Ông Khôi thường xuyên đạp xe đến các hộ gia đình ở địa phương tuyên truyền và vận động quỹ khuyến học.

Cả đời gắn bó, yêu nghề

Mới gặp, nếu nhìn bề ngoài ít người nghĩ rằng, ông Khôi năm nay đã 88 tuổi. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng vốn thông minh từ nhỏ, nên mặc dù chỉ học hết phổ thông, Nguyễn Kỳ Khôi đã được chính quyền địa phương cử đi dạy học. Tiếp đó, năm 1959, thầy giáo Khôi được phân công làm hiệu trưởng đầu tiên của Trường cấp I Tiền Phong của huyện Thường Tín, rồi hiệu trưởng Trường cấp I Tân Minh. Đến năm 1964, ông chuyển sang công tác tại Trường Bổ túc văn hóa huyện Thường Tín (sau này là Trung tâm Bổ túc văn hóa huyện) và gắn bó ở đó cho đến khi nghỉ hưu năm 1999.

Sau khi nghỉ công tác, ông Khôi tiếp tục tham gia giảng dạy tại một số trường phổ thông trên địa bàn, giúp đỡ con em trong thôn hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng có ý chí vươn lên trong học tập. Tuy vậy, ông luôn trăn trở cần thúc đẩy hơn nữa phong trào khuyến học ở địa phương bằng một cách khác, đó là huy động nhiều nguồn lực cho việc khuyến học, để nhà nhà khuyến học, người người khuyến học.

Vợ chồng ông giáo già sống trong căn nhà mái ngói được xây dựng cách đây đã hơn 40 năm. Lương công chức nghỉ hưu nên đôi lúc đời sống vật chất của vợ chồng ông cũng có phần thiếu thốn, nhưng đời sống tình cảm thì rất phong phú từ lớp lớp học trò gửi đến. Học trò của ông nhiều người cũng đã lên ông, lên bà, nhưng vẫn ghé thăm và dẫn theo con cháu, đều bảo rằng: “Cụ Khôi ngày xưa là thầy giáo của ông đấy”, làm không ít đứa trẻ trầm trồ; rồi còn được ông Khôi xoa đầu, động viên học tập, như tạo thêm động lực tinh thần cho lớp trẻ. Một trong những kỷ niệm ông nhớ nhất đó là, có học trò tóc đã cứng tuổi, ngày cưới của thầy không nhận được thiếp mời, nhưng mấy hôm sau vẫn mang đôi gối xuống tặng vợ chồng thầy. Học trò khác đến thăm thầy, thấy giường ngủ của vợ chồng thầy chỉ trải chăn đơn mỏng lên chiếu, nên mang đệm đến tặng, để mùa đông thầy thêm ấm áp.

Trăn trở xây dựng phong trào và quỹ khuyến học

Những năm 2000- 2001, công tác khuyến học ở xã Tân Minh không có gì nổi bật, chưa có Hội Khuyến học, người dân thường để con cái học hành theo kiểu tự nhiên, cháu nào học giỏi hẳn thì cho đi học, còn “nhàng nhàng” thì cho đi làm, khi học hết cấp 2 hoặc cấp 3. Điều này làm cho thầy Khôi rất trăn trở, bởi ông biết rằng, cần để cho con em tiếp cận với kiến thức và có thời gian học hỏi kinh nghiệm, mới biết được năng lực thực tế của các em để có hướng giúp đỡ. Vì vậy, ông đề xuất với chính quyền xã thành lập Hội Khuyến học và chủ trương này được xã đồng ý ngay, mà chính ông làm “tham mưu trưởng” của hội.

Để thành lập Hội khuyến học của xã, ông Khôi được giao nhiệm vụ tìm kiếm nhân sự. Đây là một nhiệm vụ không dễ, bởi lẽ trong xã có hai tôn giáo chính, nên việc tìm nhân sự phải bảo đảm hài hòa; vừa là người có uy tín, đồng thời có khả năng tuyên truyền vận động “thấu tình đạt lý”. Khi có nhân sự, ông lại đến xin ý kiến của đức cha, nhà chùa và các vị cao niên trong làng để nhận được sự đồng thuận. Ông và các thành viên viết thư cho nhiều cán bộ, con em xã nhà công tác ở nơi xa đến dự buổi lễ ra mắt hội vào năm 2003, đồng thời với đó là các chi hội tại 5 thôn.

Ông Khôi nhớ lại: ‘Buổi lễ ra mắt có hơn 100 đại biểu đến dự, đầy đủ các thành phần, tôi vinh dự được làm Phó chủ tịch Hội, kiêm Trưởng ban Khuyến học thôn Thọ Giáo. Các đại biểu đến dự ai cũng vui mừng và đồng tình việc thành lập hội. Ngay tại buổi ra mắt đã quyên góp được hơn 5 triệu đồng gây quỹ”.

