“Anh nhớ thương! Giờ này anh ở đâu? Anh đang hành quân trên đoạn đường nào? Chắc là xa, xa lắm! Làm sao em đo được quãng đường từ nơi em đến nơi anh? Thương anh, nhớ anh, nhiều lúc cứ đầy lên!".

Đó là những dòng thư của người vợ gửi từ hậu phương ra tiền tuyến cho anh chiến sĩ cao xạ Lưu Trọng Lân 35 năm trước...

Hai lần viết đơn nhập ngũ

Trung tá, CCB Lưu Trọng Lân hiện nay là Trưởng ban liên lạc truyền thống Trung đoàn cao xạ 367. Ông không chỉ là một nhân chứng sống đã từng chiến đấu trong đội hình Trung đoàn cao xạ 367, mà còn là một cây viết tâm huyết, tái tạo lại cuộc chiến đấu kiên cường của bộ đội cao xạ tại chiến trường oanh liệt khi xưa...

Ông kể: “Khi đang học năm thứ 2 Trường Quốc học Huế, tôi đã được đọc bài thơ “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu do các học sinh bí mật chép lại. Chất lửa của bài thơ đã thúc giục tôi tham gia cách mạng, bắt đầu từ việc cùng với các anh chị học sinh yêu nước đi phục kích toán lính Nhật đi tuần ở Bến Ngự...”.

Tháng 8-1945, tròn 15 tuổi, ông Lân được bầu làm Đội trưởng thiếu niên tiền phong của xã, tham gia giành chính quyền. Ông chính thức bước vào quân đội tháng 3-1950 với lá đơn xin nhập ngũ dài hơn 10 trang giấy.

Do có trình độ học vấn, khi quân đội thành lập Trung đoàn cao xạ 367 vào năm 1953, ông được cử sang Trung Quốc học lớp sĩ quan pháo cao xạ đầu tiên. Cuối năm 1953, đơn vị ông được lệnh hành quân về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Kỷ niệm sâu sắc nhất với ông chính là việc kéo pháo vào, kéo pháo ra bằng tay qua các đèo cao, vực sâu giữa mùa đông giá rét. Lúc ấy tư tưởng của ông và các chiến sĩ muốn "đánh nhanh, thắng nhanh". Mãi sau này, ông mới hiểu quyết định chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng sáng suốt để đem đến thắng lợi cho ta trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Tháng 10-1960, Thượng úy Lưu Trọng Lân rời quân ngũ, chuyển ngành sang Bộ Văn hóa. Gia đình của ông sống hạnh phúc trong căn hộ tập thể nhỏ ở khu phố Hai Bà Trưng. Nhưng rồi ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ dựng nên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” để leo thang đánh phá miền Bắc. Ông lại một lần nữa làm đơn tình nguyện tái ngũ và được bổ nhiệm chỉ huy một tiểu đoàn cao xạ 37mm.

Những lá thư thời chiến...

Trong những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn, những lá thư là sợi dây nối liền tình cảm cháy bỏng của vợ chồng người lính cao xạ Lưu Trọng Lân. Ông đã viết hàng trăm lá thư cho vợ và ngược lại, bà Phạm Thị Lan Hồng cũng viết hàng trăm lá thư động viên chồng nơi tiền tuyến. Đến thăm ông những ngày này, chúng tôi được xem lại những lá thư tình yêu thời chiến của ông bà

Khi ông Lân đi chiến trường, bà Lan Hồng đã viết : “Anh nhớ thương! Giờ này anh ở đâu? Anh đang hành quân trên đoạn đường nào? Chắc là xa, xa lắm! Làm sao em đo được quãng đường từ nơi em đến nơi anh? Thương anh, nhớ anh, nhiều lúc cứ đầy lên!

Anh ơi! Những lúc đi đường, em hay nhìn vào những trận địa phòng không, nơi có những nòng pháo cao xạ hướng lên bầu trời. Em thấy các anh pháo thủ, đội mũ sắt vẫn ngồi trực ban. Xung quanh trận địa là những lều bạt thấp lè tè. Em lại liên tưởng đến anh, hình dung cuộc sống và chiến đấu của anh, trên một ngọn đồi nào đó, cũng trong một mái lều hầm hập nóng và trên một trận địa nắng chói chang, mà cảm thấy thương anh quá chừng…”.

