 |
Thiếu tướng Nguyễn Diệp, nguyên Đội trưởng Đội VTĐ 101 |
Sau chiến dịch Biên Giới năm 1950, Bộ chỉ huy quân đội Pháp đã thú nhận: “
Mạng vô tuyến điện quân viễn chinh đã thua mạng vô tuyến điện Việt Minh”. Chúng tôi đã tìm gặp Thiếu tướng Nguyễn Diệp, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin, nguyên là Đội trưởng Đội vô tuyến điện 101 để nghe ông kể về sự kiện này...
Đầu tháng 7 năm 1950-Thiếu tướng Nguyễn Diệp nhớ lại-tôi đang công tác ở xưởng sửa chữa thông tin và làm giáo viên lớp cơ công sơ cấp đầu tiên của Cục Thông tin liên lạc (TTLL) thì được lệnh lên đường tham gia một chiến dịch lớn do Bộ mở mà sau này tôi mới biết là chiến dịch Biên Giới. Bộ phận vô tuyến chúng tôi chỉ mang theo 2 bộ điện đài chiến lợi phẩm (1 bộ SCR 284 và 1 bộ MKII đã được sửa chữa, cải tiến). Các trưởng đài, báo vụ viên do Cục thông tin lựa chọn gồm gần 20 người, hầu hết là các báo vụ viên giỏi, có ít nhất 3 năm tuổi nghề, từ Đội vô tuyến điện 59 của Bộ và Sở vô tuyến điện Việt Nam biệt phái sang. Trên đường hành quân, chúng tôi được bổ sung thêm 30 tân binh quê ở Khu 4 để làm nhiệm vụ quay máy phát điện và phục vụ…
Đến Đà Tàu, vị trí tập kết của cơ quan tiền phương, đoàn được đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp đón và đưa giấy giới thiệu, cử người dẫn đường để đoàn sang Thủy Khẩu, một thị trấn của Trung Quốc sát biên giới, nhận khí tài mới. Vì đây là chuyến “xuất ngoại” đầu tiên, nên đoàn được lưu ý là phải giữ kỷ luật chặt chẽ, không được tự do đi lại và phải mặc bộ quần áo… lành lặn nhất. Nhận khí tài ở kho xong, đoàn đưa về cơ quan cung cấp chiến dịch và tiến hành kiểm kê trước khi chuyển về đơn vị. Lần đầu được nhận những khí tài mới, đồng bộ từ máy thu phát đến các phụ tùng, gồm 7 bộ máy kiểu 15PM do Trung Quốc sản xuất, đặc biệt còn có 3 bộ máy kiểu Pilot- V101 do Mỹ sản xuất, mọi người đều hết sức vui mừng. Do máy Pilot-V101 là loại điện đài cơ động, hiện đại nhất của bộ đội thông tin lúc đó, nên khi được trên biên chế thành đội vô tuyến điện, anh em đã đề nghị lấy phiên hiệu là 101. Cùng thời điểm ra đời Đội vô tuyến điện 101, Bộ Tư lệnh chiến dịch còn thành lập Đội điện thoại 99 và Đội truyền đạt 103 đều trực thuộc Ban thông tin chiến dịch do đích thân Cục trưởng thông tin Hoàng Đạo Thúy làm trưởng ban.
Lúc này, Đội 101 được trang bị 12 máy tổ chức thành 10 đài, mỗi đài có một trưởng đài, một báo vụ, 3 đến 4 chiến sĩ quay máy phát điện và mang vác khi hành quân. Chỉ huy Đội có 3 người do Nguyễn Diệp làm Đội trưởng. Sau khi ổn định biên chế trang bị, Đội tiến hành huấn luyện sử dụng máy, cách chỉ huy điện đài trong điều kiện dã chiến, đặc biệt là sử dụng quy ước liên lạc PAGT (phương án giờ và tần số) do đồng chí Nguyễn Cung soạn thảo. Đây là lần đầu tiên, Đội phải thực hiện một quy ước liên lạc phức tạp, có khả năng giữ bí mật cao nhằm chống địch trinh sát điện tử…
Gần đến ngày nổ súng, Trưởng ban thông tin chiến dịch lệnh cho Đội 101 cử hai đài kiểu 15 PM xuống Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 là hai đơn vị đánh trận Đông Khê mở màn chiến dịch; đồng thời cử một đài xuống Đại đoàn 308 là lực lượng sẵn sàng đánh quân tiếp viện. Ngoài ra, Đội còn cử 2 đài cơ động và một đài đi theo Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch. Trong đợt 1 chiến dịch, ta chưa sử dụng các đài Pilot-101 vì cho rằng các đài làm nhiệm vụ công đồn có sở chỉ huy ổn định, có thể dùng hữu tuyến là phương tiện chủ yếu. Tuy nhiên, đường dây giữa Sở chỉ huy cơ bản ở Nà Lạn với Sở chỉ huy tiền phương ở gần Đông Khê không triển khai được đúng kế hoạch, nên khi nổ súng, vô tuyến điện lại trở thành phương tiện liên lạc chính giữa đồng chí Tổng Tư lệnh ở Sở chỉ huy cơ bản với đồng chí Tổng tham mưu trưởng ở Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch. Sau đợt 1, khi chuẩn bị đánh địch vận động, Ban thông tin chiến dịch đã cử một đài Pilot-V101 xuống Trung đoàn 174 bảo đảm liên lạc đánh địch trên đường Thất Khê-Na Sầm và một máy Pilot xuống Đại đoàn 308 đánh địch rút lui từ Cao Bằng về; còn một máy đặt ở Sở chỉ huy cơ bản để liên lạc với hai đài trên cả bằng điện báo và điện thoại. Trong đợt 2, các đài đã bảo đảm TTLL vững chắc với sở chỉ huy cơ bản, cả khi đơn vị hành quân truy kích địch và khi triển khai hoặc thu hồi máy chỉ cần 3 đến 5 phút. Đặc biệt, ngày 6-10-1950 khi Đại đoàn 308 đang bao vây Binh đoàn do quan năm Sác-tông chỉ huy rút từ Cao Bằng về tới khu vực Cốc Xá, đài Pilot-V101 ở Sở chỉ huy cơ bản đã vinh dự được Bác Hồ đến theo dõi cuộc đàm thoại giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tư lệnh chiến dịch với đồng chí Vương Thừa Vũ-Đại đoàn trưởng. Đây là nguồn động viên lớn đối với cán bộ, chiến sĩ của Đội.
Kết thúc thắng lợi chiến dịch Biên Giới 1950, Đội vô tuyến điện 101 được tặng thưởng huân chương chiến sĩ hạng hai; Đội trưởng Nguyễn Diệp, trợ lý vô tuyến Nguyễn Cung, thợ cơ công Nguyễn Văn Thúy được tặng Huân chương chiến sĩ hạng Ba.
TRẦN HOÀNG TIẾN ghi