Kỳ 4: Đột nhập

Từ trước tới nay, khi nhận được tin tức tình báo ở Đà Nẵng, các giao thông viên thường chuyển về Gò Nổi, rồi từ đó mới chuyển tin ra Hà Nội hoặc vào Sài Gòn. Làm như vậy rất mất thời gian, có nhiều lúc không an toàn, nhất là trong thời kỳ địch tăng cường kiểm soát, khủng bố gắt gao những khu vực giáp ranh.

Trước tình hình như vậy, Trung ương lệnh cho Trần Phong phải đưa vô tuyến điện 2 chiều vào ngay sào huyệt của địch, mặc dù tình hình lúc đó rất căng thẳng. Trên cử Phạm Tùng, một báo vụ viên nhiều kinh nghiệm tăng cường cho cụm của Trần Phong. Vấn đề khó khăn nhất lúc này là làm sao đưa đồng chí báo vụ này đột nhập được vào Đà Nẵng một cách công khai trước những cặp mắt cú vọ của kẻ địch.

Trần Phong chợt thầm reo lên khi nhớ chú ruột của mình là Trần Yến, chủ một tiệm buôn gạo lớn ở Đà Nẵng. Ông Trần Yến có hai đứa con tập kết ra Bắc, đều là cán bộ cách mạng. Trần Phong yêu cầu cấp trên đề nghị hai người con đó viết thư cho cha mình, rồi gửi vào theo đội tàu giao thông trên biển của tình báo quân sự để tạo điều kiện cho anh đưa Phạm Tùng đến làm quen ông bà Trần Yến.

Tại Gò Nổi, Trần Phong trao đổi với Phạm Tùng và nhắc đi nhắc lại với người báo vụ viên của mình rằng, anh là con của phán Tấn, trước làm việc ở tòa sứ Pháp, là một người bạn của ông Trần Yến. Hôm sau, bằng giấy tờ giả, Phạm Tùng đột nhập vào Đà Nẵng đến nhà ông Trần Yến. Phạm Tùng nói:

- Cháu là bạn học của anh Trần Tiến Cung. Cháu ở Đà Lạt ra muốn đến bác để hỏi thăm về anh ấy. Cháu nhớ hồi đi học, anh Cung có chiếc xe đạp sơn màu xanh, không biết có còn không.

Khi được ông bà Trần Yến cho biết Trần Tiến Cung không còn ở Đà Nẵng nữa, Phạm Tùng giả vờ rất buồn. Chuyện qua chuyện lại, khi đã thấy gia chủ tin tin, Phạm Tùng giả vờ thốt lên:

- Ủa, trước bác có hai người con, bây giờ làm việc ở đâu?

Thấy ông bà lộ vẻ lúng túng, Phạm Tùng nói:

- Thôi, cháu biết rồi!

Ông Trần Yến nghĩ bụng, tay này phải chăng là mật thám đến để thử mình. Đang phân vân thì Phạm Tùng đưa hai lá thư của hai người con ra:

- Các anh chị ngoài ấy nhờ cháu đưa hộ cho hai bác.

Bà vợ Trần Yến cầm thư, nói:

- Tôi tin anh nên tôi nhận. Còn nếu anh là cảnh sát thì chúng tôi bị bắt cũng cam chịu.

Nói xong, bà vào buồng đọc thư.

Phạm Tùng biết, anh đã chiếm được niềm tin của Trần Yến.

Sau đó, hiệu buôn gạo đã trở thành cơ sở tình báo của ta. Phạm Tùng về ở với ông bà Trần Yến, được ông bà nuôi dưỡng và bảo vệ chu đáo. Sau này, khi điện đài được chuyển vào, Phạm Tùng chia ra nhiều bộ phận rồi giấu nó vào lịch tường to treo trong nhà. Nhiều lần, bọn lính Mỹ, lính ngụy ra nhà ông bà chơi mà vẫn không hay biết.

