Nhiều năm trước có một họa sĩ-người lính Lê Trí Dũng rong ruổi trên đường hành quân, đi cheo leo giữa cái sống và cái chết nơi Cổ Thành Quảng Trị, qua những đợt B52 rải thảm mà mảnh bom bay sàn sạt quanh mình... Ra khỏi cuộc chiến khốc liệt với niềm hạnh phúc là còn sống, Lê Trí Dũng quay trở lại với giá vẽ, cái nghiệp của cuộc đời...

Nhưng không phải bất cứ ý tưởng, suy nghĩ nào người họa sĩ cũng đưa được lên tranh. Với Lê Trí Dũng cũng vậy. Và anh đã có một lựa chọn: viết.

Viết ra những dòng cảm xúc không phải là dễ dàng đối với họa sĩ, những người coi tranh là tiếng nói của chính mình. Có họa sĩ từng thổ lộ, "họa sĩ vẽ thạo chứ viết được một câu văn khó khăn lắm". Lê Trí Dũng là trường hợp ngoại lệ. 27 câu chuyện trong cuốn Tạp văn "Những hòn cuội nhặt dọc đường hành quân" (NXB kỹ thuật, Hà Nội 2006) gắn chặt với những kỷ niệm thân thiết, những vui buồn trên đường hành quân, cả những trải nghiệm thời bình của người họa sĩ một thời khoác áo lính Lê Trí Dũng. Giọng văn của anh giản dị, chân thực, chất chứa đầy cảm xúc. Dưới ngòi bút của Lê Trí Dũng, những kỷ niệm, những hình bóng bạn bè ùa về sống động. Đó là những người đồng đội học cùng trường Cao đẳng Nghệ thuật Việt Nam đã anh dũng chiến đấu trên chiến trường, có người đã phải bỏ mình nơi mặt trận như Hoàng Thượng Lân, Nguyễn Quang Việt, Hoàng Tích Minh. Đó là anh bạn nhà văn Hòa Vang mà trận chiến tại Cổ Thành không giết chết được nhưng căn bệnh nan y lại bắt anh gục ngã. Đó là người bà, người cha đã tiếp sức, rèn luyện tính cam đảm, biết vượt lên chính mình cho Lê Trí Dũng. Bà đã dạy cho người cháu cách yêu thương con người, lòng nhân ái, sự sẻ chia khi cho những người ăn mày vài bát cơm, vài hào mọn thường nhủ: "Ăn mày là ai, ăn mày là ta, đói cơm rách áo mới ra ăn mày". Mỗi lúc gian nan, nguy hiểm của cuộc đời, hình ảnh người bà hiện về trong ký ức khiến Lê Trí Dũng bình tâm trở lại.

Rồi những kỷ niệm khó quên về 3 lần gặp vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp-một con người văn võ song toàn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã truyền sức mạnh, lòng tin cho những người lính chỉ bằng một cử chỉ đầy tôn trọng khi Đại tướng đứng nghiêm chào một binh nhì trước giờ xuất trận.

Cả những thời khắc đầy hào hùng trên chiến trường Thành Cổ...

Qua những trang viết của Lê Trí Dũng, người đọc không chỉ sống trong những kỷ niệm xưa cũ, những nỗi niềm về sự đời mà còn cùng anh trải nghiệm những lo âu, trằn trọc, những phút thăng hoa của các họa sĩ để tạo nên một tác phẩm hội họa có hồn: Ngẫm về nó, Lê Trí Dũng mừng nhiều mà đau cũng không ít.

Thời cuộc đã đổi thay so với những ngày người lính đêm đắp chung chăn, cùng nhau sống chết. Trước mặt giờ là sự xô bồ của cuộc sống, sự vận động không ngừng để mưu cầu hạnh phúc sau thời chiến đầy hào hùng. Trong cái đời sống tất tả, vội vã ấy, chẳng phải ai cũng lại một lần nữa sống sót như thời chiến tranh. Bằng những "hòn cuội" mang đậm chất công dân, dường như Lê Trí Dũng muốn ném xuống, muốn khuấy động cái mặt phẳng cảm xúc đã phần nào trơ lỳ đi trong tâm hồn của một số người, trong đời sống bộn bề của thời kỳ hậu chiến. Ấn chứa trong đó là cả nỗi khắc khoải trước những vẻ đẹp đang dần phôi pha.

Chứng kiến cảnh những người bạn vẽ vội, chép vội chỉ vì mưu sinh khiến những tác phẩm nhiều khi vô hồn, mất đi cái "thần" vốn có, lòng người họa sĩ không khỏi quặn đau. Họa sĩ phải cay đắng thừa nhận: "Thoát chết trong chiến tranh không dễ nhưng thoát chết trong hòa bình còn khó hơn nhiều!".

Lê Trí Dũng gọi những bài tạp văn của mình là những hòn cuội nhặt đọc đường hành quân, dù không nhiều nhưng cũng đủ giúp độc giả ngoại đạo hiểu thêm về hội họa, còn những người trong làng vẽ cùng chia sẻ những cảm nghĩ về "nghề".

Như lời tác giả tự sự: "Lắm lúc rong ruổi trên đường đời, bôn ba mọi miền đất nước, nhớ về đồng đội và những người thân đã cưu mang, nâng đỡ mình... thì chỉ có ngọn bút, con chữ mới "tốc họa" nổi luồng tư duy phi như ngựa chạy", với tập tạp văn này, dường như Lê Trí Dũng phần nào trả được món nợ nhân tính nóng lạnh mà anh đã nhận được trong cuộc đời. Những hòn-cuội-ký-ức của anh chính là phác thảo chân dung tự họa của một người lính cầm cọ, biết sống để yêu thương.

MAI HƯƠNG