Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, tôi mới tròn 4 tuổi!

Nhưng sự kiện lịch sử này, là cái ống dẫn "máu Điện Biên Phủ" vào người tôi, để rồi sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1972, tôi bước vào cuộc chống Mỹ, cứu nước như là một con cháu của những người lính Điện Biên vậy. Mặt khác, trong đời mình, tôi đã chính thức đi công tác ở Điện Biên Phủ hai lần (1984 - 30 năm chiến thắng, và 1994 - 40 năm); đi du lịch một lần (2004 - 50 năm chiến thắng). Còn đi về theo xe của H12, qua Điện Biên Phủ, Tây Trang, Nậm U, Mường Khoa... để đến với mặt trận Bắc Lào trong chiến tranh biên giới phía Bắc (1979-1984), thì không dưới chục lần. Đường lên Điện Biên bây giờ tráng át-phan. Đường ngày tôi đi công tác, rải đá nhựa đường là ví dụ! Còn con đường mà bộ đội và dân công ta, pháo binh và công binh ta đi ngày trước, chỉ đáng gọi là đường mòn! Thế mà các tướng lĩnh của quân đội ta như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn, Nguyễn An, Lê Liêm, Đặng Vũ Hiệp, Cao Văn Khánh, Phạm Ngọc Mậu... đã cùng với các binh sĩ nông dân của mình, với nhân dân mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, làm nên một Điện Biên "chấn động địa cầu", tạo ra một "vụ nổ dây chuyền", làm nổ tung cả hệ thống thuộc địa cũ của chủ nghĩa thực dân, tạo ra cả một cục diện thế giới mới!

Trong những năm đánh Mỹ sau này, trong lòng chúng tôi, những câu thơ của Tố Hữu vẫn ngân nga: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp...; Năm mươi sáu ngày đêm/ Khoét núi ngủ hầm/ Mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn/... Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua lưới thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm v.v..

*

* *

Nhưng có lẽ, trước khi nói về Điện Biên Phủ bằng thơ, vẫn phải nói một ít về Điện Biên Phủ bằng sử. Chẳng phải đã có một ai đó, từng nói một câu nổi tiếng: Không bài thơ hay nhất nào về Điện Biên Phủ lại có thể thay thế cho Điện Biên Phủ, đó sao? Không có cái Điện Biên Phủ bằng sử, lấy đâu ra thơ về Điện Biên Phủ?

Vài nét lịch sử

Thực ra, trong kế hoạch tác chiến Thu - Đông 1953 của ta, lúc đầu không có “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Chính Na-va đã tặng cho chúng ta cơ hội ấy.

Để chuẩn bị giải phóng Tây Bắc, bộ đội ta hăng hái tập đánh công sự vững chắc, đánh tập đoàn cứ điểm, đánh cả đêm lẫn ngày. Trước đó, chúng ta đã thử đánh tập đoàn cứ điểm Nà Sản, nhưng chưa thành công ngay. Ta định nhổ Nà Sản lại vào cuối năm 1953, nhưng địch đã rút khỏi đây (khi Na-va sang thay Sa-lăng) từ tháng 8 cùng năm. Nà Sản chỉ còn là một “thực địa” để ta nghiên cứu mà thôi.

Đồng thời, ta mở và sửa đường Tây Bắc, coi việc chuẩn bị giao thông là hàng đầu để đưa bộ đội, vũ khí, khí tài, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, vì chiến trường này xa hậu phương ta, lại hiểm trở, nếu để đường xấu hoặc thiếu đường, ta không thể chắc thắng. Vừa mở đường vừa tiễu phỉ, tiễu phỉ để mở đường, chúng ta đã dùng hai trung đoàn để tiễu hàng nghìn tên phỉ dọc tuyến Ba Khe-Phú Yên-Thuận Châu- Chiềng Pấc suốt hai tháng, rồi ta làm đường ô tô từ Yên Bái vào Ba Khe, vượt Lũng Lô qua Phú Yên, Tạ Khoa đến Cò Nòi, nối vào tỉnh lộ 41 từ Suối Rút qua Mộc Châu, Yên Châu đi Cò Nòi, sửa tiếp đến Sơn La.

Đánh hơi thấy Tây Bắc lâm nguy, ngày 20-11-1953, địch nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ.