Công việc đang thuận lợi thì một hôm, vào khoảng giữa năm 1967, Trần Phong nhận được điện của Cục Nghiên cứu, nội dung là trên sẽ tăng cường cho tổ Phạm Tùng một nữ cán bộ giao thông lớn tuổi. Chị ở ngoài Bắc “đột nhập” vào Đà Nẵng bằng tàu thủy của đội tàu 128, đề nghị Cụm cho người xuống đón. Để địch không nghi ngờ, Trần Phong cử cháu Hoa học sinh 15 tuổi (chị Hoa hiện nay là kỹ sư điện, công tác tại Điện lực Quảng Nam). Công việc trót lọt, Hoa xuống gặp được chị Quận (tên người nữ cán bộ giao thông) và đưa về căn cứ an toàn.

Thiếu tướng Trần Tiến Cung và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh gia đình cung cấp

Tối hôm đó, anh em ở Cụm tình báo ngồi quây bên chị Quận để nghe chị kể chuyện miền Bắc chiến đấu với máy bay giặc Mỹ, chuyện thanh niên nô nức tòng quân vào Nam chiến đấu. Chị cũng quê Quảng Ngãi với Trần Phong, tập kết ra Bắc năm 1954. Chị có đứa con trai đang chiến đấu trong Nam và giờ đây, chị được lệnh trở vào Nam hoạt động bí mật.

Ngồi nói chuyện với mọi người, chị Quận cứ giữ khư khư chiếc túi. Trần Phong nghĩ, lạ thật, chị này mới ở Bắc vô, đồng tiền Bác Hồ chắc chắn không được mang theo, các vật quý cũng phải để lại ngoài đó, quần áo thì phải may mặc phù hợp với người trong này. Vậy chị có cái gì mà chiếc túi không rời tay chị vậy? Trần Phong bảo:

- Chị đưa cái túi tôi cất giùm cho!

Chị Quận nhất định không chịu nghe. Hồi lâu, khi mọi người đã đi ngủ hết, chị mới chịu đưa chiếc túi cho Cụm trưởng kiểm tra. Trần Phong không tin ở mắt mình: Trong miếng lót được khâu rất khéo dưới đáy của chiếc túi là đôi quân hàm thiếu úy Quân đội nhân dân Việt Nam. Trần Phong toát cả mồ hôi:

- Chết thật, sao chị liều vậy? Lỡ may bọn địch khám thấy thì chị sống sao được với bọn chúng?

Chị Quận rơm rớm nước mắt:

- Thì tao cũng biết vậy. Nhưng tao nghĩ, tao vô lần này hoạt động rồi chết ở đây luôn. Tao không thể xa nó được. Nếu tao sống thì may mắn, còn nếu tao chết thì tụi bây đặt đôi quân hàm này vào quan tài với tao…

Chị Quận sau đó trở thành người bảo vệ, che chở cho Phạm Tùng hoạt động. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, chị trở về quê hương Quảng Ngãi và đau đớn nhận tin con trai độc nhất của mình đã hy sinh. Chị trở thành Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Như vậy, điện báo viên đã được cài, máy thì đã có máy RT3 của Mỹ rất sẵn ở cứ. Vấn đề khó khăn nhất là làm sao đưa được máy vào cho Phạm Tùng, trong khi đó năm 1967, ta đánh mạnh ở Quảng Đà và vùng ven Đà Nẵng khiến địch tăng cường lục soát, nhất là các chuyến xe đò vào ra Đà Nẵng. Chọn ai đưa máy bây giờ? Sau nhiều đêm suy nghĩ, Trần Phong quyết định chọn chị Nguyễn Thị Bảy, khoảng 40 tuổi, quê ở xã Điện Thắng, Điện Bàn. Chị Bảy thuần chất nông dân, ăn trầu, hút thuốc, không biết chữ. Nhận nhiệm vụ, chị Bảy đóng giả người bán trầu, đi thử 3 lần đều trót lọt. Đến lần thứ tư, chị bỏ máy RT3 vào chiếc giỏ, trên phủ lớp trầu cau đi vào Đà Nẵng. Đến cầu Thanh Quýt, cách thành phố khoảng 10 cây số lại đúng lúc du kích đánh cầu. Xe quân cảnh Mỹ, xe cảnh sát nguỵ lao đến vây kín chặn tất cả các xe qua lại và bắt đầu lục soát. Đến xe chị Bảy, chúng lục tung chiếc giỏ và cả thằng ngụy, thằng Mỹ đều trố mắt kinh ngạc khi thấy chiếc máy RT3 trong tay người đàn bà nhà quê. Tức tối, thằng lính ngụy giáng chị mấy bạt tai. Chị ngã xuống, nhưng tay vẫn khư khư ôm lấy máy, ngước lên nhìn thằng Mỹ:

- Nè, Mỹ mà cũng cướp máy của tui à?

