Thái Nguyên là gạch nối giữa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng đại ngàn Việt Bắc. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên đã được coi là Thủ đô của kháng chiến. Chúng tôi được hiểu thêm về vùng đất này qua chuyến về nguồn dự lễ cắt băng khánh thành Nhà Văn hóa và bia kỷ niệm, nơi báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên, tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Vùng đất giàu truyền thống

Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên là người rất tâm huyết cổ động cho “Năm du lịch Thái Nguyên về Thủ đô gió ngàn-Chiến khu Việt Bắc 2007”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện thân tình cởi mở, đã làm “hướng dẫn viên” cho đoàn chúng tôi đi thăm và tìm hiểu về những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử của tỉnh Thái Nguyên-Thủ đô kháng chiến-Thủ đô gió ngàn.

Đồng chí cho biết, người dân Thái Nguyên ngay từ trước Công lịch đã tham gia vào cuộc kháng chiến đầu tiên của dân tộc ta chống giặc nhà Tần xâm lược. Năm 40, Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đổ bộ máy cai trị của nhà Hán ở Giao Chỉ, nhân dân Thái Nguyên đã tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà. Kể từ khi nhà Lý định đô ở Thăng Long, Thái Nguyên trở thành phên giậu trực tiếp che chở phía Bắc kinh thành. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1076-1077, phần đất phía Nam Thái Nguyên từng là địa đầu của phòng tuyến sông Cầu, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quan quân nhà Lý với giặc Tống. Tấm bia Ma Nhai ở động Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ còn ghi sự kiện mấy ngàn quân Tống đã bỏ xác trên chiến địa Linh Sơn bên bờ sông Cầu.

Đầu thế kỷ 15, giặc Minh xâm chiếm nước ta, nhân dân Thái Nguyên lại liên tiếp đứng lên khởi nghĩa chống giặc. Tiêu biểu nhất phải kể đến Lưu Nhân Chú, người huyện Đại Từ, cùng cha và anh rể tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo; là một vị tướng tài ba, thao lược, từng chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, là chủ tướng trận phục kích ở ải Chi Lăng, chém tướng giặc Liễu Thăng và trận đánh tan hoàn toàn 10 vạn viện binh nhà Minh trên cánh đồng Xương Giang năm 1427. Vào thời nhà Nguyễn, Thái Nguyên là nơi nổ ra nhiều phong trào khởi nghĩa nông dân chống lại quan lại phong kiến áp bức. Người dân Thái Nguyên từng tham gia các cuộc khởi nghĩa của Dương Đình Cúc, Nông Văn Vân. Ngày 19-3-1884, đội quân xâm lược Pháp tiến đánh thành Thái Nguyên, nhưng chúng đã gặp ngay sự kháng cự quyết liệt của nhân dân Thái Nguyên sát cánh cùng quân triều đình nhà Nguyễn do Hoàng Kế Viêm chỉ huy.

Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, đất Thái Nguyên là địa bàn hoạt động thường xuyên, là hậu cứ của Đề Thám. Một sự kiện vang dội cả nước là cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Trịnh Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến nổ ra vào đêm 30-8-1917.

Thủ đô thời kỳ kháng chiến

Đi từ thành phố Thái Nguyên chừng ba chục ki-lô-mét thì rẽ trái vào huyện Định Hóa, nơi đây là Thủ đô kháng chiến trong 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp. Vào những năm ấy, muốn đến được vùng này thì phải mất vài ba ngày, vì đường đi rất khó khăn. Nay thì đường nhựa phẳng lỳ uốn quanh những rừng cọ, đồi chè xanh mướt. Lịch sử Thái Nguyên rạng rỡ, vẻ vang nhất là thời kỳ chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954).

Những năm từ 1939 đến trước Cách mạng Tháng Tám, Tổng bí thư Trường Chinh, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị và nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên qua lại hoạt động, phát triển lực lượng cách mạng ở Thái Nguyên. Tháng 9 năm 1941, đội Cứu quốc quân 2, một lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời tại rừng Khuôn Mánh, Tràng Xá, huyện Võ Nhai. Tiếp nối 1944, tại đất Yên Lãng, huyện Đại Từ khai sinh chiến khu Nguyễn Huệ, nơi chuẩn bị lực lượng cho cuộc Cách mạng mùa thu tháng Tám.

