 |
Thiếu tá cựu chiến binh Hoàng Văn Nam. |
Tháng 12 năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 35 năm chiến thắng B52 (18-12-1972/18-12-2007), tôi về thăm lại trận địa tên lửa Đông Xuân ở huyện Nghĩa Đàn, nơi sĩ quan điều khiển Hoàng Văn Nam đã cùng với kíp chiến đấu của Tiểu đoàn tên lửa 52 bắn rơi chiếc B52 thứ hai trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.
Có lẽ vì nó bị bắn rơi từ một trận địa cách Hà Nội hơn 300km, lại thuộc một huyện miền núi xa xôi của Nghệ An nên thường ít được nhắc đến, kể cả những dịp kỷ niệm 10 năm, 20 năm.
Cách đây hơn 40 năm, tôi và Nam cùng ở Trung đoàn tên lửa 267. Hồi đó Hoàng Văn Nam là trắc thủ cự ly, thuộc kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 52, còn tôi là Trợ lí Ban chính trị Trung đoàn.
Kết thúc chiến tranh, cả Trung đoàn 267, cả Tiểu đoàn 52 đều được nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Mấy năm qua, mỗi lần họp Bạn chiến đấu trung đoàn, tiểu đoàn, tôi thường hỏi thăm về Hoàng Văn Nam nhưng không ai biết. Gần đây mới biết anh đã về hưu từ năm 1990, khi mới hơn 40 tuổi, mở một cửa hàng photocopy ở thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc-Nghệ An).
*
* *
Những ngày đầu ra quân của Tiểu đoàn 52 thật là gian khổ. Lúc này, cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đối với miền Bắc nước ta đang diễn ra vô cùng ác liệt. Thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng liên tiếp phải chịu nhiều đợt ném bom với hàng trăm lượt máy bay của kẻ thù, với nhiều thủ đoạn tinh vi của cuộc chiến tranh điện tử ở trình độ cao. Toàn bộ sức mạnh vật chất kỹ thuật của một tên đế quốc đầu sỏ, có nền khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại vào loại bậc nhất thế giới được huy động tối đa để nhằm đạt mục đích không cần giấu giếm: “Đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”. Các loại nhiễu QLC-160, ALQ-71… lần lượt được tung ra thi thố. Đặc biệt xuất hiện từ cuối năm 1966, đầu năm 1967 loại tên lửa “Sơ-rai” làm cho tất cả các trung đoàn tên lửa lao đao suốt một thời gian dài. Nhiều tiểu đoàn bị tổn thất một cách đau đớn. Đã có trường hợp cả kíp chiến đấu bị xóa sổ.
Trong bối cảnh đó, Tiểu đoàn 52 được lệnh triển khai các bệ phóng ở trận địa Minh Kha bảo vệ thành phố Hải Phòng. Ngay trận đầu tiên, ngày 7-7-1967, khí tài vừa đồng bộ xong, Nam và đồng đội đang sục sạo mục tiêu thì hai chiếc F4, không biết từ đâu lao xuống, liên tiếp phóng 32 quả rốc két xuống trận địa. Hai chiếc máy nổ và một quả đạn bị cháy, khói đen, khói vàng mù mịt cả trận địa. Đại đội trưởng Đại đội 1 Nguyễn Thê, chiến sĩ máy nổ Nguyễn Văn Tráng, và chiến sĩ bệ phóng Phạm Đình Hạnh hy sinh ngay tại chỗ. Một số chiến sĩ ở các bộ phận khác bị thương. Không khí tang tóc bao trùm khắp trận địa. Các mẹ, các chị ở trong làng tất tưởi chạy ra với các chiến sĩ, nước mắt lưng tròng, quên cả việc máy bay địch có thể quay lại bắn phá, xúm vào băng bó, chăm sóc các chiến sĩ bị thương, khâm liệm các liệt sĩ.
*
* *
Rồi chiến thắng cũng đến với Tiểu đoàn 52.
