LTS: Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng ứng phong trào thi đua “Sáng mãi Điện Biên” được phát động trong toàn quân, từ số báo hôm nay, Báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục “Sáng mãi Điện Biên”. Nội dung chuyên mục giới thiệu những tập thể, cá nhân từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hoặc một thời gắn bó với vùng đất lịch sử ấy nay tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống Điện Biên Phủ trên mặt trận mới; phản ánh sự khởi sắc đi lên của các vùng đất, miền quê đã góp phần làm nên chiến thắng “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”... Chúng tôi trân trọng kính mời cộng tác viên và bạn đọc tham gia viết bài cho chuyên mục này.

Gặp người tham gia bắt sống tướng Đờ-cát

Gần đây, tôi hai lần được gặp Đại tá Hoàng Đăng Vinh, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu tôi tìm tới nhà riêng của ông ở TP Bắc Ninh. Từ đầu phố, hỏi về ông ai cũng biết và vui vẻ chỉ đường. Phòng khách nhỏ nhưng ấm cúng, chứa đầy những kỷ niệm của một đời lính là nơi ông trang trọng treo những bức ảnh về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mặt trận khói lửa năm xưa, TP Điện Biên hôm nay… Lần gần đây nhất, tôi gặp lại ông tại Đoàn B12, Binh đoàn Quyết Thắng trong lễ phát động đợt thi đua cao điểm trong toàn quân “Sáng mãi Điện Biên”. Ông nguyên là chiến sĩ của Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, là nhân chứng lịch sử khi cùng đồng đội xông vào hầm của Bộ chỉ huy quân Pháp tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Đờ-cát và toàn bộ Bộ chỉ huy, đánh dấu thời khắc lịch sử kết thúc chiến dịch toàn thắng. Gặp ông, nghe ông trò chuyện, tôi cảm nhận chất “lính” và chất “lửa” của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn vẹn nguyên.

Vào bộ đội

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay đồng chí Hoàng Đăng Vinh tại buổi gặp mặt các anh hùng, chiến sĩ tiêu biểu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh chụp lại)

Cẩn thận nâng bức ảnh Bác Hồ gắn huy hiệu của Người cho các chiến sĩ có thành tích xuất sắc tại mặt trận và bức ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh tươi cười nói chuyện với các anh hùng, dũng sĩ Điện Biên, khóe mắt ông ngấn nước. Ký ức trỗi dậy, ông thổ lộ: “Mình xung phong đi bộ đội lúc 17 tuổi. Hồi ấy ở quê (Phù Cừ, Hưng Yên) nhà mình đói khổ lắm. Giặc Pháp đóng đồn thường quây bắt du kích, mình bị “bắt oan” một lần, bị đánh đau, tức lắm nên chỉ muốn trốn khỏi quê. Lúc ấy đâu đã biết “giác ngộ”. Một đêm đi cất vó được anh đội viên thanh niên hỏi có muốn đi bộ đội không? Mừng quá mình mới hỏi: “Làm thế nào đi bộ đội được hả anh?” Anh đội viên nói: “Đi bộ đội là gian khổ, là phải hy sinh…”. Nhưng mình bảo: “Hy sinh cũng chẳng sao”. Vào bộ đội, tham gia Chiến dịch Thượng Lào (1953) song phải tới Chiến dịch Điện Biên Phủ mình mới lần đầu được nổ súng đấy-trong trận phòng ngự, giữ trận địa giao thông hào vây lấn địch của Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.

“Có máu đồng đội, có đất Điện Biên”

Khi quân ta thực hiện đào chiến hào “vây lấn”, đơn vị của ông bị tổn thất khá lớn vì quân Pháp sử dụng xe tăng, đạn pháo quyết liệt phản công. Trung đội phó Định hy sinh, Trung đội trưởng Thụ bị thương ở mặt, không thể nói được đã viết mệnh lệnh ra giấy giao cho ông phổ biến đến anh em rằng “còn một người cũng phải chiến đấu”. 6 anh em còn lại đã đánh bật quân địch, giữ vững trận địa. Ở trận đánh đồi D, ta và địch giằng co nhau từng mét đất, bộ đội có lúc căng thẳng, mệt mỏi. Mấy chục ngày cơm vắt, muối lạc nhiều khi lẫn cả bùn đất, cả những bàn tay tứa máu bẻ cơm ăn nhưng mỗi khi anh nuôi cõng cơm lên trận địa, bộ đội ta lại được tiếp sức. Có chiến sĩ trong đơn vị ông đã thốt lên: “Cơm chúng ta ăn có máu của đồng đội, có đất của Điện Biên”. Câu nói như thôi thúc, như động viên đồng chí, đồng đội cố gắng vượt lên. Người bị thương cũng xung trận… Trong lúc cùng đồng đội vượt qua cây cầu sắt tiến vào trung tâm cứ điểm, Hoàng Đăng Vinh nhìn thấy một đồng chí bị thương cụt cả hai chân, hai tay. Anh dừng lại định băng bó cho đồng chí nhưng chính đồng chí thương binh nặng ấy lại tha thiết đề nghị: “Đằng nào tôi cũng hy sinh. Các đồng chí phải tiến lên, tiến nhanh lên”. Thương đồng đội nhưng các ông phải gạt nước mắt, xông lên diệt địch vì mục tiêu chung giải phóng Điện Biên. Đó là mệnh lệnh của Tổ quốc, nguyện vọng của đồng đội đã ngã xuống.

Lịch sử sáng mãi

Chiều 7-5-1954, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn 4 chiến sĩ (Hiếu, Nhỏ, Nam, Vinh) xông vào hầm của sở chỉ huy địch. Hai đồng chí Hiếu và Nam bịt chặt một cửa hầm, ba người còn lại xuất hiện ở cửa hầm bên này, đám sĩ quan Pháp (khoảng gần hai mươi người) hoảng sợ lắm. Khi anh Luật nói (bằng tiếng Pháp) yêu cầu chúng đầu hàng, trừ Đờ-cát vẫn ngồi, còn tất cả đứng dậy. Thực ra lúc đó, Đờ-cát ở thế cùng nhưng buộc phải “cứng”. Đại đội trưởng ra lệnh: “Đồng chí Vinh bắt nó phải đầu hàng”. Nghe lệnh, môi tôi mím chặt, mắt mở to, tay lăm lăm cò súng xông lên cùng câu mệnh lệnh: “Hô-lê-manh” (giơ tay lên), mũi súng thúc vào bụng viên tướng chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ buộc ông ta hốt hoảng đứng dậy, lùi mấy bước và giơ tay lên đầu. Tướng Đờ-cát xin hàng. Hoàng Đăng Vinh không thể ngờ mình lại là một trong số các đồng chí được chứng kiến thời khắc lịch sử ấy-thời khắc đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của quân đội viễn chinh thực dân-thời khắc đưa dân tộc bước sang trang sử mới bằng một Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”...

Tại lễ ra quân huấn luyện và phát động đợt thi đua “Sáng mãi Điện Biên” của Đoàn B12, nghe CCB Hoàng Đăng Vinh kể về những kỷ niệm ở Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sĩ Đơn vị M41-Đơn vị nổ súng mở màn chiến dịch, ai cũng chăm chú lắng nghe. Truyền cho lớp trẻ hôm nay bầu nhiệt huyết, tinh thần sục sôi Điện Biên Phủ năm nào đó là điều Đại tá Hoàng Đăng Vinh mong muốn.

Ngô Anh Thu