QĐND - Chúng tôi đến Niu Đê-li vào một buổi chiều rất đẹp. Nắng vàng rực rỡ lấp lóa trên từng ô cửa, nơi có những ánh mắt của người dân thân thiện hướng về đội hình xe chở Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm Ấn Độ. Niu Đê-li gây ấn tượng đầu tiên với chúng tôi bởi sự rộng lớn và náo nhiệt nhưng lại được bao bọc bởi những lùm cây bồ đề xanh mướt mát và vẻ thanh bình hiếm có khi từng đàn chim ngói, bồ câu vẫn sà xuống tìm mổ những mẩu bánh rơi trên mặt phố.

Truyền thông Ấn Độ rất quan tâm đến chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng chúng tôi vẫn bị bất ngờ. Trên sạp báo của khách sạn Leela Palace, tôi nhìn thấy tờ The Hindu, một tờ báo lớn, đăng trang trọng chân dung Tổng Bí thư và dành hẳn 4 trang viết về mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ. Các đồng nghiệp nước bạn cho biết, không chỉ The Hindu, mà hầu hết báo chí dành một thời lượng lớn để thông tin về chuyến thăm của Tổng Bí thư. Thậm chí, có báo còn ra hẳn một số chuyên đề. Trong số những quan chức có mặt trong lễ đón chính thức, còn có cả Đại sứ Dim-ba-bu-ê, là Trưởng các đoàn ngoại giao tại Ấn Độ. “Đón một người bạn thân là một niềm vui lớn” - đó là thông điệp mà Ấn Độ muốn gửi đến toàn thể bạn bè trong ngày đón Tổng Bí thư của ta.

Việt Nam-Ấn Độ là một tình bạn hiếm gặp trong các mối quan hệ quốc tế. Chúng tôi “phát hiện” ra mẫu số chung trong đời sống tinh thần của người dân hai nước, chính là tình bạn đặc biệt giữa Thủ tướng J. Nê-ru và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tất cả các cuộc gặp gỡ Đoàn Việt Nam, từ Thủ tướng M.Xinh, Tổng thống P.Mu-khơ-gi, Phó tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện H.An-sa-ri, hay Chủ tịch Đảng Quốc đại X.Gan-đi… đều nhắc lại tình bạn giữa hai vị lãnh tụ như là một di sản vô giá mà thế hệ hiện nay phải gìn giữ. Trong buổi tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư, Thủ tướng Ấn Độ đã nói rất chân thành: “Mối quan hệ giữa hai lãnh tụ là mối quan hệ dựa trên lòng tin, sự tôn trọng lẫn nhau và tình cảm. Đấy cũng là những nguyên tắc chỉ đạo cho chúng ta khi đang từng bước xây dựng mối quan hệ trong kỷ nguyên mới”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nhắc lại một kỷ niệm: “Trong những năm kháng chiến gian khổ chống xâm lược, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên khẩu hiệu nổi tiếng ở Ấn Độ “tên Anh, tên Tôi, tên Chúng ta: Việt Nam, Việt Nam” đã làm xúc động lòng người, thể hiện tình cảm đoàn kết, sát cánh của nhân dân Ấn Độ với Việt Nam. Đó là nền tảng hết sức vững chắc cho quan hệ hữu nghị chân thành giữa hai nước chúng ta tiếp tục tiến lên phía trước”.