12 giờ 10 phút ngày 18-9-1967, sau bao tháng ngày vất vả, gian truân, Tiểu đoàn 52 đã đánh thắng trận đầu, tiêu diệt một chiếc A4.
 |
Kíp trắc thủ Tiểu đoàn 52 (trắc thủ cự ly Hoàng Văn Nam ngồi ngoài cùng, bên phải) sau trận đánh bảo vệ thành phố Vinh, ngày 30-12-1971). Ảnh tư liệu |
Có chiến thắng đầu cổ vũ, Tiểu đoàn 52 càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Chỉ trong vòng hơn một tháng từ ngày 17-11-1967 đến ngày 22-12-1967, tiểu đoàn liên tiếp bắn rơi 6 chiếc, có trận bắn rơi 2 chiếc, như trận ngày 18-11-1967. Sau chiến thắng này, Hoàng Văn Nam được kết nạp Đảng ngay tại trận địa, trở thành người đảng viên đầu tiên của kíp trắc thủ.
Bất chấp một trận địa đã bị lộ, nhiều lần bị địch đánh phá, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 52 vẫn kiên cường trụ vững ở trận địa Minh Kha, tiếp tục làm nên chiến thắng. Chính vì thế mà ngay từ hồi đó, nhân dân Hải Phòng đã tin yêu đặt cho Minh Kha cái tên kiêu hãnh “Trận địa thép bên bờ biển Đông”. Kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 52 gồm sĩ quan điều khiển Lại Chân Chính, trắc thủ góc tà Đặng Xuân Thư, trắc thủ cự ly Hoàng Văn Nam, trắc thủ phương vị Đoàn Cảnh Ty trở thành lá cờ đầu của Binh chủng Tên lửa, được Đại tá Tư lệnh Đoàn Huyên và Đại tá Chính ủy Trương Công Cẩn thường xuyên nêu tên trong các cuộc họp. Đặc biệt là sau trận thắng ngày 22-12-1967, bắn rơi tại chỗ chiếc A7 đầu tiên trên miền Bắc, danh tiếng của Tiểu đoàn 52 càng được nhắc đến nhiều trong toàn binh chủng. Trận thắng này nổi tiếng không phải vì nó diễn ra đúng ngày 22-12, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là trận thắng của trí tuệ, của lòng dũng cảm trong cuộc đối đầu trực diện giữa một bên là không quân nhà nghề của đế quốc Mỹ, một bên là các chiến sĩ trẻ tuổi của bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam.
Hôm ấy là một ngày mùa đông se lạnh nhưng nắng đẹp. Chỉ khoảng 10 phút sau khi báo động, tất cả các màn hiện sóng đã có mục tiêu. Lúc này là 13 giờ 16 phút. Tên lửa vừa rời bệ đã “ngoan ngoãn” đi vào cánh sóng. Mọi người phấn khởi tin chắc lại có một trận thắng đẹp như trận thắng cách đây 4 hôm, cũng tại trận địa Minh Kha này, bắn rơi tại chỗ một A4. Nhưng Hoàng Văn Nam bỗng giật mình. Một tín hiệu lạ xuất hiện trên màn hiện sóng, cùng lúc tiếng sĩ quan điều khiển vang lên đanh gọn: “Có Sơ-rai”. Đây là tình huống đã được dự kiến trong phương án, đã được luyện tập nhiều lần, nhưng dù sao trước sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, đòi hỏi mọi người phải hết sức tỉnh táo. Chỉ cần một chút dao động, chỉ cần một trong 6 bàn tay của 3 trắc thủ thiếu chuẩn xác, bị giật cục trong quá trình lái đạn sẽ không có chiến thắng.
Tất cả chỉ có 30 giây. Cái chết sẽ đến hoặc chiến thắng sẽ nở hoa cùng với sự sống. Sáng nay, trong buổi mít-tinh kỷ niệm Ngày thành lập QđND Việt Nam toàn tiểu đoàn đã xác định quyết tâm lập thành tích xuất sắc chào mừng ngày lịch sử vẻ vang này.
