Hôm mồng 3 Tết Kỷ Sửu, vợ chồng tôi đến thăm và chúc Tết Thiếu tướng Trần Chí Cường tại nhà riêng nằm ở cuối đường Đồng Đen, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Đến nơi mới biết ông đang cấp cứu ở bệnh viện Việt - Pháp từ trước Tết, trong tình trạng rất nguy kịch. Chúng tôi ngỏ ý muốn đi thăm nhưng không được, chẳng ngờ, chục ngày sau thì ông ra đi mãi mãi.
 |
Thiếu tướng Trần Chí Cường (1926-2009) |
Nhớ về ông, tôi nhớ một vị tướng khoan hòa, đôn hậu, với cái phông văn hóa dày dặn và sâu sắc, một nhân cách đáng kính trọng. Trước đó, tôi chưa từng được biết ông. Đầu năm 2005, tôi mới chân ướt chân ráo về Nhà xuất bản QĐND, chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Một buổi sáng, ông đến cơ quan ở số 1 Kỳ Đồng, quận 3, gặp tôi. Nghe ông đặt vấn đề về cuốn hồi ức đã ấp ủ từ lâu, tôi bị cuốn hút hoàn toàn bởi phong thái đĩnh đạc, thấm đậm tình cảm của một vị tướng mà bậc tuổi vào hàng cha chú. Tôi nhận lời và ngay sau đó, bắt tay vào thực hiện cuốn sách như là một cách trả món nợ ân tình cho xứ Huế, nơi tôi từng theo học đại học. Có lẽ vì vậy mà sự đồng cảm giữa người kể và người ghi chép thể hiện rất rõ trong cuốn sách.
Thiếu tướng Trần Chí Cường, tên khai sinh là Trần Thanh Nhã, sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước ở làng Phước Hưng, thuộc tổng An Cư, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên (nay là xã Lộc Thủy, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế). Là người hiếu học, ngay từ thuở thiếu thời, ông đã gặp được những người thầy tên tuổi như: Cao Xuân Huy, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lân, Hoài Thanh, Đào Duy Anh, v.v.. Bạn bè cùng trang lứa với ông có những người như Ngô Viết Thụ, về sau là một kiến trúc sư lừng danh. Người em ruột của ông là Giáo sư Trần Thanh Đạm, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Trong hai cuộc kháng chiến, gia đình ông phải gánh chịu nhiều mất mát. Một người anh bị giặc Pháp sát hại. Bà nội và mẹ ông bị chết vì bom đạn giặc.
Tháng 5-1945, Trần Chí Cường được kết nạp Đảng và 5 năm sau (1950), ông được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên. Đầu năm 1951, ông được điều động vào quân đội, giữ chức Trưởng phòng Cung cấp (Chủ nhiệm Hậu cần) Đại đoàn 325. Ông quan niệm: “Công tác cung cấp không chỉ đơn thuần là cơm, áo, gạo, tiền, thuốc men, đạn dược, thực chất đây là một mặt công tác quân sự của Đảng”… Sau hòa bình (1954), tập kết ra Bắc, ông được giao nhiều cương vị công tác khác nhau, từ Hiệu trưởng Trường sĩ quan Hậu cần, Phó giám đốc Học viện Hậu cần, Phó tư lệnh về Hậu cần Quân khu 2, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Là một cán bộ có nhiều đóng góp trên lĩnh vực công tác hậu cần và giáo dục đào tạo, Thiếu tướng Trần Chí Cường được cấp trên tin cậy, được đồng nghiệp và bạn bè yêu mến, quý trọng. Nhiều học trò của ông ngày trước, giờ đã là cán bộ cao cấp hiện đang giữ cương vị chỉ huy lãnh đạo các đơn vị, nhưng mỗi khi gặp lại ông, họ vẫn bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng.
Trở lại với cuốn hồi ức “Đường lên phía trước”, ông dành những lời trân trọng khi nói về cấp trên, về đồng ngũ và bè bạn. Ông nhớ như in và kể lại mạch lạc từng sự kiện mà ông được chứng kiến. Trong đời, ông vinh dự hai lần được gặp và báo cáo với Bác Hồ. Ông nói về mình rất ít, có chăng cũng hết sức khiêm nhường. “Hơn nửa thế kỷ rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và nhân cách, không ngừng học tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, nghiệp vụ để làm tròn nhiệm vụ của mình, tôi không có điều gì ân hận khi đối diện với lương tâm”. Và ông ước nguyện: “Tôi tha thiết mong mỏi con cháu mình cũng như thế hệ trẻ tiếp tục sống và cống hiến cho tương lai huy hoàng của quê hương, đất nước”. Người bạn đời của ông, nhà giáo Trương Mộng Hoàn là người Hà Nội gốc, sinh trưởng trong một gia đình trí thức. Mối tình của ông bà có thể coi là hình mẫu về sự thủy chung, trong sáng từ lúc tóc xanh cho tới lúc đầu bạc. Khi thể hiện cuốn sách, tôi được ông bà cho tiếp xúc hàng tập thư từ rất đỗi riêng tư của hai người, đúng nghĩa là “những bức thư thời chiến” thắm thiết, đầy trách nhiệm, thật đáng trân trọng.
Tháng 11-2005, cuốn hồi ức ra mắt bạn đọc, khi ông đã bước vào tuổi bát tuần. Ông rất vui. Ông tự tay đề tặng và nhờ tôi mang ra Hà Nội kính biếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Tuy chỉ góp một chút công sức nhỏ bé vào cuốn sách, nhưng tôi được ông bà coi như con cháu trong nhà. Được ngồi hầu chuyện với ông, bao giờ cũng vậy, rất ấm áp và tình cảm.
Giờ đây, ở cõi vĩnh hằng, chắc hẳn ông vẫn đặt niềm tin tưởng và sự kỳ vọng vào lớp trẻ, hướng họ vào “Đường lên phía trước”.
NGUYỄN MINH NGỌC