QĐND - 6 giờ 30 phút tối 4-10, nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, tôi nhấc máy điện thoại gọi cho anh Nam, con trai út của Đại tướng. Chuông đổ, có tiếng người ồn ào phía bên kia đầu dây. Cụ đi rồi, anh Tuyển ạ! Từ mấy năm nay, có lẽ không riêng tôi, mà những ai quý trọng, quan tâm đến sức khỏe của vị Đại tướng huyền thoại, lừng danh này đều chuẩn bị cho mình cái phút giây đau thương ấy - ngày Đại tướng về với Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng khác...
Nhưng tối nay, tin ấy đến, tôi bàng hoàng như đang bay trên mây. Tôi không có may mắn được sống gần Đại tướng. Nhưng mỗi lần gặp Cụ, được tận mắt chứng kiến tình cảm của những người lính Bộ đội Cụ Hồ dành cho Cụ, tôi có cảm giác Đại tướng như một Tiên ông giáng thế, một con người bước ra từ huyền thoại.
Một người lính làm nên huyền thoại
Vào dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại khu nhà khách của Văn phòng Trung ương Đảng ở TP Hồ Chí Minh đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ thật cảm động. Các thế hệ người lính Bộ đội Cụ Hồ từ khắp nơi về chúc thọ Đại tướng; bày tỏ tình cảm của mình với vị Tổng tư lệnh lừng danh, gắn liền với hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc.
Trong dòng người ấy, tôi chú ý đến một người lính già - Đại tá Lê Kích. Ông là một trong những người tham gia Đội du kích Ba Tơ trên đất Quảng Ngãi anh hùng và may mắn nhiều lần được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ. Đang điều trị tại Bệnh viện quân y 175, nghe tin Đại tướng vào TP Hồ Chí Minh, ông Lê Kích gọi xe ôm lên thăm Đại tướng. Gặp lại người cán bộ cũ, Đại tướng rất vui. Cụ dành cho Đại tá Lê Kích sự ưu ái đặc biệt, nói chuyện với ông hơn một giờ đồng hồ.
Ông Lê Kích đã chuẩn bị cho mình nhiều điều muốn bày tỏ cùng Đại tướng. Nhưng khi gặp vị Tổng tư lệnh mà mình hằng ngưỡng mộ, kính trọng, ông không nói nên lời. Những giọt nước mắt hiếm hoi của vị đại tá già, đã từng xông pha trận mạc khắp các chiến trường ba nước Đông Dương cứ thế trào ra. Ông khóc như chưa bao giờ được khóc. Giọng Đại tướng ấm áp, vỗ về:
- Tôi luôn nhớ Lê Kích. Nhưng gần đây không biết đồng chí đang ở đâu? Bây giờ gặp lại, thấy Lê Kích vẫn còn minh mẫn, tôi mừng lắm!
Nhìn sang bà Đặng Thị Bích Hà, người vợ thân yêu của mình, Đại tướng nói:
- Tôi đã nhiều lần trực tiếp giao nhiệm vụ cho Lê Kích, nhưng tôi nhớ nhất là 436. Lúc đó, vấn đề này có liên quan đến việc phân tán lực lượng của Na-va. Na-va tập trung 40 tiểu đoàn ở Đồng bằng Bắc Bộ. Ta phải kéo địch ra khỏi sào huyệt của chúng. Bộ Tổng tư lệnh nhận định, hai hướng quan trọng là Trung Lào và Hạ Lào. Trung Lào đã có Trần Sâm. Hạ Lào tôi chọn Lê Kích. Tôi gặp Lê Kích và bảo anh phải tổ chức một tiểu đoàn, có máy liên lạc nhưng không được phát sóng. Khi Lê Kích chọn 436, tôi xuống tận nơi kiểm tra. Tôi chọn Lê Kích chỉ huy mũi thọc sâu này, vì biết anh là người kiên quyết, biết xung trận lúc nào để giành thắng lợi cao nhất. Tôi nói với Lê Kích, hướng này địch hoàn toàn bất ngờ. Ta đánh trong thế địch không ngờ tới. Đến khi tôi nhận được điện của Lê Kích thì đơn vị của anh đã giải phóng xong Mường Mày, một tỉnh lỵ lớn của Nam Lào. Bản thân tôi cũng chưa dám chắc rằng giải phóng hoàn toàn được Mường Mày và các tỉnh lỵ khác. Thế mà Lê Kích làm được.
Ngừng một lát, giọng Đại tướng hào sảng:
- Và, như thế, có thể nói, Lê Kích là một con người của dân tộc Việt Nam hết mực phụng sự Tổ quốc, dân tộc mình; một đảng viên cộng sản luôn vượt khó khăn làm được những việc mà tưởng như không làm được. Dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ đã làm nên những việc mà người ta cho rằng có thể không làm được, coi như đó là một huyền thoại. Lê Kích cũng là một trong số con người ấy - người lính Bộ đội Cụ Hồ làm nên huyền thoại.
Đến đây thì Đại tá Lê Kích không kìm được sự xúc động nữa. Ông như muốn ngã vào vòng tay thân yêu, ấm áp của vị Tổng tư lệnh tối cao của mình. Ông không thể ngờ rằng, trăm công nghìn việc, chỉ huy bao nhiêu chiến dịch, hoạch định bao nhiêu chiến lược mà đến tuổi cửu thập, Đại tướng vẫn còn nhớ về ông như thế. Thật là một phần thưởng, hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời quân ngũ của ông.
Lá thư khóc Đại tướng
Mấy năm trước, nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào tuổi 100, tôi nhận được bức thư của một vị tướng gửi từ Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). Vị tướng ấy nói rằng, tuổi cao, bệnh nặng, không biết có còn sống đến ngày vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng nên ông đã viết một lá thư khóc Đại tướng và nhờ chuyển đến các cơ quan chức năng kiến nghị tôn vinh vị Tổng tư lệnh đầu tiên của quân đội ta. Vị tướng ấy là Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (Ba Cung), nguyên Phó tư lệnh Mặt trận 779 trong những năm làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Cam-pu-chia anh em.
Vài ngày sau, tuy đang rất mệt, từ bệnh viện, ông Ba Cung đi xe ôm đến gặp tôi ở cơ quan.
Giọng ông như đứt ra từng đoạn:
- Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tuổi hơn tôi rất nhiều. Nhưng bệnh tôi nặng lắm, sắp phải ra đi. Tôi e ngày anh Văn đi theo Bác Hồ, tôi không còn nữa. Tôi gửi thư này nhờ các đồng chí chuyển giúp. Anh Văn là một vị tướng huyền thoại. Cả cuộc đời của anh hy sinh cho dân, cho nước, cho quân đội ta...
Điều chúng ta không bao giờ muốn đã đến. Đại tướng đã yên giấc ngàn thu. Những người lính chiến của Cụ như Đại tá Lê Kích, Thiếu tướng Phùng Đình Ấm… cũng đã ra đi trước đó. Giờ đây, các ông lại tiếp tục được sát cánh cùng vị Tổng tư lệnh tối cao - vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
TRẦN THẾ TUYỂN
(TP Hồ Chí Minh, đêm 4-10-2013)
Nhà sử học người Mỹ: “Tướng Giáp là một nhân vật kiệt xuất”
Đại tướng gặp nhân dân, nhân dân gặp Đại tướng
Tóm tắt tiểu sử đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thông báo lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thông cáo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
Những hình ảnh xúc động về vị “Đại tướng của nhân dân”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một thế kỷ - một đời người
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh hùng của nền độc lập dân tộc Việt Nam
Nguyên Giáp – Nhà báo trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương
Vị tướng của hòa bình