“Vị đại diện” của dân bản

Tiếng lành đồn xa, chúng tôi tìm về nhà cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, giáo viên dạy lớp 2E, điểm lẻ Quảng Mào, Trường Tiểu học Thạch Bình, vào một ngày cuối tuần. Ngôi nhà nhỏ của chị bình yên giống như bao ngôi nhà khác ở làng quê nghèo này. Trò chuyện với chúng tôi, chị không nói nhiều về mình, về những việc mình đã làm, mà dành phần lớn thời gian kể về sự trưởng thành của mỗi học trò. Chị mời chúng tôi một món kẹo, rồi giải thích: "Đây là món quà mà em Bùi Văn Thi ở Quảng Mào tặng tôi nhân ngày 20-11". Nói rồi, giọng chị nghẹn lại, vội quay mặt đi hướng khác. Không gian tĩnh lặng đến lạ. Để phá vỡ sự im lặng, tôi bắt chuyện hỏi về tấm bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà chị vừa được nhận nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam; rồi chuyện đầu tư làm phòng học dạy viết chữ đẹp miễn phí cho học sinh... Nghe tôi hỏi, chị chỉ cười, rồi lại bắt đầu kể về chuyện cậu học trò Bùi Văn Thi.

Cô giáo Hạnh Nguyên bên bục giảng. Ảnh: Cao Quang Tùng

Chị kể, cách đây hơn 6 năm, vào buổi trưa, cậu bé Thi và một vài học sinh đến trước cửa nhà chị ngồi ăn. Vì nhà chị ở ngay cổng Trường THCS và Tiểu học Thạch Bình, lại có cây bóng mát, nên nhiều học sinh ở bản xa sau giờ học thường tập trung tại đây. Bữa trưa, mỗi em chỉ một cơm nắm trắng đựng trong túi ni lông và không có thức ăn. Thương những cô, cậu học trò nghèo, cô giáo Hạnh Nguyên đem cơm nóng đổi lấy cơm nắm của học sinh. Tuy nhiên, sau hai tuần, nhận thấy việc “đổi cơm” khó có thể duy trì được, nên chị quyết định vận động các em học sinh vào trong nhà ăn cơm trưa cùng gia đình với duy nhất một điều kiện: Các em không được bỏ học và phải đến lớp đúng giờ. Thế là từ ngày đó, bữa cơn trưa của gia đình cô Hạnh Nguyên có thêm những cô, cậu học trò nghèo. Những bữa ăn tuy đạm bạc, nhưng tình cô trò thật đầm ấm. Hiện nay, vào các ngày học trong tuần, bữa trưa nào của gia đình cô Hạnh Nguyên cũng đón từ 25 đến 30 em học sinh vào ăn và nghỉ ngơi miễn phí.

Sau gần 10 năm gắn bó với học sinh trên các thôn bản, cô giáo Hạnh Nguyên đã trở thành “vị đại diện” của dân bản. Người dân rất quý, coi cô như người trong nhà. Chuyện to, chuyện nhỏ họ đều nói với cô Hạnh Nguyên. Thế nên, lẽ ra ở tuổi gần 50, cô Hạnh Nguyên đã được trở về dạy ở trường trung tâm, rất gần nhà, nhưng phụ huynh của điểm trường Quảng Mào luôn có nguyện vọng “bắt” cô ở lại dạy chữ cho con của mình.

Bữa ăn của học sinh nghèo tại gia đình cô Hạnh Nguyên. Ảnh: Cao Quang Tùng

Hiện nay, theo như cô Hạnh Nguyên, chẳng có gia đình nào bắt con ở nhà, không cho đi học vì bất cứ lý do nào. Trường hợp của Bùi Văn Thi là ví dụ điển hình. Mẹ của Thi hay đau ốm, anh trai bị bệnh hiểm nghèo, gia cảnh hết sức khó khăn và bản thân em bị hoại tử một đoạn ruột đã phẫu thuật nhưng vẫn đi học đến hết lớp 9. Thương cậu học trò nghèo, cô Hạnh Nguyên tự nguyện nhận nuôi Thi ăn học và chăm sóc sức khỏe tại nhà 6 năm liền. Vài tháng gần đây, Bùi Văn Thi đã đi làm ở Quảng Ninh. Dịp 20-11, Thi trở về thăm, tặng quà cô Hạnh Nguyên. Gặp chúng tôi, Bùi Văn Thi tâm sự: "Mẹ Nguyên là điểm tựa để em có niềm tin vươn lên trong cuộc sống khó khăn này".

“Mẹ Đốp” của “trung đội chiến sĩ” nhí

Năm 1990, cô Nguyễn Thị Hạnh Nguyên tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm và về nhận công tác tại Trường Tiểu học Thạch Bình. Gần 30 năm theo nghiệp dạy học, chồng lại là bộ đội thường xuyên công tác xa nên cô Hạnh Nguyên đã trải qua và thấu hiểu tường tận mọi khó khăn, gian khổ. Hiện nay, cô Hạnh Nguyên là giáo viên chủ nhiệm lớp 2E điểm trường Quảng Mào (gồm các bản Quảng Mào, Đầm Rừng, Bãi Lóng với đa là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao). Đây là điểm trường khó khăn nhất trong 3 điểm lẻ của Trường Tiểu học Thạch Bình.

