* Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư tới phiên tòa
Chiều 11-5, các thành viên của Đoàn đại biểu Việt Nam đã bắt đầu lên đường đi dự Tòa án lương tâm Nhân dân quốc tế, sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 16-5 tại Pa-ri (Pháp). “Chúng tôi sẽ cung cấp những bằng chứng cụ thể về môi trường thiên nhiên, về sức khỏe của nạn nhân Việt Nam do hậu quả của chất độc hóa học mà Mỹ đã sử dụng để Tòa án tiến hành các thủ tục tố tụng, làm rõ những vấn đề pháp lý để Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam (VAVA) khẳng định.
Tại cuộc họp báo sáng 11-5 tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết, Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 14 người thay mặt cho 3 triệu nạn nhân của Việt Nam dự Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế lần này với tư cách là nhân chứng và người bị hại. Bên cạnh các chuyên gia về môi trường, sức khỏe, hóa học và các luật sư, Đoàn còn có sự tham gia của 3 nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Đó là ông Hồ Ngọc Chu, ông Mai Giảng Vũ và anh Phạm Thế Minh.
Ông Hồ Ngọc Chu sinh năm 1937, hiện sinh sống tại tỉnh Quảng Ngãi. Từ năm 1960 đến năm 1974, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường khu 5. Ông đã trực tiếp đứng dưới tầm máy bay rải chất độc 4 lần, trong đó có một lần bị ướt cả thân người. Cơ quan chức năng đã kết luận ông Chu và người con trai sinh năm 1977 của ông đều bị nhiễm chất độc hóa học. Ông Chu tâm sự: “Tôi mắc nhiều bệnh nên dễ nổi nóng. Lương hưu ít ỏi nhưng vừa phải mua thuốc chữa bệnh thường xuyên, vừa nuôi con cũng bị ảnh hưởng chất độc suốt đời. Chẳng may tôi chết sớm thì không ai nuôi cháu”.
Tuy từng ở bên kia chiến tuyến với ông Hồ Ngọc Chu, song ông Mai Giảng Vũ cũng bị nhiễm chất độc do nhiều lần đi theo lính Mỹ rải hóa chất. Ông Vũ sinh năm 1937, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, 3 người con của ông đều bị dị tật và đã qua đời. “Tôi mong bạn bè trên thế giới ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin để đòi lại công lý. Các công ty sản xuất hóa chất phải bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam”, ông Vũ nói.
Nạn nhân Phạm Thế Minh, 34 tuổi, hiện sống tại thành phố Hải Phòng. Bố mẹ anh Minh đều từng là bộ đội, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Anh Minh cho hay, mẹ anh chỉ sinh được hai người con. Khi sinh ra, anh đã bị teo cơ cả hai chân, còn em gái anh thì mắc bệnh tim, phổi. Mãi tháng 8-2000, anh mới được biết là bị di chứng của chất độc da cam từ bố khi kiểm tra y tế. Sức khỏe của anh và em gái ngày càng suy yếu. Nhưng anh Minh cũng cho rằng, anh và em gái còn may mắn hơn nhiều nạn nhân khác vì còn có trí não bình thường để học tập và lao động. “Đề nghị Tòa án xét xử thật công minh để chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm về mặt pháp lý, về tinh thần và về đạo lý khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh ở Việt Nam”, anh Minh nhấn mạnh.
Luật sư Lưu Văn Đạt, một thành viên của Đoàn, cho biết, Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế là sáng kiến của Hội Luật gia dân chủ quốc tế và do Hội Luật gia Pháp đăng cai tổ chức. Thành phần quan tòa tham gia Tòa án đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có 2 người đến từ Mỹ. Nguyên đơn là nhân dân Việt Nam, các nạn nhân Việt Nam và nhân dân có lương tri trên thế giới. Hiện vẫn chưa rõ liệu phía bị đơn là chính quyền và các công ty hóa chất Mỹ có tham dự phiên tòa này hay không. Tuy nhiên, nếu phía Mỹ không có mặt Tòa án vẫn có thể xử vắng mặt theo luật định. Các phán quyết của phiên tòa chính là ý kiến của công luận, của lương tri thế giới và có thể tạo ra sức ép đối với phía bị đơn để công lý được thực thi. Ngoài đoàn Việt Nam, các đoàn đại biểu nạn nhân đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân cũng tham dự Tòa án này.
Tại cuộc họp báo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã ra tuyên bố khẳng định, luôn luôn ủng hộ vụ kiện dân sự tập thể của các nạn nhân, tin tưởng rằng Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế sẽ xem xét, rút ra những kết luận về hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các nhà luật học, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới tiếp tục nói lên sự thật và có những hành động thiết thực ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi công lý và giảm bớt những khó khăn, đau khổ trong cuộc sống.
Nhân dịp Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế được tổ chức để xem xét trách nhiệm của Mỹ trong việc rải chất độc da cam/đi-ô-xin trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư tới phiên tòa. Bức thư có đoạn:
“…Tôi tin chắc Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế đưa ra được những kết luận buộc phía Hoa Kỳ phải có trách nhiệm trong việc giải quyết hậu quả nặng nề và kéo dài do cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ gây ra ở Việt Nam; đồng thời qua hoạt động của Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế, phong trào ủng hộ về tinh thần và vật chất của nhân dân thế giới đối với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam sẽ không ngừng phát triển…”.