Những năm qua, không những “giỏi việc nước, đảm việc nhà” chị còn dành nhiều tâm sức thực hiện công việc thiện nguyện bằng tất cả tấm lòng, trở thành “nhịp cầu” kết nối yêu thương, giúp đỡ hiệu quả những hoàn cảnh khó khăn.
Ai cũng mong muốn mình được lớn lên trong ấm áp niềm vui, hạnh phúc; có tình yêu thương của cha mẹ, đầy đủ về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, với chị Đoàn Thị Kim Lực thì số phận lại thật nghiệt ngã. Nhưng chị không gục ngã mà đã vươn lên mạnh mẽ, vượt qua mất mát, vun đắp và thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình là giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, những mảnh đời khốn khó. Chị Lực chia sẻ: "Năm 1997, cha tôi không may qua đời. Lúc đó tôi là cô bé 11 tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Hai mẹ con dựa vào nhau mà sống trong căn nhà bằng phên nứa tạm bợ, chơi vơi trước nắng gió, cuộc sống vô cùng khó khăn, cơ cực. Lúc đó, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Tôi mồ côi cha nên có không ít ánh mắt xem thường. Thương mẹ vất vả chạy ăn từng bữa, gom nhặt từng đồng từ bán bó rau, quả trứng để tôi được đến trường, không phụ lòng mẹ, tôi vừa đi học vừa làm thêm kiếm tiền, từ nhặt vỏ chai nước đến mót lúa còn sót lại sau vụ gặt… để có được bát cơm, đồng tiền mua cây bút, quyển vở...".
 |
Chị Đoàn Thị Kim Lực trao xe đạp tặng học sinh nghèo Trường THCS Mỹ Hòa (Đại Lộc, Quảng Nam). |
Năm 2003, ngôi nhà Đại đoàn kết với trị giá 12 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ hai mẹ con chị. Mẹ chị mừng rơi nước mắt khi ngôi nhà hoàn thành, bàn giao cho gia đình, không những che nắng, che mưa mà còn nuôi dưỡng tâm hồn của cô gái tuổi đang lớn. Chị Lực kể: “Tôi nhớ như in, lúc đó cô Trần Thị Mỹ Lệ, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đại Lộc bàn giao nhà tặng mẹ con tôi. Cô đã đến bên động viên tôi: “Hãy cố gắng lên con, đừng bỏ học nhé. Nhà nước, cơ quan, tổ chức xã hội sẽ chia sẻ khó khăn cùng gia đình con”. Câu nói ấy tạo cho tôi có thêm động lực vượt khó, vượt khổ, vươn lên sống có ích để sau này là chỗ dựa cho mẹ và giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn như tôi”.
“Sống là cho đi đâu chỉ nhận”, “Hạnh phúc là để được cho đi”, với quan điểm đó, những năm qua, trên cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại An, chị Lực đã kết nối với Công ty TNHH Bách Đạt Đà Nẵng, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Quảng Nam và nhiều tổ chức hỗ trợ kinh phí xây nhà tặng những gia đình hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; tặng quà các em học sinh nghèo vượt khó; tổ chức "nồi cháo nghĩa tình" tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc tỉnh Quảng Nam. Nhờ sử dụng thành thạo mạng xã hội, chị đã đăng tải hình ảnh các gia đình, cá nhân nghèo khó, hoặc gặp chuyện không may trong cuộc sống, để kêu gọi các nhà hảo tâm, những tấm lòng thơm thảo chia sẻ khó khăn. Đến nay, tổng kinh phí chị vận động quyên góp ủng hộ được hơn một tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Quảng Yên, xã Đại An) tâm sự: “Mơ ước cả đời của tôi là có căn nhà vững chãi để các con tránh được mưa nắng. Công việc của tôi bấp bênh, thu nhập thấp, chỉ lo cho các con ăn học đã khó, làm gì dám nghĩ đến chuyện nhà cửa. Biết được khó khăn đó, chị Kim Lực đã đến nhà động viên tôi và kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm, biến mơ ước của gia đình tôi thành hiện thực. Được ở trong căn nhà khang trang như thế này, mẹ con tôi biết ơn chị Lực nhiều lắm. Mùa mưa này, gia đình tôi không còn phải đi ở nhờ nhà hàng xóm, không phải lo mỗi khi nghe tin mưa bão về".
