Giữa tiết đông nhưng ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 đường Hoàng Diệu vẫn luôn ấm áp. Những tia nắng vàng rực rọi lên màu xanh mát rượi của cây lá. Đại tướng hẹn 15 giờ 30 phút sẽ tiếp đoàn đại biểu chiến sĩ Quyết tử Liên khu 1 và Ban tiếp tế khí giới và quân nhu khu đặc biệt Hà Nội.

Mới chỉ hơn hai giờ, các cựu chiến binh đã tề tựu đông đủ, chờ đợi phút giây được gặp Đại tướng Tổng Tư lệnh-Người Anh Cả kính yêu của quân đội-người theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã ra lệnh cho toàn thể bộ đội và dân quân, tự vệ nhất tề đứng lên kháng chiến...

Các cựu chiến sĩ Quyết tử năm xưa bây giờ mái tóc đã bạc phơ, ngực đỏ rực huân chương, theo tác phong quân sự, sắp hàng bước vào cổng ngôi nhà số 30, phố Hoàng Diệu.Vừa đến khuôn viên tư gia của Đại tướng, mọi người được thông báo, Đại tướng vừa từ bệnh viện trở về, mặc dù chưa khỏe hẳn, nhưng vẫn đồng ý tiếp các Quyết tử quân. Một thoáng lo âu hiện lên nét mặt của các Chiến sĩ Quyết tử. Bác Nguyễn Đình Văn, chiến sĩ Quyết tử Liên khu I nói với chúng tôi: “Tôi mong chờ được gặp Đại tướng từ lâu lắm rồi, nhưng hôm nay mới có dịp. Thế là quá mãn nguyện...” căn phòng mà Đại tướng tiếp chúng tôi là một căn phòng nhỏ chỉ dùng để tiếp những người thân quen. Căn phòng thì nhỏ mà lượng người lại đông, ai cũng muốn được ngồi gần Đại tướng, nên cứ dồn cả về phía chiếc ghế dài kê ở chính giữa phòng.

Mọi người vừa ổn định chỗ ngồi thì Đại tướng cùng phu nhân bước ra. Chẳng ai bảo ai, tất cả đứng lên, vỗ tay không ngớt mừng sức khỏe Đại tướng. Hơi ấm của tình đồng đội, hơi ấm của không khí gia đình lan toả khắp căn phòng. Đại tướng giơ tay thân thiện chào mọi người và ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Nhìn thấy trong đoàn có cả bà Việt Hoa, phu nhân cố Thượng tướng Vũ Lăng và bà Lê Thi, người đã từng kéo cờ trong lễ Quốc khánh đầu tiên của nước ta, Đại tướng liền vẫy hai người lại và bảo cùng ngồi ghế với mình. Nhìn hành động ấy, chúng tôi cảm nhận được sự chí nghĩa, chí tình của vị chỉ huy tài năng, đức độ, người anh Cả của quân đội ta. Mặc dù tuổi đã cao, sức đã giảm, nhưng Đại tướng vẫn nhớ rõ những con người đã cùng ông một thời nếm mật, nằm gai.
Quang cảnh buổi gặp mặt chân tình và xúc động.

Đại tướng hỏi thăm, chúc sức khoẻ các cựu chiến binh bằng lời đề nghị thân tình “Tôi và chị Hà” (Bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng) chúc sức khoẻ các đồng chí”. Nghe Đại tướng mở đầu câu chuyện như thế, khoé mắt các cựu chiến binh đã ngấn lệ. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban liên lạc chiến sĩ Quyết tử Liên khu 1 và đại tá Trần Quốc Hanh, thay mặt những người từng phục vụ Pháo đài Láng trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến kính tặng Đại tướng biểu tượng của Chiến sĩ Quyết tử và bức trướng chúc thọ. Khuôn mặt Đại tướng lộ rõ niềm vui. Ở tuổi 96, Đại tướng nói chuyện tuy có chậm nhưng vẫn sắc và toát lên sự vui vẻ.

Câu chuyện giữa Đại tướng và những người cán bộ cấp dưới của mình như một đoạn phim tái hiện lại quãng thời gian lịch sử Hà Nội khói lửa, giành giật với địch từng góc phố, căn nhà để thực hiện nhiệm vụ giam chân quân địch. Mặt trận Hà Nội lúc đó được Bác Hồ, Chính phủ đặc biệt quan tâm, dõi theo từng bước đi và khi Pháo đài Láng chuẩn bị nổ súng, đích thân Đại tướng đã gọi điện kiểm tra công tác chuẩn bị. Ôn chuyện xưa, Đại tướng không quên hỏi chuyện nay, hỏi xem trong số Chiến sĩ Quyết tử ngồi đây đã ai có chắt? Ông nói chuyện và biết cuộc gặp mặt hôm nay chưa đông đủ, nên đã không quên chúc sức khoẻ, gửi lời hỏi thăm tới các cựu chiến sĩ Quyết tử nói chung và Ban tiếp tế khí giới-quân nhu khu đặc biệt Hà Nội nói riêng. Nhắc lại khí phách anh hùng của các đơn vị Quyết tử quân mặt trận Hà Nội, Đại tướng đánh giá: “Các đồng chí là lực lượng, đơn vị tiêu biểu cho toàn quân, toàn dân ta đã nêu cao ý chí “ Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Bác Hồ…”. Đại tướng ân cần căn dặn:

-Các đồng chí phải chăm lo giáo dục cho các con, các cháu, cho thế hệ trẻ cả bây giờ và mai sau noi gương của cha anh, noi gương của bản thân các đồng chí...

