Con nhà y làm việc thiện
Chúng tôi gặp bà ngay dưới mái nhà ở Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc (cơ sở ở thôn Yên Sơn, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Người phụ nữ với dáng vẻ thấp đậm, luôn nở nụ cười hồn hậu, và xưng bằng cô và gọi chúng tôi là con một cách gần gũi.
Thừa hưởng truyền thống và tinh thần y đức của gia đình, cô gái trẻ Nguyễn Thị Sông sau khi học xong phổ thông cũng đã quyết định thi vào trường Đại học Y Hà Nội. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cô nữ sinh trường Y- Nguyễn Thị Sông cũng phơi phới nhưng bao bạn bè cùng trang lứa khác khi mang trong mình ước mơ hoài bão về mầu chiếc áo blouse trắng chữa bệnh, cứu người.
Nhưng rồi ập một cái, vận đen đổ xuống đầu cô nữ sinh trẻ. Bà Sông nhớ lại, khi đang học năm thứ 3 thì bỗng cảm thấy sức khỏe của mình yếu đi, đi khám chữa mấy tháng liền mà không khỏi được. Rồi bà buồn bã bởi sức khỏe không cho phép theo học tiếp. Nghỉ học giữa chừng, bà về quê cùng với gia đình kiên trì tự tìm ra nhiều bài thuốc để cứu chữa cho bản thân.
 |
Bà Sông (thứ 4 từ trái sang) và các học viên khuyết tật ở cơ sở sản xuất nấm.
|
Phải đến 3-4 năm sau, sức khỏe của bà mới dần ổn định. Chính trong quãng thời gian ở nhà chữa bệnh bà đã bắt gặp nhiều cảnh đời bất hạnh quanh khu phố, lối xóm nhà mình. Đó là những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam, hay bị khuyết tật bẩm sinh, rồi các em bé bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc gia đình hoàn cảnh không có tiền chữa bệnh…. Đồng cảm với mỗi đau với những mảnh đời bất hạnh, “trông người lại ngẫm đến ta”, bà Sông quyết định đưa vài đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt về nhà mình cưu mang, chạy chữa.
Bà cho hay: “ Khi đó bố mẹ và người thân trong gia đình hầu hết làm nghề y, nên mọi người đều ủng hộ việc làm của cô. Bố mẹ cô còn tạo điều kiện thuận lợi và cùng nhau chữa bệnh cho các cháu nhỏ đáng thương, chúng bị người thân bỏ lại ở các cơ sở y tế”.
Sau khi lập gia đình, bà Sông lại tiếp tục được người chồng hết lòng ủng họ những việc làm nhân đạo. Những cảnh đời đau thương, bi đát bà gặp ngày một nhiều lên. Những trăn trở, ưu tư về bao kiếp người khốn khổ cứ càng lúc càng khiến bà nặng lòng.
Sau nhiều năm vừa lặn lội khắp nơi làm nghề y và cưu mang, cứu chữa miễn phí cho những trẻ em và người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt, thì đến năm 2009, được sự hậu thuẫn của gia đình và ủng hộ, chấp thuận của chính quyền địa phương, bà Sông quyết định xây dựng và thành lập Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc( cơ sở chính ở Phường Thọ Xương, TP Bắc Giang, Bắc Giang).
Bà Sông kể cho chúng tôi chuyện bà cùng chồng đã phải làm đủ thứ công việc, từ bốc thuốc chữa bệnh, làm may, lên các huyện miền núi, hay thậm chí tận các tỉnh Tây Bắc xa xôi để buôn măng rừng, gạo, hoa quả…tất cả để có kinh phí lập Trung tâm nhân đạo. “Cô chỉ mong các cháu khuyết tật, bị bỏ rơi và một số người neo đơn có được một mái nhà sinh sống, bình yên. Tuy trung tâm không thể nhận hết tất cả các trường hợp, nhưng phương châm của Thiên Phúc là dang rộng vòng tay nhân ái với tất cả những hoàn cảnh khó khăn.”
