nhiều mũi tấn công, có khi suýt “đổ”... nhưng nghĩ, vướng vào tình ái thì ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động cách mạng, nên chờ đến ngày cách mạng thành công. Hạnh phúc tình yêu đó chờ ngày thắng lợi.
Năm 1937, anh Thụ về Việt Nam hoạt động cách mạng. 4 năm sau, về Pác Bó họp Hội nghị Trung ương lần thứ 8, anh Thụ đã là nhân vật cấp cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng. Chị Hoàng Ngân lúc đó phụ trách Phong trào phụ nữ xứ Bắc Kỳ nên thường xuyên làm việc cùng anh. Cảm phục tài năng của anh Thụ nhưng chị không hay, anh cũng rất cảm phục chị. Một lần, hai người cùng thăm trường đào tạo cán bộ quân sự. Anh Thụ làm Ủy viên Trung ương phụ trách quân sự. Theo dõi buổi tập ở thao trường, thỉnh thoảng chị Hoàng Ngân lại che miệng, nhịn cười. Tối họp, chị Hoàng Ngân phát biểu:
- Trước đây, tôi từng quan sát các buổi tập của lính khố đỏ, khố xanh. Mỗi lần nghe họ hô khẩu lệnh bằng tiếng Tây bồi: A-gối, a-đoát, dờ-phô (bên trái quay, bên phải quay, nghỉ) không nhịn được cười. Nay đến thăm trường học quân sự cách mạng, không ngờ vẫn nghe các khẩu lệnh kiểu như vậy, nào "lập chỉ”, “hưu tức”, “khai bộ chân”... Tại sao không thay bằng các khẩu lệnh Việt Nam cho dễ hiểu?
Các cán bộ của trường trong cuộc họp rất ngạc nhiên. Thực ra, đó cũng là trăn trở của các anh. Nhưng các anh ngạc nhiên vì điều đó được nói ra từ một cô gái 20 tuổi, hoàn toàn xa lạ việc quân sự. Anh Thụ nhìn chị, gật đầu hài lòng:
- Chị Hoàng Ngân nói rất đúng. Đã đến lúc chúng ta phải tính đến việc “cách mạng hóa”, “Việt Nam hóa” chương trình huấn luyện quân sự. Khoa học quân sự Việt Nam lớn lắm, phong phú lắm. Chỉ tiếc, sau nhiều năm bị thực dân Pháp đô hộ, nó đã bị mai một. Nay đã đến lúc xây dựng lại...
Những khẩu lệnh quân sự như “nghiêm”, “nghỉ”, “bên phải quay”, “đi đều bước” đã khởi đầu từ cuộc họp ngày ấy.
Thời gian trôi, anh Hoàng Văn Thụ và chị Hoàng Ngân đã dành cho nhau tình cảm trong sáng. Một tình yêu lãng mạn, đằm thắm và nhiều kỷ niệm. Có lần cùng ra Móng Cái đón người từ bộ phận hải ngoại cử về, anh chị ghé lại chỗ các đồng chí ở chân núi Phượng Hoàng. Vừa dịp Tết, anh em cơ sở cho một con gà. Chị Hoàng Ngân hỏi đùa:
- Hôm nay ngày gì mà mở tiệc thế này?
Anh Thụ cười:
- Tiệc của chúng mình đấy.
Và đưa mắt nhìn chị tình tứ. Chị Hoàng Ngân thẹn thùng quay mặt đi nơi khác.
Đầu năm 1941, chị Hoàng Ngân dự cuộc họp quan trọng tại làng Vạn Phúc do anh Hoàng Văn Thụ chủ trì. Nhận được tín hiệu báo động khẩn cấp, anh Thụ ra lệnh giải tán. Mọi người tản ra các hướng đã định trước. Ra đến bến xe điện đầu thị xã Hà Đông, chị Hoàng Ngân sa vào ổ phục kích của bọn mật thám. Trong phiên xử công khai của Tòa án tỉnh Hà Đông, chị tuyên bố:
- Tôi làm cách mạng vì tôi yêu nước, tôi yêu dân tộc tôi. Vì tôi căm thù đến cực độ những bóc lột tàn ác của các ông đối với nhân dân Việt Nam.
Chị bị địch kết án 12 năm tù giam tại Hỏa Lò, Hà Nội. Trong tù, chị giảng cho các chị em về văn hóa, chính trị. Chị quan tâm đến chị em, chia sẻ tâm sự của các cô gái trẻ.