Dường như các cựu chiến binh và cả Đại tướng không muốn dừng câu chuyện nhưng các đồng chí giúp việc phải lo giữ sức khỏe cho Đại tướng, nên những phút trò chuyện quý giá phải tạm dừng trước khi Đại tướng và phu nhân vui vẻ chụp ảnh với mọi người. Kính mong Đại tướng khoẻ là điều ai cũng tâm niệm. Đại tá Trần Quốc Hanh kính dâng lên Đại tướng bức trướng mang dòng chữ “Trường Sơn Đại Thọ” với mong muốn Đại tướng luôn như dãy Trường Sơn làm chỗ dựa vững vàng cho đồng bào, chiến sĩ cả nước. Rời căn phòng nhỏ của Đại tướng khi chiều đã muộn, nhưng chưa ai muốn ra về. Bà Việt Hoa, phu nhân của Thượng tướng Vũ Lăng từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã dành cho chúng tôi ít phút trò chuyện:

- Với gia đình tôi, anh Văn vừa là người chỉ huy, vừa là người thầy của anh Vũ Lăng trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Khi anh Lăng mất rồi, mỗi lần vào thành phố Hồ Chí Minh, bao giờ anh Văn và chị Hà cũng đến thăm gia đình, động viên chúng tôi. Lần này được gặp anh, thấy anh còn minh mẫn căn dặn, tôi cảm động lắm. Chỉ cầu mong sao anh Văn sống lâu, sống khoẻ.

Bác Nguyễn Đình Văn và con gái là trung tá, thạc sĩ Nguyễn Minh Hiền, giảng viên Học viện Khoa học quân sự cũng cố lưu lại tư gia của Đại tướng. Chị Hiền vẫn chưa hết cảm động: “Đây là lần đầu tiên hai cha con tôi cùng được gặp Đại tướng. Có lẽ đây là vinh dự rất lớn của hai cha con tôi. Là con của một Chiến sĩ Quyết tử quân đã là hạnh phúc, nhưng hôm nay lại trực tiếp được nói chuyện, được Đại tướng bắt tay thì hạnh phúc đó vô cùng lớn. Nhưng cũng từ vinh dự này, tôi lại thấy mình cần phải làm việc nhiều hơn, tốt hơn…”. Cũng như các Quyết tử quân khác, bác Bạch Ngọc Giáp bồi hồi: “Hôm nay chỉ có tám anh em tôi được thay mặt Ban tiếp tế vào gặp Đại tướng, tôi tiếc cho các anh em khác quá. Lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng vào khoảng giữa tháng 5-1954. Khi ấy chúng tôi vừa kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ và được đi gặp Bác Hồ ở chiến khu. Khi chúng tôi đến nơi làm việc của Bác thì thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang ở khu tiếp khách. Đại tướng bắt tay chúng tôi rất thân thiện. Rồi dường như thấy tôi mang mặc chưa được gọn gàng lắm, nên ông đã sửa lại áo và chải lại đầu cho tôi. Tôi ngây cả người. Quả thật tôi không thể ngờ được, một đại tướng, một người chỉ huy cao nhất của quân đội lại gần gũi, yêu thương bộ đội đến thế. Những hành động của Đại tướng hôm đó đã đi theo suốt cuộc đời tôi, khuyến khích tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nhất là trong những trận chiến đấu ác liệt. Bây giờ, sau hơn 50 năm, tôi lại vinh dự được gặp Đại tướng lần nữa, đó quả là một phần thưởng lớn của cuộc đời tôi…”.

Gần tối mọi người mới chịu rời khỏi khuôn viên nhà Đại tướng. Khuôn mặt ai cũng hân hoan, mãn nguyện. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm cẩn thận kéo mọi người lại rồi dặn: “Những lời dặn của Đại tướng hôm nay các ông phải ghi nhớ rồi về truyền cho con cháu. Thế hệ trẻ phải được tiếp nhận tinh thần “Quyết tử” để xây dựng đất nước…”. Chưa nói dứt câu các “Chiến sĩ Quyết tử” đã đồng thanh: “Bác cứ yên tâm. Quên gì thì quên chứ lời dặn của người chỉ huy, người thầy, người anh Cả thì quên làm sao được…”.

Bài và ảnh: TRẦN ANH TUẤN, NGÔ ANH THU