Đầu tháng 8-1950, theo hướng chuẩn bị mở chiến dịch lớn ở vùng biên giới phía Bắc và Đông Bắc, Bộ Tổng tham mưu ta chỉ thị cho bộ phận tiền phương kết hợp với Ban tham mưu Trung đoàn 174 tăng cường bám sát, điều tra nắm chắc tình hình địch dọc đường số 4, mà trọng tâm là các cứ điểm lớn ở Cao Bằng, Đông Khê và Thất Khê.
Lực lượng quân báo thuộc Phòng 2 (Bộ Tổng tham mưu) tham gia bộ phận tham mưu tiền phương lúc đó gồm: một đồng chí làm đồ bản và hai cán bộ tham mưu quân báo: đồng chí Quốc Trung và tôi (Phạm Y).
Căn cứ yêu cầu mới, đồng chí Phan Phác-Phó Tổng tham mưu trưởng, trưởng bộ phận Tham mưu tiền phương, giao cho đồng chí Quốc Trung làm Trưởng trạm quân báo Cao Bằng, kiêm chỉ huy chung bộ phận quân báo tiền phương. Tôi được cử phụ trách Trạm quân báo Đông Khê, Trạm quân báo Thất Khê được giao cho đồng chí Tuấn Hùng (Trưởng ban quân báo Trung đoàn 174) phụ trách. Mỗi trạm có từ hai đến ba tiểu đội trinh sát tách từ đại đội trinh sát của Trung đoàn 174, ngày đêm bám sát tình hình vận chuyển quân lính, vũ khí trên đường số 4 và thâm nhập nắm chắc tình hình bố phòng của địch (quân số, vũ khí, sơ đồ bố phòng-đồn trại…) tại các thị trấn, thị xã Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê. Trung đoàn 174 có một đại đội trinh sát hầu hết là người của ba tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn. Phần lớn các chiến sĩ đều là người các dân tộc Tày, Nùng… Đại đội trưởng trinh sát là đồng chí Sáu Nhật (người Nhật) vốn là sĩ quan Quân đội Nhật hoàng đã chạy sang hàng ngũ ta khi quân Nhật ở Đông Dương bị quân đồng minh giải giáp sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Đồng chí Sáu Nhật đã từng tham gia Ban lãnh đạo Hội Nhật-Việt hữu nghị (sau 1945, khi trở về nước). Đồng chí có tên Việt Nam là Nguyễn Văn Sáu và tên Nhật là Kô-si-mô I-oai.
 |
Đồng chí Hoàng Văn Thái và Cục phó Cục tình báo Cao Pha (người nghe điện thoại) trong chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh tư liệu |
Chúng tôi nhận nhiệm vụ và chia nhau nhanh chóng về các địa bàn. Tôi về vùng bắc Đông Khê tập hợp lực lượng trinh sát của trạm, phổ biến tình hình và nhiệm vụ mới, khẩn trương tổ chức nắm lại tình hình hoạt động của địch, tìm hiểu xác minh lại các đầu mối cơ sở của ta đã gây dựng được trong lòng địch tại thị trấn Đông Khê. Chúng tôi phát triển thêm được một vài cơ sở tại các gia đình người địa phương có chồng con đi lính pạc-ti-dăng (partisan-ngụy quân người bản địa) đóng trong vùng tiểu khu (quartier) Đông Khê. Lính pạc-ti-dăng thường giữ liên hệ với gia đình không chặt chẽ. Do đó chúng tôi không thể tiếp xúc, giác ngộ để họ trở thành nhân mối cho quân báo. Vào thời gian này, các gia đình bà con dân tộc thiểu số ở đây có tâm lý không muốn để chồng con họ đi theo quân Pháp về dưới xuôi, nếu một mai quân Pháp phải rút khỏi Cao Bằng-Đông Khê, như chúng từng rút khỏi Bắc Kạn cuối năm 1949. Vì thế họ muốn con em nhận công tác-cung cấp nội tình địch cho ta.
Đầu tháng 9-1950, Ban 2-thuộc Bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới do đồng chí Cao Pha phụ trách-tăng cường đồng chí Lê Sinh cho trạm quân báo Đông Khê. Lúc này, đồng chí Lê Sinh làm trưởng trạm và tôi làm phó. Trạm vẫn chọn bản Bố Trạch (một thung lũng thưa dân, đường mòn đi lại phải qua nhiều khe núi đá tai mèo cao và rậm rạp, cách thị trấn Đông Khê khoảng 4-5 cây số) làm nơi đóng quân. Quanh vùng này có nhiều núi đá vôi có những hang động rất sâu và rộng. Trong số đó, hang Ngườm Khảm-có thể chứa được từ 2 đến 3 đại đội, đã được chúng tôi dọn dẹp sạch sẽ làm chỗ ở cho mấy chục anh em quân báo, trinh sát.