Cho đến nay, Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc là nơi nuôi dưỡng gần 70 đối tượng gồm: Trẻ em khuyết tật, cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa ở hai cơ sở: Thọ Xương( TP Bắc Giang) và Yên Sơn( Tiền Phong, Yên Dũng). Không chỉ trẻ em khuyết tật ở Bắc Giang mà ở cả các tỉnh Lạng Sơn, Hải Dương, Quảng Ninh cũng đang được nuôi dương, chăm sóc ở Trung tâm. Ngoài những trường hợp được nuôi dưỡng, chăm sóc cố định ở hai cơ sở, thì hiện nay Trung tâm cũng giúp đỡ và bảo trợ cho nhiều cảnh đời khó khăn, đau khổ khác.
“Mẹ Sông” viết tiếp chuyện cổ tích
Đến nay mái ấm nhân đạo Thiên Phúc đã tròn 10 tuổi, bà Sông vẫn lặng lẽ viết tiếp câu chuyện cổ tích của mình. Bà bảo rằng khi xưa việc cưu mang chữa trị cho những đứa trẻ bị bệnh tật rồi thấy chúng tốt hơn, khỏe hơn làm mình thấy phấn chấn, tiếp thêm niềm tin, sự mạnh mẽ để mình làm tiếp. Sau khi được chăm sóc, chạy chữa và ăn cơm ở Trung tâm, nhiều đứa trẻ lớn lên và dần dần quen với cách gọi “Mẹ Sông” đầy ân nghĩa, xúc động.
Những đứa trẻ ở Trung tâm ngày một lớn lên, ngoài vài trường hợp bị khuyết tật, nhiễm chất độc da cam nặng, mất khả năng lao động thì số còn lại cũng cần có một công việc để mưu sinh tự nuôi sống bản thân. Biết được nguyện vọng những đứa con của mình, mẹ Sông đã liên hệ với một số cơ sở dạy nghề trên địa bàn hoặc thuê giáo viên về Trung tâm hướng nghiệp cho bọn trẻ.
Để có những công việc ổn định, lâu dài cho bọn trẻ ở Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc, năm 2015, bà Sông và chồng cùng các cộng sự đã đi tìm và thuê được mảnh đất hơn 2000m2 ở thôn Yên Sơn, Tiền Phong, Yên Dũng để mở cơ sở trồng và sản xuất các loại nấm. Có kinh nghiệm và hiểu biết về các vị thuốc Đông y, nên bà Sông quyết định chọn “Đông trùng hạ thảo”- một dược liệu quý hiếm có nguyên gốc Tây Tạng ( Trung Quốc) để đưa vào trồng và sản xuất thành phẩm.
Lúc đầu cơ sở của bà Sông gặp rất nhiều khó khăn. Bà Sông cho biết, do là một tổ chức xã hội phi lợi nhuận, nên Trung tâm khi thành lập Công ty và mở cơ sở sản xuất “Đông trùng hạ thảo” đã gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Vợ chồng bà đã phải huy động tiền trong họ hàng, ngươi thân có được hơn 3 tỷ đồng để xây dựng khu nhà sản xuất “Đông trùng hạ thảo” đạt chuẩn. Ngoài ra ở cơ sở Yên Sơn, Trung tâm cũng phải xây dựng một số dãy nhà ở dành cho các học viên và cán bộ, nhân viên ăn ở, sinh hoạt. Trong đó, phần lớn học viên là các thanh thiếu niên được nuôi dưỡng ở Trung tâm tại cơ sở Phường Thọ Xương, giờ đã đến tuổi học nghề và lao động
Sau khi được sự giúp đỡ của vị tiến sĩ già Nguyễn Ngọc Quán- một chuyên gia “Đông trùng hạ thảo”, người đặt nền móng khi đưa loại đông dược quý này lần đầu tiên nuôi cấy thành công ở Đà Lạt, Việt Nam thì cơ sở của bà Sông mới dần dần khai mở. Tháng 4-2016, Công ty TNHH MTV Thiên Phúc với ngành nghề chính ban đầu là trồng và sản xuất “Đông trùng hạ thảo” ở thôn Yên Sơn, xã Tiền Phong, Yên Dũng chính thức được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
Suốt trong 1 năm đầu những mẻ “Đông trùng hạ thảo” sản xuất thử ở cơ sở đều thất bại do điều kiện sinh trưởng không đạt. Bà Sông và các cộng sự đã nhiều lần đi tìm hiểu thực tế ở Đà Lạt và các nơi khác để rút kinh nghiệm. Phải đến giữa năm 2017, những mẻ “đông trùng hạ thảo” ký sinh từ nấm đầu tiên mới thành công ngay dưới chân dãy núi Nham Biền thuộc thôn Yên Sơn này. Ngay sau đó vào tháng 9-2017, thành phẩm “Đông trùng hạ thảo” được Viện Kiểm Nghiệm Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Quốc Gia chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa bán ra thị trường. Đồng thời được Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo cấp giấy chứng nhận là “Sản phẩm tin cậy”. Hiện nay cứ khoảng 10kg đông trùng hạ thảo tươi sau khi phơi, sao sẽ cho ra 1kg khô với giá từ 160-200 triệu/kg.
