Trong biển người đổ về Quảng Bình dự lễ viếng, truy điệu và an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi dễ dàng nhận ra những cựu chiến binh đến tiễn biệt người Anh Cả của quân đội ta. Những người lính cựu đủ các thế hệ, chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, đủ các sắc áo của các quân binh chủng, ngực lấp lánh huân chương, đi giữa dòng người dài bất tận.

Triệu con tim cùng chung niềm tiếc thương, cùng chung một hướng tiễn đưa người ""Đại tướng của nhân dân"". Ảnh: Hải Lý

 

Để có mặt hôm nay, có đoàn đến trước vài ngày, có người đến sau nhưng ai nấy đều nóng lòng được vào viếng Đại tướng kính yêu. Vì đường sá xa xôi, hàng ngàn người ngoài tỉnh đến đưa tiễn, nơi ăn ở khó khăn, Hội CCB tỉnh Quảng Bình đã chủ động bố trí cán bộ đón và hướng dẫn nơi ở, đăng ký danh sách các đoàn để Ban tổ chức lễ tang của tỉnh sắp xếp vị trí viếng và truy điệu Đại tướng.

Được giao nhiệm vụ trực tiếp đón các đoàn CCB ngoài tỉnh về Quảng Bình dự lễ, chúng tôi có nhiều cảm xúc khi chứng kiến những tình cảm vô bờ bến của nhân dân cả nước, cả tỉnh, trong đó có hàng vạn CCB đã đến quê hương Đại tướng để tham gia từ lễ viếng đến khi an táng ở Núi Rồng. Có người đi ô tô theo đoàn, có người đi tàu hỏa, lại có người tự đi xe máy hàng trăm cây số, không tự đi dược thì bảo con cháu chở đi. Có người là Anh hùng LLVT và cũng có nhiều người là chiến sỹ bình thường một thời quân ngũ. Trong màn mưa trắng trời đất Quảng, những người lính Cụ Hồ đã kiên nhẫn hàng tiếng đồng hồ, đội mưa chờ đến lượt vào viếng và dự lễ truy điệu Đại tướng, để rồi sau đó lại dãi nắng chờ nhiều giờ nữa ở khu vực sân bay Đồng Hới để mong chờ giây phút máy bay hạ cánh, đưa tiễn Người ra Vũng Chùa.

Trong các đoàn CCB ngoại tỉnh đến Quảng Bình tiễn đưa Đại tướng, có đoàn chỉ một vài cán bộ đại diện, nhưng cũng có đoàn ""hành quân"" gần đến trăm người, quân phục chỉnh tề, thuê nhiều xe ô tô về Quảng Bình để viếng Đại tướng. Chúng tôi thật sự xúc động khi gặp đoàn CCB Bộ đội Trường Sơn huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, một huyện miền núi xa xôi, đường sá rất khó khăn nhưng đã tập hợp nhiều CCB, trong đó có một số người dân tộc thiểu số, đã lặn lội hàng trăm cây số để được về gần Đại tướng trong giờ phút cuối cùng Người đi xa. Trong dòng người, dòng xe chật như nêm suốt hàng chục cây số từ Đồng Hới đến Vũng Chùa, tôi may mắn được gặp lại người thủ trưởng cũ của mình, đại tá Tống Viết Giao, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật QK4. Đại tá nay đã 88 tuổi và đang nghỉ hưu ở Nghệ An, ông không muốn xem truyền hình trực tiếp, bảo con cháu chở vào Quảng Bình để tiễn đưa Đại tướng, thần tượng của ông thời chống Pháp.

Ấn tượng nhất với chúng tôi là đoàn CCB tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài 12  cán bộ của Tỉnh hội do đồng chí Hoàng Đức làm trưởng đoàn, còn có 80 cán bộ, hội viên CCB của Hội CCB các Trường Đại học, Hội CCB của sĩ quan qua các thời kỳ, CCB quân tình nguyện Việt- Lào…Trong đó có đoàn CCB Chiến sỹ Điện Biên của Thừa Thiên Huế cũng có mặt. Những người lính của Đại tướng năm xưa đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, nay tuổi đã già, sức khỏe yếu, vẫn dành hết tâm huyết và lòng tôn kính để làm một bức trướng to, có thêu lô gô chiến thắng Điện Biên, dâng lên bàn thờ Đại tướng. Chứng kiến cảnh những người lính già tuổi xấp xỉ 90, mắt mờ chân chậm, huân chương đỏ ngực, nhờ người dìu lên vái lạy người chỉ huy tài ba của mình, không ai kìm được nước mắt.

Những ngày Quốc tang, chúng tôi đã chứng kiến tình cảm vô bờ bến của đồng bào nói chung, của lực lượng CCB cả nước nói riêng đối với Đại tướng muôn vàn kính yêu. Ở đây cũng đã thể hiện sự đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ chí tình của những người lính cựu ""chủ nhà"" đối với đồng đội ở khắp mọi miền Tổ quốc về Quảng Bình trong những ngày Quốc tang. Mặc dù Quảng Bình vừa trải qua cơn siêu bão khủng khiếp, hậu quả để lại còn nặng nề nhưng tấm lòng của đồng bào và cán bộ, hội viên CCB Quảng Bình đã để lại ấn tượng đẹp với CCB nhiều tỉnh trong cả nước.

XUÂN VUI