Đào Phúc Lộc hồi nhỏ-năm 1929 (đứng ngoài cùng bên trái ở hàng trước, dưới thân mẫu Vũ Thị Trình) cùng gia tộc họ Đào nổi tiếng yêu nước

... Đầu năm 1955, Xứ ủy Nam Bộ quyết định lập “Ban nghiên cứu Xứ ủy “-Ban địch tình (Ban này tồn tại đến 1961), do Ủy viên Xứ ủy Ba Viên phụ trách. Hoàng Minh Đạo, nguyên là trưởng phòng quân báo Nam Bộ về làm Phó trưởng ban. Rồi cụm tình báo chiến lược chỉ đạo trực tiếp các hệ tình báo chính trị-quân sự-phản gián-chiến lược ra đời, trong đó hệ tình báo quân sự gồm 6 lưới từ NB1 đến NB6 do Hoàng Minh Đạo phụ trách.

...Năm 1969, Trung ương cục điều Đào Phúc Lộc từ Phân khu 5 về làm Chính ủy Phân khu 1-vùng Củ Chi. Đêm Nô-en (24-12), Chính ủy Đào Phúc Lộc cùng Phó tư lệnh phân khu Tám Lê Thanh về Trung ương cục dự họp. Khi vượt sông Vàm Cỏ Đông, đoàn phải chia làm hai nhóm. Ghe chở Phó tư lệnh Tám Lê Thanh qua sông trước trót lọt, còn ghe chở Chính ủy Đào Phúc Lộc đi sau đụng giang thuyền địch, tất cả đều hy sinh giữa dòng nước. Vì hoàn cảnh chiến tranh, hoạt động trên mặt trận thầm lặng, cái tin anh hy sinh phải giữ bí mật, gần ba chục năm sau vợ và các con của anh vẫn còn phải chịu nỗi đau bởi bà con nơi anh sinh ra ở Móng Cái-Quảng Ninh thậm chí còn tin đồn anh là “kẻ phản bội Tổ quốc”...

Tên thật của anh là Đào Phúc Lộc, con trai của ông-bà Đào Ngọc Khanh (tức Đào Sĩ)-Vũ Thị Trình, nhưng Lộc mới 6 tuổi đã mồ côi mẹ. Vì người vợ hai khó chiều, ông Đào Sĩ phải đem hai người con gửi nhờ người bà con chăm sóc, còn Lộc và chị Hải của Lộc thì ông thuê nhà tại hẻm “Cô Ba Chìa” ở Hải Phòng để cho hai chị em đi học. Thật may mắn, nhờ vậy mà hai chị em Hải và Lộc về sau được gặp người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu dìu dắt sớm đi theo cách mạng. Hai chị em trở thành giao thông viên bí mật cho Đảng từ năm 1936, căn nhà thuê ở trọ nằm sâu trong ngõ ấy trở thành một cơ sở của cơ quan Khu ủy bí mật. Đồng chí Tô Hiệu từ nhà tù Côn Đảo trở về bị lao phổi nặng, đã trú ở đây trong hai năm 1938-1939 để vừa dưỡng bệnh vừa chỉ đạo phong trào...

Năm 1939, Đào Phúc Lộc mới 16 tuổi đã được kết nạp vào Đảng. Năm 1940, trong một chuyến công tác, Lộc bị địch bắt giam 2 năm, khi được trả tự do về quê Móng Cái phải chịu quản thúc thêm 5 năm. Nhưng Lộc đã đánh lừa được bọn mật thám, trốn sang Trung Quốc bắt liên lạc với tổ chức để tiếp tục hoạt động. Đồng chí Trường Chinh ngày đó đã giao cho Lộc quay trở về quê xây dựng cơ sở ở vùng Móng Cái, lập đường dây giao thông bí mật cho Đảng đường Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Quảng Tây để đưa-đón cán bộ đi-về qua biên giới hoạt động. Thế là một chi bộ Đảng ở Móng Cái ra đời do Đào Phúc Lộc làm bí thư, lấy bí danh Minh Phụng là tên người con gái của một vị quan trong phủ Quảng Yên đã trốn gia đình tham gia Việt Minh, một lần đã cứu Lộc thoát khỏi sự truy đuổi của mật thám...

Sau ngày cách mạng giành chính quyền, ngày 25-10-1945, Phòng tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội ta chính thức thành lập dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quân ủy hội-Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, được giao cho Đào Phúc Lộc năm đó mới 22 tuổi phụ trách. Đào Phúc Lộc lấy bí danh là Hoàng Minh Đạo và tháng 12 năm đó đã làm lễ thành hôn với Minh Phụng tại cơ quan Phòng tình báo... Một năm sau con gái Minh Vân chào đời thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ ác liệt, Đào Phúc Lộc phải gửi vợ con lên chiến khu... Đến năm 1948, Trung ương tin cử anh vào tăng cường cho miền Nam, đảm trách nhiệm vụ đặc phái viên của Bộ Tổng tham mưu đi kiểm tra tình hình từ Khu 4 vào Nam Bộ để kiện toàn và thống nhất lại tổ chức của ngành tình báo, giúp cơ quan Cục có điều kiện chỉ đạo kháng chiến trong toàn quốc. Trước khi đi, anh về Việt Bắc để chia tay vợ và con gái, thì người vợ bị sốt rét ác tính vừa qua đời. Làm tang cho vợ xong, anh lên đường vào Nam, gửi lại con gái Minh Vân nhờ “mẹ Kíu” chăm sóc.

