Chùa Gia Quất nằm trong con hẻm 52/11/89, phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội. Giữa khu phố thị sầm uất, cảnh vật trong chùa lại khá tĩnh lặng và cổ kính. Ni sư trụ trì chùa Thích Đàm Hướng đã ngót bảy mươi tuổi, mặc dù bận rộn chuẩn bị lễ dâng hương vào ngày mồng 1, nhưng vẫn bớt chút thời gian dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh chùa. Ni sư kể: "Chùa Gia Quất ngoài thờ Phật còn là nơi thờ 4 vị Thành hoàng, trong đó có 2 vị nhân thần là Đức Minh Trụ và Đức Minh Khiết là 2 vị tướng đã có công lớn giúp vua Lý Nhân Tông đánh giặc Chiêm Thành. Dưới thời đại Hồ Chí Minh, nhà chùa lại vinh dự trở thành nơi hoạt động cách mạng của các vị tiền bối, trong đó có Đại tướng Văn Tiến Dũng. Hiện nay, phía trước Tam bảo, ngay sau cổng chính còn có tấm bia ghi rõ ngày tháng Đại tướng Văn Tiến Dũng hoạt động ở nơi đây. Đó là một truyền thống quý của nhà chùa. Cũng nhờ có sự đóng góp này mà tháng 10-2013, chùa Gia Quất được công nhận và gắn biển là Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến".

leftcenterrightdel
Ni sư Thích Đàm Hướng giới thiệu về tấm bia ghi lại sự kiện Đại tướng Văn Tiến Dũng hoạt động tại chùa Gia Quất. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Gia Quất là một căn cứ cách mạng, là sở chỉ huy của lực lượng vũ trang khu Ngọc Thụy. Với địa thế kín đáo, lại tiện đường ra vào nội thành nên chùa Gia Quất đã được lựa chọn làm nơi liên lạc bí mật của các cán bộ hoạt động cách mạng khu vực nội - ngoại thành. Cũng chính tại nơi này, Trung đội nữ du kích Trưng Trắc-đơn vị vũ trang nữ đầu tiên của khu Ngọc Thụy (Gia Lâm) đã được thành lập. Trung đội chủ yếu là các cô gái thôn Gia Quất. Chúng tôi nhìn kỹ tấm bia di tích và thấy ghi: “Từ ngày 19-11-1943 đến tháng 4-1944, chùa Gia Quất là địa điểm liên lạc hoạt động bí mật của đồng chí Văn Tiến Dũng (thường gọi là sư Tuệ) và đồng chí Nguyễn Văn Cử (tên hoạt động là Nguyễn Việt Hùng). Nơi đây còn là đầu mối trung chuyển vũ khí, tân dược, giấy bút, tài liệu... đến khu ATK lân cận, là đầu mối để Trung ương chỉ đạo phong trào cách mạng tại các khu Đông Triều, Bãi Sậy, một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và mở đường liên lạc sang tỉnh Bắc Giang; huyện Khoái Châu, Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) nhằm chuẩn bị lực lượng tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền". Thật ít ai ngờ ngôi chùa bình dị nằm khuất sau những dãy nhà cao tầng lại ẩn chứa nhiều kỳ tích đến thế.

Chia tay chúng tôi, Ni sư Thích Đàm Hướng tâm sự: “Phát huy những giá trị truyền thống cách mạng của chùa, chúng tôi đã và đang tuyên truyền, phổ biến những giá trị đạo đức của đạo Phật, giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ mai sau, nhất là những thành tích của nhà chùa trong kháng chiến, trong đó có dấu tích của Đại tướng Văn Tiến Dũng…”.

Bài và ảnh: PHAN ANH-MINH TIẾN