Vào những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống Pháp, trong bức thư, đề ngày 27-1-1947, gửi các chiến sĩ quyết tử Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”.
Từ đó “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã đi vào đời sống của người Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa như một lời thề quyết chiến.
Trong chiến tranh từ xưa đến nay, trên phạm vi thế giới, hành động quyết tử có được thực hiện hay không? Nếu chỉ bàn riêng về hành động này, không phải là không có. Chẳng hạn như việc làm của các tráng sĩ: Yêu Li, Chuyên Chư dưới thời Xuân Thu (771-476 trước Công nguyên), của tráng sĩ Kinh Kha dưới thời Chiến Quốc (475-221 trước Công nguyên). Hay như trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (1939-1945), những phi công quyết tử thuộc đội Thần Phong (Kamikade) của quân đội Nhật Bản đã lái những máy bay chở đầy bom lao thẳng vào những mục tiêu của quân Đồng Minh. Ngay như ngày nay, những phần tử cực đoan cũng đã dùng ô tô mang chất nổ tự sát để thực hiện hành động khủng bố. Nhưng những hành động đó đều có ý hướng, màu sắc của sự cuồng tín, mê muội, thiếu một lý tưởng chính nghĩa cao đẹp. Trái lại, hành động quyết tử trong sáng của người Hà Nội giống như nhiều tấm gương chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong các cuộc chiến tranh chính nghĩa của các dân tộc. Đó là mục đích hy sinh vì độc lập, hòa bình cho đất nước, vì tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Và đó cũng là sự quyết tâm, nhất quán, sự đồng lòng, đồng ý của toàn dân, từ trên xuống dưới, từ nam phụ đến lão ấu… Vì quyền lợi của cộng đồng, ai nấy đều sẵn sàng đóng góp phần nghĩa vụ của mình, kể cả phần quý báu nhất của con người là mạng sống.
Trở lại thời gian và không gian bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp tại Hà Nội. Nói khác đi, vào thời gian và không gian đó, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã bao hàm, đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô chúng ta, đồng thời cũng trở thành biểu tượng của cả nước đánh giặc khi bước vào cuộc chiến tranh giải phóng lần thứ nhất (1945-1954), dưới thời hiện đại.
Hành động quyết tử được hình thành từ nhu cầu đánh xe tăng của quân đội ta trên chiến trường Hà Nội lúc bấy giờ. Đó là một nhu cầu hết sức cấp thiết được đặt ra trong tác chiến nhưng vì thiếu vũ khí chống tăng, không có cách nào khác, ngoài giải pháp độc nhất, vạn bất đắc dĩ, là dùng xung lực cũng của người chiến sĩ lao vào xe tăng cùng sức công phá của quả bom ba càng. Biết rõ rằng hành động này cực kỳ nguy hiểm, một sự “đổi mạng quá đắt giá” vì phải lao cả người lẫn bom vào xe tăng thì sức công phá mới có hiệu quả nhưng rất nhiều chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô vẫn viết đơn tình nguyện, xin được làm nhiệm vụ vinh quang đó. Tiêu biểu cho hành động cực kỳ dũng cảm này, trước hết phải kể đến tấm gương hy sinh của Lê Gia Đỉnh trong trận chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ Phủ ngày 20-12-1946. Người “chiến sĩ quyết tử số một” ấy sinh năm 1920 tại Hưng Yên, là chính trị viên đại đội bảo vệ nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, từ đêm 19-12-1946, chiến sự đã diễn ra ác liệt. Sáng hôm sau, 20-12, nhờ xe tăng yểm trợ, bộ binh địch đã tràn vào. Trong suốt 20 giờ liền, đánh lui nhiều đợt xung phong của địch nhưng cuối cùng quân ta đã hết dần vũ khí, đạn dược, chỉ còn lại duy nhất một quả bom ba càng. Biết rằng không thể bảo vệ được trận địa, Lê Gia Đỉnh ra lệnh cho đơn vị rút lui để bảo toàn lực lượng còn riêng mình ở lại chờ địch với một quả bom như đã nói. Chỉ mấy phút sau, khi quân ta đã rút khỏi Bắc Bộ Phủ, cũng đúng khi quân địch đặt chân tới tiền sảnh thì bỗng dội lên một tiếng nổ vang trời. Đó chính là lúc Lê Gia Đỉnh ôm bom lao vào xe tăng địch.