Ông viết thư trả lời: “Anh cũng vậy. Nhớ và thương em vô cùng. Không quân Mỹ đã leo thang đến phía Nam Hà Nội và có khả năng còn leo cao hơn nữa. Em và hai con có đi sơ tán không? Việc học hành của hai con ra sao? Còn anh, anh không thể nào cho em biết hiện đơn vị đang đóng quân ở đâu, ngoài số hiệu hòm thư luôn thay đổi...

Hiện nay, anh đang ở Trường Sơn Tây, nơi mà em vẫn thường nghe câu hát: “nước khe cạn bướm bay lèn đá”. Nhiệm vụ của đơn vị anh ở đây là tích cực đánh máy bay Mỹ để bảo vệ cho công binh và thanh niên xung phong làm đường, sửa đường, bảo vệ những đoàn xe vượt qua trọng điểm. Em ơi! Chiến đấu tuy căng thẳng, nhưng trong những lúc nghỉ ngơi, đầu óc anh luôn nghĩ về em và hai con…”.

Những lá thư tình thời chiến đã động viên người hậu phương cố gắng xứng đáng với người ra trận: “ Anh mừng cho em đi! Xa anh bao năm tháng, để xứng đáng với anh, em đã phấn đấu trở thành đảng viên của Đảng. Em đã cố gắng theo học bổ túc văn hóa để từ lớp 5 đến tốt nghiệp lớp 10. Bốn năm liền em đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua…”.

Còn người chiến sĩ cao xạ trên chiến trường quyết tâm thi đua cùng vợ: “Anh cũng có tin vui báo về em đây: trong 3 tháng qua, Sư đoàn anh đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên mở đầu mùa khô 1971-1972 của Đoàn 559; bắn rơi chiếc đầu tiên kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; bắn rơi chiếc đầu tiên trong chiến dịch vận chuyển mang tên Đồng Xoài, cũng là chiếc đầu tiên mở đầu năm mới 1972 trên toàn tuyến Trường Sơn”.

Cho chúng tôi xem thư ông tâm sự: Nỗi niềm của vợ chồng người lính, qua những lá thư đi về trong hơn mười năm đã góp phần không nhỏ cho tinh thần lạc quan của ông nơi chiến trường.

Người viết chuyện... “canh trời”

Ngồi mân mê những bản thảo dày cộm, ông Lân bảo: “Năm 1980, tôi về nghỉ hưu, nhưng vì “nợ nần” với quá khứ và trách nhiệm với các bạn hữu đã nằm trên chiến trường xưa, nên viết sách báo và tham gia các buổi giao lưu để tái hiện lại cuộc chiến đấu mà tôi và đồng đội đã được tham dự”.

Trong 5 năm, ông Lân đã viết và in 3 tác phẩm do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. Dịp kỷ niệm 40 năm Đoàn 559, ông viết và in cuốn sách “Ký ức đường Trường Sơn”; kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ông viết cuốn “Điện Biên Phủ trên không”. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã dồn tâm sức cho ra đời cuốn sách “Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ”. Cuốn sách đã ghi nhận và đánh giá công lao của bộ đội cao xạ non trẻ lập nên kỳ tích góp phần làm nên “Chiến thắng lừng lẫy năm châu”. Mới đây nhất, Lưu Trọng Lân tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Một chuyến tàu đêm”, dày 500 trang tập hợp các bài viết của ông trên các báo Trung ương và địa phương. Không chỉ viết sách, mà ông còn thường xuyên đi nói chuyện với các đơn vị, các cháu thiếu nhi về những chiến công của bộ đội cao xạ nói riêng và của Quân chủng Phòng không-Không quân nói chung.

“Ngoảnh nhìn lại quãng đời đã qua, tôi cảm thấy rất đỗi tự hào vì mình đã được là người chiến sĩ suốt trong hai cuộc kháng chiến, đã cống hiến tuổi thanh xuân và cả tuổi trung niên cho sự nghiệp giải phóng đất nước” - ông Lân tâm sự.

Bài và ảnh: ĐOÀN HOÀI TRUNG