 |
Trung tướng Lư Giang và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 1983. |
Một tấc giang sơn/ Một dòng máu đỏ.../ …Anh mang trái tim đi suốt đời chiến trận/ Thanh bình rồi anh dành tặng quê hương! – đó là những dòng tự bạch của Trung tướng Lư Giang. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1942, tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà Bắc Giang năm 1945. Ông đã trải qua gần 10 năm là Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu Thủ Đô, đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những dòng hồi ức giàu cảm xúc của ông về mùa thu năm ấy…
Từ “Tiếng tơ lòng” đến… “Cứu Quốc”
Cuối năm 1940, tốt nghiệp tiểu học, tôi chẳng thiết học nữa vì học lên cũng chả để làm gì. Tôi về quê làm thư ký cho thầy tôi, chờ vận hội mới. Tôi thường đi giao dịch với khách hàng, khi Hà Nội - Bắc Giang, lúc Lạng Sơn- Đình Lập... thấy dân mình thật quá nghèo, lại phải làm thuê trong các đồn điền hàng vạn héc-ta ngay ở quê mình thật vô lý, bất công mà không biết làm sao được. Tôi và anh Hải Bằng (một người bạn thân của Lư Giang – PV) bàn luận với nhau nhiều lần nhưng vẫn thấy bế tắc.
Sẵn có lòng yêu văn học, tôi say sưa tập viết truyện và làm thơ. Âm thầm cố gắng, tập viết đêm đêm rồi cũng hoàn thành một tập tiểu thuyết đặt tên là Đứa con hoang và một tập thơ Tiếng tơ lòng mạnh dạn gửi đăng báo Tri Tân ở Hà Nội nhưng không được đăng. Ông Nguyễn Văn Tố, chủ bút, viết thư góp ý với tôi khá chân thành. Tôi lên Hà Nội tìm ông. Qua trao đổi, biết ông còn là Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ, tôi xin làm chi nhánh truyền bá Quốc ngữ tại địa phương. Tôi tự nhủ, trước mắt chưa biết làm gì có ích hơn cho đất nước mà hiện 90% dân số mù chữ thì làm sao nâng cao được dân trí, mà dân trí thấp thì nước đâu có mạnh.
Tôi về bàn với anh Hải Bằng. Anh vui vẻ cùng tôi cộng tác tổ chức và trực tiếp dạy chữ Quốc ngữ cho dân làng. Bên cạnh đó còn lập những tổ “Gia đình giáo dục” cho trẻ em. Chúng tôi hứng thú say sưa lao vào công việc xã hội cảm thấy rất ý nghĩa này. Qua quá trình giảng dạy, chúng tôi còn được tiếp xúc tìm hiểu thêm tầng lớp dân nghèo, cảm thông nỗi khốn khó của dân làng và nhất là có thêm nhiều bạn bè cùng chí hướng: “Xóa nạn mù chữ” làm cầu nối cho sau này tiến lên những chí hướng khác nữa.
Một hôm, vào quãng cuối năm 1942, trời mưa rét sụt sùi, tôi và Hải Bằng ngồi sưởi bên bếp lửa nhà sàn, bàn luận với nhau về thời thế. Lúc này, Nhật - Tây - tay sai rất tàn bạo, giết người cướp của, bắt người nông dân nhổ lúa trồng đay, mùa màng thất bát. Đã nghèo đói lại càng nghèo đói, và lác đác có nơi đã có người chết đói. Bỗng anh Hải Bằng giúi vào tay tôi một tập tài liệu, bảo đọc kỹ sau cho biết ý kiến. Tôi đem ngay về giở ra xem thấy vài tờ báo Cứu Quốc và chương trình điều lệ Việt Minh, bí mật ngấu nghiến đọc. Đọc xong, tôi thấy trong lòng bừng bừng như thắp lửa, muốn reo lên…
Từ câu chữ của chương trình Việt Minh cứu nước giành độc lập Tổ quốc từ tay Pháp-Nhật thấm vào máu thịt tôi. Việt Minh chủ trương đoàn kết toàn dân, miễn có lòng yêu nước thương nòi. Một chương trình đúng đắn, thực sự đi vào lòng người. Đối với riêng tôi, vô cùng hấp dẫn, đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng mà bấy lâu nay mò mẫm, tìm kiếm mờ mịt bến bờ... Trong gia đình, tôi thường được nghe thầy tôi nói chuyện về ông nội, bác ruột chống Pháp đến cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học đều một lòng yêu nước nhưng đều thất bại. Một đôi lần ông có nhắc đến ông Nguyễn Ái Quốc và đặt hy vọng nhiều hơn, tuy cũng chưa biết cụ thể ra sao. Và hôm nay…
Hôm sau, gặp Hải Bằng, tôi vui vẻ hồ hởi nói: “Cậu cho mình đọc một tài liệu vô cùng quý giá, mở mắt, mở tâm hồn mình, trí óc mình thêm sáng láng và định được con đường mình phải dấn thân”. Và tôi trách bạn: “Cậu tệ thật đấy, không tin mình à? Sao hôm nay mới cho mình biết?”, “Mình cũng mới được tuyên truyền, giác ngộ, niềm tin về bạn quả không uổng. Rất mừng là từ nay chúng ta cùng nhau đi một con đường không quản hy sinh, gian khổ”.