Vợ chồng anh Nguyễn Đình Nho (thôn 4 xã Đại An) dành dụm được khoản tiền để sửa nhà, nhưng không may kẻ trộm vào lấy hết. Gia đình vì thế nảy sinh mâu thuẫn; chồng giận vợ, con cái buồn tủi; bao nhiêu công sức, tiền của bấy lâu tích cóp coi như đổ xuống sông, xuống biển. Biết được thông tin đó, chị Kim Lực đã đến động viên, giúp hòa giải mâu thuẫn trong gia đình và chia sẻ sự không may đó trên facebook. Một thời gian sau, chị cùng các nhà hảo tâm đã trực tiếp trao cho gia đình anh Nho số tiền gần 170 triệu đồng quyên góp từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Cả nhà anh Nho vui mừng khôn xiết, hết sức biết ơn nghĩa cử cao đẹp giúp người trong hoạn nạn.
Một hoàn cảnh khó khăn khác là gia đình anh Phan Thành Lộc, ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam); do sự cố chập điện gây cháy nhà đã thiêu rụi mọi thứ… Chị Lực không ngại đường sá xa xôi vượt hơn 70 cây số đến tận nơi, ghi lại cảnh hoang tàn của ngôi nhà sau sự cố hỏa hoạn đưa lên facebook làm rung động trái tim nhiều người. Nhờ vậy, các nhà hảo tâm đã quyên góp hỗ trợ hơn 100 triệu đồng để chia sẻ, giúp đỡ vợ chồng anh Lộc.
Phấn khởi vì nhận được chiếc xe đạp từ cô Kim Lực và các nhà hảo tâm trao tặng, em Lê Hoàng Sơn (học sinh Trường THCS Mỹ Hòa, huyện Đại Lộc) chia sẻ: "Em mừng lắm, không ngờ em được nhận chiếc xe đạp mới như thế này. Em không còn phải đi bộ đến trường nữa. Em không biết nói sao, chỉ cố gắng giữ gìn xe thật tốt, học thật giỏi để không phụ lòng mong đợi và sự giúp đỡ của mọi người”. Đó là một trong số ít trường hợp mà tôi được biết. Chính chị Kim Lực cũng không thể nhớ hết những gia đình, cá nhân mình đã kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ. Với chị, được chia sẻ khó khăn cho mọi người là một niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống.
Chị Lực cho biết: “Chồng tôi là sĩ quan quân đội, hiện công tác tại Ban CHQS huyện Đại Lộc. Anh là người luôn bên cạnh, ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi có thời gian làm việc thiện nguyện”. Không phụ niềm tin của chồng, chị Lực đúng là người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chị sắp xếp công việc một cách khoa học để vừa hoàn thành nhiệm vụ ở hội phụ nữ xã, vừa theo đuổi ước mơ từ nhỏ của mình, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo và để cuộc sống ý nghĩa hơn.
Chị Lực cũng từng trải qua cảnh nuôi mẹ mắc bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện, được ăn những “bát cháo tình thương” đầy nghĩa tình của bà con. Hơn ai hết, chị thấu hiểu tâm lý của bệnh nhân nằm viện dài ngày, nhiều người kiệt quệ cả sức khỏe lẫn tài chính. Vậy nên, dù công việc bận rộn chị vẫn đều đặn sắp xếp để cuối tuần được tham gia Hội từ thiện “Nồi cháo yêu thương”. Chị cùng với hội viên trực tiếp lựa chọn thực phẩm, chế biến, nấu cháo và trao tận tay bệnh nhân nghèo tại bệnh viện. Thông qua cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, chị Lực tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách, khảo sát thực tế những hộ nghèo, hộ gặp khó khăn ở địa phương rồi chia sẻ trên facebook, kêu gọi sự đóng góp, giúp đỡ của cộng đồng.
Những bát cháo tình thương cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, xe đạp cho trẻ em nghèo; mang niềm vui đến với các cụ già neo đơn; vận động hỗ trợ xây dựng những ngôi nhà tình thương tặng các gia cảnh khó khăn, hoạn nạn…, tất cả là để chị thực hiện tâm nguyện “lá lành đùm lá rách”; "sống là cho đi, không chỉ nhận cho riêng mình". Với đạo lý cao đẹp đó, tấm lòng nhân hậu của chị Lực đã lan tỏa, chạm đến trái tim của nhiều người, trở thành “chiếc cầu” kết nối yêu thương giữa các công ty, tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm, các "mạnh thường quân"... với các gia đình, cá nhân, những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn, gặp khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống, giúp họ xóa dần mặc cảm để vươn lên, vượt qua số phận, có niềm tin vào cuộc sống. Mong rằng những việc làm, hành động đẹp, giàu lòng nhân ái của chị Lực sẽ góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa và kết nối nhiều hơn những tấm lòng vàng, góp phần xóa đi những căn nhà tạm bợ; để những người già không nơi nương tựa bớt cô quạnh, neo đơn; để trẻ em nghèo được hưởng niềm vui cắp sách đến trường; người bệnh có thêm động lực vươn lên chiến thắng bệnh tật, trở về với gia đình…
Bài và ảnh: LÊ TÂY