Thằng Mỹ và thằng phiên dịch lôi chị vào bót, hỏi:

- Bà có biết cái này là cái gì không?

- Cái máy.

- Máy gì?

- Tôi đâu biết chữ mà biết máy gì?

- Thế ai đưa cho bà?

- Mỹ đánh nhau với Việt cộng ở Trảng Nhật (Trảng Nhật ở Điện Bàn vốn là sân bay của Nhật). Tôi đi kiếm củi lượm được, giờ đem đi bán.

- Bà bán bao nhiêu?

- Thì ai mua đắt thì tôi bán chớ biết giá nó bao nhiêu!

Chị Bảy cứ giả bộ trả lời thật thà thế. Bọn chúng đưa chị về Tòa thẩm vấn ở Đà Nẵng, đánh chị một trận nhừ tử, nhưng trước sau chị một mực trả lời như vậy. Cuối cùng không có chứng cứ để bắt, chúng phải thả chị về. Chúng thu lại máy, nhưng buộc phải trả cho chị 5.000 đồng! Sau này, chị Nguyễn Thị Bảy vẫn tiếp tục hoạt động. Chị lại bị địch bắt, bị chúng đày ra Côn Đảo. Ra tòa và ở trong tù, chị luôn giữ vững khí tiết của người cách mạng.

Trường hợp thứ nhất không thành công, Trần Phong tính đến việc cử chị Ngô Thị Bích Thủy, quê ở Hòa Vang. Lần này anh rất đắn đo suy tính và ái ngại vô cùng. Mình là cán bộ mà cử phụ nữ vào chỗ một sống một chết như thế có nên hay không. Nhưng không phải là phụ nữ thì khó có thể đi trót lọt được. Gọi Bích Thủy lên nhận nhiệm vụ, thấy chị vẫn vui vẻ, hồn nhiên, Trần Phong mới có phần yên tâm. Trong cuộc đụng đầu với kẻ thù xảo quyệt và nham hiểm, người phụ nữ Việt Nam tưởng là chân yếu tay mềm nhưng vô cùng mưu trí và dũng cảm đã nhiều lần cho mật vụ đối phương đo ván. Chúng ta không có những phương tiện kỹ thuật hiện đại và đội quân nhà nghề như kẻ địch, nhưng tình báo Việt Nam đã có nhân dân che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng và cộng tác. Đó là sức mạnh vô địch mà kẻ thù không thể lường hết được.

Chuyến đi này, chị Thủy giả bộ người đi bán nón. Giữa 100 chiếc nón lá chị gánh vào Đà Nẵng, chiếc RT3 được giấu rất khéo ở giữa. Chuyến đi trót lọt, chiếc máy được chuyển đến tận tay Phạm Tùng. Ba ngày sau, ngay giữa thành phố Đà Nẵng, Phạm Tùng đã có bức điện gửi ra Hà Nội. Cục Nghiên cứu lúc đó đã có điện khen chiến công đó của Cụm tình báo miền Trung.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Đội tàu 128 và “Những người tôi thương nhớ”.

Còn biết bao số phận, bao nhiêu cuộc đời tình báo âm thầm và lặng lẽ mà bài viết này chưa đề cập đến.

Còn biết bao chiến công của Tình báo miền Trung mà Thiếu tướng Trần Tiến Cung chưa muốn kể ra.

Nhưng họ là những người ông luôn thương nhớ…

Thiếu tướng Trần Tiến Cung và Cụm tình báo miền Trung (phần 1-Điểm tựa của những người thầm lặng)

Thiếu tướng Trần Tiến Cung và Cụm tình báo miền Trung (phần 2-Đất hiểm)

Thiếu tướng Trần Tiến Cung và Cụm tình báo miền Trung (phần 3-Cài người)

Hồng Sơn