Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh tư liệu

Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng. Thiên sử vàng chói lọi ấy viết nên bằng “lòng quyết tâm còn cao hơn núi”, bằng máu đào nhuộm thắm từng tấc chiến hào, bằng những cung đường gồng gánh và xe thồ hàng trăm nối tiếp hàng trăm cây số, bằng những dãy dãy bia mộ ở nghĩa trang liệt sĩ bộ đội, dân công, thanh niên xung phong ở Điện Biên Phủ và khắp các chiến trường cả nước suốt 9 năm ròng kháng chiến... Thiên sử vàng ấy được viết từ những đêm Bác không ngủ, bằng tinh hoa trí tuệ và nghệ thuật đánh chắc thắng của Người, của Bộ chỉ huy kháng chiến và của vị Đại tướng Tổng tư lệnh, chỉ huy trưởng chiến dịch.

Chín năm, kháng chiến mấy ngàn ngày không nghỉ, vậy mà tiếng súng Điện Biên Phủ vừa ngưng, Bác Hồ đã khẳng định trong thư của Người gửi cán bộ và chiến sĩ Điện Biên Phủ: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu... Chúng ta kiên quyết kháng chiến, tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

Thiên sử vàng Điện Biên Phủ đã khép lại chín năm “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” để mở ra, để đi tiếp cuộc trường chinh hơn 20 năm cho đến ngày toàn thắng. Có điều gì tương đồng, lặp lại của lịch sử giữa cuộc kháng chiến 30 năm ba lần đánh giặc Nguyên-Mông trong thời đại “Hào khí Đông A” ở thế kỷ 13 với 30 năm đánh thắng ba đế quốc to ở thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ 20? Có điều gì tương đồng và lặp lại giữa những năm tháng “nằm gai nếm mật” chống giặc Minh 10 năm ở thế kỷ 15 với “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” của trận đánh cuối cùng chống giặc Pháp? Và còn nhiều nữa những tương đồng, lặp lại của lịch sử bởi khát vọng độc lập, tự do đã làm nên sức chịu đựng, hy sinh vô bờ bến, làm nên sự trường tồn dân tộc. Tiếng hô đồng thanh “Đánh!” từ Hội nghị Diên Hồng đã vang lên thế kỷ này nối tiếp thế kỷ khác. Nhưng giặc nước quá lớn, quá mạnh, hiển nhiên không thể không trường kỳ, gian khổ kháng chiến, không thể không huy động toàn dân đánh giặc, “tận dân vi binh”. Trường kỳ kháng chiến-Toàn dân đánh giặc là hai yếu tố tất yếu. Song, hai yếu tố đó mới là tiền đề đầu tiên. Phải có thêm yếu tố thứ ba: Tư tưởng và nghệ thuật quân sự-tư tưởng và nghệ thuật "cử quốc nghênh địch" như ông cha ngày xưa mà với thời đại mới là tư tưởng và nghệ thuật của chiến tranh nhân dân, nghệ thuật điều binh khiển tướng, bài binh bố trận. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, biểu hiện cụ thể là tư tưởng và nghệ thuật "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc", xây dựng và phát huy sức mạnh của chế độ mới, xây dựng và phát huy sức mạnh hậu phương lớn, xây dựng và sử dụng hiệu quả sức mạnh của ba thứ quân, ba vùng chiến lược… Kháng chiến là vận mạng sống còn của dân tộc, là máu xương, là sức người, sức của đồng bào, chiến sĩ; kháng chiến không phải là cuộc phiêu lưu, không phải là tư duy và hành động bạo động non, bộc phát. Kháng chiến là phải quyết thắng, biết đánh, biết thắng, là phải đánh chắc thắng. Tùy cơ, tùy thế, kháng chiến đã phải lui vào phòng ngự, cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội và cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ Đô không phải là những thất bại mà trên ý nghĩa để bảo đảm chắc thắng toàn cục, đó là những thắng lợi đầu tiên. Cuộc kháng chiến chín năm là sự phát triển không ngừng của thế và lực qua các trận thắng từ Thu-Đông 1947 chống cuộc hành quân vây càn khổng lồ, bảo vệ đầu não kháng chiến, bảo vệ và phát triển Chiến khu Việt Bắc, tiếp đó là các chiến thắng Biên giới, mở ra sự hiệp đồng chiến đấu, phát huy sức mạnh thời đại, tiếp đến là hàng loạt các chiến dịch để dẫn đến Chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 và kết cục chiến thắng của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Cuộc trường chinh chín năm không phải lúc nào và trận đánh nào chúng ta cũng thắng. Đã có thất bại và tan rã sớm của những đệ nhất, đệ nhị sư đoàn ở Nam Bộ hồi đầu cuộc kháng chiến do sự thành lập bồng bột mà chưa đủ sức mạnh. Đã có những trận tập kích Đường 18 (Đông Triều), cuộc tiến công cứ điểm Nà Sản do chưa đủ lực lượng và thiếu kinh nghiệm… Nhưng nhìn toàn cục hành trình chín năm là hành trình đánh chắc, tiến chắc và chắc thắng.

Điện Biên Phủ là chắc thắng bởi ta đã đủ thế và lực trưởng thành từ chín năm kháng chiến, bởi quân địch đã nằm dưới lòng chảo như đáy chiếc mũ sắt theo hình ảnh Bác Hồ đã so sánh thế ta và địch. Điện Biên Phủ là chắc thắng kể từ đêm Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nắm ngải cứu trên đầu vì sốt đưa ra quyết định khó khăn nhất: Kéo pháo ra, tổ chức lại thế trận và lực lượng bảo đảm đã nổ súng là chiến thắng. Điện Biên Phủ chắc thắng từ tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, quyết chiến quyết thắng, từ những tấm thân chiến sĩ quên mình bảo vệ pháo, lấp lỗ châu mai, từ những đôi tay chiến sĩ đào từng mét hào vây lấn, đào đường hầm xuyên lòng đồi A1… để chiến thắng mà bớt đi đổ máu, hy sinh.

Thiên sử vàng Điện Biên Phủ cổ vũ niềm tin “Dựa vào sức mình là chính”, mở ra quyết tâm và niềm tin dám đánh, quyết chiến quyết thắng, biết đánh và đánh chắc thắng trước đạo quân binh hùng tướng mạnh của đế quốc to nhất, xảo quyệt nhất.

Thiên sử vàng Điện Biên Phủ giục giã lớp người hôm nay ý chí và tinh thần quyết thắng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truyền đến chúng ta tư tưởng và nghệ thuật chiến thắng, biết tính toán và thực hiện dứt điểm, đạt hiệu quả cao trong mỗi chương trình, công trình, dự án.

Chắc thắng là tư duy quân sự Việt Nam và phải phấn đấu để trở thành tư duy kinh tế-xã hội Việt Nam. Chắc thắng là trách nhiệm tâm can trước sức người, sức của của dân, của nước.

MẠNH HÙNG