Ông Đinh Văn Nga giới thiệu tờ Báo Quân đội nhân dân mà ông lưu giữ từ rất lâu.

Tôi tình cờ gặp ông đang cẩn thận vuốt phẳng những nếp nhăn trên tập Báo Quân đội nhân dân. Ông bảo vừa mang báo lên Làng thanh niên lập nghiệp về nên bây giờ mới ra nhận báo được. Tôi hỏi có phải ông làm việc ở bưu điện không. Ông lắc đầu và bảo chiều nay tiếp tục đi lên xã A Sờ Mà Coi, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Tôi cố nì nèo xin ông một cuộc hẹn.

Căn nhà nhỏ số 54, đường Nguyễn Chánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng khiêm tốn ẩn mình dưới những rặng cây. Chủ của nó, ông Đinh Văn Nga từ khi về hưu đã biến nơi đây thành phòng đọc báo miễn phí cho tất cả mọi người. Hôm tôi đến thì ông không có nhà, nhưng mọi người vẫn đọc báo bình thường. Biết tôi tìm ông Nga, anh Đặng Giang Thanh (con rể ông) cho biết: “Ba em vừa ra bưu điện nhận báo để sáng mai mang lên huyện Đông Giang. Ông định đi chiều nay nhưng nghe bảo có hẹn với anh nên hoãn lại. Anh chờ một lúc ba em về ngay đấy”.

Quan sát xung quanh thấy bảy, tám người đang chăm chú đọc Báo Thanh niên, Báo Công an thành phố Đà Nẵng... và nhiều nhất là Báo Quân đội nhân dân, tôi đánh bạo hỏi người ngồi bên cạnh về hoạt động đọc báo ở đây. Anh vui vẻ cho biết, anh tên là Phạm Sử, nhà ở số 55 (đường Nguyễn Chánh). Vừa nói, anh Sử vừa chỉ tay sang bên kia đường. Hằng ngày, lúc vắng khách (nhà bán quán ăn) anh thường sang bên nhà chú Nga để đọc báo. Anh bảo, “chú Nga rất nhiệt tình. Chú vận động mọi người tích cực đọc báo. Chú đặt mua thường xuyên Báo Công an thành phố Đà Nẵng, Báo Thanh niên, Báo Quân đội nhân dân”. Theo lời anh Sử thì đọc báo bên chú Nga có cái hay là chỗ nào không hiểu, nhất là Báo Quân đội nhân dân, chú giải thích tận tình. Anh tâm sự: “Nhờ tấm lòng chú Nga mà những người ít có thời gian học hành như anh mới có điều kiện đọc báo, hiểu báo để nắm được những thông tin bổ ích, nhiều bài học hay trong cuộc sống”.

Ông Trịnh Xuân Chi, nhà ở số 125, đường Nguyễn Chánh, đang cầm tờ Thanh niên, góp chuyện:

- Từ khi bác Nga về hưu, khu phố như có sự đổi thay trong sinh hoạt. Ông mua báo và vận động mọi người đến đọc cho vui. Ai cũng nghĩ nhà có hơn 20 mét mặt đường chắc ông Nga phải mở cửa hàng bán buôn cái gì đó để tăng thu nhập. Nghe gọi đọc báo, mọi người cứ tưởng ông đùa. Lúc đầu, chỉ mấy cựu chiến binh đến chuyện trò là chính. Nhưng một thời gian sau thì trẻ già, trai gái đều tham gia. Thậm chí khách đi đường cũng dừng lại nhờ ông tìm giúp số báo này, bài báo kia. Bây giờ thì anh thấy đấy. Báo lúc nào ông Nga cũng sắp sẵn trên bàn. Trà pha tùy thích. Hôm nào ông ở nhà thì tự tay ông làm việc đó. Còn không thì các con ông làm thay. Chúng tôi chỉ việc đến đọc báo, cóp nhặt thông tin, thu lượm các bài học bổ ích về chữa bệnh, làm kinh tế v.v.. và bàn luận các sự kiện xảy ra. Có người hỏi vì sao ông không thu tiền để góp thêm vào mua báo, mua trà. Ông Nga cười xoà: “Có đáng là bao. Các anh đến đọc báo là vui rồi. Tôi chỉ sợ mọi người không đến”.

Một góc “thư viện” nhà ông Đinh Văn Nga.