Bà Nguyễn Thị Kíu chính là chị của Nguyễn Thị Thìn, em gái nhà tư sản yêu nước Nguyễn Công Cầu, đã nhận Hoàng Minh Đạo là “em nuôi” che chở cho hoạt động... Đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội làm Bộ trưởng Nội vụ, quan Tổng đốc Nguyễn Đình Quảng là người bạn thanh liêm tri kỷ đã gửi cụ Huỳnh người con trai Nguyễn Đình Quảng nhờ chăm sóc. Quảng được giới thiệu làm thư ký cho Thứ trưởng Hoàng Hữu Nam. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Quảng được ưu tiên nhường cho ngành tình báo quân sự, trở thành cộng sự đắc lực cho Hoàng Minh Đạo, rồi làm Trưởng ban tình báo mặt trận Hà Nội. Anh Đạo mai mối cho Quảng bén duyên người “em nuôi” Nguyễn Thị Thìn. Khi Hoàng Minh Đạo vào Nam, thì mùa thu năm ấy hai người làm lễ cưới ở trụ sở Ban tình báo mặt trận Hà Nội. Bà Thìn là thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, được đào tạo trở thành chiến sĩ tình báo dưới sự chỉ đạo của ông. Ông Quảng lấy bí danh Minh Vân chính là tên con gái của Trưởng phòng Hoàng Minh Đạo, người từ “chín hầm”-”Sống trong mồ” sống sót trở về, nay là Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân...

Bí mật vào Nam hoạt động, đến tháng 4-1951, được bạn bè vun vén, Đào Phúc Lộc đã làm lễ cưới với chị Bùi Ngọc Hường là giao liên của Cục tình báo Trung ương, tổ chức ở chiến khu Đ, có đồng chí Ba Duẩn đến chung vui. Vợ chồng Đào Phúc Lộc-Bùi Ngọc Hường sinh con trai Minh Ngọc, rồi con gái Minh Thu. Anh mang thêm bí danh mới Năm Thu-Năm Đời vào hoạt động bí mật trong thành phố Sài Gòn sau khi đã có Hiệp nghị Giơ-ne-vơ... Bốn năm sau, nhân chuyến đi tháp tùng với phái đoàn của đồng chí Hai Văn đi họp ở Trung ương về theo đường Trường Sơn, hai vợ chồng mới được gặp lại nhau trên đất Cam-pu-chia, để sau đó vào năm 1961 sinh thêm con gái Minh Hồng. Minh Hồng mới hơn 1 tuổi, chị phải gửi con ra Bắc để chuyển từ Cam-pu-chia về Ban công vận TP Sài Gòn công tác công khai-hợp pháp. Hôm chị cùng đoàn giao liên tới chiến khu rừng Sác bất ngờ được gặp lại chồng và sống bên nhau hai ngày. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng vì không lâu sau đó, chị sa vào tay giặc, bị đày ra Côn Đảo đến 1974 mới được trao trả trở về, còn anh hy sinh trên đường công tác năm 1969...

Ngày vợ anh từ Côn Đảo trở về cùng 4 con chưa hề nhận được giấy báo tử nên vẫn ngày đêm mong ngóng anh sẽ trở về... Gần ba chục năm trôi qua, lặn lội ngược dòng thời gian gặp các nhân chứng tìm kiếm, vợ con và đồng đội cũ của anh đã đến được trước ngôi mộ vô danh nằm 29 năm qua ở ấp An Thới, An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh. Đó là ngôi mộ mà 29 năm trước, ông Hai Tờ khi vớt được thi thể một người mặc đồ bà ba đen bên dòng Vàm Cỏ đã đoán là “người đằng mình” nên cùng bà con chôn cất và chăm sóc mộ cẩn thận. Khi ngôi mộ được khai quật, hai chiếc răng hàm dưới của anh bịt bạc còn đó, vợ con anh nhận ra ngay Đào Phúc Lộc...

Dòng họ Đào ở Quảng Ninh nổi tiếng về truyền thống yêu nước mà cụ Phan Bội Châu đã từng tặng câu đối khen tặng, đại ý: “Lòng yêu nước thương dân của họ Đào như viên ngọc quý giữa đời thường...”. Tấm gương của liệt sĩ Đào Phúc Lộc là một “viên ngọc quý”, sau 29 năm “im lặng” lại sáng mãi giữa đời: Ngày 10-4-1998, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và năm 1999 truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho liệt sĩ Hoàng Minh Đạo-Trưởng phòng tình báo đầu tiên của quân đội ta.

Minh Tuấn

* Theo tư liệu của TC2 và Chân dung một nhà tình báo