 |
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn Thủ Đô trao kỷ niệm chương của Ban liên lạc cho các cựu chiến binh |
Cách đây 62 năm, ngày 17-2-1947, cuộc rút quân “thần kỳ” của những chiến sĩ cảm tử Trung đoàn Thủ Đô trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã đi vào lịch sử. Đúng ngày 17-2-2009, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội ngộ cảm động của những chiến sĩ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Trung đoàn. Thời gian đã lùi xa, các cựu chiến binh mái đầu đã bạc trắng, nhưng ký ức về một thời hào hùng như vẫn còn nguyên vẹn.
Nước mắt, niềm vui 62 năm gặp lại
Sáng 17-2, mặt hồ Trúc Bạch lăn tăn những con sóng dài vờn trong gió. Ngôi nhà số 1, phố Trấn Vũ (Hà Nội) là nơi hội ngộ của những chiến sĩ quyết tử năm xưa. Hàng trăm cựu chiến binh của Trung đoàn Thủ Đô về đây, tay bắt mặt mừng, cười nói, ôm chầm lấy nhau… cùng những giọt nước mắt mừng vui.
Ông Đỗ Đình Nga, nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Trung đội 2, Tiểu đoàn 101(Trung đoàn Thủ đô) nhớ lại: Sau khi bị mất khu vực Đồng Xuân vào tay giặc Pháp, bộ đội ta và quân Pháp đồng ý tạm ngừng bắn ngày 18-2-1949 để Hoa kiều phố Hàng Buồm có điều kiện đi tản cư. Để tạo thế bất ngờ, ta quyết định rút quân ra khỏi Hà Nội ngay trong đêm 17-2, phải vượt sông Hồng để tránh hai bốt Yên Phụ và Nội Châu. Ban đầu, tiểu đội của tôi xuất phát ở Hàng Mã, sau đó tập trung ở đình Phất Lộc, theo đường Cột Đồng Hồ đi dưới gầm cầu Long Biên. Trên cầu lúc nào cũng có lính Pháp gác và chó béc-giê, đèn pha sục sạo dọc bờ sông. Khi toàn Trung đoàn đã vượt sông an toàn quân Pháp mới phát hiện bộ đội ta rút khỏi Hà Nội. Chúng điều tàu chiến truy kích và gặp chiếc đò cuối cùng của ta vừa cập bến. Hai bên nổ súng một hồi thì tàu chiến của Pháp rút lui. Trên đường rút về Thượng Hội, tôi cùng một đồng chí khác thay nhau cõng Nguyễn Ngọc Sơn, lúc đó mới 11 tuổi, là Vệ Út liên lạc của Trung đội 2, Tiểu đoàn 101…
Thấm thoát đã 62 năm, “chàng Nga” Tiểu đội trưởng ngày ấy và “cậu Sơn Vệ Út” giờ đã lên chức ông. Ông Nga nay đã hơn 80 tuổi, còn ông Sơn Vệ Út đã ở tuổi 73. Gặp lại nhau sau 62 năm xa cách, hai ông bồi hồi xúc động ôm chầm lấy nhau, mừng mừng, tủi tủi, cùng hàn huyên về những điều đã trải qua, về đồng đội, gia đình, cuộc sống… Vậy là đã 62 năm kể từ ngày chiến sĩ Nga cõng Vệ Út Sơn, nay họ mới biết tin và được gặp lại. Đất nước trải qua bao năm chiến tranh, bao thăng trầm, nhưng tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vẫn là bản hùng ca vang mãi với những chiến sĩ năm xưa và các thế hệ tiếp sau.
