Những cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, hiện đang sinh hoạt trong Ban liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cử đoàn đại biểu ra thăm và chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2009) và 55 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2009).
Theo lịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ tiếp Đoàn đại biểu Ban liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 15 giờ ngày 22-4. Trước giờ hẹn, chúng tôi thấy các đại biểu đã tề tựu đông đủ tại Văn phòng Đại tướng. Đại tá - cựu chiến binh Minh Cao, nguyên là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 11, Đơn vị M41, Đoàn B12 trong chiến dịch Điện Biên Phủ lộ rõ vẻ hồi hộp, nói nhỏ với tôi: "Sống trong Thành phố Hồ Chí Minh, lâu lắm rồi tôi mới có dịp ra Bắc và đến thăm Đại tướng. Tuổi tôi đã cao nhưng anh em, đồng đội trong đó cứ động viên: Anh ra thăm Đại tướng để về kể lại cho chúng tôi nghe. Với những người lính Điện Biên Phủ chúng tôi, Đại tướng không chỉ là vị Tổng tư lệnh, mà là người Anh thật sự như trong gia đình. Lâu lâu không được đến thăm anh, chúng tôi thấy nhớ anh lắm. Tý nữa, khi tôi nói chuyện với Đại tướng, cậu nhớ chụp cho tôi một kiểu ảnh để về cho anh em, đồng đội trong Thành phố mang tên Bác được ngắm "người anh Cả" hiện nay nhé!".
Đúng giờ hẹn, Đại tướng xuất hiện, dáng nhanh nhẹn và tinh anh trong bộ quân phục mới, giơ tay chào theo đúng điều lệnh. Mọi người cùng đứng dậy, đồng loạt giơ tay chào Đại tướng. Đại tướng thân ái nhìn khắp lượt, rồi bất ngờ chỉ tay vào Cẩm Nhung - Biên tập viên của Đài Truyền hình Việt Nam, hỏi vui: "Còn đồng chí này, sao không chào?".
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng cuốn sách “Chiến sĩ Điện Biên Phủ kể chuyện”. |
Giây phút nghiêm trang nhanh chóng qua đi. Cẩm Nhung cảm động, lí nhí nói không thành câu. Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký riêng của Đại tướng đề nghị mọi người "đi luôn vào vấn đề". Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên là Trợ lý Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, đứng dậy giới thiệu với Đại tướng từng thành viên trong Đoàn: "Báo cáo anh Văn, đây là anh Hoàng Nghĩa Khánh, Trung tướng, nguyên là Phái viên tác chiến Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là Thiếu tướng Bùi Nam Hà, hiện là Phó trưởng ban Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là anh Minh Cao, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 11, Đơn vị M41...". Thấy Đại tá Hoàng Minh Phương quên tự giới thiệu, Đại tướng chỉ vào ông và hóm hỉnh nói: "Còn đây là Hoàng Minh Phương, trẻ mãi không già...".
Cả phòng cười vang. Ai cũng bất ngờ trước trí nhớ và sự hài hước của Đại tướng. Chừng như để chứng minh cho lời giới thiệu của mình, Đại tướng hỏi thêm: "Hoàng Minh Phương, năm nay cậu bao nhiêu tuổi rồi?". Đại tá Hoàng Minh Phương rất cảm động, nói lắp: "Cảm ơn anh Văn không quên tôi. Năm nay tôi 84, già rồi anh ạ !". Đại tướng khoát tay: "Không, so với tớ, cậu còn trẻ mà". Lại một tràng cười sảng khoái nữa vang lên.
Tiếp đó, Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh báo cáo với Đại tướng tình hình hoạt động của Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, có 392 cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ban liên lạc hoạt động thường xuyên, đều khắp, động viên nhau sống tốt, gương mẫu để con cháu noi theo. Anh em rất tự hào về Chiến thắng Điện Biên Phủ, tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những lúc gặp khó khăn, bất trắc trong cuộc sống, các chiến sĩ Điện Biên Phủ thường lấy lời căn dặn của Bác Hồ và Đại tướng ra để động viên nhau vững tâm vượt qua. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí nào cũng muốn được ra thăm "người anh Cả". Nhưng điều kiện không cho phép nên chỉ cử đại biểu ra thăm.