Ta vẫn xác định, hướng chính trong kế hoạch tác chiến chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 là Tây Bắc. Hướng phụ là Trung Lào. Hướng phối hợp là đồng bằng Bắc Bộ và khu 5, làm phân tán lực lượng địch, củng cố vùng tự do. Đột nhiên, địch bỏ Lai Châu, rút lính Âu-Phi và lính ngụy Thái từ đây về Điện Biên. Na-va đã tính sai! Bởi vì khi chúng rút khỏi Lai Châu, thì nghiễm nhiên ta đã thông với Thượng Lào mà không cần qua Điện Biên Phủ nữa. Lính Âu-Phi rút bằng máy bay. 20 tiểu đoàn ngụy rút bằng đường bộ qua Mường Pồn, đã bị Đại đoàn 316, khi ấy vừa giải phóng thị xã Lai Châu từ ngày 12-12-1953, tiêu diệt phần lớn. Có thể nói, liệt sĩ Bế Văn Đàn là ngôi sao-liệt sĩ đầu tiên của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Càng ngày càng rõ, địch quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh.

Từ ngày 10-12-1953, địch xây dựng cứ điểm Him Lam (Bê-a-tơ-rích) chặn phía bắc. Tiếp đó, xây Bản Kéo (An Ma-ri) giữ phía Tây Bắc, xây Hồng Cúm (I-da-ben) để che mặt Nam, Độc Lập (Ga-bri-en) án ngữ Bắc sân bay. Một số quả đồi phía Đông sân bay Mường Thanh cũng được chúng biến thành các cứ điểm: A1, A2, A3, C1, C2, D­1, D2... (các E-li-an). Chúng dùng đến hơn 3.000 tấn dây thép gai để gia cố trận địa. Chúng thả dù từng phần, xe tăng và pháo xuống, rồi lắp lại ngay tại Điện Biên.

Đến đầu tháng 3-1954, ở đây, địch đã có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội với tổng quân số lên đến 12.000 tên. Sau tăng lên tới 14 tiểu đoàn với 16.000 lính. Về pháo binh, chúng có 02 tiểu đoàn pháo 105mm (24 khẩu), 1 đại đội 155mm (4 khẩu), 02 đại đội cối 120mm (20 khẩu), 02 đại đội công binh, 01 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc), một đội xe cơ giới 127 chiếc, một phi đội máy bay thường trực (6 khu trục và trinh sát), mìn đĩa, mìn napan, súng phun lửa, khí tài chống khói, khí tài hồng ngoại...

Tóm lại, 49 cứ điểm nơi đây đã tạo nên một Tập đoàn cứ điểm kiên cố, rất mạnh, “thách đấu” Việt Minh.

*

* *

Một tình thế mới đã xuất hiện. Ta chấp nhận đánh lớn ở Điện Biên Phủ.

Lúc đầu là “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Sau thấy như vậy không chắc thắng, ta chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Kéo pháo vào lại kéo pháo ra là vì thế. Kéo pháo vào, Nguyễn Văn Chức hy sinh cứu pháo. Kéo pháo ra, Tô Vĩnh Diện cứu pháo hy sinh. Nhưng để “chắc thắng”, toàn mặt trận sẵn sàng.

Ta làm sáu mạch đường mới, đưa pháo lên hai dãy núi Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ, áp sát địch, tổng chiều dài sáu mạch đường này lên đến 72 cây số. Ngày 10-2-1954 khởi công, đêm 17-2, đường đã xong, xe đã kéo pháo theo những mạch đường mới mở. Từ những trận địa này, pháo ta có thể bắn chính xác vào Hồng Cúm, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo... Địch không thể nào nắm được các vị trí trận địa pháo ta.

Ngày 6-5-1954, ta chiếm toàn bộ các ngọn đồi phía Đông, trừ A1, C2, A3.

4 giờ sáng ngày 7-5-1954, A1 cũng bị ta tiêu diệt. 9 giờ 30 phút cùng ngày, ta chiếm nốt C2, A3.

Địch định rút chạy vào 20 giờ 30 phút ngày 7-5-1954. Chúng ta biết được kế hoạch này. Ta chuyển sang tổng công kích. Và 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, ta bắt sống Đờ Cát-tơ-ri, Tư lệnh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch hoàn toàn thắng lợi.

Điện Biên Phủ, một thung lũng rộng gần 200 cây số vuông, dài 20 cây số, với cánh đồng Mường Thanh là vựa lúa, từ đó đã trở thành một “địa chỉ vàng” trên bản đồ chống đế quốc-thực dân; trên bản đồ giải phóng của các dân tộc bị áp bức toàn thế giới; thành "tấm huân chương trên ngực" Tổ quốc ta.

3 bài thơ tôi viết ở Điện Biên

Tháng 3-1984, tôi đi công tác ở Điện Biên Phủ lần đầu. Trước khi đi, anh Phạm Phú Bằng-Trưởng phòng Văn hóa Báo Quân đội nhân dân lúc ấy-nói, tôi qua đặt bài nhà thơ Xuân Diệu trước. Anh Xuân Diệu rất quý Báo Quân đội nhân dân, nên nhận lời ngay. Anh bảo riêng tôi: “Đi Điện Biên về, phải có thơ đấy nhé!”. Tôi cười, nhận lời.