Điều đặc biệt thú vị của những trận đánh kiểu này là cả tên lửa của ta, Sơ-rai của địch và mục tiêu ta phải tiêu diệt tất yếu phải nằm chung trong cùng một cánh sóng. Sơ-rai địch dựa vào cánh sóng của ta để tìm đến trận địa. Không có cánh sóng của ta, Sơ-rai địch sẽ bị vô hiệu hóa vì không có đường đi. Trong tình huống đó, muốn bảo đảm an toàn tuyệt đối, chỉ cần thực hiện một động tác đơn giản là tắt sóng, gạt Sơ-rai ra ngoài, đơn vị sẽ không bị tổn thất. Nhưng như thế sẽ không có chiến thắng. Vì nếu tắt sóng thì tên lửa của ta cũng không còn đường để tìm đến mục tiêu. Vấn đề là tắt sóng vào lúc nào để tên lửa ta vẫn tìm diệt được địch, mà trận địa vẫn an toàn. Điều đó phụ thuộc vào trí thông minh, lòng dũng cảm của kíp chiến đấu.
Và họ đã chiến thắng!
Buổi chiều ngày 22-12 ấy là ngày vui đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 52. Một đơn vị Tên lửa mới thành lập hơn một năm, mới ra quân vài tháng, trong điều kiện kẻ địch ngày càng nham hiểm và xảo quyệt mà giành được những chiến công xuất sắc như vậy thật là hiếm có. Trung đoàn 267 là trung đoàn thứ 10, là em út của binh chủng Tên lửa, thế mà sau trận thắng 22-12, toàn binh chủng thi nhau kéo đến Minh Kha tham quan học tập rút kinh nghiệm.
*
* *
Được nghe báo cáo thành tích xuất sắc của Tiểu đoàn 52, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành thời gian xuống thăm cán bộ, chiến sĩ ngay tại trận địa Minh Kha còn loang lổ vết bom đạn.
Đại tướng nhiệt liệt khen ngợi thành tích của đơn vị, đặc biệt là khen ngợi kíp chiến đấu. Đại tướng siết chặt tay từng trắc thủ, giữ lâu bàn tay các trắc thủ trong tay mình, xúc động nói: “Đây là những bàn tay vàng! Quý lắm! Quý lắm! Các đồng chí thông minh lắm! Trí tuệ lắm!”.
Khi chụp ảnh chung với Đại tướng, theo thông lệ các cán bộ sư đoàn, trung đoàn đến đứng cạnh đại tướng. Nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra. Đại tướng gọi kíp chiến đấu đến cạnh mình. Bây giờ, sau 40 năm, bức ảnh trở thành một kỷ niệm đẹp, quý báu của Hoàng Văn Nam. Không chỉ là vì anh, một người lính, một hạ sĩ quan, mới hai tuổi quân đã được đứng cạnh vị Đại tướng lừng danh thế giới, người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, mà còn vì trong bức ảnh có đủ mặt kíp chiến đấu thân thiết Chính, Thư, Nam, Ty, những người bạn từng sát cánh bên nhau qua những ngày chiến đấu gian khổ quyết liệt trên đất Hải Phòng.
*
* *
Trung tuần tháng 12-1972, tình hình hội nghị Pa-ri diễn biến phức tạp. Ngày 13-12, do thái độ lật lọng của phía Mỹ, Hội nghị hoàn toàn bế tắc. Ngày 14-12, Tổng thống Mỹ Ních-xơn chính thức thông qua kế hoạch mở cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng mang tên Lai-nơ-bếch-cơ 2.
 |
Ngày 27-4-1968, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Tiểu đoàn 52 tại trận địa thép Minh Kha. (Hàng đầu, từ phải qua: Sĩ quan điều khiển Lại Chân Chính, Trắc thủ góc tà Đặng Văn Thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trắc thủ cự ly Hoàng Văn Nam, trắc thủ phương vị Đoàn Cảnh Ty). Ảnh tư liệu |
Trong tình hình đó, những bệ phóng của Trung đoàn 267 lại được điều về triển khai chiến đấu trên đất Nghệ An, nằm trong đội hình của Sư đoàn Phòng không 365, để một mặt bảo vệ chân hàng ở xung quanh thành phố Vinh, một mặt làm lực lượng dự bị chiến lược theo phương án đánh B52 của toàn Quân chủng.
