 |
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 101, đồng đội của chiến sĩ Hoàng Hà. Ảnh tư liệu
|
LTS: Sự kiện và Nhân chứng, số 180-tháng 12-2008 có bài “
Chiến sĩ Hoàng Hà-chị là ai?” của tác giả Nguyễn Huy Thắng (là con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng), nêu gương một nữ chiến sĩ quyết tử khu Đồng Xuân tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội mùa đông năm 1946 tên là Hoàng Hà. Bài viết dựa trên tài liệu của một người nguyên là “
Đại đội phó tự vệ” 8 đang được lưu giữ tại gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Tác giả Nguyễn Huy Thắng cũng mong muốn thông qua câu chuyện này nếu ai biết gì về nữ chiến sĩ quyết tử ấy thì thông tin thêm cho rõ. Vừa qua, Đại tá Vũ Tâm, nguyên là Trung đội trưởng giữ chợ Đồng Xuân, là đồng đội cùng chiến đấu với nữ liệt sĩ Hoàng Hà đã gửi cho Sự kiện và Nhân chứng bài viết dưới đây...
Chúng tôi đã đọc kỹ bài báo “Chiến sĩ Hoàng Hà-chị là ai?” của tác giả Nguyễn Huy Thắng là đồng đội cùng chiến đấu với chị Hà, Ban liên lạc Tiểu đoàn 101 Đồng Xuân rất hoan nghênh nhiệt tình của tác giả. Chúng tôi xin góp một vài hiểu biết về chị Hà và một số công tác tổ chức, chuẩn bị kháng chiến của Đảng ta.
Tháng 10-1945, Trung ương Đảng giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì hội nghị thành lập Ủy ban bảo vệ thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Văn Trân làm Chủ tịch.
Đối với Ủy ban bảo vệ các cấp, tùy tình hình khu phố tổ chức các ban chuyên trách giúp việc: Ban tác chiến, phá hoại, tuyên truyền, tản cư, tiếp tế, cứu thương, liên lạc, giao thông liên lạc. Công tác an ninh vẫn do Sở Công an cử người vào tham gia với Ủy ban bảo vệ.
Tháng 5-1946, Hà Nội có 3 liên khu và 17 khu phố. Liên khu I có các khu: Trúc Bạch, Đồng Xuân, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục, Hoàn Kiếm, Hoàng Hà, Long Biên, Bãi giữa Phúc Xá. Ủy ban bảo vệ Liên khu I do đồng chí Lê Trung Toản làm Trưởng ban. Có 7 ban: Tác chiến, tuyên truyền, tình báo, quân pháp, quản lý, cứu thương, văn phòng.
Ủy ban bảo vệ khu Đồng Xuân khi nổ súng trở thành Ủy ban kháng chiến do đồng chí Đỗ Tần làm chủ tịch; Khu có các bộ phận: Quân sự, y tế, quân lương, đội liên lạc quân báo.
Như vậy chúng tôi khẳng định:
1. Về tổ chức: các cấp Ủy ban bảo vệ thành phố, liên khu và khu Đồng Xuân không có tổ chức Ban Đặc vụ như tài liệu của đại đội phó (vô danh) đã nêu.
2. Về chị Hoàng Hà: là một nữ sinh trường Đồng Khánh 16 tuổi nhưng người cao lớn, gia đình còn một bà mẹ bán gạo bên cửa hàng phố Hàng Khoai (nhà ở 43 Ngõ Gạch). Cuối tháng Chạp năm 1946, Hà Nội có chủ trương người già, con trẻ phải tản cư. Mẹ bắt chị đi, nhưng Hoàng Hà yêu cầu mẹ dẫn đến khu Đồng Xuân xin ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Chị được chị Hoàng Yến nhận vào bộ phận mang vác, tiếp tế (sau gọi là Ban quân lương), nhưng chị kiên quyết xin vào bộ phận đánh địch. Chị được nhận vào đội quân báo, liên lạc. Từ đó Hoàng Hà chuyên đội mũ sắt Nhật nên được anh em gọi là Hà Nhật, sau thành quen.
Như vậy, chị không phải người Đà Nẵng lai Nhật, cũng không phải hậu duệ của một vị Nhật nào như tác giả phỏng đoán.
3. Sau ngày kháng chiến, khu Đồng Xuân phát hiện có một số thổ phỉ, lợi dụng tình hình tản cư, lộn xộn, cướp bóc của cải của dân. Đêm 22-12-1946, đồng chí Thư Chương (Trung đội trưởng-nay trong Ban liên lạc) tổ chức đánh chúng tại ngõ Tư Đường (40 Trần Nhật Duật) chứ không phải xóm Tư Đường, dễ nhầm với bãi ngoài đê. Ta tiêu diệt gọn và bắt sống gần chục tên, thu nhiều vũ khí. Hoàng Hà không tham gia trận này.
4. Khi trinh sát địch tại ga Đầu Cầu, Hoàng Hà thường qua chợ Đồng Xuân. Thấy đơn vị ít người, lại đào hầm tại gầm phản thịt để ăn ngủ. Cuộc sống quá vất vả nên Hoàng Hà cùng đào hầm, hò hát động viên, đặc biệt chị kể chuyện rất có duyên. Là quân báo, Hoàng Hà được đi nhiều trong khu, kể cả sang phố Hàng Đồng (không có chuyện chị xin chuyển tới Hàng Đồng với một thanh kiếm ngồi gác. 60 ngày đêm chị thuộc quân số Tiểu đoàn bộ đóng quân tại nhà Anh Hoa, 83 Hàng Chiếu).
Tại nhà 43 phố Hàng Cuốc (nay là Hàng Vải), chị đề nghị Trung đội trưởng Đan Thảo (nay còn sống) được bắn tỉa tại cuối phố Cổng Đục. (Ở đây địch hay qua đường phố Hàng Vải để về nơi đóng quân bên kia đường. Không phải đầu phố Cổng Đục có nhà dép cao su Con Hổ). Gặp địch, chị bắn lần thứ nhất, địch chỉ bị thương phải nằm lại giữa đường, kêu gào đồng bọn ra cứu nhưng chúng chỉ dùng sào kéo vào (chuyện này, báo Chiến thắng của Trung đoàn đã đăng tin!). Nhìn thấy thế, chị nhô ra quan sát cho rõ nên bị địch phục kích tại chùa Thái Cam bắn trúng ngực. Y tá trưởng Vũ Văn Thuận (nay ở Ban liên lạc) đã cõng chị về quân y Hàng Buồm. Vết thương quá nặng, chị đã hy sinh.
Trước năm 2000, để chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, phường Đồng Xuân tổ chức viết sử. Đảng bộ phường mời ban liên lạc Tiểu đoàn 101 Đồng Xuân có hơn 40 đồng chí tham gia.
Nhiều chuyện chiến đấu của các cá nhân, tổ chức, đơn vị được từng người kể lại và ký tên chịu trách nhiệm nội dung mình góp ý.
Phường Đồng Xuân đề nghị Ban liên lạc Tiểu đoàn trả lời giúp những tin tức về liệt sĩ Đồng Xuân chiến đấu tại Liên khu I.
Tôi là Trung đội trưởng giữ chợ Đồng Xuân (nhiều lần gặp Hoàng Hà khi xuống chợ) được Ban liên lạc giao nhiệm vụ tập hợp các tư liệu của 40 đồng chí và phân công giúp phường trả lời theo yêu cầu.
Xin cám ơn tác giả Nguyễn Huy Thắng!
Đại tá VŨ TÂM*
* Phó ban liên lạc Tiểu đoàn 101 Đồng Xuân.