Miệt mài với từng trang sử
Hơn 40 năm công tác trong ngành giáo dục, nhưng về nghỉ hưu, nhà giáo Trần Huy Thành vẫn khá bận rộn, nhất là khi chính quyền địa phương đề nghị ông giúp biên soạn cuốn lịch sử cách mạng xã Tam Hiệp. Sau thời gian làm việc miệt mài, khoa học, năm 2010, cuốn “Lịch sử cách mạng Đảng bộ và nhân dân xã Tam Hiệp (1929-2009)” được xuất bản, trở thành tài liệu giáo dục truyền thống của địa phương.
Biết nhà giáo Trần Huy Thành am hiểu về lịch sử quê hương, Huyện ủy Phúc Thọ đề nghị ông giúp đỡ biên soạn cuốn lịch sử cách mạng của huyện. Thế là, nhà giáo Trần Huy Thành lại tiếp tục một hành trình tiếp theo từ việc đọc, thu thập tư liệu, kiểm chứng thông tin... với nhiều đêm gần như thức trắng. Kết quả, bằng công sức của ông, cuốn “Lịch sử cách mạng huyện Phúc Thọ tập III (1975-2010)” hoàn thành trong niềm cảm phục của cán bộ và nhân dân Phúc Thọ.
Ông Thành còn tích cực tham gia biên soạn các tài liệu giáo dục lịch sử truyền thống; viết về những anh hùng, liệt sĩ của quê hương Phúc Thọ, như: Bùi Ngọc Ấp, Tào Thị Nấm, Hà Nguyên Thị. Theo ông, việc biên soạn tài liệu giáo dục lịch sử cho học sinh, cái khó không phải là sự kiện, sử liệu mà cách diễn đạt sao cho các em dễ hiểu, dễ nhớ. Bằng kinh nghiệm của một nhà sư phạm, ông miệt mài tìm hiểu và biên soạn nhiều tập tài liệu phục vụ việc giáo dục truyền thống tại các trường học trong huyện. Học sinh khi tiếp cận các tài liệu do ông biên soạn đều cảm thấy thích thú hấp dẫn.
 |
Thầy Trần Huy Thành đọc lại những trang thư của học trò cũ. |
Năm 2017, nhà giáo Trần Huy Thành hoàn thành cuốn sách “Trường Hữu nghị T78-60 năm một chặng đường”. Trước đó, ông trực tiếp cùng đoàn công tác của nhà trường dành nhiều thời gian, công sức tìm gặp, trao đổi với các nhân chứng để thu thập thông tin. Tập bản thảo của ông được thông qua nhiều cấp và gửi sang nước bạn Lào thẩm định. Vì học sinh của nước bạn Lào học tập tại Trường Hữu nghị T78, sau này nhiều đồng chí giữ trọng trách cao của Đảng và Nhà nước Lào. Cuốn sách sau khi xuất bản được nhà trường, các thế hệ học trò nước bạn đánh giá cao, coi đây là một tài liệu quý ghi lại những ký ức đẹp của mình tại Việt Nam.
Sâu nặng tình thầy trò
Trong sự nghiệp trồng người, nhà giáo Trần Huy Thành luôn hết lòng vì học sinh thân yêu. Ngày còn công tác, thầy coi giảng đường là nơi chắp cánh ước mơ, sự tiến bộ trưởng thành của học trò, là niềm vui, lẽ sống cuộc đời. Thầy không thể quên được mái trường cấp 2 (nay là Trường THCS xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) nơi mà thầy trò phải vào tận vùng rừng núi Lương Sơn (Hòa Bình) để xin tre nứa về dựng lớp học. Rồi trận lụt mùa hè năm 1966, thầy cùng giáo viên trong trường nửa đêm băng qua dòng Tích Giang sang làng Phú Lễ chống lụt. Cũng năm ấy, thầy đã đưa 40 em học sinh lớp 7 đi thực tế tại đỉnh núi Ba Vì. Chuyến đi dài 5 ngày đêm vất vả, khó khăn nhưng để lại ấn tượng, kỷ niệm sâu sắc với cả thầy và trò.
Sau này, thầy Thành tiếp tục công tác ở các Trường THCS Tam Hiệp, Ngọc Tảo. Thầy còn tham gia giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi cho các trường ở Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Hơn 40 năm công tác, thầy đã đóng góp công sức vào thành tích đội tuyển văn lớp 9 của tỉnh Hà Tây (trước đây) với 30 giải quốc gia. Riêng năm 1997, đội tuyển đạt 1 giải nhì, 4 giải ba và một giải khuyến khích. Cũng năm này, thầy Trần Huy Thành vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Trong suốt chặng đường đứng trên bục giảng, thầy đã góp phần bồi dưỡng được nhiều thế hệ học trò xuất sắc; sau khi rời mái trường phổ thông, công tác ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng mỗi lần trở về ngôi nhà nhỏ của thầy ở thôn Thượng Hiệp, họ đều chung một tấm lòng tri ân thầy Thành sâu sắc.
Đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy, nhưng đối với thầy phần thưởng không phải là những tấm bằng khen, giấy khen mà là tình cảm học trò dành cho mình. Thầy có một “gia tài” vô cùng quý giá được gìn giữ suốt mấy chục năm qua. Đó là những tập thư học trò gửi tặng thầy. Những thếp giấy ố vàng, những dòng mực phai màu được ấp ủ nâng niu. Trong thư, học trò lúc gọi thầy là “ba Thành kính mến” có khi lại là “bố Thành của con”.