Hằng ngày, thu thập tình hình qua cơ sở trong thị trấn và bằng các thám sát từ các đài quan sát đặt ở các mỏm núi đá cheo leo quanh Đông Khê, chúng tôi biết thêm: Lần này quân Pháp trở lại chiếm Đông Khê đã chủ trương để quân lê dương đóng xen kẽ với lính pạc-ti-dăng ở mọi đồn ngoại vi và trong thị trấn. Còn trên Đồn Cao (nằm trên một quả đồi khá cao có thể chế ngự toàn thị trấn) chúng chỉ bố trí cho hai đại đội lê dương đóng cùng Ban chỉ huy tiểu đoàn kiêm chỉ huy tiểu khu (quartier Đông Khê). Quân ngụy bị cấm tuyệt đối không được vãng lai.
Địch ngày đêm gấp rút sửa chữa và đào thêm nhiều hệ thống hầm hào. Đại bác, súng máy, súng cối được bố trí tăng cường. Xung quanh các vị trí địch, rất nhiều vòng đai hàng rào kẽm gai “bùng nhùng” được rải xen kẽ giữa hai hàng rào kẽm gai kiểu “mái nhà” đã có sẵn từ trước.
Ở các đồn ngoại vi, chúng tôi bố trí các đài quan sát để anh em trinh sát theo dõi các hoạt động của địch qua ống nhòm và đêm đêm bò vào sát bờ rào, chui vào giữa đồn để kiểm tra xác minh lại những điều mắt thấy hằng ngày. Kết hợp với lời mô tả của lính pạc-ti-dăng nhân mối, chúng tôi nhanh chóng nắm rõ tình hình địch và vẽ được chi tiết sơ đồ bố phòng mới.
Riêng ở Đồn Cao địch rất thận trọng. Ngoài việc cấm lính pạc-ti-dăng lên đồn, địch toàn sử dụng lính lê-dương (mà thường là cựu tù binh Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ II) làm mọi công việc bố phòng. Các phên liếp là ngụy trang được dùng để che khuất các công sự đang làm. Ban đêm chúng mới bố trí súng lớn vào các vị trí một cách kín đáo. Từ trên các đài quan sát, qua ống nhòm chúng tôi chỉ có thể phán đoán đâu là ụ súng lớn, nhỏ căn cứ vào những tấm liếp ngụy trang rộng hay hẹp và số quân ra vào làm việc đông hay ít mà thôi. Do đó, chúng cũng đã thực sự gây khó khăn rất nhiều cho công tác trinh sát của ta. Về sau, cho tới giờ nổ súng vào Đồn Cao, quân ta tấn công rất khó khăn và có nhiều tổn thất hơn các vị trí khác.
Tuy nhiên, những tài liệu quân báo Đông Khê chúng tôi mới nắm được kịp thời báo cáo lên trên, kết hợp với các tài liệu đã được chỉnh lý sau trận Đông Khê lần thứ nhất tháng 5-1950, cũng đã giúp cho Bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới chọn lại Đông Khê để rạng sáng ngày 16-9-1950 mở màn cho một chiến dịch lớn nhất từ trước đến lúc đó, phá toang phòng tuyến đường số 4 của quân Pháp, giải phóng một giải dài biên giới từ Cao Bằng đến tận Tiên Yên, góp phần thông thương chiến khu ta với nước CHND Trung Hoa.
Ngày 14-9-1950, trạm quân báo Đông Khê được lệnh đón bộ đội chủ lực của ta-gồm Trung đoàn Sông Lô (E 209) và một số đơn vị phối thuộc-tiến vào chiếm lĩnh trận địa, bao vây và tấn công Đông Khê. Chúng tôi đề nghị ban chỉ huy Trung đoàn Sông Lô đặt chỉ huy sở tại hang Ngườm Khảm. Còn các đơn vị đã phân công, theo các trinh sát viên của trạm quân báo hướng dẫn, ra chiếm lĩnh vị trí xuất kích quanh Đông Khê. Giờ nổ súng được giữ tuyệt đối bí mật. Quân địch hết sức hoảng hốt và hoang mang khi những loạt đại bác, súng cối của ta nổ dồn dập vào đầu chúng.
Sau hơn hai ngày chiến đấu ác liệt, quân ta hoàn toàn làm chủ tiểu khu Đông Khê gồm Đồn Cao và các đồn ngoại vi, tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch đóng tại đây. Số tù binh khoẻ mạnh được đưa ngay về phía sau. Đồng chí Lê Sinh, trưởng trạm, dẫn một toán tù binh sĩ quan, trong đó có viên quan tư tiểu đoàn trưởng A-li-úc về bộ chỉ huy chiến dịch.
Tôi ở lại Đông Khê, khẩn trương đi kiểm tra, xác minh lại các tài liệu mà quân báo ta đã nắm được và cho vẽ lại sơ đồ bổ sung các chỗ trước đây điều tra chưa chính xác, nhằm phục vụ cho công tác tổng kết sau này. Tôi cũng tiếp nhận khoảng 20 tù binh lê dương bị thương cần phải sơ cứu ngay vì không đi xa được và bố trí số tù binh này vào ở trong một cái hang cạnh Ngườm Khảm, Bố Trạch. Trong toán này có viên quan Vôn-le-rơ tiểu đoàn phó Tiểu đoàn lê-dương kiêm chỉ huy phó Tiểu khu Đông Khê, bị thương khá nặng. Do bị gãy một tay, máu mất nhiều nên hắn bị lả đi (tiểu đoàn trưởng là viên quan tư A-li-úc đã nói ở trên).
 |
Tác giả (Phạm Y) ở Đông Khê năm 1950. |
Với kinh nghiệm từ các trận đánh trước, nhất là ở Đông Khê tháng 5-1950, tôi cho phân loại tù binh và tách biệt từng nhóm ra. Các sĩ quan tham mưu địch bị thương được xếp nằm riêng mỗi người một góc, khó nhìn thấy nhau. Bọn sĩ quan chỉ huy đơn vị cho ngồi cách xa binh lính. Riêng quan ba Vôn-le-rơ được bố trí nằm ở một chỗ khuất, cao ráo, sạch sẽ và được quan tâm chăm sóc y tế chu đáo hơn. Theo tác giả Hữu Ngọc viết trên báo Le Courrier du Việt Nam số 1857 ra ngày 27-2-2000, thì viên quan ba Vôn-le-rơ sau này có nhiều nhận thức tiến bộ về cuộc kháng chiến của ta. Vôn-le-rơ đã viết:
“Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc của Cụ đã xem chúng tôi chỉ là những công cụ mù quáng, những quân nhân bị lừa phỉnh bởi sự tuyên truyền dối trá. Sự giam giữ này không là một lời trừng phạt, mà là cơ hội cho những tù binh biến cải trở thành những chiến sĩ hòa bình…”.
Lính lê-dương, đa số không phải quốc tịch hoặc gốc Pháp, bị sĩ quan người Pháp hành hạ nhiều, nên rất căm ghét chỉ huy của chúng. Khi bị bắt, họ thường cung cấp tin tức thật hơn, mặc dù đó ít khi là những tin thật quan trọng, song qua họ chúng tôi có thể kiểm chứng các lời khai của bọn sĩ quan Pháp. Chính những tù binh lê-dương đã báo cho chúng tôi biết sớm về tên quan ba Vôn-le-rơ trong đám tù binh vừa bị bắt. Các sĩ quan vì được đào tạo kỹ nên có kỷ luật hơn. Chúng ít khai đúng sự thật nếu bị giam tập trung hoặc ở gần với nhau, và nhất là khi về đến trại tập trung phía sau chiến trường, hoàn hồn và yên trí được sống thì ta rất khó khai thác địch tình. Những tên chỉ huy cấp cao nhất lại càng khó tra xét, nếu chúng ta không có biện pháp cách ly sớm. Nắm được thực tế này, chúng tôi chủ trương phải hỏi cung tù binh địch ngay tại mặt trận, khi chúng còn hoang mang rối loạn tinh thần do vừa mới bị tóm cổ trước lưỡi lê, mũi súng và khí thế mạnh mẽ của quân ta.
Chúng tôi ở Đông Khê được học tập chính sách khoan hồng (đối với hàng binh, tù binh địch) của Đảng, Chính phủ và Quân đội ta qua lời dạy của Bác Hồ và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc xuất quân, nên đã cùng các y sĩ, y tá của Trung đoàn Sông Lô khẩn trương băng bó vết thương cho tù binh, cho họ ăn uống nóng và đầy đủ theo khả năng trạm còn dự trữ. Những việc này làm cho tù binh dần dần yên tâm và hiểu ra được lòng nhân đạo của quân-dân Việt Nam.
Phạm Y