 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê. Ảnh: VŨ NĂNG AN |
Trong chiến dịch Biên Giới năm 1950, nghệ sĩ Vũ Năng An đã chụp được bức ảnh Bác Hồ ngồi quan sát trận địa. Bức ảnh quý giá đó đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng truyền thống quý báu “
Bác Hồ với ngành tình báo quân sự Quân đội nhân dân Việt Nam”.
53 năm sau, Thiếu tướng Cao Pha, nguyên Cục phó Cục Tình báo, Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công và một số nhân chứng đã tìm lại dấu chân Bác từng in ở đài quan sát…
Đầu năm 2003, Bộ Quốc phòng có chủ trương xây dựng cụm di tích “Chủ tịch Hồ Chí Minh với thắng lợi chiến dịch Biên Giới năm 1950” và giao cho Bộ Tư lệnh Quân khu 2 chịu trách nhiệm xây dựng với sự giúp đỡ về tài chính của Tổng công ty Xi măng Hoàng Thạch.
Đầu tháng 4-2003, đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Chỉnh, Chủ nhiệm chính trị Quân khu (nay là Thiếu tướng, Phó chính ủy Quân khu 2) là người chịu trách nhiệm trực tiếp xây dựng công trình đến nhà tôi, đề nghị tôi giúp quân khu tìm lại dấu chân của Bác trong chiến dịch Biên Giới lịch sử. Tôi vui vẻ nhận lời. Cùng đi với tôi, ngoài anh Chỉnh, còn có các đồng chí trong cơ quan chính trị, hậu cần của quân khu.
Đến Nà Lạn, tôi vô cùng xúc động nhớ lại chiến trường xưa, nhớ Bác!
Đồng chí Nguyễn Văn Chỉnh đề nghị tôi lên “Đài quan sát” ở núi Sau Đồn đang được các chiến sĩ công binh thi công. Tôi nói với đồng chí Chỉnh: “Các anh chọn núi Sau Đồn là sai rồi, vì tất cả cơ quan Bộ chỉ huy chiến dịch đều nằm ở phía bên trái đường từ Đông Khê lên Nà Lạn”. Anh Chỉnh động viên tôi leo lên núi đó mà cách đây không lâu đồng chí Đại tướng Phạm Văn Trà đã từng lên để kiểm tra công trình. Vì nể anh Chỉnh, tôi miễn cưỡng đi cùng. Thật quá ư vất vả với tuổi tác của tôi, nhưng rồi được sự giúp đỡ của các chiến sĩ tiểu đoàn công binh (Đơn vị M74, Đoàn B16), tôi mới lên đến đỉnh. Tôi trao đổi với anh Chỉnh và các đồng chí Cao Sang, Đỗ Đức phụ trách bảo tàng của Quân khu, khẳng định “Đài quan sát” không phải đặt tại đây. Một số đồng chí nói: “Chúng tôi tìm vị trí quan sát hoàn toàn dựa vào sự chỉ dẫn của Ban Văn hóa-Thông tin Cao Bằng và dựa vào Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thực hiện, nhưng khi lên đến chỗ này thì chẳng nhìn thấy Đông Khê đâu cả!”.
Từ trên đỉnh Sau Đồn chúng tôi đi xuống núi. Đi lên đã vất vả, đi xuống lại càng khó khăn, có nơi, có chỗ dốc đứng, anh em chiến sĩ phải cõng tôi. Và anh Chỉnh luôn động viên tôi. Sau đó chúng tôi đi ngay vào khu của Bộ chỉ huy chiến dịch đóng quân ở bên trái đường đi Đông Khê đến Nà Lạn. Tôi xác định tại chỗ khu vực của Ban Quân báo, “tác chiến thất” (trực ban tác chiến), chỗ ba nhà sàn, nơi anh Văn, anh Thái và cán bộ tác chiến ở trước đây.