Một thời gian sau, anh Thụ bị địch bắt. Anh cũng bị giam ở nhà lao Hỏa Lò. Biết tình yêu của hai người, có lần, chị em nhà lao nữ tặng anh mảnh vải, các chị giao cho chị Hoàng Ngân cắt may tặng anh Thụ đôi quần đùi. Chị Hoàng Ngân còn tháo chiếc áo len, đan một chiếc áo cổ bẻ tặng anh. Anh Thụ gửi tặng chị em chiếc quạt giấy chép bài thơ “Việc nước xưa nay có bại thành” của anh. Chiếc quạt là tài sản chung nhưng được chị Hoàng Ngân cất giữ... Ngày anh Thụ ra pháp trường, không khí uất hận, tang tóc đè nặng cả phòng giam. Chị Hoàng Ngân không còn giấu nổi tình cảm. Chị đau buồn, ủ rũ như tàu lá héo. Trong lễ truy điệu, chị Trương Thị Mỹ vừa đọc mấy câu trong bài điếu văn, chị Hoàng Ngân đã ngã xuống, khóc nức nở.
Tháng 3-1945, chị Hoàng Ngân trốn khỏi nhà lao Hỏa Lò, liên lạc với tổ chức, tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, chị phụ trách nhiều công tác quan trọng: Thành ủy viên, Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban Cán sự Đảng khu vực ngoại thành, Tỉnh ủy viên Hải Dương, Bí thư Tỉnh đoàn Phụ nữ cứu quốc tỉnh Hải Dương, Ủy viên Khu 3. Sắc sảo, thông minh, ít ai sánh kịp khả năng tổ chức của chị. Tỉnh ủy, ủy ban, các đoàn thể, quân sự, cả giới văn nghệ sĩ cũng mến và quý trọng chị. Các chủ trương lớn của đoàn thể phụ nữ chị đưa ra đều được ủng hộ.
Lúc đó, chị mới 25 tuổi. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nước da trắng hồng, môi không tô son mà lúc nào cũng đỏ. Mọi người gọi đùa chị là “Hoàng cô nương”. Nhưng đôi mắt chị lúc nào cũng đượm buồn. Chị không quên được anh Thụ. Chị hay kể về anh với cô bé trong cơ quan. Cô bé mới 16 tuổi (sau này là nữ đạo diễn điện ảnh Bạch Diệp). Tối nào chị cũng thủ thỉ, kể mãi không hết chuyện. Bạch Diệp còn nhỏ, không hiểu, cũng không biết anh Thụ, không để tâm vào câu chuyện. Chị vẫn say sưa kể, như để cho chính mình nghe. Đến khi cô bé ngủ thiếp đi, chị mới ngừng kể, nhìn vào khoảng không, nhớ lại kỷ niệm những ngày sống bên anh, ngắn ngủi nhưng hạnh phúc, ý nghĩa. Ngày ở Hà Nội, chiều thứ bảy, chị lại mặc áo dài đen, đem bó hoa trắng đến thăm mộ anh.
Đêm, chị làm việc rất khuya. Lúc rảnh, chị làm thơ và ghi nhật ký. Những dòng nhật ký, những câu thơ luôn thấp thoáng hình bóng anh Thụ. Một lần, Hà Tường, Bí thư Phụ nữ cứu quốc huyện Tứ Kỳ hỏi:
- Chị ơi, chị ôm mãi quá khứ làm gì? Cứ thế này mãi thì chị còn yêu ai được nữa?
Chị Hoàng Ngân buồn buồn:
- Chị yêu anh Thụ không vì anh ấy là cán bộ lãnh đạo đâu em ạ. Anh ấy là một người có tài, rất mạnh mẽ và...
Chị bỏ lửng câu nói, nhìn xa xăm.
Ngày 19-8-1948, tờ báo Phụ nữ số đầu tiên ra đời, chị Hoàng Ngân được giao phụ trách báo. Chị hay chiều cán bộ trẻ. Tôi nhớ, chiều chiều, chị kéo chúng tôi ra sân phơi sau nhà sàn, cùng ngâm thơ, kể chuyện, hát những bài ca về Hà Nội. Tôi chẳng ngờ chỉ một năm sau cuộc Hội nghị Phụ vận Bắc Bộ, tháng 7-1949, chị Hoàng Ngân đã ra đi vì một cơn sốt rét ác tính ở Chiến khu Việt Bắc.
Nhà văn: NGUYỆT TÚ