Trong những năm 3 nước Đông Dương kháng chiến chống Mỹ, ở vùng ngã ba biên giới có một nhà tư sản hoạt động. Hàng hóa của các thương nhân từ vùng Nam Lào, từ các tỉnh của Cam-pu-chia chảy về đồn Đôn Phầy gần biên giới để bán cho ông chủ. Đồn Đôn Phầy gần như biệt lập với xung quanh vì không có đường bộ, còn đường thủy thì thác ghềnh chảy xiết. Vậy mà vùng “rốn” sốt rét ngã ba Đông Dương có đồn Đôn Phầy do tên Sun chỉ huy, trở thành “cầu nối” kéo nguồn hàng ùn ùn đổ về đây, nhất là khi ông chủ cho khai thông đường thủy và mở cả những con đường bộ. Rồi “ông chủ ba” của công ty Quách An cũng dẫn đoàn tư sản người gốc Hoa từ Phnôm Pênh lên tận Đôn Phầy trao đổi việc làm ăn với “Ông chủ lớn”.
“Ông chủ lớn” đó chính là Binh trạm trưởng Nguyễn Đức Phương, quê ở Thái Nguyên. Còn vợ ông, bà “chủ hiệu buôn lớn ở Sầm Nưa” thực ra là bà Lưu Thị Kim Thu, một phụ nữ người dân tộc Sán Dìu, vẫn sống ở quê chứ có biết gì chuyện buôn bán... Sau ngày cưới mấy hôm thì ông nhận nhiệm vụ lên đường đi B (vào miền Nam), từ đó vài ba năm ông bà mới có dịp gặp nhau mấy hôm, lúc thì tại Trạm 66 (Hà Nội), khi ở một nhà khách của một tỉnh, nhờ xe đơn vị chở đến nơi hẹn. Còn lương đi B của ông, bà phải lên Thành đội Thái Nguyên để nhận...
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm vợ chồng Đại tá Nguyễn Đức Phương (người thứ hai và ba từ bên trái) tại nhà riêng. |
Tháng 7-1963, ông trở thành Đoàn trưởng 763 hành quân sang Nam Lào để tạo nguồn lương thự-thực phẩm dự trữ cho cho bộ đội từ miền Bắc vào Nam đánh Mỹ. Đây là một nhiệm vụ mới và rất quan trọng, nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành trọn cả ngày trực tiếp trao đổi công việc với đoàn. Ngày ấy, trước khi lên đường, ông có một yêu cầu là xin Bộ Quốc phòng cấp cho 10kg hạt giống, cùng ba chục con dao rựa để tới vùng ngã ba biên giới cắm trại, làm căn cứ, tổ chức tăng gia sản xuất tự túc... Dừng chân ở vùng A-tô-pư (Lào), được bạn tận tình giúp đỡ, cuối năm ấy đoàn đã gây dựng thu gom được hơn 100 tấn thóc...
Để thu gom được nhiều hàng, ông đưa cán bộ đi sâu vào các vùng địch chiếm đóng để khơi nguồn. Tại thị trấn Pắc Xế, anh em móc nối được với em gái của Hoàng thân Bun Ùm là vợ của Phó tư lệnh quân khu Khăm Lượn. Có thế lực lớn, bà ta dùng cả lính chở hàng đến những địa điểm giao hàng theo yêu cầu của ta. Việc buôn bán thuận lợi, nên ngày càng thu gom được rất nhiều hàng...