 |
Thiếu tướng Cao Pha (người ngồi, thứ ba từ trái sang) đang tìm và xác định nơi Bác Hồ quan sát trong chiến dịch Biên Giới (1950). |
Tiếp theo chúng tôi đi đến chỗ chân núi Báo Động nơi trước đây tôi hướng dẫn Bác đi lên đài quan sát, nhưng đến chân núi Bác bảo tôi quay ngay về “tác chiến thất” vì lúc đó (16-9-1950) trận đánh Đông Khê ở vào giai đoạn quyết liệt, đánh vào “đồn to”. Đồng chí Chước, trưởng đài quan sát đưa Bác lên đài. Do vậy, sau 53 năm, tôi không nhớ chính xác đường lên đài quan sát. Chúng tôi tìm và gặp một cụ già 84 tuổi để hỏi. Tôi nhớ cụ ấy tên là Mằn. Cụ kể với chúng tôi rất rõ ràng: “Bác Hồ đã lên đài quan sát máy bay trên đỉnh núi đá Báo Động, có hang thông qua núi rồi đến đài”. Tôi rất mừng vì đài quan sát được đặt ngay trên đỉnh núi của Chỉ huy sở, nhìn được bao quát về phía Đông Khê. Đài có nhiệm vụ theo dõi hoạt động máy bay địch để báo động kịp thời cho cơ quan Bộ chỉ huy chiến dịch và nhân dân Nà Lạn kịp thời vào nơi ẩn nấp. Cuộc gặp mặt đó đã được đồng chí Phùng Sang quay video và liền sau đó đồng chí Chỉnh chỉ thị cho đơn vị công binh tìm đường lên đài theo sự hướng dẫn của nhân chứng.
Kế tiếp chúng tôi đi đến nơi Bác gặp tù binh Pháp. Tôi nhớ rất rõ địa điểm này. Đó là đồn Pháp cũ đã bị đập phá từ lâu, có cây đa to ở mép rừng.
Rồi đi tiếp tìm nơi Bác ở và làm việc. Rất may chúng tôi gặp bà Lan người dân địa phương hướng dẫn lên hang đá Bác nghỉ trưa. Tôi nhớ rất rõ nơi này vì 53 năm trước đây tôi được đi theo anh Văn đến để báo cáo với Bác về tình hình địch.
Sau một ngày làm việc cật lực đi tìm dấu chân của Bác, anh Chỉnh cùng tôi và các anh em phụ trách Bảo tàng quân khu phấn khởi vì cơ bản đã xác định bước đầu những di tích và giao nhiệm vụ cho đơn vị công binh tiếp tục tìm nhân chứng để xác định cụ thể thêm, hẹn lên Nà Lạn vài lần nữa để khẳng định chính xác vị trí của các di tích.
Về đến Hà Nội, tôi tiếp tục tìm các nhân chứng để xác minh thêm và đã gặp anh Tạ Quang Chiến, nguyên thư ký của Bác. Anh cho biết các đồng chí Trường, Kháng, Nhất, Định, Thắng, Lợi làm nhiệm vụ bảo vệ Bác đã mất, trừ hai đồng chí Vũ Kỳ và Chiến còn sống, nhưng hồi đó các anh không đi chiến dịch. Đồng chí Chiến giới thiệu với tôi nhà nhiếp ảnh lão thành Đinh Đăng Định còn sống, trước đây đã từng đi theo Bác. Tôi trực tiếp gặp ngay bác Định để mời cùng đi tìm di tích Bác Hồ ở chiến dịch Biên Giới. Bác Định năm đó cũng vào tuổi 84 như tôi, vui vẻ nhận lời. Những đồng chí nhân chứng trực tiếp ở cơ quan Bộ Chỉ huy chiến dịch đã ra đi hầu hết như: bác Hoàng Đạo Thúy, Trưởng ban Thông tin; Đồng chí Nguyễn Bình Chuẩn, Trưởng ban Tác chiến. Những đồng chí còn sống, tuổi đã cao, sức khỏe yếu như: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An đã trên 90 tuổi, trí nhớ kém, đồng chí Chước, Đài trưởng quan sát bị xuất huyết não, bị lẫn, không còn nhớ gì hết, còn các trợ lý quân báo hiện nay đã trên 75 tuổi, sức khỏe kém, chỉ nhớ từng chỗ, từng việc...
Ngày 25-4-2003, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tổ chức Hội thảo về dự án xây dựng “Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Chiến dịch Biên Giới năm 1950” tại Việt Trì. Nhiều nhân chứng được mời dự trong đó có Trung tướng Đặng Quân Thụy (năm 1950 là trợ lý tác chiến), bác Đinh Đăng Định cùng với các nhân chứng người địa phương và tôi. Hội thảo hoàn toàn nhất trí về các di tích đã được xác định.