Tôi lao vào con đường hoạt động Việt Minh từ cuối năm 1942 với lòng say mê quên ngày, tháng, với tất cả ý chí, sức lực tuổi thanh xuân, gân đang săn, cơ bắp đang cường tráng, nhựa sống đang lên...
Đóng giả “giải phóng quân” để “châm ngòi”
Từ sau Tết Ất Dậu 1945, nạn đói bắt đầu hoành hành dữ dội, người chết đói khá nhiều ở phố Phủ, phố Gàng, Mai Sưu sang đến Mỵ Nương, Chũ. Nhiều người phải bỏ làng lên rừng đào kiếm củ mài, củ sắn, đói rách, bệnh tật bỏ xác bên bìa rừng, đầu suối. Ở Gàng có gia đình chết cả nhà. Chúng tôi thường mê nghe anh Hai Đàn hát cung văn, anh cũng chết đói hôm qua rồi. Một hôm thấy anh phó cối tên là Quế chết gục bên giếng Đồng, chỉ còn da bọc xương, thảm thương quá!
Để chống đói, phải nhanh chóng phá kho thóc Bến Bò, ước lượng hơn 400 tấn. Hôm đó là phiên chợ Gàng. Chúng tôi tổ chức mít tinh kêu gọi đồng bào đi theo giải phóng quân ở chiến khu về (do chúng tôi đóng giả) phá kho thóc cứu dân đang đói. Cả chợ hưởng ứng ngay, bỏ mua bán, kéo đi Bến Bò. Đi đầu là đội tự vệ do anh Lương, Đoan chỉ huy. Anh Vệ Lễ, anh Chính vác búa tạ đi đập phá cửa kho. Khoảng 9 giờ sáng, đoàn người đến nơi, có độ chục người bảo vệ kho. Ta bắt giữ một số, thu 4 súng, kêu gọi số còn lại cùng tham gia lấy thóc. Nhân dân đi chợ, dân vùng Gàng, Nam Diện, Trại Còng kéo đến ngày càng đông, thi nhau lấy cả ngày không hết thóc. Sang ngày thứ 2, thứ 3, dân quanh vùng nghe tin đồn ùn ùn kéo đến, đủ cả dân làng, xã Dùng, Quỷnh, Tòng Lệnh, San, Sú, Trề...
Chúng tôi trở về thị trấn Chũ ngày 19 -8-1945, nhanh chóng tổ chức lực lượng đi Bắc Giang. Đoàn quân độ 800 người qua phà phố Phủ, sang Thanh Giã, lên Vôi theo đường quốc lộ về thị xã. Thành phần gồm các lực lượng: Đội vũ trang tuyên truyền chúng tôi vừa ở Đông Triều về; Đội vũ trang tuyên truyền Hoa Vận, lực lượng tự vệ, nhân dân các làng, xã lân cận từ Cường Sơn thị trấn đến Sàn Cọc, Bắc Lũng, Tam Dị…
Mọi người hồ hởi kéo nhau đi, càng đi đoàn người càng đông, càng dài vì dân các xã dọc đường hưởng ứng tham gia. Cờ đỏ sao vàng rợp trời, tung bay phấp phới. Đoàn người vừa đi vừa ca hát, hô khẩu hiệu, quên mệt mỏi, đường xa, đói khát, lụt lội đe dọa. Tối 20-8-1945, đến thị xã Bắc Giang. Sáng 21-8-1945, cuộc mít tinh tại bãi Stat có hàng chục vạn người. Rừng người với cờ, hoa, áp phích, khẩu hiệu; ai nấy đều mừng vui, hát hò, cười nói, có người khóc rưng rức. Bắc Giang giải phóng! Chúng ta làm người dân độc lập tự do rồi, thoát khỏi ách thống trị nô lệ hơn 80 năm rồi!
Lược trích từ hồi ký của Trung tướng Lư Giang (chưa xuất bản)
PHÙNG VĂN KHAI và NGUYỄN VĂN MINH