Có lợi nhuận, sau khi trả hết nợ ngày mở cơ sở, bà Nguyễn Thị Sông tâm sự thật rằng việc sản xuất “Đông trùng hạ thảo” của Công ty Thiên Phúc khi tạo ra lợi nhuận thì 50% trong số đó sẽ được dành để tái đầu tư, 50% còn lại để phục vụ công việc phúc lợi xã hội tại Trung tâm như: Chăm sóc trẻ khuyết tật, người già neo đơn, thuê giáo viên dạy nghề cho các học viên, xây dựng nơi ăn ở tốt hơn…
Hiện nay, “Mẹ Sông” đã mở thêm khu sản xuất “Nấm tiến vua” để nhằm tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương. Các công nhân, học viên ở địa phương sẽ được học nghề trồng “Nấm tiến vua” miễn phí tại Trung tâm, sau đó có thể tự sản xuất tại nhà, rồi bán lại sản phẩm cho Công ty đóng gói xuất khẩu đi nơi khác. Bà Sông hào hứng tôi biết hiện nay loại “Nấm tiến vua” do cơ sở, các hộ dân học nghề mang về nhà trồng đã được bán ra thị trường và được chứng nhận VietGAP.
“Đông trùng hạ thảo”, rồi “Nấm tiến vua” đã tạo ra việc làm, thu nhập cho nhiều thành viên của Trung tâm và người dân địa phương. Nhiều người hiện đã có thu nhập 5-8 triệu/tháng. Còn với những người có hoàn cảnh khó khăn đang học nghề ở Trung tâm cũng được hỗ trợ mọi chi phí với mức từ 3 triệu/tháng/em.
Chàng trai, Lại Thanh Sơn 23 tuổi (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) bị khuyết tật hạng nhẹ cho chúng tôi biết: “ Em đã được Mẹ Sông nhận về trung tâm để dìu dắt , giúp đỡ. Từ ngày mới thành lập cơ sở sản xuất nấm, em đã được Mẹ cho xuống đây học nghề, được các bác, các chú hướng dẫn tận tình để có thể làm việc chính thức”. Đến này Sơn cùng với một số học viên khác như các em Vượng, Thanh, Hiện… đã đảm nhận một công việc chính thức ở cơ sở, được trả lương tự nuôi sống bản thân. Ngoài ra còn có ông Vũ Văn Việt (75 tuổi) là thương binh, có hoàn cảnh rất khó khăn hiện cũng được nhận vào cơ sở nuôi cấy nấm để làm bảo vệ trông coi hàng hóa. Mọi chi phí sinh hoạt và thuốc men của ông Việt đều được Trung tâm chi trả. Chính con trai của ông Việt là anh Vũ Tuấn Anh từng bị mắc chứng tự kỷ lâu năm cũng đã được nhận vào Trung tâm. Khi được lao động và hòa đồng cùng lao động, cùng vui chơi, ăn ngủ với các thành viên khác thì bệnh tình của Tuấn Anh đã thuyên giảm. Hiện nay anh Tuấn Anh đã hòa nhập và làm việc như một người bình thường…
Trải lòng câu chuyện của mình suốt mấy chục năm qua, rồi những thành quả, niềm vui, nụ cười của người trẻ ở cơ sở sản xuất nấm nhân đạo hôm nay, bà Sông cảm thấy mình hạnh phúc lắm. Bà bảo nó như một nguồn năng lượng quý giá để mình quyết tâm hơn, làm được nhiều việc ý nghĩa cho đời...
Bài, ảnh: DƯƠNG VĂN HẢI