Ngày 15-5-1945, Tại Định Biên Thượng, huyện Định Hóa, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và đội Cứu quốc quân được hợp nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, đoàn Quân giải phóng dưới sự chỉ huy của vị Tổng tư lệnh quân đội đầu tiên Võ Nguyên Giáp, đã tiến về giải phóng Thái Nguyên, rồi từ Thái Nguyên căn cứ địa tiến về Hà Nội.
ATK Định Hoá-Thái Nguyên

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cả dân tộc chưa kịp hưởng niềm vui độc lập đã phải bước vào một cuộc chiến đấu mới chống sự tái chiếm của thực dân Pháp. Tiên đoán trước được âm mưu, hành động của thực dân Pháp, nên ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc, vạch tuyến lựa chọn địa điểm xây dựng ATK (An toàn khu) cho Trung ương. Người nói: “Cách mạng Tháng Tám đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến nhất định do Việt Bắc thắng lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới ATK vào tháng 5 năm 1947. Từ ngày 20-5-1947 đến 11-10-1947, Người ở thôn Điềm Mạc, xã Thanh Định, huyện Định Hóa tại nhà ông Ma Đình Tương, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện. Sau đó, Người chuyển về tại rừng cọ, đồi Khau Tý, xóm Nà Trạ, cách nhà ông Tương chỉ vài trăm mét. Tại đây, Bác Hồ đã viết tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lề lối làm việc" với bút danh XYZ, một tác phẩm mà ngày hôm nay trong công cuộc đổi mới vẫn giữ nguyên giá trị.

Chính trong thời gian Bác Hồ ở và làm việc tại đây, có rất nhiều sự kiện trọng đại xảy ra, mà mở đầu các chuỗi sự kiện ấy là cuộc phản công chiến lược đập tan âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp. Năm 1948, Bác Hồ đã chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho Tổng Tư lệnh Quân đội Võ Nguyên Giáp. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới Thu- Đông 1950, chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và hàng loạt sự kiện quan trọng khác của đất nước.

Tháng 5 năm 1997, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc”. Tại cuộc hội thảo này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Rõ ràng, Thái Nguyên là Thủ đô của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân xâm lược Pháp”. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết, khi về thăm Bác Hồ tại Định Hóa (Thái Nguyên) trong thời kỳ kháng chiến:

Vui sao một sáng tháng Năm

Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ

Suối dài xanh mướt nương ngô

Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn…”.

Điểm du lịch những di tích lịch sử

Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Bắc Son đưa chúng tôi đến thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đỉnh đèo De, xã Phú Đình để dâng hương. Đứng trên đỉnh đèo De lộng gió, ngắm nhìn dãy núi hai bên nhà Tưởng niệm theo thế “rồng chầu hổ phục”, tôi như được thấy lại không khí hừng hực cách mạng của một thời kháng chiến. Nhất là khi theo chân đồng chí Bí thư xuống thăm lại lán Bác Hồ tại đồi Tỉn Keo. Tại chiếc lán đơn sơ này, vào ngày 6-12-1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Cây hoa dâm bụt Bác Hồ trồng hơn nửa thế kỷ vẫn xanh ngăn ngắt. Tôi đã được nhìn tấm ảnh Bác Hồ chơi bóng chuyền, hôm nay mới được thấy sân chơi bóng của Bác dưới gốc cây đa Khuôn Tát.

Tại Nhà trưng bày ATK Định Hóa rộng 400m2, chúng tôi đã xem các tài liệu, hiện vật về đất và người Định Hóa, về Bác Hồ và các đồng chí Trung ương. Điều làm đoàn chúng tôi rất ngạc nhiên, là Bí thư Tỉnh ủy rất nhớ các sự kiện, giới thiệu tỉ mỉ, sinh động cho đoàn chúng tôi như thể đồng chí đã từng tham dự. Cựu chiến binh Lê Văn Kiểm, Tổng giám đốc công ty Golf Long Thành, đi cùng đoàn đã xúc động đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho phép ông đúc bức tượng bán thân Bác Hồ bằng đồng tặng cho tỉnh Thái Nguyên.