Hai ngày đầu trên đất nước Ấn Độ, hoạt động của Tổng Bí thư dày đặc những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo, lãnh tụ các đảng phái và các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội của nước bạn. Vấn đề Tổng Bí thư đặt lên hàng đầu là làm sao các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài những kết quả mà Tuyên bố chung đã công bố, thời điểm Tổng Bí thư đến thăm Ấn Độ cũng đúng lúc bạn muốn ta làm sâu sắc hơn nữa tầm vóc của quan hệ đối tác chiến lược. Nền kinh tế Ấn Độ được cấu trúc một cách khá đặc biệt, với số dân 1,24 tỷ người và sức mua được xếp hàng thứ 4 trên thế giới, Ấn Độ tự hào là “có thể đóng cửa khẩu mà mọi hoạt động kinh tế vẫn bình thường”. Nói như vậy, không có nghĩa là Ấn Độ khép kín, mà Ấn Độ đang điều chỉnh chiến lược đối ngoại một cách toàn diện, nhằm tạo dựng ảnh hưởng tương xứng với vị thế của cường quốc khu vực và toàn cầu. Tính đến nay, Ấn Độ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 12 nước, trong đó có tất cả các nước lớn. Không gian chiến lược trong quan hệ quốc tế của Ấn Độ đang mở rộng hơn bao giờ hết, nhưng Ấn Độ luôn dành cho Việt Nam tình cảm và quyết tâm tăng cường quan hệ hữu nghị ở mức cao nhất. Thủ tướng M.Xinh, trong buổi họp báo sau hội đàm đã nhắc đến câu chuyện sâu sắc: Hồi những năm 70 của thế kỷ 20, Ấn Độ đã không ngần ngại chia sẻ bí quyết thành công từ “Cách mạng Xanh” với Việt Nam, để Việt Nam vươn lên tự chủ về lương thực. Đến nay, Việt Nam đã trỗi dậy mạnh mẽ khi trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Điều thú vị là Việt Nam đang giúp đỡ xây dựng một trang trại nuôi cá ba sa đầu tiên của Ấn Độ. “Tình bạn chân thành có thể tạo ra sức mạnh cao hơn cả khả năng” - đó cũng là điều mà Thủ tướng Man-mô-han Xinh tâm đắc.

Đại tá Nguyễn Văn Duẩn, giảng viên Học viện Hải quân Việt Nam hiện học tại Học viện Quốc phòng Ấn Độ chia sẻ: “Nền giáo dục Ấn Độ có nhiều thế mạnh, nhất là dạy học bằng tiếng Anh và đào tạo một cách sát thực để người học hòa nhập thực tiễn được ngay. Ngoài ra, tình cảm, sự chân thành của người Ấn Độ với Việt Nam là động lực rất lớn thôi thúc chúng tôi học tập, vươn lên”. Còn Tham tán thương mại tại Ấn Độ Nguyễn Xuân Hà chia sẻ: “Quan hệ thương mại lấy lợi nhuận làm đầu nhưng trong quan hệ này, bạn đối với ta cũng rất trong sáng, chân thành. Rất nhiều kế hoạch hợp tác do bạn nêu ra, có khi ta chưa kịp trả lời khiến bạn “dỗi”. Sự nhiệt tình của bạn là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi thị trường Ấn Độ là một thị trường rộng lớn, nhu cầu lại rất đa dạng mà Việt Nam có thể đáp ứng”.

Thay cho lời kết của bài viết này, xin được kể lại tình huống khá bất ngờ trong buổi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao S.Khu-sít. Đang nói chuyện, giọng Bộ trưởng S.Khu-sít bỗng chùng hẳn xuống: “Thời gian qua, trên cả hai nước chúng ta đã xảy ra nhiều chuyện vui buồn. Trong đó đáng kể nhất là nỗi buồn khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa mãi mãi. Tôi biết Đại tướng là một hình ảnh tiêu biểu của người Việt Nam yêu nước. Cho nên, dù Đại tướng mất đã gần hai tháng, hôm nay tôi vẫn muốn chia buồn với Ngài Tổng Bí thư và Việt Nam một lần nữa. Đó cũng là một nỗi buồn của người Ấn Độ”.

Bộ trưởng S. Khu-sít biết rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối cuối cùng từng trực tiếp công tác bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người đã cùng với Thủ tướng J.Nê-ru xây đắp nên tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét đó là “một mối quan hệ trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Nhận xét này vẫn giữ nguyên giá trị đến hôm nay, đồng thời là động lực để “tên Anh, tên Tôi” mãi mãi là “tên Chúng Ta” trong quan hệ giữa hai quốc gia. Thế giới đã và đang biến động từng ngày, nhưng tình bạn giữa hai nước thì luôn bền vững cùng thời gian.

NGUYỄN HỒNG HẢI

(từ Niu Đê-li)