QĐND Online - Hồ Khăm La, 24 tuổi, dân tộc Cơ-tu, là người đầu tiên thi đỗ đại học của xã Hương Lâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trung tá Nguyễn Duy Thành hướng dẫn Thượng sĩ Hồ Khăm La kỹ năng tự học các môn lý luận

Ông Hồ Xuân He, cán bộ xã Hương Lâm, nhớ lại một ngày tháng 8-2011, gia đình nhận được giấy báo con trai cả của ông – Hồ Khăm La đã trúng tuyển vào Trường Đại học Chính trị. Một niềm vui vô bờ bến, vì Khăm La chính là chàng trai đầu tiên của xã thi đỗ đại học, lại đỗ với số điểm rất cao. Trước đó, xã Hương Lâm cũng đã có một số người đi học đại học, nhưng đều theo diện cử tuyển chứ chưa ai thi đỗ.

Bản thân Hồ Khăm La, hai năm trước cũng “trượt vỏ chuối” khi tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2009. Thấy Khăm La buồn, ông He động viên con: “Theo bố, con nên tình nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự. Quân đội sẽ là môi trường rất tốt để con rèn luyện nên người. Người ta nói đó cũng là một trường đại học”.

Vâng theo lời khuyên của cha, Khăm La nhập ngũ vào Trung đoàn 6, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhiệm vụ của một người lính khá vất vả, nhưng Khăm La không hề quên giấc mơ vào đại học. Tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ, Khăm La vùi đầu vào ôn luyện lại kiến thức văn hóa phổ thông trung học. Năm 2011, chuẩn bị hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thấy Khăm La chăm chỉ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, lại có chí học hành, chỉ huy đơn vị đã đề nghị cho anh được đi ôn văn hóa chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh. Mùa thi năm đó, Khăm La xuất sắc thi đỗ Trường Đại học Chính trị với số điểm 21,5 (điểm trúng tuyển với các thí sinh phía Nam năm 2011 là 14 điểm). Ngày chia tay đơn vị, chia tay gia đình đi nhập học, ông He dặn con: “Ra ngoài đó, cố gắng học cho bằng anh, bằng em, xứng đáng là người đầu tiên thi đỗ đại học của xã”.

Khăm La đã không phụ lòng mong mỏi của bố. Trong môi trường học tập vốn rất nghiêm khắc ở Đại học Chính trị, anh thường xuyên nằm trong nhóm học viên dẫn đầu về kết quả học tập. Chăm chỉ đi thư viện tra cứu tài liệu, đọc các tác phẩm kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin; tích cực trau dồi kỹ năng tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị tại thực tế đơn vị… Ba năm học vừa qua, Khăm La có một năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, hai năm được tặng danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến. Anh được kết nạp Đảng khi mới 22 tuổi, hiện nay là phó bí thư chi bộ, tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 6, Trường Đại học Chính trị.

Không chỉ học giỏi, rèn nghiêm, Khăm La luôn thể hiện là một chàng trai Cơ-tu chân chất, điềm tĩnh, sống chân thành, luôn quan tâm giúp đỡ đồng đội. Trung tá Nguyễn Duy Thành, Chính trị viên Tiểu đoàn 6 cho biết: “Khăm La là một học viên có phương pháp học tập khoa học, có ý thức rèn nghiệp vụ, kỹ năng tay nghề nghiêm túc. Trong sinh hoạt chi bộ, chính Khăm La là người đề xuất biện pháp để các đảng viên kèm cặp, giúp đỡ các đoàn viên phấn đấu trở thành đoàn viên ưu tú. Chi bộ nơi Khăm La làm phó bí thư được công nhận là chi bộ trong sạch, vững mạnh. Bản thân Khăm La đã giúp đỡ một số đoàn viên là học viên học trung bình vươn lên học khá”.

Với quân hàm thượng sĩ, đồng phụ cấp sinh hoạt rất ít ỏi, nhiều người phải xin thêm gia đình, riêng Khăm La lại rất tiết kiệm. Phụ cấp ít nhưng anh vẫn để dành ra mỗi tháng 400.000 đồng gửi về cho cô em gái út Hồ Thị Phượng, hiện là sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế.

Chia sẻ về ước mơ của mình khi tốt nghiệp đại học, đảng viên trẻ Hồ Khăm La cho biết: A Lưới quê tôi là vùng quê cách mạng nhưng vẫn còn nghèo, đồng bào còn nhiều hủ tục lạc hậu, kinh tế chưa phát triển… Tôi mong được về một đồn biên phòng của tỉnh Thừa Thiên – Huế, để vừa công tác xây dựng đơn vị, vừa tham gia vận động quần chúng, giúp đỡ đồng bào thay đổi phương thức sản xuất, làm giàu ngay trên hương mình.

Bài, ảnh: HÀ – HẢI