Mỗi lá thư là một câu chuyện, một kỷ niệm nhưng tựu chung lại đó là tình cảm thầy trò sâu nặng ân tình. Nhiều đêm, người thầy giáo già ấy vẫn lần giở từng bức thư, bài thơ học trò gửi tặng mình, rồi cẩn thận ghi chép, đóng lại thành tập. Nhiều học trò sau này khi về thăm thầy đọc những lá thư cũ như tìm lại được ký ức tuổi học trò. Thầy vẫn nhớ cô học trò Phan Thị Bê, quê ở huyện Phú Xuyên vào Bến Tre công tác. Sau 40 năm mới có dịp gặp lại, thầy trò mừng mừng tủi tủi hàn huyện bao kỷ niệm xưa. Khi thầy giở lại bức thư cũ, cô đã rưng rưng không nói lên lời. Lúc chia tay, cô Bê mong muốn xin lại lá thư cũ, coi như một kỷ vật của tình cảm thầy trò ấm áp, thiêng liêng.
Giờ phút chia tay ra trường, học trò Nguyễn Thị Quỳnh đã gửi lại những dòng tâm sự tri ân thầy: “Mai mỗi người mỗi ngả/ Em lại về trường xưa/ Vẫn còn nghe văng vẳng/ Tiếng thầy Thành giảng thơ”. Mỗi lần kể về các học trò cũ, thầy lại rưng rưng xúc động. Thầy luôn tâm niệm rằng, để học trò yêu quý và nhớ đến mình trước hết người thầy phải có cái tâm, luôn trân trọng và yêu thương các em.
Yêu từng cuốn sách, giữ từng tiếng thơ
Đứng trước căn nhà nhỏ, thầy Thành tâm sự như trải lòng, bằng mấy vần thơ vui: “Nhà mình đơn giản lắm/ Chỉ có sách mà thôi/ Cánh cửa luôn mở rộng/ Đón bạn bè tới lui”. Thật đúng vậy, bước vào nhà Thầy không gian bốn bề là sách. Thầy phân chia theo từng thể loại: Sách về lãnh tụ cách mạng, lịch sử truyền thống, văn học nghệ thuật, về giáo dục…Như con ong chuyên cần cóp nhặt, thầy đã có một kho sách đồ sộ với hàng nghìn cuốn, do thầy mua, sưu tầm; do học trò, bạn hữu, nhà văn, nhà thơ… tặng. Quyển nào thầy cũng nâng niu trân trọng, tự tay đóng giấy bóng kính ngoài bìa cẩn thận. Vì thế nhiều cuốn sách đã qua mấy chục năm mà vẫn không bị sờn, rách.
 |
Thầy Trần Huy Thành giới thiệu những cuốn sách của mình với học trò. |
Tủ sách không chỉ là không gian riêng của thầy mà nhiều bè bạn, học trò cũng đến đây để tìm đọc sách và trao đổi kiến thức. Biết tính thầy yêu sách, nên những phần quà mọi người tặng thầy cũng thường là sách. Trong tập “Những tấm lòng đáng yêu”, thầy Thành đã có “Đôi dòng tâm sự” dặn dò các con trong nhà, rằng: “Đây còn là những “tặng phẩm” quý, những kỷ vật thiêng liêng phải được trân trọng gìn giữ lâu dài, không chỉ của riêng bố mà còn là của cả gia đình ta”.
Không chỉ yêu sách, thầy Thành còn rất yêu thơ ca. Tam Hiệp quê ông có truyền thống văn hóa lâu đời mang đậm dấu ấn của mảnh đất xứ Đoài. Chất thơ vì thế đã ngấm vào thầy. Năm 1992, thầy và một số bạn hữu trong làng Thượng Hiệp đã bàn bạc và thành lập một câu lạc bộ yêu thơ lấy tên là “Hương Quê”. Từ năm 2002, thầy là chủ nhiệm câu lạc bộ, đã tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu, thực tế, sáng tác, quảng bá. Nhờ vậy, “Hương Quê” ngày càng có nhiều hội viên tham gia, xuất bản được gần 10 tập thơ với nhiều chủ đề khác nhau.
Tiếng lành đồn xa Câu lạc bộ thơ Hương Quê được nhà thơ Thanh Tùng giới thiệu trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam. Tư gia của thầy Thành trở thành điểm hẹn để bạn thơ thường xuyên tới lui tâm tình. Thầy có đều kiện tiếp xúc trao đổi với các nhà thơ như Pham Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Mai, Lâm Xuân Vy, Nguyễn Xuân Lai...Thầy cũng có một tập thơ riêng là “Chút tâm tình” và rất nhiều bài thơ khác dành tặng bạn bè, người thân, học trò. Thầy còn thường xuyên tổ chức để các thành viên Câu lạc bộ được giao lưu với hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và có nhiều đóng góp cho việc khơi dậy phong trào yêu thơ ca tại địa phương.
Tuy tuổi đã cao, nhưng ông Thành vẫn luôn bận rộn công việc. Dẫu vất vả nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện, bởi một suy nghĩ giản dị: “Nghỉ hưu, nhưng còn sức khỏe, thì còn làm việc, cống hiến”. Chính điều đó là động lực để ông tiếp tục làm nhiều việc ý nghĩa.
Bài và ảnh: VŨ DUY