QĐND Online - Là một huyện có vị trí quan trọng về chính trị và quân sự của tỉnh Thái Nguyên và vùng núi rừng Việt Bắc, trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, Võ Nhai thuộc tỉnh Thái Nguyên (cùng với Bắc Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn) là một trong những căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước, bên cạnh trung tâm căn cứ địa cách mạng Cao Bằng.

Sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940), Đội du kích Bắc Sơn được thành lập. Du kích Bắc Sơn kết hợp với lực lượng du kích ở Tràng Xá, Võ Nhai tiếp tục mở rộng hoạt động ra các vùng khác ở cả Thái Nguyên và Lạng Sơn. Đội du kích Bắc Sơn sau phát triển thành Cứu quốc quân, một trong những đội vũ trang tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ giữa năm 1944, phong trào cách mạng ở Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ, Cứu quốc quân phối hợp với hợp tự vệ chiến đấu, cùng nhân dân địa phương đẩy mạnh củng cố các tổ chức quần chúng Việt Minh, thành lập các đội tự vệ, phát triển làng xã chiến đấu trên khắp địa bàn tỉnh. Các lớp học tập chính trị, huấn luyện quân sự, nhất là phong trào học tập văn hóa diễn ra sôi nổi, được nhiều người tham gia.

Trước những hoạt động gần như công khai nói trên của phong trào cách mạng của tỉnh Thái Nguyên, thực dân Pháp vô cùng lo lắng. Chúng tăng cường lực lượng, tiến hành khủng bố gắt gao hòng dập tắt phong trào cách mạng của nhân dân ở Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai... khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ bị bắt, nhiều dân thường bị sát hại. Tại Võ Nhai, ngày 5-11-1944, địch bắt toàn bộ Ban Chấp hành Việt Minh xã Tràng Xá. Từ Tràng Xá, địch khủng bố lan rộng ra các xã Phú Thượng, Lâu Thượng. Chúng lùng sục, càn quét cả ban ngày lẫn ban đêm để tìm bắt cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Nhiều cán bộ cơ sở phải chạy vào rừng hoạt động bí mật; trong nhân dân, nhiều người đưa cả gia đình vào rừng sâu tránh địch khủng bố.

Đứng trước các cuộc khủng bố của địch, các đồng chí lãnh đạo Phân khu A là Hà Châm, Trần Minh Châu, Thái Long đã tổ chức liên tiếp nhiều cuộc họp tìm biện pháp giữ vững phong trào, tránh địch khủng bố... Cuối cùng đi đến quyết định: cho tự vệ chiến đấu và thanh niên trung kiên có tinh thần tự nguyện thoát ly cơ sở, tham gia Cứu quốc quân; trừng trị nghiêm khắc những tên mật thám, tay sai đắc lực của thực dân Pháp; cất dấu lương thực vào hang, trên núi để chuẩn bị chiến đấu; đấu tranh vũ trang chống địch khủng bố, thành lập các ban chuyên môn như ban ám sát, ban phá hoại, ban trinh sát, ban "vườn không nhà trống"... làm nhiệm vụ diệt mật thám tay sai đầu sỏ, phá cầu, đắp ụ cản giao thông, đánh địch hành quân càn quét; triệt để thực hiện “vườn không, nhà trống’, đưa dân lên núi, vào hang, đánh địch ở đồn Đình Cả, Tràng Xá, La Hiên. Lệnh cho Cứu quốc quân ở Lạng Sơn hoạt động phối hợp, phá cầu, chặn đường tiến công của địch từ Bắc Sơn xuống Võ Nhai.

Quyết định của lãnh đạo Phân khu A đã được Cứu quốc quân, tự vệ chiến đấu và nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai nhiệt liệt hưởng ứng. Ngày 8-11, Cứu quốc quân diệt một Chánh tổng và một Phó Chánh tổng làm tay sai cho địch. Ngày 11-11, phá cầu Trúc Mai (cây số 25) cắt đứt giao thông của địch từ Thái Nguyên đi Đình Cả. Địch cho liên lạc về Thái Nguyên xin chi viện 6 lần đều bị Cứu quốc quân bắt giữ. Liên tiếp sau đó, Cứu quốc quân cùng tự vệ đánh đồn Quang Thái (Tràng Xá), đồn Đình Cả, thu súng của lính dõng, bắt 10 tên mật thám ở Lâu Thượng. Nhân dân các xã Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá đã triệt để thực hiện "vườn không nhà trống’ đưa cả gia đình lên núi theo Cứu quốc quân, phát triển lên tới 400 người.

Nhận thấy "một cuộc nổi loạn ở Thái Nguyên bùng nổ", thực dân Pháp quyết định mở cuộc khủng bố. Một mặt, chúng cho sửa chữa cầu, đường bị ta phá, mặt khác tăng cường điều động binh lính lên Võ Nhai. Ngoài 80 binh lính đã đóng ở các đồn, trạm trên đất Võ Nhai, đêm 12 rạng ngày 13-11-1944, Pháp điều thêm 700 quân, gồm một tiểu đoàn lính khố đỏ, một trung đội lính khố xanh cấp tốc hành quân lên bao vây căn cứ địa Võ Nhai. Mặc dù phải đánh địch trong điều kiện không cân sức và đơn độc, nhưng do có kinh nghiệm trong 8 tháng hoạt động du kích trước đây, cộng thêm lòng căm thù sâu sắc quân địch, Cứu quốc quân cùng các lực lượng tự vệ và đồng bào các dân tộc Võ Nhai đã chiến đấu vô cùng anh dũng, mưu trí, đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.

Cuối tháng 11-1944, thực dân Pháp tăng cường khủng bố Võ Nhai ác liệt, quyết quét sạch lực lượng Cứu quốc quân và đánh bật cơ sở cách mạng của ta ra khỏi căn cứ với phương châm “nhổ cỏ nhổ tận gốc”, không cho lan sang địa phương khác.

Sau gần một tháng chiến đấu quyết liệt, chống lại cuộc khủng bố tàn khốc của địch để bảo vệ căn cứ địa cách mạng, Cứu quốc quân, tự vệ cùng nhân dân các dân tộc Võ Nhai tuy tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch nhưng bị rơi vào thế cô độc, càng chiến đấu càng gặp nhiều khó khăn tổn thất vì khi đó phong trào cách mạng trên cả nước chưa có điều kiện để vũ trang chiến đấu chia lửa cho Võ Nhai. Nhận thấy tình hình nghiêm trọng và khẩn cấp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã kịp thời chỉ thị ngừng nổ súng ở Võ Nhai, chuyển sang đấu tranh chống địch khủng bố bằng những hình thức thông thường, đưa nhân dân về làng cũ làm ăn, ổn định cuộc sống.

Cuộc đấu tranh vũ trang ở Võ Nhai tuy còn nhiều hạn chế và thiếu sót, nhưng như nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì "Những việc xảy ra ở Thái Nguyên bấy giờ đã làm rung động cả miền xuôi và làm cho quân địch khủng khiếp"./.

HÀ THÀNH