"Hoa núi" ở Mù Căng Chải (Yên Bái). Ảnh: Minh Huệ

Trong đoàn nhà văn quân đội lên Cao Bằng công tác lần này, không một ai không biết rằng nơi đây, khu rừng Trần Hưng Đạo của huyện Nguyên Bình, hơn sáu mươi năm trước, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã được thành lập. Thế nhưng chưa ai từng vào khu rừng này một lần, vì trước kia chưa có đường ô tô, mà những chuyến đi công tác của chúng tôi thường bị hạn chế thời gian…

Lần này đường vào khu di tích đã rộng mở, ô tô chạy một mạch vào sát bìa rừng. Từ bãi đậu xe, du khách lần theo con đường bê tông để đi sâu vào rừng. Lâu lắm rồi mới gặp được một khu rừng nguyên sinh như thế. Tôi cứ phân vân là tại sao khu rừng này lại giống khu rừng Mường Phăng ở Điện Biên đến thế? Hai khu rừng đều liên quan mật thiết với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một cánh rừng là nơi thành lập quân đội, xuất quân đánh trận đầu tiên vào đồn Phai Khắt; còn cánh rừng kia là nơi Đại tướng trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Quy mô của hai trận đánh ấy cũng một phần nói lên sự trưởng thành của quân đội ta trong chín năm kháng chiến. Trong khu rừng nguyên sinh này, ngoài con đường bê tông và khu nhà đón khách, tâm điểm mọi người chú ý là nhà bia và trụ bia bốn mặt khắc những sự kiện lịch sử đã xảy ra nơi đây. Mặt một là Chỉ thị thành lập đội VNTTGPQ của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Mặt hai là Lễ thành lập đội VNTTGPQ. Mặt ba là Danh sách 34 chiến sĩ. Mặt bốn là Mười lời thề danh dự…

Gió thổi nhẹ, không khí trong khu rừng thanh sạch và mát mẻ lạ thường. Cả đoàn quây quần, chăm chú vào mặt ba của bia, nơi ghi tên 34 chiến sĩ và phát hiện ra nhiều điều thú vị: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy, không có tên trong danh sách. Trong 34 chiến sĩ đó, có hai người sau này là Đại tướng Hoàng Văn Thái và Trung tướng Hoàng Sâm… Có người nói rằng, 34 là số người có mặt trong buổi lễ đó, chứ không phải lúc đó quân ta chỉ mới có 34 người, vì có đồng chí còn bận công tác không dự lễ được. Cách nhà bia chừng dăm chục thước là khu nhà đón tiếp khách tham quan. Đó là ngôi nhà hai mái, bốn gian, theo kiểu nhà Việt Nam truyền thống. Người trông giữ khu di tích tiếp chúng tôi bằng những quả sấu chín vàng sớm mai vừa rụng xuống. Khi trời nắng ráo, ít du khách nghĩ đến giá trị của ngôi nhà, nhưng nếu trời mưa, du khách chỉ biết nhờ cậy sự che chở của ngôi nhà duy nhất này. Vâng! Nếu trời mưa… Nếu mùa đông năm 1944 trời mưa, những người lính đầu tiên của Quân đội ta nương náu vào đâu? Thời chống Pháp chưa có tăng võng như thời chống Mỹ ở Trường Sơn. Ba mươi tư chiến sĩ đó nghỉ nhờ nhà dân hay trú dưới tán cây rừng? Cả khu rừng này không thấy có nhà dân và đâu là khoảnh đất ngày ấy từng dựng lán?

Tôi muốn tìm lại những dấu vết ngày xưa, nhưng chỉ gặp màu xanh bạt ngàn cây lá. Đường từ nhà bia lên tới đỉnh núi đã được ghép thành từng bậc bê tông, dễ đi hơn nhiều so với leo dốc tự nhiên; tuy nhiên, leo một lúc 533 bậc, không phải là không mệt. Càng đi lên phía trên, cây đại thụ dường như nhường chỗ cho các loài như sim, mua. Những quả sim chín mọng trong mùa hè không ai hái, đến mùa đông quả khô quắt như dính vào cành. Có cây sim nào đã từng nuôi các anh thời kham khổ đó?

Lên đỉnh núi, tầm mắt mở xa và gió thổi mạnh. Bên cạnh cột cờ cao có lá cờ đỏ ở sân đồn biên phòng, một nhà bia khắc trang trọng những dòng chữ: Nơi đây trung tuần tháng 12 năm 1944, đồng chí Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã quan sát đồn Phai Khắt, quyết định trận đánh đầu tiên của đội VNTTGPQ. Đường ô tô từ đồn Phai Khắt đến khu rừng Trần Hưng Đạo là sáu cây số, nhưng đường chim bay chỉ ba, bốn cây, đứng trên đỉnh núi này nhìn đồn khá rõ. Qua tấm bia này ta có thể luận ra rằng, ý định đánh đồn Phai Khắt của chúng ta hình thành trước ngày ra mắt đội VNTTGPQ, có như thế thì chiều 25-12, tức là chỉ sau ba ngày đội VNTTGPQ được thành lập, chúng ta mới có được một kế hoạch cải trang tuyệt vời để đánh lừa bọn lính đồn, bắt gọn một trung đội lính ngụy, tiêu diệt tên đồn trưởng Pháp.

Tình cảm của người dân ở đây đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật đặc biệt. Năm 2001, trong dịp mừng thọ tuổi chín mươi của Đại tướng, đồng bào ở Tam Kim đã gửi về Thủ đô làm quà chín mươi ống cơm lam và nói rằng: nếp đồng Phai Khắt, nước suối Phai Khắt, đựng trong ống tre rừng Trần Hưng Đạo và đốt bằng ngọn lửa bếp nhà dân như những ống cơm lam đồng bào đã mừng quân ta thắng trận Phai Khắt năm xưa. Khi đó, với đôi mắt rưng rưng, bằng giọng cảm động, Đại tướng hỏi thăm những vị khách áo chàm về đời sống đồng bào hiện nay. Và đặc biệt, Đại tướng nhắc tên nhiều loài cây trong khu rừng huyền thoại…

Nhà thơ Vương Trọng