Sau Hội nghị một ngày, theo đề nghị của đồng chí Tư lệnh quân khu, anh Chỉnh và tôi cùng bác Định lên ngay Nà Lạn để xác định lại một lần nữa các di tích. Đây là lần thứ hai tôi lên Nà Lạn.
Theo chỉ thị trước đây của đồng chí Chỉnh, bộ đội công binh đã tìm thêm được nhiều nhân chứng tại Nà Lạn (bà Trần Thị Lan, ông Vi Văn Cắm, ông Vi Văn Mần) đã xác định rất cụ thể, chính xác các di tích. Tôi và anh Chỉnh leo lên đài quan sát, tuy tuổi già, sức yếu nhưng được các chiến sĩ công binh dìu lên núi. Tôi quyết tâm leo “bằng cái đầu và quả tim” để lên đài quan sát, đến chỗ Bác từng ngồi. Sau đó chúng tôi đến hang đá, nơi Bác nghỉ và làm việc năm xưa. Tôi ứa nước mắt, vô cùng cảm động khi nhận ra phiến đá mà tôi đã từng ngồi để báo cáo với Bác cách đây 53 năm. Tất cả di tích hang còn đó, nhưng Bác đã đi xa!
Ngày 29-7-2003, theo lời mời của Bộ Tư lệnh Quân khu 2, tôi lên dự hội thảo lần thứ ba, tổ chức ngay tại xã Đức Long, với sự tham gia đông đủ các đại biểu có trách nhiệm liên quan đến việc xây dựng khu di tích. Tuy tuổi đã cao, sức yếu, trí nhớ hạn chế, nhưng tôi vô cùng phấn khởi và cảm động đi tìm lại dấu chân của Bác mà trong đời quân ngũ của mình đã hạnh phúc được gặp Người nhiều lần để báo cáo công tác. Riêng trong chiến dịch Biên Giới, tôi được đến báo cáo với Bác lâu nhất ở chỗ Bác làm việc và nghỉ ngơi, tiễn Bác đến chân núi để Bác lên quan sát trận địa, đưa Bác đến gặp tù binh Pháp, dự buổi gặp mặt thân mật giữa cán bộ ta và cố vấn Trung Quốc ở Công binh xưởng Lam Sơn-Cao Bằng.
Tôi được đọc một bản tham luận xác định các di tích và đề nghị cần làm thêm một số di tích khác:
- Dựng một tấm bia nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến quan sát vị trí Cao Bằng, từ đó Đại tướng đề nghị chuyển hướng tiến công Đông Khê.
- Dựng một tấm bia ở thôn Tử Phầy Từ ở Quảng Uyên nơi Bác Hồ phê duyệt quyết tâm chuyển hướng tiến công từ Cao Bằng về hướng Đông Khê.
- Dựng hai tấm bia cao trên đỉnh Cốc Xá và cao điểm 447, nơi bộ đội ta tiêu diệt hai binh đoàn cơ động Lơ Pa-giơ và Sác-tông.
Theo kết luận của đồng chí Tư lệnh Quân khu, Hội thảo đã thành công với sự nhất trí cao. Sau đó các đại biểu được hướng dẫn “chân tới, tay sờ” các di tích lịch sử, tuy mệt nhưng tinh thần rất phấn khởi.
Đề nghị của tôi về xây dựng các tấm bia được các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Cao Bằng và huyện Thạch An đồng tình, ủng hộ.
Sau cuộc họp lần thứ ba, tôi vô cùng xúc động được tin nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, người cùng tôi thực hiện các chuyến hành hương về nguồn “Tìm dấu chân của Bác ở chiến dịch Biên Giới” đã qua đời. Đó là chuyến đi cuối cùng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định. Nghệ sĩ Đinh Đăng Định từng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật, người được đông đảo công luận trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao một thời chuyên chụp ảnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vĩnh biệt Nghệ sĩ Đinh Đăng Định, tôi cùng các đồng chí đại biểu của Quân khu 2 đến viếng và tiễn đưa Nghệ sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Những ngày cuối cùng của năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi lại lên Cao Bằng dự lễ khánh thành Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với thắng lợi chiến dịch Biên Giới năm 1950. Rất xúc động, tôi đã không cầm được nước mắt tiến đến bàn thờ, thắp nén hương dâng lên Bác.
Thiếu tướng CAO PHA*
* Thiếu tướng Cao Pha đã từ trần năm 2006 tại Hà Nội.