“…Một buổi sáng đầu tháng 10 năm 1953, tôi từ cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đi dự cuộc họp bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954 do Bộ Chính trị triệu tập. Mùa Thu năm nay đến với những lo âu và hy vọng. Không khí có phần căng thẳng. Không năm nào vào thời gian này, những đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường lại chưa lên đường. Ta vẫn chưa xác định trận đánh lớn trong mùa khô sẽ nổ ra ở đâu...

Bác Hồ trao Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ cho các chiến sĩ xuất sắc tham gia chiến dịch. (Sách ảnh: Điện Biên Phủ hình ảnh và sự kiện)

Nửa buổi sáng tới Tỉn Keo, một bản của thôn Lục Giã, nằm ở chân núi. Từ đây có đường sang Tân Trào qua Đèo Gie. Lên một đoạn dốc không xa, đã nhìn thấy ngôi nhà tre nhỏ lấp ló bên sườn núi, giữa rừng vầu. Bác ở Khuổi Tát, một bản người Dao, tận trên đỉnh núi. Ngôi nhà này là nơi Bác thường đến họp với Bộ Chính trị…

Những cánh cửa sổ bằng nứa đã được chống cao. Trong nhà là một bàn tre rộng và mấy chiếc ghế ghép bằng ống bương… Chốc lát, Bác, anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng cùng tới. Anh Nguyễn Chí Thanh và anh Trần Đăng Ninh không đến họp vì mệt… Cuộc họp này có mời thêm anh Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng.

Tôi bắt đầu trình bày tình hình địch từ tháng 5 năm 1953 Hăng-ri Na-va đã sang thay Xa-lăng (Raoul Salan) làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp… Hiện nay, Na-va đã tập trung ở đồng bằng một lực lượng cơ động lớn chưa từng có từ khi khởi đầu chiến tranh, sẵn sàng chờ đón cuộc tiến công của ta…

Bác ngồi họp, thái độ bình thản… Đôi mắt Người chợt lộ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt lên bàn, bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói:

- Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn.

Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng…

Bác hỏi:

- Dự kiến đưa quân lên Tây Bắc thì địch sẽ phản ứng ra sao?

- Chúng có thể tăng cường lực lượng giữ Tây Bắc, hoặc đánh ra vùng tự do kéo quân ta về. Chúng cũng có thể rút khỏi Lai Châu, như vậy toàn bộ Tây Bắc sẽ được giải phóng.

- Các hướng khác có khả năng thu hút địch không?

- Ngoài Tây Bắc và Thượng Lào, còn Tây Nguyên và Trung Lào, Hạ Lào là những hướng xung yếu mà địch không thể bỏ…

Hội nghị Bộ Chính trị góp rất nhiều ý kiến quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” trước khi thông qua bản đề án tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Tổng quân ủy.

Bác nói khi kết thúc hội nghị:

- Tổng quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại đồng bằng Bắc Bộ. Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi. Phép dùng binh là phải “thiên biến vạn hóa”…

(Trích “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ” – NXB Quân đội nhân dân 2004, trang 249 đến 252)