Bác Hồ cùng với 6 chiến sĩ lập công xuất sắc ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: V.Ê-su-rin

Bức ảnh Bác Hồ với 5 chiến sĩ lập công xuất sắc ở Điện Biên Phủ được rất nhiều người biết đến. Nhưng mới đây trong số những kỷ vật kháng chiến gia đình Đại tướng Hoàng Văn Thái trao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có một bức ảnh cỡ 6 x 9, đen trắng. Bức ảnh chụp cùng thời điểm với bức ảnh hiện đang trưng bày ở bảo tàng, nhưng không phải 5 mà là 6 chiến sĩ. Nửa thế kỷ đã qua, bức ảnh đã ố vàng theo năm tháng nhưng vẫn còn rất nét. Từ bức ảnh, chúng tôi đi tìm thông tin tư liệu giải mã cho chiến sĩ thứ 6 có mặt trong bức ảnh này.

Đầu tháng 6-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao nhiệm vụ cho Thiếu tướng Hoàng Văn Thái dẫn đoàn chiến sĩ đại diện bộ đội chiến thắng ở Điện Biên Phủ về gặp Bác Hồ ở Thái Nguyên. Những chiến sĩ này vinh dự được nhận huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ đợt đầu tiên. Sự kiện đó được nhà đạo diễn phim người Nga Vla-đi-mia Ê-su-rin đưa vào ống kính máy ảnh. Ông là một thành viên trong đoàn làm phim của đạo diễn nổi tiếng Rô-man Các-men sang Việt Nam quay bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Đoàn làm phim được Tổng cục Chính trị mời tham dự buổi lễ trao phần thưởng cho các chiến sĩ lập công xuất sắc ở Điện Biên. Bức ảnh mà đồng chí Hoàng Văn Thái có được là do đạo diễn Ê-su-rin tặng ông hồi đó. Trong cuốn: “Đại tướng Hoàng Văn Thái: Điện Biên Phủ - chiến dịch lịch sử” của Nhà xuất bản Quân đội xuất bản năm 2001, có viết khá tỉ mỉ về câu chuyện ông dẫn đoàn chiến sĩ về gặp Bác Hồ.

Từ trạm đón tiếp của Bộ, đoàn theo đường lên hướng đèo Cóc, nơi ở và làm việc của Bác Hồ. Đoạn đường này không đi được xe, phải đi bằng ngựa. Cả buổi sáng mải miết, đoàn đến trạm đón tiếp.

Một chiến sĩ cảnh vệ dẫn đoàn đến gặp Bác và cho biết, Bác đang đợi. Từ trong ngôi nhà lợp lá cọ, Bác Hồ bước ra tươi cười bắt tay và ôm hôn từng chiến sĩ như người ông đón các cháu mới ở xa về. Bác vui vẻ chỉ mọi người ngồi ở hai dãy ghế ngay trước cửa hầm, nơi Chính phủ vẫn họp. Trên chiếc bàn tre đơn sơ, đã có sẵn mấy đĩa kẹo, bình nước và lọ hoa rừng.

Các chiến sĩ xúc động im lặng, chăm chú nhìn Bác. Thấy vậy, Bác bảo: Các chú cười lên thì Bác thưởng kẹo. Các chiến sĩ cùng cười. Bác hỏi thăm sức khỏe, tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh gia đình từng chiến sĩ, lắng nghe mọi người kể chuyện chiến đấu từ việc kéo pháo, đào giao thông hào, đánh bộc phá, chuyện bắt chỉ huy địch cho đến chuyện ăn ở sinh hoạt tại mặt trận. Bác khen các chiến sĩ đánh giặc giỏi, chịu đựng gian khổ tốt, đoàn kết tốt. Bác nói ý nghĩa to lớn của chiến thắng vừa qua, khuyên mọi người không được kiêu ngạo mà phải khiêm tốn học tập để lập công lớn hơn.

Sau buổi nói chuyện, Bác dẫn các chiến sĩ đi dạo chơi quanh nơi Bác ở, bãi tập thể dục, vườn rau tự trồng. Buổi chiều hôm đó, Bác “mở tiệc” chiêu đãi. Trên mâm có cả thịt, cá nhưng các chiến sĩ thích nhất món rau muống luộc chấm tương. Thấy vậy, Bác tự gắp thức ăn cho từng người làm cho không khí bữa ăn thêm đầm ấm, thân mật.

Ngày hôm sau đoàn cán bộ, chiến sĩ được mời dự lễ gắn Huy hiệu Điện Biên Phủ. Khó mà tả hết niềm sung sướng và tự hào của các chiến sĩ khi được Bác gắn huy hiệu trên ngực áo. Sau lễ gắn huy hiệu là tiết mục chụp ảnh và tặng quà. Các đồng chí Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh tham dự buổi lễ cùng tham gia chụp ảnh.

Những người có mặt trong bức ảnh với Bác do đạo diễn Ê-su-rin chụp hôm đó hàng thứ nhất từ phải qua trái có: đồng chí Trường Chinh, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Liêm, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Bên cạnh đồng chí Trường Chinh là Đặng Việt Bắc, con trai đồng chí Trường Chinh. Hàng thứ hai từ trái qua phải theo thứ tự là: Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng tham mưu trưởng; đồng chí Nguyễn Quang Thuận, Pháo thủ số 2, Trung đoàn pháo cao xạ; đồng chí Hoàng Đăng Vinh là người cùng với đồng chí Tạ Quốc Luật bắt sống Đờ Cát cùng toàn bộ ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; đồng chí Lê Thế Nhận, Đại đội trưởng Đại đội 397, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308; đồng chí Bạch Ngọc Giáp, Trung đội trưởng của Đại đội 806, Đại đoàn Công pháo 351; đồng chí Sáng (hiện nay chưa biết còn hay mất). Theo đồng chí Lê Thế Nhận và Bạch Ngọc Giáp tả lại: đồng chí Sáng thuộc đơn vị công binh. Đồng chí Sáng có tầm vóc cao nhất và nước da đen nhất trong nhóm 6 người. Người đứng cuối cùng hàng thứ hai và chỉ có nửa khuôn hình là đồng chí Nguyễn Dũng, chiến sĩ Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Anh là người không có trong bức ảnh “Bác Hồ với 5 chiến sĩ Điện Biên”.

Các chiến sĩ trong bức ảnh hồi đó đều rất trẻ, chỉnh tề trong bộ quân phục mới, đầu đội mũ có lưới ngụy trang đan bằng sợi dây dù, buộc vải dù do mọi người tự làm từ chiến lợi phẩm thu của địch ở Điện Biên Phủ.

TRẦN THANH HẰNG