Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bố tôi là cấp dưới trực tiếp của bác Nguyễn Phú Xuyên Khung, nguyên Đại đội trưởng Đại đội công binh 83 – đơn vị đã đánh quả “bộc phá nghìn cân” (tên ban đầu gọi là “Đại lượng trang dược”) trên Đồi A1 tối 6-5-1954. Vì vậy, ngày 7-5 hằng năm, tôi thường đến thăm và chúc mừng bác.
Từ đầu năm đến nay, bác Xuyên Khung phải nằm yên một chỗ vì vừa trải qua cuộc phẫu thuật tai biến mạch máu não. Tuy vậy, ở tuổi 86, bác vẫn rất minh mẫn, nói chuyện bằng tiếng Pháp rất say sưa và bảo “nói bằng tiếng Pháp giúp bác rèn luyện bộ não”.
 |
Ông Nguyễn Phú Xuyên Khung và cháu nội. Ảnh: Hồng Vân |
Việc bác giỏi tiếng Pháp cũng liên quan đến quả “bộc phá nghìn cân”. Số là sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, bác Xuyên Khung đã trả lời phỏng vấn hơn 250 nhà báo, trong đó có nhiều tờ báo tiếng Pháp. Có lần, một phóng viên người Pháp hỏi: “Có phải, quả “bộc phá nghìn cân” nổ tối ngày 6-5-1954 là “cú đấm” quyết định việc Quân đội Việt Minh chiếm được Đồi A1?”. Nghe hỏi trực tiếp, bác Xuyên Khung hiểu ngay ngầm ý của ông này muốn hạ thấp vai trò của bộ binh ta. Bác dẫn lại nguyên văn tiếng Pháp lời của Na-pô-lê-ông Bô-na-pác, gọi bộ binh là “nữ hoàng chiến trường”. Vị phóng viên người Pháp rất kinh ngạc, vừa khâm phục sự thông tuệ của người cán bộ Việt Minh, vừa xấu hổ vì ý định “châm chọc” không thành.
Nhắc lại kỷ niệm về Đội công binh 83, bác cho biết đó không phải là đội công binh bình thường mà là 25 cán bộ cấp tiểu đội trở lên, được tuyển chọn kỹ từ Trung đoàn công binh 151. Tất cả đều được huấn luyện kỹ về bộc phá, từng trải qua chiến đấu, nhiều người đang là cán bộ chỉ huy, tình nguyện về làm “chiến sĩ” ở Đội 83. Tuy đều là những “công binh thiện nghệ” nhưng toàn Đội phải trải qua lớp huấn luyện bổ sung, học lại về thuốc nổ, hỏa hệ, hỏa cụ, nhất là truyền nổ dưới đất, dưới nước. Họ ôn lại về cơ công, thiết công, ngõa công, mộc công, thổ công; lại rèn thêm để biết giũa, cắt, rèn, đục, cưa xẻ, đào đất; học cả nấu thuốc nổ, đúc khối thuốc… để có thể hoạt động độc lập.
 |
Sơ đồ diễn biến đợt tiến công dứt điểm Đồi A1 (hình ngôi sao là vị trí quả “bộc phá nghìn cân” phát nổ). |
Đội 83 bắt đầu tập trung huấn luyện từ tháng 11-1953, tính đến ngày nhận nhiệm vụ đào đường hầm và nổ quả “bộc phá nghìn cân” thì Đội trải qua hơn 5 tháng huấn luyện nên trình độ tác chiến rất cao. Chính điều này đã giúp Đội làm nên những điều phi thường. Chẳng hạn, chiến sĩ Bạch một mình “bò” vào vị trí máy bay B24 của địch bị ta bắn rơi để tháo được 500kg thuốc nổ; chiến sĩ Thoảng vốn là cấp dưỡng của Đội, nhờ tự học nên khi đơn vị cần thuốc nổ, cũng chỉ huy tổ đi “kiếm” được tới 5 tấn. Toàn Đội bắt tay đào đường hầm đặc biệt trong lòng đồi A1 vào ngày 20-4-1954. Miệng hầm hình vuông, 90x90cm nên càng đào sâu vào trong càng thiếu khí, ngột ngạt. Đào đất xong thì cho vào bao vải và xếp dãy dài dọc theo đường hầm nên hầm đã bé lại càng bé, vào sâu bên trong thì không nhìn thấy gì. Lúc đó, đồng chí Chu Huy Mân (Đại tướng Chu Huy Mân) gửi vào cho Đội một chiếc đèn pin để khắc phục…