Có tiếng xe máy ngoài ngõ. Tôi nhìn ra, thấy ông Nga hai tay khệ nệ bê chồng báo đi vào. Ông bảo: “Các cô bưu điện cho thêm báo cũ để mang lên cho mấy đứa”. Tôi theo chân ông vào căn phòng nhỏ. Nơi này được anh Thanh cho biết là “Dinh cơ bất khả xâm phạm của ba”. Tôi đem thắc mắc hỏi ông Nga. Ông phì cười:

- Trong đó có nhiều thứ quý lắm. Cả gia tài của chú đấy. Cháu vào xem đi.

Ông vừa nói vừa tra chìa khoá lách cách. Tôi mạnh dạn “thâm nhập” vào cái nơi mà các con ông Nga ít khi đặt chân đến. Trong căn phòng rộng chừng 2 mét vuông được kê 2 cái tủ, một chiếc giường đơn và một bộ bàn con. Trên nóc tủ cơ man nào là báo cũ. Cuối chân giường, trên mặt bàn... đều có báo. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được bài trí trang trọng trên mặt tủ. Phía đầu giường, ông treo tấm áo mưa từ thời chiến tranh. Ông kể tấm áo ấy đã nhuốm máu đồng đội khi ông tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. Ông nói: “Mỗi thứ trong phòng này đều gắn với kỷ niệm đời ông”. Tôi nhẹ nhàng cầm lên cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Nga bảo: “Cứ mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, chú thường đọc mấy trang nhật ký của Đại tướng”. Biết tôi tò mò muốn biết trong tủ có gì, ông liền mở ổ khoá. Cánh cửa tủ được kéo ra. Đập vào mắt tôi là bộ sách “Lê-nin toàn tập”, “Hồ Chí Minh toàn tập” và... vô số báo cũ. Ông chỉ tay vào ngăn tủ thứ nhất và cho biết đây là toàn bộ các số Báo Quân đội nhân dân được phát hành từ năm 1997 đến năm 2002. Theo lời ông, nếu tôi muốn tìm bất cứ số Báo Quân đội nhân dân nào được phát hành từ năm 1997 đến nay thì chỉ việc tìm đến căn phòng nhỏ này. Ông Nga cho biết, nguyên nhân con cháu gọi đây là “căn cứ của ông” vì ông sợ chúng vào sẽ mang báo đi dễ mất mát. Ông rất quý báo, nhất là Báo Quân đội nhân dân. Hằng ngày, khi mọi người đọc báo xong, ông thu gom lại và đưa vào phòng sắp theo thứ tự. Tôi hỏi ông vì sao ông thích đọc Báo Quân đội nhân dân. Ông Nga tâm sự:

- Chú vốn là lính lái xe Trường Sơn. Ngay từ năm 1963, khi mới vào quân ngũ, chú đã yêu tờ báo chiến sĩ. Vì báo viết đúng sự thật, có tính định hướng cao. Những người không biết ngoại ngữ vẫn đọc và hiểu được các từ nước ngoài. Cháu có biết những khi tham gia chiến đấu ác liệt, chú thà vứt đi bộ quần áo chứ không bao giờ bỏ đi một tờ báo. Vậy nên trong tủ của chú hiện giờ vẫn còn những tờ báo phát hành năm 1967 đấy.

- Nhà chú ở mặt đường phố rộng rãi thế này sao chú không buôn bán hoặc cho thuê? Tôi hỏi.

Ông Nga trầm ngâm:

- Ai mà chẳng muốn giàu sang. Nhưng quan niệm về cái giàu thì mỗi người mỗi khác. Đối với chú, điều cần hơn là mọi người có chỗ đọc báo, bàn chuyện làm ăn, nuôi dạy con cháu. Âu cũng là sự giàu đấy cháu ạ. Hơn nữa, căn nhà này chú làm từ năm 1979 đến nay vẫn còn ở tốt.

- Thế các con chú có ủng hộ việc chú biến căn nhà mình thành nơi “đọc báo miễn phí ” cho mọi người không?

- Chúng nó bảo ba làm gì cũng được. Miễn là ba vui và khỏe mạnh.

Thấy hai thùng các-tông được đóng gói cẩn thận, tôi hỏi ông Nga chắc của quý mà ông không cho các con đựng ở trong này. Ông cười bảo:

- Sách, báo cả đấy. Chú đóng sẵn để sáng mai mang lên Làng thanh niên lập nghiệp ở xã A Sờ Mà Coi, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho mấy đứa trên đó đọc.