Ngày 18-12-1972, lệnh của trên đưa toàn Trung đoàn 267 vào trực ban sẵn sàng chiến đấu.
16 giờ chiều ngày 18-12, Bộ Tổng tham mưu thông báo có 32 chiếc B52 xuất kích từ sân bay An-đéc-xơn vào đánh miền Bắc.
19 giờ 44 phút, tên lửa Hà Nội phóng những quả đầu tiên vào những tốp B52 đầu tiên của địch.
20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 tên lửa bảo vệ Hà Nội bắn rơi chiếc B52 đầu tiên. Sở chỉ huy Sư đoàn 365 thông báo sẽ có B52 từ Hà Nội bay ra qua khu vực Sư đoàn. Các đơn vị sẵn sàng.
20 giờ 15 phút, trên màn hiện sóng của sĩ quan điều khiển Hoàng Văn Nam thấy xuất hiện tín hiệu B52 bay vào trận địa, liền giao tay quay cho các trắc thủ và đề nghị Tiểu đoàn phó Trần Ngọc Vinh cho lệnh phóng. Chỉ vài giây sau, trắc thủ góc tà Mai Xuân Bách, trắc thủ cự ly Nguyễn Khoát, trắc thủ phương vị Trần Văn Hay gần như cùng một lúc báo cáo:
- Có mục tiêu!
Sĩ quan điều khiển Hoàng Văn Nam mím chặt môi ấn nút phóng.
Trong đêm mùa đông, trăng sáng mờ mờ, từ trận địa Đồng Xuân, hai quả đạn xé gió bay lên lao thẳng đến mục tiêu.
Chỉ sau đó ít lâu, các trắc thủ lần lượt báo cáo: Đạn nổ tốt, mục tiêu bị tiêu diệt. Sáng hôm sau, toàn Tiểu đoàn được trên thông báo, chiếc B52 do Tiểu đoàn 52 bắn rơi chính là chiếc thứ hai của trận Điện Biên Phủ trên không lịch sử.
*
* *
Chập tối ngày 22-12-2007, tôi mới tìm được nhà Hoàng Văn Nam ở khối 4, thị trấn Quán Hành. Vợ anh cho biết anh đi họp hội Cựu chiến binh chưa về.
Tôi thực sự vui mừng khi được tin anh vừa được bầu làm Chủ tịch hội cựu chiến binh thị trấn. Thế là anh vẫn vững vàng bước đi trong cuộc sống đời thường.
8 giờ tối anh mới về, khỏe mạnh, trẻ trung trong bộ quân phục dạ thẳng nếp, cầu vai mang quân hàm thiếu tá, trên ngực áo mang đầy huân, huy chương các loại.
Thật kỳ lạ! Xa nhau ngót 40 năm, thời gian đâu có ngắn so với một đời người, thế mà ngay phút đầu tiên chúng tôi đã nhận ra nhau.
Đêm hôm đó, trong câu chuyện Nam có nhắc đến hai người bạn cùng quê là Vương Thái Thanh và Trần Nam Xuân, một người giờ là đại tá, một người là thiếu tướng. Anh cười rất vui, giọng hồn nhiên:
- Rồi “chúng nó” cũng sẽ về làm lính của em hết! Trong chi hội của em hiện nay cũng đã có 19 đại tá, mỗi lần sinh hoạt lại cùng nhau hát vang bài “Tiến bước dưới quân kỳ”. Bài hát mà tất cả hội viên mỗi lần sinh hoạt lại hát một cách hào hứng.
Đại tá THẾ KỶ