Nhắc lại năm 1999, kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng vào thăm Thành phố Hồ Chí Minh và nhắc anh em cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nên viết hồi ký để làm tài liệu lịch sử giáo dục cho thế hệ sau, Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh cho biết: Đến nay, phong trào viết hồi ký trong anh em chiến sĩ Điện Biên Phủ rất sôi động. Vừa rồi, Ban liên lạc đã tổ chức biên tập và cho in cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ kể chuyện". Nhiều cựu chiến binh còn làm thơ ca ngợi Đảng, Tổ quốc, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhân buổi gặp, Đại tá Hoàng Minh Phương đọc bài thơ "Danh tướng huyền thoại" của một cựu chiến binh kính tặng Đại tướng. Tiếp đó, Đại tá Minh Cao, Trưởng ban biên tập cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ kể chuyện" kể lại một số câu chuyện hay trong cuốn sách và đề nghị Đại tướng ký tặng. Đại tướng vui vẻ nói: "Chúng ta gặp lại nhau đây là vui lắm. Trong tuyên truyền về Chiến thắng Điện Biên Phủ hôm nay, cần phải chú ý một điều: Đó là chiến thắng của cả dân tộc, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân chứ không phải "của riêng" chiến sĩ Điện Biên Phủ. Chính vì thế, khi chúng ta nói về Chiến thắng Điện Biên Phủ, là phải nói đến đồng bào khắp nơi đã góp công, góp sức để làm nên chiến thắng".
Dừng lại ngắm cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ kể chuyện", Đại tướng nói với Đại tá Minh Cao: "Này, cậu bảo mình ký, nhưng mình chưa đọc hết thì ký sao được?".
Mọi người đều bất ngờ trước sự nghiêm túc của Đại tướng!
Nhưng không để các chiến sĩ Điện Biên Phủ phải chờ lâu, Đại tướng xem qua tên nhà xuất bản (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản cuốn sách này), xem danh sách ban biên tập và lướt qua đề mục bài viết, Đại tướng cẩn thận lấy bút chuẩn bị ký. Mọi người tưởng Đại tướng sẽ chỉ ký tên, nhưng không, ông viết một dòng, nét chữ vẫn giữ nguyên sự rắn rỏi ngày nào: "Hoan nghênh những chuyện hay. 22-4-2009. Ký tên: Võ Nguyên Giáp".
Các cựu chiến binh vỗ tay nhiệt liệt.
Thời gian buổi gặp gỡ giữa Đại tướng và các chiến sĩ Điện Biên Phủ trôi thật nhanh, thoáng chốc mà đã hết giờ hẹn. Mọi người bịn rịn xin phép chụp ảnh với Đại tướng để ra về. Thêm một lần nữa, Đại tướng làm mọi người "giật mình" về sự tinh tế và chu đáo, khi ông chỉ tay về phía một người đàn ông, từ đầu buổi gặp đến giờ đứng ở góc phòng: "Còn đồng chí này, có phải chiến sĩ Điện Biên Phủ không?".
Mọi người ồ lên. Thì ra, trong thành phần tham dự còn có một người "đặc biệt". Ông là Trần Văn Nhiên, quê ở thành phố Vinh (Nghệ An), không phải là chiến sĩ Điện Biên Phủ nhưng có người anh trai và nhiều anh em, họ hàng là chiến sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thể theo nguyện vọng của người anh trai trước lúc hy sinh và cũng là nguyện vọng của cả dòng họ, ông Nhiên xin phép được vào thăm Đại tướng, bày tỏ tình cảm quý mến với Đại tướng.
Nghe tỏ câu chuyện, Đại tướng xúc động, không nói nên lời. Ông nắm chặt tay ông Trần Văn Nhiên, run run...
Bài và ảnh: HỒNG HẢI