Tôi được biết năm 2005, tỉnh Đoàn Quảng Nam phát động phong trào Thanh niên lập nghiệp. Ông Nga đã động viên các con lên đường. Những ngày đầu, ông luôn sát cánh cùng thanh niên “làng”. Ông mang kiến thức trồng rừng, cách làm ăn... ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (quê ông) dạy bảo cho mấy đứa. Biết vùng sâu, vùng xa “đói thông tin”, cứ hai tuần một lần ông Nga lại gom báo mang lên. Ông kể: “Chú thấy chúng nó tranh nhau đọc những tờ báo cũ nát nên tranh thủ về nhà lấy sách, báo cho mấy đứa xem. Chúng nó học được cách làm ăn qua sách báo thì mình đỡ phải hướng dẫn”. Quãng đường từ thành phố Đà Nẵng lên Làng thanh niên lập nghiệp khoảng hơn 100km. Trên chiếc xe Dream Trung Quốc, ông Nga chở hàng thùng sách báo đi về không kể mưa nắng. Nhiều hôm trên đường lên “làng” gặp núi lở, ông không quay về mà chờ giao thông khắc phục xong sự cố để đi tiếp. Ông suy nghĩ đơn giản “nếu mình không lên thì chúng chưa có báo đọc”.

Hôm ông Nga về Đà Nẵng, biết ba có hiện tượng cảm cúm (mọi người ở “làng” đều gọi ông bằng ba), “làng” cử anh Đặng Giang Thanh và anh Đinh Viễn Dương tháp tùng ông. Trao đổi với tôi về hoạt động đọc báo ở Làng thanh niên lập nghiệp, anh Đinh Viễn Dương cho biết:

- Ba mang báo lên là cả làng đến đọc. Vui lắm! Tối nào cũng thế, cứ sau giờ thời sự là mỗi người một tờ báo và ngồi bất cứ chỗ nào. Tụi em thèm báo lắm. Cầm tờ báo là “ghiền” từng chữ. Nhưng chúng em thích nhất là tờ Quân đội nhân dân. Vì nội dung tin đa dạng, chữ rõ ràng, cách trình bày dễ hiểu, ai cũng đọc được. Và điều quan trọng nữa là đọc “báo lính” có chỗ nào không hiểu đã có ba Nga giảng giải. Không những thanh niên dưới xuôi lên thích đọc báo của ba Nga mà đồng bào ở gần đấy cũng thường đến để nghe “cái báo của ba Nga nói gì”. Nhiều hôm trông ba như một nhà giáo dạy đồng bào cách làm ăn, cách nuôi dạy con cái, lối sống hợp vệ sinh v.v.. Những ngày trời mưa, đất đỏ bám cả vào chân người đến đọc báo, họ mang hết vào nhà. Ba Nga vẫn vui vẻ mời mọi người uống nước, xem ti-vi và đọc báo. Dường như đối với ba Nga, mọi người đọc báo là điều ba mong muốn nhất.

Tôi hỏi anh Dương: - Sau khi đọc báo xong, anh có thu lượm được nhiều không?

- Nhiều chứ! Ví dụ như rút ra một số kinh nghiệm trong cuộc sống, nắm được tin tức. Nhưng với chúng tôi, quan trọng nhất là báo đã nêu những tấm gương điển hình và cách làm chắc chắn của họ. Thấy cách nào phù hợp với điều kiện của làng là chúng tôi áp dụng ngay. Ba Nga ngoài việc mang báo lên cũng xắn tay tích cực làm theo báo.

Phía ngoài sân, nơi các bác cựu chiến binh đang quây quần bên ấm trà, một tràng cười sảng khoái vang lên. Bác Huỳnh Nhất Thống, người có bộ râu tóc bạc phơ, vung tay chém mạnh: “Hay lắm! Mấy thằng buôn ma túy này phải bắn hết. Chú Nga lên trên đó chớ để mấy đứa nghiện ngập đấy nhé”. Ông Nga cười rạng rỡ. Niềm vui của ông đang được nhân lên. Tôi rời căn nhà nhỏ số 54, đường Nguyễn Chánh, với lời hứa sẽ “vận động mọi người thường xuyên đọc báo để nâng cao hiểu biết” theo tâm nguyện của ông.

NGUYỄN SỸ LONG