Tôi đi nhờ xe tải chở hàng của Đoàn vận tải H12 lên Điện Biên. Với Đoàn H12, tôi là bạn cũ-mùa khô năm trước, tôi đã đi cùng họ qua Điện Biên, Tây Trang để sang U Đôm Xay, Phong Sa Lỳ, qua sông Nậm U ở chỗ Mường Khoa. Xe lên Tây Bắc mùa khô/ Suối thở khẽ khàng như ngủ/ Hoa lau bên đèo bạc phơ/ Núi khoác áo màu lông thỏ/ Lái xe gom chuyện dọc đường/ Cất đầy vào trong trí nhớ/ Để mỗi một khi gặp nhau/ Ôm bụng cười không kịp thở..., là thơ tôi viết về họ năm đó.

Tới Điện Biên Phủ, tôi cũng đã đọc xong mấy cuốn sách về Điện Biên và tôi đã biết về Pi-rốt. Viên trung tá này, khi Đức chiếm Pháp trong thế chiến thứ hai, đã ở phe Đờ Gôn, chạy sang Ý, tham gia chống phát xít Đức-Ý-Nhật và bị thương năm 1943, cụt mất cánh tay trái! Với nước Pháp, ông ta là một người yêu nước, một anh hùng. Tới Điện Biên, ông ta là một kẻ xâm lược, một nạn nhân của chủ nghĩa thực dân. Đứng trước hầm Pi-rốt, khi ấy bị đất cát lấp gần hết, chỉ còn có một vũng nước nhỏ. Tôi chỉ thấy vài ba chú vịt đang bơi lội ngay trước cửa hầm! Cám cảnh cho Pi-rốt, tôi viết ngay bài thơ thứ nhất:

TRƯỚC HẦM PI-RỐT

Trong tiểu sử của trung tá Pi-rốt Sác-lơ

Người ta có ghi: “Năm 1943, bị mất cánh tay trái, ở Ý”.

Nếu là tôi, tôi đã không làm như thế

Tôi sẽ viết: “Trung tá Pi-rốt Sác-lơ, toàn bộ cuộc đời,

chỉ cánh tay trái là còn, ở Ý”.

Trong bài thơ, hai phạm trù, hai từ đối lập: “mất” và “còn”, được sử dụng như một thuật “chơi chữ”. Nó cũng phần nào làm Pi-rốt đỡ tủi, vì dẫu sao, ông ta đã từng “vì nước quên thân”, cho nên vẫn “còn” cái cánh tay trái anh hùng kia. Mặt khác, ông ta đã tự đánh mất mình, mất cả đời mình, trừ cánh tay trái ấy, ở Điện Biên Phủ, khi tham gia vào cuộc viễn chinh phi nghĩa này.

Bài thơ thứ hai tôi cũng làm ở đây, ở giữa thung lũng Mường Thanh. Trong sách có viết, về mặt thể thao, Đờ Cát-tơ-ri là một vận động viên có tài, đã từng hai lần vô địch thế giới: nhảy cao (1933), nhảy xa (1935), có bằng lái máy bay. Năm 1952, bị thương hai chân ở Ninh Bình, về Pháp dưỡng bệnh, vừa hồi phục, còn phải chống ba-toong, lại giật giải đua ngựa của Trường sĩ quan Xô-muya. Bài thơ như sau:

ĐIỆN BIÊN PHỦ

Vô địch nhảy cao

Lại vô địch nhảy xa

Nhưng chiếc sào Điện Biên quá cao đối với ông ta

Vạch chiến thắng ở đây, cũng lại nằm xa quá!

Chín cây số chiều rộng

Hai mươi cây số chiều dài

Thung lũng Điện Biên không phải là hố nhảy

Giá của chiến thắng ở đây là máu đấy!

Đó là máu của người Pháp, ở Điện Biên, đã chảy.

Đó là máu lê-dương, ở Điện Biên, đã chảy.

Đó là thứ máu Việt Nam, được chắt ra từ hạt lúa, củ khoai,

thứ máu đã bị chảy âm thầm suốt chín năm trường kỳ gian khổ!

Đừng kẻ nào nhảy vào dòng máu đó

Vì máu ấy biết hóa thành lửa đỏ!

