Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến vừa hoàn thành cuốn sách "Tây Tiến một thời và mãi mãi", Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.
Ngay ở bìa đầu, bức tranh "Có một mùa trăng" của chính người lính Tây Tiến, họa sĩ Đại tá Quang Thọ đã thể hiện tâm hồn người lính Tây Tiến, trên đường hành quân chinh phục núi cao rừng thẳm, ngày "dữ oai hùm, mắt trừng gửi mộng qua biên giới" nhưng đêm vẫn "mơ Hà Nội dáng kiều thơm".
Những trang đầu cuốn sách giới thiệu nguyên văn lệnh cho đoàn quân Tây Tiến xuất quân, thể hiện không những tầm nhìn chiến lược của vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà còn là một áng hùng văn mang dấu ấn đặc trưng thời đầu kháng chiến toàn quốc. "Trên con đường về miền Tây, các đồng chí sẽ phải lặn lội nơi rừng xanh, suối bạc, ở những địa phương hàng nửa ngày đường không thấy một bóng người, thủy thổ không quen thuộc, ngôn ngữ bất đồng, nước độc ma thiêng. Chỉ một việc cất chân lên đường tiến về hướng Tây là đủ tỏ rõ cái chí hy sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí. Các đồng chí biết rằng trên mặt trận này phải đương đầu với nhiều hiểm nghèo khổ sở. Nhưng sự hiểm nghèo khổ sở có bao giờ chinh phục được chí hướng của một dân tộc". Cũng vị Tổng tư lệnh, 60 năm sau lại viết những dòng đầy tình thương yêu cho các chiến sĩ đã từng nhận lệnh xuất quân. Cuốn sách này có cả hai bức thư trên.
Lịch sử đoàn quân Tây Tiến đã được nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tổng kết trong bài "Nhớ về đoàn quân Tây Tiến".
Dấu ấn lịch sử của tình hữu nghị Việt-Lào được khẳng định khi sách trích hồi ký của ông Phu-mi Vông-vi-chít, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào: Cuối năm 1945 ông tách khỏi quân đội Pháp về với Chính phủ Lào độc lập, được cử làm tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn. Chính đơn vị Tây Tiến, những người lính tình nguyện đầu tiên của Việt Nam sang Lào lúc đó đã đánh thắng giặc Pháp, đón ông về Sầm Nưa. Sâu nặng nghĩa tình, 60 năm sau Đại sứ Lào Bun-thon Seng Khăm-my đã nói với các cựu chiến binh Tây Tiến: "Nhân dân Sầm Nưa ghi nhớ mãi chiến công của đoàn quân Tây Tiến. Trên thế giới chưa nơi nào có được tình hữu nghị mẫu mực, thủy chung đặc biệt như hai dân tộc, hai quân đội Lào-Việt".
Những chàng trai cô gái Hà Nội sau khi đã chặn đánh quân thù ở Thủ đô lại lên đường Tây Tiến giải phóng và giữ gìn biên cương của Tổ quốc với những chiến công lẫy lừng và cả những gian lao khổ cực để nổi danh với bài thơ Tây Tiến. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, khi dự kỷ niệm 60 năm Tây Tiến nói rất tự hào về những thanh niên con em Hà Nội đi Tây Tiến: "Danh tiếng của đoàn quân Tây Tiến là tài sản, là danh tiếng của Hà Nội và của Quân đội nhân dân Việt Nam".
Các thanh niên, học sinh đi Tây Tiến đã viết trong sách về những cuộc chiến đấu nơi biên cương, sát cánh cùng bà con các dân tộc Mường, Thái, Mông, Lào... Chính qua các bài viết của các vị chỉ huy và những anh lính "đoàn binh không mọc tóc" đã nổi lên tên tuổi của các vị tướng lĩnh Hoàng Sâm, Lê Hiến Mai, Nguyễn Hòa... nhạc sĩ Doãn Quang Khải, họa sĩ Văn Đa, họa sĩ Quang Thọ, nhà thơ Quang Dũng, quan lang Đinh Công Niết, nhà quân báo Tạ Đình Đề, bác sĩ Phạm Ngọc Khuê và tên tuổi của nhiều người lính Tây Tiến sau này đã trở nên những vị tư lệnh, những văn nghệ sĩ và những nhà khoa học tài giỏi.
Trước đây các cựu chiến binh Tây Tiến đã cho xuất bản 3 cuốn sách, lần này, cuốn thứ tư: "Tây Tiến một thời và mãi mãi" hướng chủ yếu về phục vụ những người giảng dạy, nghiên cứu và học tập bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Hầu như năm nào cũng có các đề thi, các bài khảo cứu, bình thơ Tây Tiến. Sách này có in lại bài viết của nhiều giáo sư văn học như Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, Phong Lê... nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu như Trần Lê Văn, Đỗ Lai Thúy, Vân Long, Nguyễn Thị Như Trang... Lại có cả các bài làm văn về thơ Tây Tiến của nhiều học sinh và những hồi ức của nhiều chiến hữu thân thiết với nhà thơ Quang Dũng. Các cựu chiến binh Tây Tiến đã tổ chức kỷ niệm 60 năm bài thơ Tây Tiến. Nhà thơ Vân Long có bài viết đầy cảm xúc về sự kiện văn học hiếm thấy này. Cứ mỗi năm lại thêm nhiều người tìm ra những ý hay của bài thơ và muốn tìm hiểu sâu hơn nữa về con người và cảnh vật thời Tây Tiến.
Ngoài bài thơ nổi tiếng "Tây Tiến" của Quang Dũng, các chiến sĩ Tây Tiến còn có nhiều bài khác với những câu đặc trưng của một thời như: "Muỗi hoan hô bộ đội, vắt múa xòe, rận biểu tình" hoặc "tay cành cạch gãi ghẻ, áo quần dúm dó, chấy rận như ròi, bụng ỏng đít còm, gãi vãi máu vẫn còn thấy ngứa, cào toạc da mà chẳng muốn thôi". Tuy vậy 60 năm sau, bà y tá Tây Tiến Thanh Huyền vẫn viết "Chút kỷ niệm xưa đi Tây Tiến, Một thời chinh chiến lắm gian truân. Sống trong ký ức luôn tươi đẹp-Khai bút năm nào cũng thấy Xuân". Chất Tây Tiến là cực kỳ gian khổ nhưng luôn yêu đời.
Dọc những nẻo đường Tây Tiến, nhân dân luôn luôn thương nhớ đoàn quân yêu thương của mình nên đã dựng những đài kỷ niệm Tây Tiến ở Lạc Sơn, Mai Châu, Mộc Châu, Mường Lát mà hình ảnh được in trong sách.
Trang bìa cuối là tranh "Bịn rịn" của họa sĩ Tây Tiến, đại tá Văn Đa. Phải chăng các chiến sĩ Tây Tiến "hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi" vì mải mê gắn bó với chiến trường biên giới Việt-Lào và cũng còn vì bịn rịn với người sơn cước, bịn rịn đến suốt đời.
Các cựu chiến binh Tây Tiến dành 1.000 cuốn "Tây Tiến một thời và mãi mãi" cùng một số đĩa VCD Tây Tiến để tặng các trường có nhu cầu dạy, học và nghiên cứu bài thơ Tây Tiến.
TRẦN KỲ