Ba hôm sau, chiến trường Hà Nội lại xuất hiện tấm gương chiến sĩ quyết tử Trần Thành. Anh tên thật là Nguyễn Văn Thiềng, sinh năm 1927, tại 44 Hàng Vôi, Hà Nội và là trung đội trưởng trung đội bảo vệ cơ quan Bộ Tổng tham mưu. Sáng 23-12-1946, quân Pháp huy động một lực lượng lớn hòng đánh chiếm cơ quan quan trọng này. Nhưng trước sự đánh trả quyết liệt của quân ta, quân địch phải rút chạy. Không chịu thất bại, chiều hôm đó, địch bố trí lực lượng đông hơn, có xe tăng mở đường, đã đánh vỗ mặt vào trận địa quân ta. Trong giờ phút vô cùng hiểm nguy, Trần Thành đã ôm bom ba càng lao thẳng vào xe tăng địch. Nhưng không may là bom không nổ. Súng trên xe tăng xối xả bắn ra. Thành bị trúng đạn và đã anh dũng hy sinh.
Tìm hiểu những tấm gương Quyết tử vì lý tưởng cao đẹp của các chiến sĩ Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ trong tư tưởng của họ ngời sáng lên sự hy sinh tột cùng cho chủ nghĩa yêu nước khi Tổ quốc lâm nguy. Trên cơ sở những việc làm cụ thể, Người đã khái quát, đã biểu tượng hóa lên thành lời thề bất hủ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó cũng là một biểu hiện tuyệt vời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Người chiến sĩ quyết tử Hà Nội đã có những hành động lẫm liệt, kiên cường đó chính là đã kế thừa một cách sáng tạo truyền thống bất khuất, được bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước-một trong những điểm nổi bật của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, của bản sắc văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng.
Nắm chắc cái chết trong tay nhưng vì lòng tự tôn dân tộc, những người anh hùng tiền bối của chúng ta vẫn ngẩng cao đầu. Năm 1285, quân Mông-Nguyên kéo sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Trần Bình Trọng (1259-1285), tướng nhà Trần, bị giặc bắt. Để mua chuộc, quân giặc hỏi: “Có muốn làm vương đất Bắc không?”. Với một tinh thần quyết tử tuyệt đỉnh của ngọn lửa “Sát Thát” đang bùng cháy trên cả nước và mặc dù cái chết đang lơ lửng trên đầu, ông vẫn quát lớn: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Hay như năm 1638, tại triều đình phong kiến Trung Hoa, trước vế đối “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến nay rêu đã xanh), Thám hoa Giang Văn Minh (1573-1638), sứ thần Đại Việt, biết chắc chắn là sẽ bị giết nếu thể hiện rõ khí phách hiên ngang của một người dân yêu nước nhưng vì căm giận trước sự xúc phạm đến danh dự Tổ quốc, đã dõng dạc đáp lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ).
Những tấm gương hy sinh của các chiến sĩ quyết tử đã thôi thúc, động viên người Hà Nội vào cuộc chiến. Và từ đó đã xuất hiện biết bao hành động đáng kính của tinh thần “sống chết với Thủ đô”. Chẳng hạn như đại đội trưởng tự vệ thành Trịnh Sĩ Bình, nữ tự vệ trinh sát Hoàng Hà, tiểu đội trưởng tiểu đội du kích Hồng Hà Nguyễn Ngọc Nại và em Lai, một đội viên liên lạc mới 12 tuổi.
Sự tham chiến của lực lượng toàn dân, của tất cả những người Hà Nội, cộng với sức mạnh của vũ khí tinh thần là chủ nghĩa yêu nước, nghĩa là con người cộng với vũ khí, đã hình thành phương tiện, tạo tiền đề cho sức mạnh của các phương pháp tác chiến, nội dung thực chất của một nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo của Hà Nội nói riêng, của Việt Nam thời hiện đại nói chung. Đó là chiến thuật du kích trận địa chiến, “một sáng tạo đầu tiên về nghệ thuật chiến tranh toàn dân của ta tại thành phố”, như nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tác phẩm “Chiến đấu trong vòng vây”.
DƯƠNG XUÂN ĐỐNG