Về bài thơ này, có lẽ không cần nói gì thêm. Chỉ có một chuyện vui: Sau khi in báo, nhà thơ Xuân Diệu nói với tôi: “Lai định làm Béc-tôn Brếch của Việt Nam đấy à?”. Tôi bảo: “Đấy là lời khen quá cao đối với em”. Anh Xuân Diệu nói tiếp, đại ý, cần phải viết thêm vào mỗi bài khoảng 10 câu thơ nữa, vì khi nghe đọc thơ, người ta không trông thấy chú thích, nên chẳng ai hiểu tiểu sử hai viên chỉ huy Pháp này, chẳng ai hiểu lịch sử Điện Biên, và do đó, không thấy hết cái hay của hai bài thơ. Tôi thưa lại với anh rằng, thơ viết về Điện Biên vốn không để cho những người không biết gì về Điện Biên đọc. Vả lại, nếu thêm mỗi bài 10 câu, là đi ngược lại nguyên tắc súc tích, nén chặt, của thơ phương Đông. Anh Xuân Diệu ngẩng nhìn trời, kính trắng lấp lánh, rồi bắt tay tôi và nói: “Anh sai rồi! Đúng! Lai không cần sửa gì cả”. Từ đó, anh và tôi trở nên thân mật.

Năm 2004, trước khi chuyển ngành, tôi lên thăm lại Điện Biên nhân kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng. Lần này đi là đi riêng cho mình, không phải đi công tác. Tôi lang thang vào Mường Phăng, xem hầm Đại tướng, xem lại cả Sở chỉ huy chiến dịch, xem hồ chứa nước, xem cảnh và dân dọc sông Nậm Rốm, nói chuyện với các cháu thiếu nhi, dân chúng và những người bảo vệ; ăn hạt dẻ Mường Phăng-thứ hạt dẻ chỉ to như hạt ngô, nghèo nhưng thơm thảo; ăn ngô nướng, măng rừng Mư­ờng Phăng. Ngô và măng ở đây đều nhỏ, nhưng ngon kỳ lạ! Hình như hoa trái ở đây còn ngấm mãi cái không khí oai hùng, đau thương, vất vả và đầy hân hoan ngày trước.

Ở đây, tôi viết bài thơ thứ ba để tặng riêng Đại tướng Tổng tư lệnh, người “anh Cả” của toàn quân chúng ta:

MƯ­ỜNG PHĂNG

Rừng Mường Phăng giống nơi đi dạo và làm thơ

hơn là giống một Sở chỉ huy chiến dịch.

Nửa thế kỷ đã thành sử.

Rừng cũ vẫn xanh nguyên mà tóc Đại tướng, đã từ lâu, bạc trắng!

Anh cả ơi!

Có phải hoa dẻ Mường Phăng, bao năm qua, vẫn tìm về rơi xuống tóc Anh?

Có phải con suối nhỏ kia, bao năm qua, vẫn ngày đêm khe khẽ gọi tên Anh?

Anh đã đi suốt mười năm tóc xanh

Bắt đầu từ Nà Ngần, Phai Khắt

Để từ 34 người, thành quân năm đạo cổ tích

Để từ Việt Bắc đến được Tây Bắc

Và chọn thung lũng nhỏ này làm nơi chỉ huy trận chiến để đời.

Bên kia rặng núi kia thôi

Thung lũng lớn Mường Thanh ngày ấy là địch địa.

Điện Biên Phủ là “hòn đá tảng” thực dân Pháp-Mỹ

Đè lên các giấy tờ ở Hội nghị Giơ-ne-vơ!

Phải đập vụn nó ra để tìm vài chữ ký,

Của các chính khách phương Tây trịch thượng vô bờ.

Non sông dặn Anh: Không được để thua!

Anh đã đọc được những dòng chưa có ở binh thư

Tìm cách thắng giữa vùng đất chết!

Không thể phiêu lưu, dù chỉ là giây phút

Sau chín năm kháng chiến trường kỳ, người phải thắng, là Anh!

Không thể là “Đánh nhanh, tiến nhanh”

Vận nước đòi Anh “Chắc thắng”.

Bác và Đảng chờ Anh từ Việt Bắc

Mấy vạn quân chờ một thế cờ.

Cách đánh hiện lên trong Anh từng phút từng giờ

Thành công-thức-kim-cương: “Đánh chắc, tiến chắc”.

Hào vây lấn siết dần vào cổ giặc

Không một phút nào chúng được bình yên

Cho đến ngày, cờ hàng trắng xóa cả Điện Biện!

*

* *

Với Điện Biên, Việt Nam hiện lên

Sánh vai cùng muôn dân tộc.

Các sử gia mai sau còn nhắc: “Ngày ấy,

chìa khóa vào Điện Biên, nằm ở Mường Phăng”.

Cuộc đời như nước trôi đi, trôi đi cùng lịch sử, để lại bãi bờ phù sa cho ta. Ta may mắn được là một hạt phù sa ấy. Truyền thống là một cái gì thật to lớn, lại thật cụ thể, nhưng bao giờ cũng rất thiêng.

ĐỖ TRUNG LAI