Một chiều tháng Năm, chúng tôi tìm đến nhà riêng của Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhớ lại những ngày cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh và Đại tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ theo dõi, chỉ đạo chiến dịch, ông xúc động, bồi hồi kể:
- Tháng 10-1953, tôi đang là Cục trưởng Cục Địch vận thì được Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh điều chuyển sang làm Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu. Nhiệm vụ cụ thể của tôi là theo dõi chiến trường Đông Dương; hướng Tây Bắc do đồng chí Đỗ Đức Kiên, Phó cục trưởng Cục Tác chiến phụ trách. Sau khi Bộ Chính trị họp bàn quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là Cục trưởng Cục Tác chiến, nên được đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh, trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, lên thị sát chiến trường Điện Biên Phủ. Tôi vẫn theo dõi tình hình chiến trường Đông Dương để báo cáo Đại tướng. Các đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch và Đỗ Đức Kiên thường xuyên làm việc, gần gũi với Đại tướng, báo cáo kịp thời về tình hình Điện Biên Phủ.
 |
Thượng tướng Trần Văn Quang. |
Sau khi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời Sở chỉ huy chiến dịch ở Thẩm Púa để về Mường Phăng, trên đường đi, tôi gặp bộ đội, dân công kéo pháo ra để chuẩn bị lại chiến trường, chuyển từ phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc và chắc thắng”. Máy bay địch liên tục khiêu khích, đánh phá và rải truyền đơn thách thức bộ đội ta. Việc chuẩn bị chiến trường rất khẩn trương, bận rộn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu tôi tập trung cùng đồng chí Đỗ Đức Kiên chuẩn bị tốt nhất cho chiến dịch.
Một phút trầm ngâm, Thượng tướng Trần Văn Quang như được sống lại thời khắc lịch sử không thể nào quên: “Kế hoạch mở màn chiến dịch được xác định vào lúc 19 giờ ngày 13-3. Đại đoàn 312 giao Trung đoàn 209 đánh chiếm cứ điểm Him Lam; Đại đoàn 308 giao Trung đoàn 88 tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập. Chiều 13-3, địch đánh nống ra, cho xe tăng san ủi công sự của ta, nã pháo vào những vị trí nghi quân ta trú quân. Trước tình hình đó, tại sở chỉ huy, chúng tôi họp bàn, thống nhất đề nghị Tư lệnh chiến dịch cho nổ súng sớm hơn.
Được sự đồng ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời gian nổ súng mở màn chiến dịch điều chỉnh sang 17 giờ. Đúng lúc này, pháo binh ta bắn cấp tập vào các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, khiến địch bất ngờ, pháo binh địch không kịp trở tay; sau đó Trung đoàn 209 xung phong đánh chiếm Him Lam. Lúc này xuất hiện tình huống ở cứ điểm Độc Lập: Trung đoàn 88 do hành quân từ đất bạn Lào về, chưa đến kịp. Mãi đến khoảng 2 giờ sáng 14-3, trung đoàn mới tới vị trí xuất phát tiến công. Tinh thần chiến đấu của bộ đội rất cao, nhưng giờ xung phong theo kế hoạch đã qua từ lâu. Tư lệnh Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ điện yêu cầu Sở chỉ huy chiến dịch cho pháo binh bắn bổ sung một loạt đạn pháo cấp tập khoảng 30 viên, sau đó bộ đội xung phong đánh chiếm cứ điểm Độc Lập. Được Tư lệnh và Tham mưu trưởng chiến dịch đồng ý, tôi thông báo mệnh lệnh cho đồng chí Đào Văn Trường, Quyền Tư lệnh Đại đoàn công pháo 351. Khoảng 3 giờ sáng, pháo binh ta nã đạn tiếp vào cứ điểm Độc Lập. Dứt loạt đạn pháo, Trung đoàn 88 xung phong, đến 5 giờ sáng thì làm chủ cứ điểm, bắt gọn toàn bộ binh lính địch, trong đó có hai ban chỉ huy tiểu đoàn. Qua khai thác tù binh, ta biết được: Sau khi pháo binh ta bắn cấp tập và tiêu diệt cứ điểm Độc Lập vào buổi chiều, không thấy bộ binh xung phong, hai sở chỉ huy tiểu đoàn của địch bàn giao với nhau. Pháo binh ta lại bắn cấp tập, địch tưởng là ta tiếp tục bắn chuẩn bị, không ngờ bộ binh ta xung phong ngay và tiêu diệt gọn cứ điểm.
Thắng lợi của trận đánh mở màn là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, với chiến lược “Đánh chắc thắng” đúng đắn và quyết tâm cao, tinh thần dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ đã làm nên thắng lợi. Đánh thắng trận mở màn còn thể hiện sự quyết đoán, sáng tạo, xử lý tình huống nhanh, linh hoạt của Sở chỉ huy chiến dịch và chỉ huy các đơn vị chiến đấu, làm cho địch bất ngờ, không kịp trở tay và sớm thất bại. Trận mở màn thắng lợi tạo khí thế, quyết tâm cao của bộ đội, góp phần làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bài và ảnh: ĐÌNH XUÂN, TUẤN NAM (Ghi theo lời kể của Thượng tướng Trần Văn Quang)