Chỉ trong  một thời gian không dài, ông và các thành viên đã đi đến hơn 600 hộ dân để tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của Hội Khuyến học. Ông chia sẻ: “Người dân xã Tân Minh có nghề trồng các loại rau gia vị và đi chợ, buôn bán ở nhiều nơi, thời gian ở nhà rất ít, nên phải tranh thủ đến nhà họ lúc sáng sớm, hoặc trong bữa ăn, nhiều lúc ra tận cánh đồng để vận động; rồi tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã; miễn sao làm họ hiểu và có thể đóng góp ít nhiều vào quỹ của Hội Khuyến học xã”. Ông bảo rằng, trên địa bàn xã có một số doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ quỹ, nhưng việc đi đến từng nhà dân vận động còn có một ý nghĩa nữa, đó là gây dựng phong trào, để người dân thấy được con em họ là trung tâm, là mục đích hoạt động của hội, rồi chính họ sẽ quan tâm hơn nữa đến việc học tập của con em mình.

Khi dân hiểu và tự nguyện tham gia

Sau khi Hội Khuyến học được thành lập, ông Khôi và các thành viên bắt tay ngay vào hoạt động cụ thể. Vào các buổi tối, ông đạp xe đến thăm các gia đình và góc học tập của các em học sinh trong thôn, động viên các học sinh nghèo vượt khó. Ông nhớ mãi gia đình em Sang. Em mồ côi cha từ nhỏ, một mình mẹ rau cỏ nuôi em và em học rất giỏi. Học hết trung học phổ thông, Sang trúng tuyển vào Trường Đại học Xây dựng, sau đó ra trường và có công việc tốt, hiện em đã lập gia đình và vươn lên, có gia đình sung túc. Thỉnh thoảng, chàng học trò thông minh xưa vẫn sang nhà ông Khôi để ôn lại những kỷ niệm khi ông cháu ngồi tâm sự, động viên em học tập. Sang cũng là một tấm gương điển hình để con em trong thôn, xã noi theo. Từ chỗ hằng năm xã chỉ có 1 đến 2 em thi đỗ đại học, những năm sau đều tăng dần; đặc biệt nhà nhà, người người trong thôn, trong xã đã quan tâm đến khuyến học, khuyến tài; đến nay mỗi năm xã có khoảng 30 em trúng tuyển đại học, em nào cũng được tuyên dương trên hệ thống truyền thanh xã và được nhận quà động viên từ Hội Khuyến học.

Để gây dựng quỹ cho hội, ngoài việc đến từng hộ gia đình vận động, ông Khôi còn viết thư gửi các doanh nghiệp trên địa bàn thôn, gửi thư đến những người con xa quê có lòng hảo tâm đóng góp ít nhiều cho phong trào học tập ở quê hương. Nhiều năm qua, trung bình mỗi năm ông Khôi và các thành viên của hội vận động được gần 100 triệu đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi hội khuyến học thôn và khuyến học dòng họ. Ông chia sẻ: “Mỗi lần các cháu có giấy báo trúng tuyển đại học là tôi đều chúc mừng. Xây dựng được phong khuyến học ở địa phương phát triển, tôi vui lắm. Nhân dân trong xã vốn có truyền thống hiếu học, rồi sẽ có nhiều kỹ sư, cử nhân tiếp bước cha anh, xây dựng quê hương, đất nước”.

Hơn 40 năm đứng trên bục giảng, tác phong của ông giáo già không mấy thay đổi. Mỗi tuần, ông có 3 buổi trực tại UBND xã, trên tay ông lúc nào cũng có những tài liệu về khuyến học và những lá thư cảm ơn, cuốn sổ vàng ghi chép tên người ủng hộ quỹ. Ông chia sẻ: Mình tuổi đã cao, đôi lúc đạp xe cũng thấy mỏi chân, nhưng không bao giờ mình ngại việc đi vận động khuyến học, khuyến tài. Nhìn thấy lớp lớp con em trong thôn, trong xã đỗ đạt, ra trường có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, góp phần xây dựng quê hương đất nước mình vui lắm. Quê mình đồng chiêm trũng nghèo, không đi học để có kiến thức, các em về làm ruộng đơn thuần sẽ rất vất vả, kinh tế gia đình không phát triển nhanh được ”.

Cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kỳ Khôi được các cấp tặng nhiều phần thưởng: Bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam, của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về thành tích khuyến học khuyến tài, là gương điển hình tiên tiến…Tuy nhiên, phần thưởng quý giá nhất đối với ông giáo già chính là sự yêu mến, nể phục của cán bộ, nhân dân xã Tân Minh.

Ông Đinh Bá Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết: Làm công việc “Vác tù và hàng tổng”, nhưng nhà giáo Nguyễn Kỳ Khôi chưa bao giờ phàn nàn, so bì, bởi lẽ việc các em học sinh, sinh viên thành đạt, đi xây dựng đất nước giàu đẹp chính là phần thưởng quý giá nhất đối với ông – người thầy giáo già vẫn tận tụy với quê hương. Ông là một tấm gương sáng về tinh thần tận tụy lo việc chung, khéo vận động khuyến học, để cán bộ, nhân dân địa phương học tập, làm theo.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG