QĐND Online - Năm 1973, trong bài Nước non ngàn dặm, nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ xúc động về Trường Sơn:
“…Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang
Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng
Trường Sơn vượt núi băng sông
Xe đi trăm ngả chiến công bốn mùa
Trường Sơn đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”.
Thật vậy, chiến trường Trường Sơn là nơi thử thách cao nhất ý chí, nghị lực, lòng dũng cảm của con người trước khó khăn, gian khổ ác liệt. Và những người đã hiến dâng máu xương, tuổi trẻ, sức lực cho Trường Sơn được như hôm nay hẳn rất tự hào vì được mang danh hiệu “Chiến sĩ Trường Sơn gang thép”.
Tháng 5 lịch sử, chúng ta lại bồi hồi nhớ về Bác Hồ kính yêu. Năm nay, tròn 119 năm ngày sinh nhật Bác, cũng tròn 50 năm ngày Bác Hồ cho khai sinh con đường Hồ Chí Minh (19-5-1959/19-5-2009), Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Trường Sơn, Bảo tàng Hậu cần tổ chức long trọng cuộc triển lãm chuyên đề “Huyền thoại đường Trường Sơn”.
Trong diện tích 250m
2, đã có 485 hiện vật được trưng bày, trong đó 311 hiện vật gốc khối, 45 hiện vật gốc chữ, 115 hình ảnh, 14 tác phẩm mỹ thuật. Đặc biệt, nhiều hiện vật và sưu tập hiện vật lần đầu ra mắt công chúng. Triển lãm thể hiện khái quát 4 chủ đề chính: Con đường bí mật, giai đoạn 1959-1964; Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, giai đoạn 1965-1974; Bộ đội Trường Sơn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975; Bộ đội Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh trong sự nghiệp Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc, giai đoạn từ 1975-nay.
Bằng việc chọn lựa những kỷ vật tiêu biểu, sắp xếp hiện vật theo niên biểu và theo sưu tập, sử dụng mỹ thuật, kỹ thuật trưng bày hoành tráng, thoáng, đẹp, gây ấn tượng, với những tổ hợp không gian hình tượng độc đáo để tôn tạo nội dung, triển lãm gửi đến người xem những thông điệp đầy ý nghĩa, những cảm xúc thiết tha, sâu lắng về những con người đã làm nên Huyền thoại Trường Sơn bất tử.
Từ những ngày khai sơn mở tuyến thuở ban đầu, được Bác Hồ cho phép gọi tên đường Hồ Chí Minh, bộ đội và nhân dân trên tuyến đường 559 đã rất xúc động, tự hào. Còn có cái tên nào ý nghĩa hơn thế. Con đường là biểu trưng cho khát vọng độc lập tự do của ông cha ta từ ngàn đời xưa mà Bác Hồ là người có khát vọng tha thiết nhất. Người đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Con đường Hồ Chí Minh ra đời chính là con đường dẫn tới độc lập, tự do. Chính Bác Hồ đã chọn đồng chí Võ Bẩm phụ trách Đoàn vận tải quân sự đặc biệt. Còn đây chiếc gậy chống, đồng chí Võ Bẩm dùng trong thời kỳ đầu hoạt động với phương thức gùi thồ là chủ yếu với phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, đưa từng cán bộ, chiến sĩ, từng cân hàng, khẩu súng chi viện miền Nam. Gùi, đội trinh sát Đoàn 559 dùng để cải trang làm thường dân trong quá trình làm nhiệm vụ. Lần đầu tiên, triển lãm giới thiệu một sưu tập trang phục, đồ dùng đầy đủ của bộ độị Trường Sơn : áo sợi, giầy vải, màn trùm đầu, tăng, võng, ni lông, khăn mặt, xà phòng, hộp cạo râu, bàn chải , hộp thuốc đánh răng, đèn pin, kim chỉ khâu, bật lửa, hộp đựng thức ăn, cao sao vàng, lọ tăm… cùng sưu tập gậy chống bằng nhiều chất liệu khác nhau bộ đội sử dụng trên đường hành quân vượt Trường Sơn vạn dặm.
Để đáp ứng cho sự phát triển không ngừng của cách mạng miền Nam, từ năm 1965-1974, Tuyến 559 khẩn cấp mở thêm các trục đường cho các chiến trường miền Nam và các nước bạn Lào, Campuchia. Đồng thời, có nhiệm vụ: Đánh địch, mở rộng và giữ vững hành lang; mở đường chiến lược; vận chuyển hàng chiến lược; dẫn khách vào chiến trường và chuyển thương bệnh binh từ các chiến trường ra; giúp bạn xây dựng cơ sở dọc tuyến hành lang. Đoàn có ba lực lượng chính là: lực lượng mở đường mới, giữ gìn và sửa chữa đường cũ; lực lượng vận chuyển và giữ kho; lực lượng bảo vệ. Ngoài ra, còn có các lực lượng bảo đảm như: thông tin, quân y, sửa chữa... Chính Bác Hồ đã chọn lựa, tin tưởng giao cho đồng chí Đồng Sĩ Nguyên làm Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn chỉ huy số quân lúc cao nhất tới 10 vạn người trên một chiến trường rất sâu và rộng. Đến năm 1975, tuyến đường Hồ Chí Minh đã được xây dựng với tổng chiều dài 20.330km, bao gồm 6 hệ thống đường trục dọc dài 6.810km, 21 hệ thống đường trục ngang dài 4.980km, 5 hệ thống đường vượt khẩu dài 700km, 3.000km đường giao liên, 1.300km đường thông tin tải ba, 14.000km đường thông tin hữu tuyến và thiết bị tiếp sức. Hệ thống đường vòng tránh các trọng điểm dài 4.700km. Đặc biệt tận dụng ưu thế địa lợi, ta đã mở 3.134km đường kín dưới tán cây rừng làm thành mạng lưới nguỵ trang khổng lồ cho đội hình xe chạy ban ngày giảm được sự đánh phá, ngăn chặn của không quân địch. Ta cũng đã xây dựng được tuyến vận tải đường sông vào tới Crôchiê có chiều dài 500km và tuyến đường ống đến Bù Đốp - Lộc Ninh dài 1.400km. Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, đã bảo đảm giao thông đường 1 và 7 tuyến đường khác với tổng chiều dài 2.577km; đã bắc 88 cầu, huy động 1052 xe chở các quân đoàn chủ lực và 20 vạn quân.
Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, bằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ Việt Nam, quân và dân ta trên tuyến đường chiến lược mang tên Bác Hồ vĩ đại đã tạo dựng được một hệ thống những con đường xuyên qua đèo cao, rừng rậm, suối sâu, một mạch chuyển chiến lược cho tiền tuyến rất độc đáo, có thể nói độc nhất vô nhị trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Bộ đội Trường Sơn bắt núi phải cúi đầu, sông sâu phải nhường bước trong những chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Thang dây, trung đoàn 10 công binh Đoàn 559 đã sử dụng khi phá dốc Ba thang mở đường 20 Quyết thắng. Những thác nước hung dữ nghe tên đã rợn người như Thác Hùm, công binh Pháp với ca nô, máy móc hiện đại phải đầu hàng thì với Máy điểm hỏa này, anh hùng Hoàng Văn Nghiên, trung đoàn 98 công binh, Đoàn 559 sử dụng điểm hỏa phá được. Tiểu đội của anh đã phá 40 thác trên sông Bạc, 17 thác trên sông Le từ năm 1964-1965. Dù pháo hiệu của Anh hùng Nguyễn Bá Tòng, Trung đoàn 98 công binh dùng dẫn xe qua trọng điểm từ 1969-1974. ống nhòm của Anh hùng La Thị Tám sử dụng suốt 116 ngày đêm, đánh dấu 7.039 quả bom chưa nổ đảm bảo an toàn cho người và xe qua trọng điểm. Ống dẫn xăng dầu, tiểu đoàn 968 đã sử dụng đảm bảo nhiên liệu phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Máy thông tin, bộ đội Trường Sơn dùng đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ kịp thời cho lãnh đạo chỉ huy chiến đấu.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ Việt Nam không chỉ trong lao động sáng tạo xây dựng, phát triển tuyến đường mà còn thông minh, sáng tạo trong phương thức nghệ thuật bảo vệ và che kín tuyến đường mà các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ không tài nào ngăn chặn được, bảo đảm sự chi viện liên tục ngày càng lớn sức người, sức của, đáp ứng cao nhất yêu cầu của tiền tuyến trong các giai đoạn kháng chiến.
Hầm di động, chiến sĩ tiểu đoàn 24, Đoàn 559 đã tự làm bằng chiếc phi xăng, xung quanh bọc lớp tre nứa dùng để di chuyển khi phá bom bi và các loại bom sát thương từ 1968-1972. Súng CKC đồng chí Hồ Hữu Đức, tiểu đoàn 24 pháo cao xạ dùng bắn rơi 1 máy bay trực thăng của Mỹ. Mũ sắt, chiến sĩ Sư đoàn 375 sử dụng trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ, đơn vị đã bắn rơi 80 máy bay Mỹ bảo vệ tuyến đường 20. Mũ giặc lái, tiểu đoàn 6 Binh trạm 35 thu được của tên phi công lái chiếc máy bay thứ 1.000 bị quân ta bắn rơi trên đường Trường Sơn, ngày 29-4-1969. Súng AR15, chiến sĩ quân y đội điều trị 31 thu được của địch, dùng tham gia bắn rơi máy bay Mỹ bảo vệ thương binh ở Trường Sơn.Đèn rùa, anh hùng Khúc Văn Lượng đã lập kỷ lục về năng xuất vận chuyển, cứu xe, cứu người trên đường Trường Sơn.Bộ dụng cụ sửa chữa xe ô tô, đồng chí Nguyễn Ngọc Quỳnh đã dùng sửa chữa nhiều loại xe ô tô, phục vụ vận chuyển hàng từ năm 1964-1975. Bộ dụng cụ quân y, Binh trạm 12 đã tự tạo để cứu chữa thương binh trên tuyến đường Trường Sơn.
 |
Do vị trí chiến lược hết sức trọng yếu của đường Hồ Chí Minh, đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã tiến hành một cuộc chiến tranh ngăn chặn với quy mô và mức độ ngày càng tàn bạo, vượt xa các cuộc chiến tranh trước đó. Trường Sơn là chiến trường thực nghiệm chiến lược "chiến tranh ngăn chặn", "chiến tranh bóp nghẹt" bằng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt với các vũ khí, thiết bị hiện đại của nền khoa học - công nghệ Mỹ. Trên mặt trận mở đường và giữ đường, cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Kẻ địch đã ném xuống các tuyến đường của ta trên 5 triệu tấn bom, mìn, chất độc màu da cam vượt xa số bom đạn mà phát xít Đức, I-ta-li-a, Nhật sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai, bằng 1/3 số bom đạn chúng ném xuống toàn Đông Dương trong thời gian này. Chúng còn tổ chức những cuộc hành quân bằng bộ binh với quy mô lớn, vừa và nhỏ, tăng cường hoạt động biệt kích, thám báo hòng cắt đứt các trục đường huyết mạch của ta. Đây là một số tang vật của địch là các bằng chứng tội ác của chúng đối với quân dân ta ở Trường Sơn: Can chứa chất độc CS, dàn phóng E8; đạn CS 23; đạn hỏa tiễn 2,7 inch WP; đạn M79 CS; đạn pháo CS 105; lựu đạn CSC1; lựu đạn cháy các loại; súng phun lửa, bom bi, cây nhiệt đới, bom xuyên; mặt nạ dùng bình khí nén; mặt nạ cách ly IP-46 M…
Trong 16 năm, để bảo vệ giao thông vận tải thông suốt, các lực lượng trên tuyến đã bắn rơi 2. 455 máy bay, diệt 18. 740 tên địch, vận chuyển được 1.349. 060 tấn hàng hoá, vũ khí (trong đó cho các chiến trường và cách mạng Lào, Campuchia hơn 583.000 tấn), 5,5 triệu mét khối xăng dầu, đưa đón và vận chuyển qua lại trên 3.613.726 lượt người hành quân, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Bộ đội Trường Sơn hy sinh 19.800 cán bộ, chiến sĩ, 40.000 người bị thương, 14.540 xe ô tô, 703 súng pháo và hơn 90.000 tấn hàng hóa chi viện bị phá hủy.
Với chiến công chói lọi, bộ đội Trường Sơn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, 77 tập thể, 46 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hàng ngàn danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ lái xe, Dũng sĩ công binh phá bom, mìn địch, Dũng sĩ diệt máy bay, Dũng sĩ giao liên, xăng dầu, thông tin; hàng nghìn Chiến sĩ Quyết thắng, hàng chục nghìn chiến sĩ Thi đua.
Cuộc chiến đấu hào hùng đó, đời sống tinh thần phong phú đó đã được phản ánh rất sinh động qua các hiện vật gốc là các văn bản, chỉ thị của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các tổng kết, báo cáo của các đơn vị thuộc các quân binh chủng, các loại tập san, báo tường, các bản nhạc, tập thơ, các bức tranh, tấm ảnh lịch sử, các bức thư thấm đẫm nghĩa tình: tình yêu quê hương đất nước, tình nghĩa chồng vợ thủy chung, tình yêu nam nữ trong sáng, tình cảm của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, tình đoàn kết quốc tế cao cả…
Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng ủy Quân sự Trung ương gửi Đoàn 559 động viên Đoàn quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ; Quyết tâm thư ký bằng máu của đại đội 6/Sư đoàn 304 hứa lập công trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào. Thư của chị Võ Thị Tần, tiểu đội trưởng tiểu đội nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc gửi cho mẹ trước lúc hy sinh. Tập san Hoa thắm Trường Sơn số 2 số đặc biệt của cơ quan chính trị Đoàn 559 để chào mừng Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua tháng 1-1967. Bản tin Vượt Bạc số 9 của Binh trạm 35/Đoàn 559 tuyên truyền gương người tốt việc tốt trong phong trào thi đua của đơn vị năm 1971. Tập thơ “Những bước chân của đoàn quân thần tốc” của Trung đoàn 98 công binh cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ quyết tâm vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Bài hát “Quyết giữ tuyến đường X 340” của Xưởng sửa chữa xe X340 sáng tác trong những ngày đầu chiến đấu gian khổ, ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn. Khi Xuân về, Tết đến, thơ văn nhạc, họa Trường Sơn cũng nảy nở như hoa mùa xuân. Trong mưa bom, bão đạn, các chiến sĩ vẫn luôn lạc quan tin tưởng, nhìn thấy một ngày mai tươi sáng: Ôi đẹp quá, sáng xuân nay/ Giữa tuyến lửa Trường Sơn hừng hực/ Từng đoàn xe, từng đoàn quân sung sức/ Nhằm hướng tiền phương đi tới những ngày mai/ Đại lộ Hồ Chí Minh! Tự hào! Vĩ đại!...
Đúng như mơ ước năm nào, ngày nay, Binh đoàn Trường Sơn- Binh đoàn 12, người phát huy truyền thống và kế tục lịch sử với tư cách là một doanh nghiệp lớn của Quân đội, một Tổng công ty xây dựng đã và đang hoàn thiện đường cao tốc Hồ Chí Minh. Con đường chạy suốt từ Pắc Bó, quê hương cách mạng, vào tới tận cùng chót Mũi Cà Mau, biến con đường chiến lược phục vụ chiến tranh thành con đường xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng. Trong cơ chế thị trường, Binh đoàn 12 không ngừng phát triển góp phần cùng các doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Binh đoàn 12 còn tham gia xây dựng nhiều công trình lớn của Nhà nước như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Đường dây 500KW, Cầu sông Công và đường sắt tuyến Quán Triều, Núi Hồng; Đường cao tốc Thăng Long-Nội Bài; Đường số 5 Hà Nội- Hải Phòng, Đường Láng-Hòa Lạc; sân bay Lạc Sao tại Lào. Đây máy khoan đá PR 20, Binh đoàn Trường Sơn đã dùng khai thác đá làm đường và công trình thủy lợi từ năm 1989-1994…
Có thể nói, với ngôn ngữ là những hiện vật gốc quý hiếm, những bộ sưu tập độc đáo, được thể hiện qua giải pháp trưng bày ấn tượng, gây cảm xúc mạnh mẽ cho người xem, triển lãm đã góp phần minh chứng cho những thành công vô cùng to lớn của bộ đội Trường Sơn trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Triển lãm gửi đến cho ta thông điệp: Năm tháng sẽ trôi qua nhưng những chiến công của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân trên chiến trường Trường Sơn sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất diệt. Chúng ta mãi mãi biết ơn và nguyện noi gương các anh hùng, liệt sĩ Trường Sơn, ra sức làm tròn nhiệm vụ cao cả mà Tổ quốc đã giao phó là bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Thượng tá, Tiến sĩ Đoàn Thị Lợi