Dùng nhân cách để giáo dục nhân cách

Cách đây 15 năm, khi đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Luật Hà Nội, Đỗ Ngọc Hanh làm hồ sơ đăng ký thi tuyển vào Học viện Chính trị quân sự. Khi gia đình nhận được giấy báo trúng tuyển, tưởng bố của Hanh sẽ không hài lòng, nhưng ngược lại, ông lại nhẹ nhàng: “Bố tôn trọng và ủng hộ quyết định của con. Bố cũng là một người lính đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Giờ đây, đường binh nghiệp trước mắt con còn dài và chông gai, con phải làm thế nào để bố mẹ luôn tự hào về con”.

Lời động viên của “đồng chí bố” với hơn 40 năm tuổi Đảng được Hanh ghi nhớ. Năm 2008, anh tốt nghiệp thủ khoa và được giữ lại học viện làm giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin. Cũng trong năm 2008, Trường Sĩ quan Chính trị chính thức tách khỏi Học viện Chính trị quân sự, đi vào hoạt động độc lập, trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Thiếu tá, TS Đỗ Ngọc Hanh soạn bài giảng.

Là một giảng viên trẻ, Đỗ Ngọc Hanh không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn. Anh luôn quan niệm rằng, phương pháp giáo dục đại học và sau đại học phải coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, để người học phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng. Đỗ Ngọc Hanh chia sẻ: “Không những học trong sách, học thầy cô và bạn bè, tôi còn tích cực tham gia những hội thảo của khoa, nhà trường và các trường đại học ngoài quân đội, tham dự hội thảo khoa học quốc gia về lĩnh vực triết học, giáo dục - đào tạo, cuộc sống. Ở đó, tôi học được ở các nhà khoa học, những nhân vật nổi tiếng, những chuyên gia hàng đầu truyền thụ những kinh nghiệm bổ ích trong học tập và sáng tạo, nâng cao năng lực và trình độ tư duy để thích ứng với những biến đổi và phát triển của xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Nhà trường nói riêng và quân đội nói chung”.

Nhờ miệt mài, hăng say trong tự học, tự nghiên cứu, Đỗ Ngọc Hanh tích lũy được nhiều kinh nghiệm với kiến thức khá chuyên sâu về lý luận và thực tiễn. Để có một bài giảng tốt, anh đầu tư nhiều thời gian cho việc đọc, nghiên cứu tài liệu, biên soạn các bài giảng công phu, cẩn thận, lồng ghép nhiều kiến thức, tiến hành thục luyện giáo án nghiêm túc và tự giảng thử nhiều lần. Những giờ lên lớp, với vốn tri thức, cộng với tình yêu nghề, anh đã “truyền lửa” vào từng bài giảng một cách lôi cuốn với giọng nói truyền cảm, phương pháp truyền đạt linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn, khả năng vận dụng công nghệ thông tin thuần thục. Anh luôn khuyến khích học viên tư duy sáng tạo, không áp đặt phương pháp truyền thụ một chiều. Vì vậy, 100% số lần giảng được kiểm tra, anh đều đạt kết quả giỏi, xuất sắc. Nhiều học viên, giảng viên trẻ xem anh là hình mẫu để phấn đấu.

Đại tá Phùng Văn Lập, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Chính trị, chia sẻ: “Nhân cách của người thầy có ảnh hưởng lớn đối với học viên. Sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách,  giáo trình nào. Là người “dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”, TS Đỗ Ngọc Hanh không ngừng phấn đấu trở thành tấm gương mẫu mực về đạo đức, tác phong, nhất là ý thức tự học, tự rèn nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực chuyên môn. Anh đã kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học hiện đại, phương pháp dạy học tích cực với phương pháp dạy học cơ bản, như phương pháp định hướng, điều khiển, trình bày, đặt câu hỏi, nêu vấn đề, xử lý tình huống trong quá trình giảng dạy. Đặc biệt trong nghiên cứu khoa học, anh là tấm gương tiêu biểu của nhà trường”.

Say mê nghiên cứu khoa học

Mặc dù đang dịp nghỉ hè, nhưng hằng ngày, trong căn nhà nhỏ ở ngõ Gò Đỏ, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Đỗ Ngọc Hanh vẫn miệt mài trước màn hình máy tính để hoàn thành đề cương về đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tổng cục Chính trị mà anh là chủ nhiệm. Nhờ nghiên cứu, lao động hăng say, không ngừng nghỉ, 31 tuổi, Đỗ Ngọc Hanh đã là tiến sĩ triết học và là chủ nhân của nhiều giải thưởng, đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc với 3 đề tài đoạt Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quân và nhiều tác phẩm đăng tải trên các ấn phẩm trong và ngoài quân đội.

Mỗi khi nảy sinh những ý tưởng về các luận điểm, luận cứ, vấn đề nghiên cứu mới cần phải chứng minh, Thiếu tá Đỗ Ngọc Hanh ghi chép tỷ mỉ rồi tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ để để nghiên cứu làm rõ vấn đề. Đỗ Ngọc Hanh cho rằng, trong tự học, tự nghiên cứu, bước đầu thường có nhiều khó khăn, nhưng chính điều đó lại là động lực thúc đẩy mỗi giảng viên tự tư duy, suy ngẫm phát hiện vấn đề nghiên cứu, nhất là những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra, tăng thêm sự hiểu biết và vận dụng lý luận vào thực tiễn. Với Đỗ Ngọc Hanh, muốn học, muốn hiểu sâu một chủ đề nào, điều quan trọng nhất là phải tự mình chạm tới nó trước, phải tự mình khơi mở trước trong đầu, như gieo mầm cho việc tiếp thu, thẩm thấu của mình. Anh cũng gieo ý tưởng này cho các nhóm đề tài nghiên cứu khoa học của học viên và học viên cao học mà anh hướng dẫn. Nhờ vậy, kết quả nghiên cứu khoa học hằng năm của các nhóm đề tài do anh hướng dẫn luôn đạt cao.

Nhớ lại kỷ niệm 5 năm trước, sau khi phác thảo đề cương về đề tài nghiên cứu khoa học “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong học viên các trường đại học quân sự hiện nay”, Thiếu tá Đỗ Ngọc Hanh miệt mài đến các thư viện. Gần một năm say mê, miệt mài nghiên cứu, anh đã gặt hái được “quả ngọt”. Đề tài của anh đạt giải nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp trường và đạt giải nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2014.

Tháng 1- 2016, sau khi Đỗ Ngọc Hanh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, người cha thương binh 2/4 của anh mỉm cười: “Bố chúc mừng con. Nhưng bố nhắc lại, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Với trọng trách của một người sĩ quan, một người thầy, nhà nghiên cứu khoa học, con phải tiếp tục phấn đấu, để trở thành một người thầy tốt, một quân nhân luôn mang trong mình phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ”.

Mới 15 tuổi quân, nhưng Thiếu tá, TS Đỗ Ngọc Hanh đã sở hữu thành tích đáng nể: 2 năm là Chiến sĩ thi đua cấp toàn quân, 9 năm là chiến sĩ thi đua cơ sở; được tặng 7 Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và Trung ương Đoàn; là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân” năm 2010, “40 sĩ quan trẻ xuất sắc toàn quân” năm 2015, Giải thưởng “Sao tháng Giêng” của Trung ương Đoàn và Hội Sinh viên Việt Nam; được tham dự và báo cáo điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ VIII...

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA