Lệ Thủy là vùng sông nước, vựa lúa của Quảng Bình. Ở miền quê xinh đẹp “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” này, có nhiều lễ hội dân gian phong phú, đặc biệt là Hội bơi - đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.

Quyết liệt đua tài. Ảnh: Hoàng An

Ngày Quốc khánh 2-9 năm nay, lễ hội đua thuyền lần thứ 45 được tổ chức quy mô hoành tráng hơn cả. Kể từ năm 1954, là lần đua đầu tiên, trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, bà con tay cày tay súng nhưng khi ngừng bắn là huyện vẫn tổ chức bơi thi. Kể cả khi hạn hán nặng, nước sông Kiến Giang gần như cạn kiệt nhưng bà con vẫn chờ đến mùa mưa để thi bơi, không bao giờ bỏ cuộc vui truyền thống. Từ hơn nửa thế kỷ trước, ở đây đã có lễ “Cầu đạo”- nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và sau đó là hội đua thuyền ngang sông. Khi hòa bình lập lại, cuộc sống no đủ hơn thì bà con tổ chức bơi dọc sông Kiến Giang, quãng đường đua dài qua 4 xã, năm nào cũng sôi động. Hàng vạn người từ trong tỉnh và con em quê hương Lệ Thủy ở mọi miền quê đổ về, đứng xem chật kín hai bên sông, trên những chiếc cầu và cả các nóc nhà, cạnh cây to bên bờ, cổ vũ động viên reo hò vang dội.

Năm nay kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống hội đua, mừng quê nhà bội thu mùa lúa mới, kỷ niệm 97 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyện Lệ Thủy tổ chức lễ càng hoành tráng hơn… Năm nay có 16 đội nam và 11 đội nữ tham gia, đều là những trai tài, gái đảm, đưa hết tài năng và kỹ thuật bơi, dẻo dai vượt qua 30km trong gần hai tiếng đồng hồ để về đích. Khi tiếng súng hiệu vang lên thì cả khúc sông dài vang lên tiếng reo hò như sấm dậy, các thuyền đua mở hết tốc lực bằng những cánh tay chắc khỏe của dân sông nước, làm sóng vỗ ào ạt vào bờ. Hòa vào dòng người nườm nượp, trong tiếng loa tiếng trống rộn ràng, chúng tôi gặp những cụ già tuổi đã ngoài 80, râu tóc bạc phơ nhưng vẫn hăng hái xắn quần lội xuống bờ sông để cổ vũ con cháu. Ông Nguyễn Minh Hiệp 78 tuổi ở Thị trấn Kiến Giang cho hay: “Tui đã tham dự cả 45 hội đua nhưng năm ni sôi nổi nhất. Vụ mùa này huyện Lệ Thủy được mùa to, bà con phấn khởi tổ chức đua thuyền để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa đẹp là rất có ý nghĩa. Chú biết không, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất thích xem lễ hội này. Mấy năm trước về thăm quê, ông đã đích thân lên thuyền ra giữa sông cổ vũ cho các tay đua. Năm ni giá mà cụ về được để chứng kiến không khí sôi nổi này chắc sẽ vui lắm!”.

Xem các đội nữ đua bơi, chúng tôi càng khâm phục ý chí và sức mạnh của con gái Lệ Thủy. Thật xứng đáng là con em của các o “C gái” anh hùng. Khi chiếc thuyền của đội bơi nữ xã Lộc Thủy mới xuất phát được vài trăm mét đã bị lật, được sự trợ giúp của thuyền cứu hộ, các chị nhanh chóng tát nước, xong lại bơi tiếp. Tuy về đích sau cùng nhưng thuyền đua của các chị được vỗ tay cổ vũ mạnh nhất. Phấn khởi lên nhận giải “Phong cách”, các chị vui sướng trào nước mắt. Biết rằng trong các đợt thi bơi toàn quốc và toàn tỉnh, Lệ Thủy đã đóng góp nhiều tay bơi cừ khôi cho tỉnh Quảng Bình. Đây là chiếc nôi đào tạo, môi trường rèn luyện những đội đua thuyền, những tay bơi đầy tài năng và triển vọng. Họ có ý chí cao, đoàn kết và kỷ thuật bơi tốt, luôn giành giải cao trong các hội thi truyền thống của tỉnh và toàn quốc. Phần thưởng cho các đội không cao nhưng tinh thần và khí thế thật sự vui từ làng trên đến xóm dưới. Các đội đạt giải cao tổ chức ăn mừng… một tuần, mổ bò, heo khao cả làng, cả xã. Anh Lê Đình Tới, trưởng phòng văn hóa-thông tin huyện cho hay: “Phấn khởi lắm anh ạ. Lễ hội mang bản sắc riêng của huyện nhà cũng như khuấy động phong trào rèn luyện sức khỏe, thể thao sôi nổi cho nhân dân”.

Hòa mình vào đám đông, chúng tôi ào xuống bến nước xôn xao. Mọi người ra sức cổ vũ cho các thuyền đua đang băng băng về đích trong tiếng reo hò. Một khúc sông xanh mát của miền quê xứ Lệ rợp cờ hoa.

XUÂN VUI