Theo quy định, từ năm học lớp 4 trở đi, các học sinh điểm trường Quảng Mào phải đi hơn 10km, trong đó nhiều đoạn đường phải vượt đồi, bằng rừng để đến Trường Tiểu học Thạch Bình. Vì thế, các em phải dậy sớm, đi sớm và về tới nhà thì rất muộn. Cô giáo Hạnh Nguyên kể, năm 2017, trong trận lũ lớn ở vùng này, 3 em đã suýt bị lũ cuốn trên đường đi học về nếu không được cứu kịp thời. Cảm phục tinh thần vượt khó ấy, cô Hạnh Nguyên gọi các em là những “chiến sĩ” nhí và thương chúng như chính con ruột của mình. Cô làm hết sức mình để chúng no cái bụng, vui khỏe, học được nhiều cái chữ, sau này có điều kiện giúp gia đình thoát nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Mâm cơm do “Mẹ Đốp” Hạnh Nguyên chuẩn bị hằng ngày cho học sinh. Ảnh: Cao Quang Tùng

Để bảo đảm đủ cơm thường xuyên cho gần 30 “chiến sĩ” nhí ăn và nghỉ buổi trưa tại gia đình, ngoài những giờ trên lớp, cô Hạnh Nguyên phải đóng đủ các vai: Tiếp phẩm, đầu bếp, làm mẹ và là người dọn dẹp nhà cửa cần mẫn. Nhưng đáng nể nhất, cô đã vận động chồng dùng số lương hưu hàng tháng để cùng mình lo ăn cho học sinh trong suốt thời gian dài mà chẳng hề có chút đắn đo, nghĩ suy. Hằng ngày, cô thức dậy từ 5 giờ sáng. Ngoài lo việc nhà, cô còn chuẩn bị sẵn thực phẩm cho bữa ăn trưa của các em học sinh rồi mới lên đường tới lớp. Tan giờ học, cô lại tất bật về nhà nấu ăn cho các con. Buổi tối, cô chuẩn bị đồ ăn cho ngày hôm sau đến hơn 23 giờ mới nghỉ.

“Nhà chỉ có hai vợ chồng, nhưng gạo lúc nào cũng phải trữ 2-3 bao lớn; tủ lạnh lúc nào cũng có cả chục ki-lô-gam thịt lợn. Thế nhưng hằng ngày, tôi vẫn phải đi chợ mua thêm rau, cá… để nấu cơm cho các “chiến sĩ nhí". Bữa cơm phải bảo đảm đủ chất dinh dưỡng để các con ngon miệng, có sức học tập”, cô Hạnh Nguyên tâm sự.

Gia cảnh của các học sinh Bãi Lóng, Đầm Rừng và Quảng Mào mà cô Hạnh Nguyên nuôi dưỡng, đều nghèo. Nếu không có gia đình cô cho những ăn bữa trưa miễn phí thì chắc nhiều em đã bỏ học. Em Bùi Văn Hợi, học sinh lớp 6, Trường THCS Thạch Bình tâm tình: “May nhờ có gia đình cô Hạnh Nguyên hỗ trợ nên chúng cháu đã vượt đường xa và mưa nắng để đi học đều đặn. Nếu không có cô, chắc chúng cháu đã bỏ học rồi”.

Về nhà cô Hạnh Nguyên ăn, nghỉ buổi trưa, các em nô đùa, nghịch ngợm, tranh nhau xem chương trình ti vi, hoặc tranh nhau chỗ ngồi, chỗ nằm... nên cãi nhau chí chóe, như “ong vỡ tổ”. Thế nên, cô Hạnh Nguyên tự dưng trở thành “quản giáo” và “trọng tài” phân xử. Nhiều khi, cô phải vờ to tiếng để ngăn chặn những cuộc “đấu khẩu” có thể xảy ra. Vì thế, cô "được" chồng và những người dân xung quanh "phong tặng" danh hiệu “Mẹ Đốp”.

Gần 50 tuổi, dù việc chăm sóc các "chiến sĩ nhí" đã rất vất vả nhưng cô Hạnh Nguyên vẫn chưa dừng lại. Cô lại tiếp tục mở lớp dạy viết chữ đẹp miễn phí cho học sinh vào ngày nghỉ. Cô bảo, rèn chữ tức là rèn người, qua đó để các em học tập đức tính kiên trì, nhẫn lại và vượt khó để trưởng thành.

Chia tay cô Hạnh Nguyên, trên con đường uốn lượn của vùng đồi núi Nho Quan, tôi hiểu hơn ý nghĩa câu nói của một ai nào đó rằng: “Người đi truyền lửa trong lòng phải luôn rực lửa”. Có lẽ, hình ảnh, việc làm và cao hơn là tấm lòng của cô giáo Hạnh Nguyên với các học sinh nghèo miền núi xứng đáng được coi là biểu tượng của người giáo viên nhân dân, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

NGUYỄN MẠNH THẮNG