*
* *
Mọi người đã vào hội trường, nhưng ông Nguyễn Văn Phúc vẫn đứng lặng nhìn ra cửa sổ, hướng về phía Hồ Tây, phía xa là bãi sông Hồng (thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ). Cuộc rút quân 62 năm trước của Trung đoàn, trong ký ức của ông, thực sự là một cuộc rút quân kỳ lạ, bởi trước hết, nó bảo đảm bí mật tuyệt đối. Tất cả các mệnh lệnh truyền đi đều là tuyệt mật, sự chấp hành mệnh lệnh của các chiến sĩ cảm tử cũng tuyệt đối. Năm ấy, ông Phúc mới 14 tuổi. Từ năm 12 tuổi chàng thiếu niên Nguyễn Văn Phúc đã làm liên lạc viên tại Bắc Bộ phủ, nơi Bác Hồ làm việc. Lúc ấy, các phương tiện liên lạc còn lạc hậu và thiếu thốn lắm, nên công việc của liên lạc viên rất vất vả. Rất nhiều tin tức, mệnh lệnh từ dưới báo cáo lên, từ cấp trên truyền xuống đều thông qua chạy bộ của liên lạc viên. Thế nên, sự khôn khéo, thông minh, dũng cảm là những tố chất đặc biệt cần thiết của người liên lạc. Những trận chiến đấu giữ từng gốc cây, tấc đất để bảo vệ Bắc Bộ phủ diễn ra hết sức quyết liệt. Rồi mệnh lệnh rút quân của Trung đoàn Thủ Đô được truyền xuống, sau những ngày trung đoàn chiến đấu đặc biệt ngoan cường, dũng cảm, kìm chân địch. Đêm 17-2-1947, Nguyễn Văn Phúc cùng hàng nghìn chiến sĩ lặng lẽ trong đội hình, rút sang bờ bắc sông Hồng.
 |
Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô năm xưa vẫn cất cao tiếng hát |
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn Thủ Đô nay đã ở tuổi 88, nhưng vẫn nhớ như in từng chi tiết của cuộc rút quân “thần kỳ” ấy. Trò chuyện với chúng tôi, ông thực sự tự hào: “Nhiều điều thần kỳ đã xuất hiện trong cuộc rút quân ấy: Hơn 1.000 người qua sông, nhưng quân không thiếu một người, vũ khí không thiếu một khẩu”.
Người cựu chiến binh xúc động: Thời điểm đó, Trung đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ kìm chân địch, điều kiện để rút ra hậu phương đã chín muồi. Về nhiệm vụ, thì như lời tuyên dương của Bác Hồ với Trung đoàn: “Các chú giam chân địch được một tháng đã là thắng lợi, đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi...”. Sau 60 ngày đêm chiến đấu, trải qua nhiều đợt tấn công ác liệt của kẻ thù, trận địa Liên khu 1 (nơi Trung đoàn đứng chân chiến đấu) đã bị thu hẹp, các yếu tố để kéo dài bám trụ trong vòng vây ngày càng khép chặt của kẻ thù không còn, đặt ra cho Trung đoàn Thủ Đô một phương án phải lựa chọn: Vượt vòng vây ra ngoài để tiếp tục xây dựng và chiến đấu. Lúc này, tại Liên khu 1, lương thực đã cạn, đạn dược không còn nhiều; xung quanh Liên khu 1 quân địch đóng dày đặc. Các trục đường ra ngoài mà bộ đội và nhân dân thường dùng để liên lạc, tiếp tế vào Liên khu 1 bị địch án ngữ, canh phòng cẩn mật. Trên cầu Long Biên, địch canh gác, tuần tiễu dày đặc suốt đêm, các chùm đèn cảnh giới sục sạo, liên tục quét dọc bờ sông…
Sức mạnh lòng dân
Dù hầu hết các cựu chiến binh dự gặp mặt sáng 17-2 đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng các ý kiến tâm huyết của những “cảm tử quân” năm xưa đều nhấn mạnh và khẳng định: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cuộc chiến tranh nào, đặc biệt là cuộc chiến tranh chính nghĩa của chúng ta, thì nhất thiết phải lấy dân làm gốc, phải dựa vào dân để tạo nên sức mạnh. Điều ấy được các cựu chiến binh chứng minh bằng những tư liệu sống.