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi hỏi bác Xuyên Khung là tại sao hồi ký của bác nói đường hầm dài 38m, còn Thượng tướng Nguyễn Hữu An (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) lại nói dài 49m. Bác Xuyên Khung bảo, chuyện đó không phải là “lệch”, bác An nói 49m là theo cách tính từ trận địa bên ngoài vào đến vị trí đặt bộc phá, còn nói 38m là độ dài đường hầm trong lòng đồi A1. Đội 83 đang đào đường hầm thì có lệnh đặt bộc phá để đánh. Hồi đó, việc bảo đảm bí mật luôn ở cấp độ tuyệt mật nên dù cùng một Đội nhưng người đào hầm chỉ biết đào hầm, người làm bộc phá chỉ biết làm bộc phá, ai biết việc của người ấy, không được phép hỏi việc người khác. Vì vậy, khi khối “bộc phá nghìn cân” (thực tế nặng 960kg) được đặt vào vị trí, cũng chỉ vài người biết rõ giờ G (tối 6-5). Trước giờ G, bác Xuyên Khung phân công chiến sĩ Bạch (Nguyễn Văn Bạch) ở lại cách cửa hầm 80m để giật nụ xòe. Đồng chí Nguyễn Điệt và Lưu Viết Thoảng được giao nhiệm vụ quay máy điểm hỏa 25W, sau khi quay máy thì đồng chí Thoảng chạy xuống báo đại đội của đồng chí Vũ Thế Châu xung phong…
 |
Di tích hố bộc phá trên đồi A1.Ảnh: Xuân Gụ |
Tối 6-5-1954, sau khi điểm hỏa xong, bác Xuyên Khung và bác Bạch đàng hoàng chui vào chiếc hầm móng ngựa đã chuẩn bị trước để tránh chấn động. Bác Xuyên Khung nói: “Bác phải kể điều này cho cháu vì bao nhiêu năm qua, nhà báo nào cũng hỏi trước giờ điểm hỏa có lo không, chế ngự sự sợ hãi thế nào? Thực ra, bác đã chuẩn bị sẵn 3 phương án điểm hỏa: Một là điểm hỏa bằng điện, dùng máy phát hỏa, quay là nổ. Hai là điểm hỏa bằng dây truyền nổ. Ba là điểm hỏa trực tiếp bằng dùng người, châm nụ xòe là nổ chứ không phải cảm tử gì cả. Nụ xòe cứ 1 giây cháy hết 1cm. Khi đào hầm xong, bác đã cho một người đi thử từ trong ra đến cửa, hết bao nhiều thời gian thì bác cộng thêm 20 phút nữa, cho nên điểm hỏa xong thì cứ đi bình thường ra, 20 phút là quãng thời gian thừa sức để tìm chỗ trú an toàn. Chuẩn bị là thế, nhưng thực tế đã không cần dùng đến phương án thứ 3”.
Bác Xuyên Khung nhớ lại: Khi bộc phá nổ thì bộ đội ta ở vòng ngoài nguy hiểm hơn chứ bác và bác Bạch không gặp nguy hiểm gì. Vì hàng trăm tấn đất đá tung lên, văng ra ngoài. Tiếng là “Đại lượng trang dược” nhưng khi nổ cũng chỉ “ục” một cái. Bộc phá nổ rồi, bác Xuyên Khung được lệnh lui ra. Gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng hỏi vì sao tiếng nổ nghe bé thế?. Bác thưa: “Nổ bé thế thì sức hủy hoại mới lớn”. Về sau, một nữ phóng viên người Pháp hỏi: “Trước giờ điểm hỏa, ông có chắc chắn 100% là bộc phá sẽ nổ không?”. Bác Xuyên Khung trả lời: “Chắc chắn 100%. Vì chúng tôi đã chuẩn bị tới 3 phương án. Trong lịch sử công binh thế giới, chưa có quả bộc phá nào được chuẩn bị phương án kích nổ kỹ như vậy”.
Có một “bảo vật” về quả “bộc phá nghìn cân” mà bác Xuyên Khung vẫn giữ cho đến hôm nay, đó chính là bản thiết kế quả bộc phá được vẽ trên loại giấy giang khổ lớn. Bác Xuyên Khung phác thảo rồi giao cho đồng chí Nguyễn Điệt, vốn là Đại đội phó nhưng tình nguyện vào Đội 83 làm “chiến sĩ” trực tiếp vẽ. Bác Điệt vẽ xong, nhân thành nhiều bản để xin ý kiến cấp trên. Bản gửi bác Xuyên Khung, được bác Điệt ghi cẩn thận chữ “Gửi anh Xuyên Khung”. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, được nghỉ phép, bác Xuyên Khung đem về nhà bảo vợ giữ làm kỷ niệm. Sau năm 1954, bác Khung trở thành giảng viên Viện Cao cấp Quân sự (nay là Học viện Quốc phòng). Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước xảy ra, bác lại theo lệnh cấp trên, đeo ba lô hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường B…
Bác Xuyên Khung có một chiếc tủ chất đầy những kỷ vật đã đồng hành cùng bác qua hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc. Nhưng bản thiết kế quả “bộc phá nghìn cân” chính là một trong những kỷ vật mà bác nâng niu, gìn giữ nhất. Tâm sự với tôi, bác nói: “Nghe tin có cuộc vận động hiến tặng các kỷ vật kháng chiến, tôi định sẽ tặng nó cho ban tổ chức…”.
HỒNG HẢI