Hãy còn đó 108 điểm di tích ghi dấu một thời chiến khu Việt Bắc: Nhà sàn Tổng bí thư Trường Chinh và văn phòng ở Nà Môn; Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng ở đồi Thẩm Khen, xã Phú Đình; Chủ tịch Mặt trận liên Việt Tôn Đức Thắng ở nhà ông Nông Đình Lăng và Nguyễn Văn Lá, xã Điềm Mặc; Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cơ quan Bộ Tổng tư lệnh từng ở xóm Đồng Chùa, xã Thanh Định và khu hầm địa đạo xuyên núi đồi Khẩu Quắc… Có biết bao nhiêu cơ quan, đoàn thể có di tích như cội nguồn của mình: Bộ Quốc phòng (Lịch Đàm), Bộ Y tế (Cầu Đá), Tổng liên đoàn Lao động (xóm Giữa, Văn Lang), Hội Liên hiệp Phụ nữ (xóm Bản Quyền), Cục Điện ảnh (bản Bắc), Cục Quân nhu (thôn Đậu), Cục Quân y (Nà Yến), Cục Quân khí (Phiềng Há), Đài Tiếng nói Việt Nam (Trường Sơn), Tổng cục Chính Trị (Đông Rằm), Bộ Tổng tham mưu (Đồng Đan), Trường Nguyễn Ái Quốc (Bình Thành), Hội Văn nghệ (Kỳ Linh)…

Bên cạnh các di tích lịch sử ATK còn nhiều địa danh đi vào lịch sử. Làng Quặng thuộc xã Định Biên, huyện Định Hóa, cách thành phố Thái Nguyên 60km, là nơi chứng kiến lịch sử hình thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 15-5-1945 tại đình làng Quặng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy và Cứu quốc quân do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy, đã làm lễ hợp nhất thành đội Việt Nam giải phóng quân, sau này là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thăm danh thắng của Thái Nguyên

Từ ATK Định Hóa, chúng tôi đi thăm hồ Núi Cốc, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên chừng 20km về hướng Tây Nam, theo tỉnh lộ Đán-Núi Cốc được trải nhựa phẳng phiu, như dải lụa vắt qua những cánh rừng đại ngàn, qua những nương chè Tân Cương. Hồ nằm giữa một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú “sơn thủy, hữu tình”. Nơi đây đã nổi tiếng bởi vẻ đẹp thiên nhiên như đã tự bao đời nay. Núi Cốc là tên gọi một vùng đất, vùng hồ nên thơ lung linh sắc màu huyền thoại về câu chuyện tình thủy chung giữa nàng Công và chàng Cốc.

Bí thư Tỉnh ủy đưa chúng tôi đi bằng ca nô thăm các hòn đảo trên hồ. Hồ Núi Cốc là hồ nhân tạo, chắn ngang sông Công, nằm trên địa phận huyện Đại Từ, trên cao ở lưng chừng núi. Hồ được khởi công xây dựng năm 1993, hoàn thành cơ bản năm 1994, gồm một đập chính dài 480m và 6 đập phụ. Diện tích mặt hồ khoảng 25km2. Lòng hồ sâu trung bình 35m, có chỗ sâu đến 50m. Hằng năm hồ có thể cung cấp từ 600 đến 800 tấn cá. Trên mặt hồ rộng mênh mông có tới 98 hòn đảo, có đảo là rừng cây xanh, có đảo là nơi trú ngụ của đàn cò, có đảo là quê hương của loài dê, có đảo có đền bà Chúa Thượng ngàn. Bí thư Tỉnh ủy rất mong muốn Khu du lịch sinh thái hồ Núi Cốc sẽ là điểm dừng chân của khách du lịch trong nước và quốc tế năm 2007. Và nơi đây, một tương lai không xa sẽ hình thành một sân golf ven hồ…

Tiếc là ít thời gian, chúng tôi không đến thăm được hang Phượng Hoàng và suối Mỏ Gà ở trên núi Phượng Hoàng, thuộc huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên 45km theo quốc lộ 1B Thái Nguyên-Lạng Sơn.

Qua Bí thư Tỉnh ủy, chúng tôi được biết, năm 2007, nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về ATK Thái Nguyên chỉ đạo kháng chiến (20-5-1947 – 20-5-2007), tỉnh Thái Nguyên tổ chức Năm du lịch với chủ đề “Năm du lịch Thái Nguyên về Thủ đô gió ngàn-Chiến khu Việt Bắc 2007”. Sau khi "khởi động" Năm Du lịch vào tháng 2 tới, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội sẽ tổ chức kéo dài đến gần cuối năm. Đáng chú ý là các hoạt động: Liên hoan tiếng hát du lịch Thái Nguyên, Hội diễn văn hóa, văn nghệ các dân tộc Việt Bắc, Hội chợ triển lãm du lịch - thương mại, hoạt động kỷ niệm 54 năm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ... Chia tay Thái Nguyên, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhiệt tình chu đáo, hết lòng vì sự thành công năm du lịch 2007.

Bàivà ảnh ĐOÀN HOÀI TRUNG