Ông Tống Bá Hiển, chiến sĩ cảm tử đánh bom 3 càng năm xưa kể lại: Ngày đó, từ cụ già, phụ nữ, đến trẻ em đều cầm vũ khí, góp sức đánh giặc. Với ông Hiển, tư tưởng “toàn dân đánh giặc” thực sự là “đỉnh cao” của tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ông bồi hồi nhớ lại thời khắc được giao nhiệm vụ đánh bom 3 càng. Nhiều người đã được nghe kể về hành động cảm tử của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô, nhưng tại hội trường, trong cuộc gặp hôm đó, nhiều cựu chiến binh đã bật khóc khi nhớ về những đồng đội đã ngã xuống. Tất cả các chiến sĩ đánh bom 3 càng đều hy sinh ngay sau khi lao vào xe tăng địch, nên việc nhận nhiệm vụ đánh bom 3 càng là nhận cái chết về mình. “Với chúng tôi, được hy sinh vì Tổ quốc thì đó là sự hy sinh cao cả, nên không ai từ chối nhiệm vụ” - ông Hiển bồi hồi nhớ lại. Được giao nhiệm vụ chặn đánh địch ở hướng Tràng Tiền, nhưng khi đi càn quét, địch lại không qua hướng này, nên ông đã không có cơ hội đánh bom ba càng. Ông nở nụ cười rất hóm hỉnh, nói vui: Cần phải đính chính cách gọi “ôm bom 3 càng” mà các cháu thường nghe. “Ôm bom 3 càng” là không chính xác, bởi đã “ôm bom” thì làm sao đánh được; “vác bom 3 càng” cũng không đúng, mà phải gọi là “lao bom 3 càng” mới thể hiện đầy đủ nhất ý nghĩa của hành động cảm tử này.
 |
Ông Đỗ Đình Nga và ông Sơn Vệ Út gặp lại nhau sau 62 năm |
Cuộc rút quân “thần kỳ” đêm 17-2-1947 là cuộc rút quân dựa vào dân để làm nên thắng lợi. Hàng chục ý kiến của các cựu chiến binh tại cuộc gặp mặt đều khẳng định điều này như một chân lý. Ngay sau khi nhận được tin Trung đoàn sẽ rút quân qua sông Hồng (đoạn bờ Tứ Liên, Hà Nội), Ban chỉ huy Trung đội tự vệ của xã Tứ Liên nhận lệnh cấp trên đi vận động nhân dân trong làng tập kết được gần 100 chiếc thuyền để đưa Trung đoàn Thủ Đô qua sông. Đó là những chiếc thuyền gỗ, trên mỗi thuyền có 2 người chèo. Suốt đêm ngày 17-2 đến 8 giờ sáng hôm sau thì chuyến cuối cùng đã đưa trọn vẹn các chiến sĩ qua sông. Điều đặc biệt, dù là hơn 1.000 chiến sĩ hành quân qua nhiều đồn bốt địch mà chúng không hề biết, bởi cứ mỗi tốp chiến sĩ đi qua, người dân lại xóa hết dấu vết, ngụy trang kín đáo để che mắt địch.
Sau khi Trung đoàn qua sông an toàn, địch mới phát hiện ra. Chúng đưa quân tàn phá nhiều nơi của Tứ Liên và làng Tứ Tổng, tàn sát rất dã man dân làng, giết 27 người, đốt phá nhà cửa và bắt đi 10 người dân…
Các ý kiến nhấn mạnh tư tưởng chiến tranh nhân dân, lấy dân làm gốc của các cựu chiến binh Trung đoàn Thủ Đô được phát triển thành “điểm nhấn”, khi Trung tướng Phạm Hồng Cư nhắc lại những lời tâm huyết về chiến tranh nhân dân, toàn dân cầm vũ khí đánh giặc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi chỉ đạo Trung đoàn Thủ đô chiến đấu trong lòng địch, tiêu hao lực lượng, cầm chân chúng suốt 60 ngày đêm.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH TUẤN-VÕ QUỐC DINH