Để tránh địch thăm dò nhằm phát hiện lực lượng của ta, “Ông chủ” xin ý kiến cấp trên rồi “lật cánh” mở rộng hướng buôn bán sang Cam-pu-chia. Đầu năm 1964, đơn vị Ấp 97 ra đời (về sau mang bí số K20) hoạt động trên tuyến đường số 4-C4. “Ông chủ” cho quân hạ trại ở vùng ngã ba biên giới Đông Dương nổi tiếng là cái “rốn” sốt rét, chỉ cách đồn Đôn Phầy chừng 3km. Anh em hạ trại là bắt tay ngay vào tăng gia sản xuất tại chỗ, đánh bắt cá ngoài suối... nên cải thiện được đời sống và bảo đảm sức khoẻ để hoạt động. Rồi ông thường cho nữ y tá Thục Oanh làm “công tác dân vận” thăm khám, chữa bệnh không chỉ cho bà con mà cả quan quân ở địa phương. Ngày Tết của bà con thì ông cho mời các trưởng bản đến dự, cho mang gạo vào tặng các gia đình nghèo. Dịp Tết của Việt Nam thì cứ mỗi ca nô chở hàng lên được biếu lại số bánh chưng bằng số người trong gia đình họ mà ta đã biết rõ... Nhờ đó, tiếng tăm của “Ông chủ” ngày càng đồn xa, hàng chảy về càng nhiều. Để có nhiều tiền mua hàng, “Ông chủ hai” là Hoàng Cao, “Ông chủ ba” là Kim Sinh của Đoàn 17 Cục hậu cần B2 là đơn vị được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ giữ tài khoản của K20 cung cấp; còn Đặng Doãn Duy (sau này là đại tá, nhà ở đường Lạc Long Quân-Hà Nội) là đại đội trưởng đơn vị tiếp nhận hàng... tiền (đô-la) theo đường hàng không từ Hà Nội hoặc Quảng Châu (Trung Quốc) theo đường Phnôm Pênh về cung cấp cho K20... “Ông chủ lớn” móc nối với đồn trưởng Sun, rồi đàm phán với quan huyện Xtung-treng mở đường vận chuyển. Con đường bộ dài 60km nối liền Xiêng Pạng với Đôn Phầy được khai thông do chính “cu-li” của ông chủ làm; đường sông cũng được mở để ca nô chở hàng ngược lên. Từ đó, mỗi ngày ông nhận được 40-50 tấn hàng; mỗi năm tuyến C4 thu gom được cả vạn tấn hàng, đủ cả thuốc chữa bệnh, văn phòng phẩm cho đến dao, cuốc... cung cấp cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận Tây Nguyên và một phần Nam Bộ. Rồi đồn trưởng Sun và vợ chồng tên quan tư công binh Xi-mía móc nối làm ăn với các tướng, tá ngụy Sài Gòn, mua giúp mặt hàng chiến lược xăng, dầu cho “ông chủ”, còn ông cũng cho người sang tận Thái Lan để mua chuyển về. Không những thế, qua K20 ta còn vận chuyển được cả mặt hàng đặc biệt (tên lửa vác vai) từ miền Bắc vào tận chiến trường Nam Bộ; đưa đón nhiều đoàn bộ đội đặc công đi vào mặt trận, cán bộ cao cấp ra Bắc công tác...
Nhưng sau đó, vận chuyển ngày càng khó khăn do máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, và “Ông chủ” bị thương do dính bom bi của Mỹ trong một lần ngồi thuyền đi chỉ đạo việc vận chuyển hàng. Mãi sau ngày bị ốm nặng, “Ông chủ” mới ra Hà Nội trị bệnh, khi đó trong cơ thể ông còn hơn chục viên bi từ quả bom của Mỹ. Cho đến tuổi xấp xỉ cổ lai hy, “nhà tư sản cỡ bự” - Ông chủ lớn về nghỉ hưu với quân hàm đại tá lại từ chối nhận nhà ở được cấp tại Hà Nội để về sống với vợ con ở Quán Triều. Và với hai chiếc lưỡi rìu mang về sau chuyến đi nước ngoài, Đại tá Đức Phương trở thành ông chủ lớn thực sự khi cùng vợ con biến vùng đồi đất cằn đá sỏi thành vườn đồi-trang trại cây ăn quả và chăn nuôi nổi tiếng mà báo chí đã từng ngợi ca.
TRẦN NGUYÊN